Tập hợp các công trình điều tra cơ bản động vật học ở Việt Nam, từ năm 1957 đến 1980 gồm 9 công trình của Giáo sư Đào Văn Tiến, nổi bật là: Khảo sát thú miền Bắc Việt Nam (1969), Động vật học có xương sống (1971), Hỏi đáp về động vật (1973), cùng hơn 90 bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành ở trong và ngoài nước. Cụm công trình nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
Ở tuổi 20, với nhiệt tình say mê khoa học, đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, Giáo sư Đào Văn Tiến chọn phòng thí nghiệm sinh học và y học thực nghiệm, trường Cao đẳng khoa học Đông Dương để bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông trở thành nhà giáo vệ quốc đoàn, giảng dạy động vật học ở trường Quân y sĩ, trường Sư phạm cao cấp, khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Trở về Hà Nội năm 1955, ông lãnh trách nhiệm xây dựng Khoa Sinh học cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và bắt đầu xác định con đường nghiên cứu sinh học ở nước ta. Năm 1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước triển khai nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên và điều kiện thiên nhiên Việt Nam nhằm phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, dân sinh và quốc phòng. GS Đào Văn Tiến chủ trì phần điều tra cơ bản về khu hệ động vật. Đoàn điều tra liên hợp động vật ký sinh trùng sưu tầm tại 12 địa phương (Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình). Mỗi năm, đoàn khảo sát tại 2 đến 3 địa phương, mỗi địa phương khảo sát trong thời gian 20 ngày. Tham gia đoàn điều tra có các cán bộ Ủy ban Khoa học Nhà nước và trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Riêng ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đoàn điều tra động vật tiến hành trong 4 năm liên tiếp, mỗi năm 20 ngày ở các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên và Chi Nê, Hòa Bình giai đoạn 1959-1963. Có thể kể đến một số công trình là kết quả điều tra cơ bản của Giáo sư Đào Văn Tiến đã thực hiện như: Nghiên cứu động vật ở Thái Nguyên (1961); Bản báo cáo kết quả điều tra nguồn lợi thiên nhiên tỉnh Bắc Thái, giai đoạn 1966-1970…
Trong quá trình làm nghề, Giáo sư Đào Văn Tiến đã thực hiện hàng trăm chuyến khảo sát trên cả nước. Vào năm 1965, trong vai trò là Chủ nhiệm khoa Sinh học, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông chủ trì nghiên cứu điều tra cơ bản nguồn lợi thiên nhiên tỉnh Bắc Thái. Trong vòng 4 năm, hầu các bộ môn trong khoa đều tham gia, chủ lực là các bộ môn động vật không xương sống, động vật có xương sống, thổ nhưỡng, thực vật đại cương…Nhóm tiến hành điều tra dựa trên phương pháp quan sát trong thiên nhiên, sưu tầm các mẫu vật hoặc thực nghiệm ở hiện trường, điều tra tại chỗ, phỏng vấn nhân dân địa phương và phân tích các mẫu trong phòng thí nghiệm (lúc này sơ tán đặt tại xã Kỳ Phú, Đại Từ. Với việc khảo sát hơn 6000 tiêu bản của cả động vật và thực vật nhóm đã đạt được một số thành tựu, trong đó đã thống kê các loài có ý nghĩa với kinh tế từng địa phương, nghiên cứu các loài động vật có xương sống và không xương sống và đề xuất các biện pháp bảo vệ.
Kết quả nghiên cứu trong công trình “Điều tra cơ bản khu hệ động vật và ký sinh trùng miền Bắc Việt Nam” (1959-1963) là tiền đề để những năm sau đó, trong các chuyến khảo sát của mình, Giáo sư Đào Văn Tiến đã phát hiện và lập hồ sơ khoa học về nhiều loài thú ở Việt Nam. Ông đã cùng đoàn khảo sát ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc rồi các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai và Kon Tum… Giáo sư đã phát hiện, mô tả nhiều loài động vật mới như: Voọc Hà Tĩnh, Voọc mào…
Cuốn sách Khảo sát thú ở miền Bắc Việt Nam của Giáo sư Đào Văn Tiến xuất bản năm 1985 với 329 trang là kết quả khảo sát, sưu tầm các loài thú ở 12 tỉnh miền Bắc Việt Nam, bao gồm danh lục các loài thú miền Bắc, các đặc điểm chính của khu hệ thú, tính thích ứng địa lý, tính đa dạng, mật độ, sinh thái và sinh học…. Công trình này tập trung một phần quan trọng số liệu phân loại học, động vật địa lý học… Về mặt lý luận khoa học, công trình đã nêu được 129 loài và phân loài thú, trong đó có 8 loài và phân loài có ở miền Nam, lần đầu được phát hiện ở miền Bắc Trung Bộ và 5 dạng thú mới; 5 loài và phân loài có ở Đông Nam Á mới phát hiện ở Việt Nam. Công trình đã làm nổi bật đóng góp của Giáo sư Đào Văn Tiến trong việc quy vùng địa lý- động vật cho Việt Nam, một yếu tố quan trọng của việc quy vùng thiên nhiên, đóng góp tư liệu cho ngành sinh thái học nhiệt đới. Công trình đã nêu bật quan hệ động vật địa lý của khu hệ thú từng địa phương, cũng như của toàn miền Bắc với các khu hệ lân cận nhằm giúp cơ sở khoa học cho việc di nhập các loài thú ngoại lai khi cần thiết. Ngoài ra, công trình nêu các loài thú đặc sản và mật độ của một số loài ở địa phương, cũng như ở toàn miền nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho hợp lý hóa việc khai thác và bảo vệ các loài có ích và phòng trừ những loài có hại. Cuốn sách giúp ích cho các thầy giáo sinh học và các chuyên gia động vật học muốn tìm hiểu về tình hình khu hệ thú miền Bắc nước ta. Cuốn sách này cùng với cuốn Bước đầu xác định các loài thú ở miền Nam Việt Nam của Van Pennen (1969) được giới khoa học thừa nhận như là hai cuốn sách cơ bản nhất trong hệ thống các công trình nghiên cứu khu hệ thú Việt Nam cũng như khu hệ thú Đông Nam Á.
Trong tập hợp công trình của Giáo sư Đào Văn Tiến, không phải công trình nào cũng thuần khoa học mà còn có những phần là kiến thức phổ thông, được nhiều đối tượng bạn đọc đón nhận. Chẳng hạn, trong bộ sách ba tập Hỏi đáp về động vật của Giáo sư Đào Văn Tiến xuất bản vào các năm 1969, 1971, 1973, mỗi lứa tuổi đều tìm được những điều bổ ích và lý thú riêng. Những anh lính trẻ đọc để tìm hiểu tập tính "kỳ quặc” của những chú kỳ đà, cầy bay, cheo cheo, voọc quần đùi… mà họ thường gặp khi hành quân trên dãy Trường Sơn. Hay một em bé người Dao ở Cao Bằng từng kể trên báo Thiếu niên tiền phong rằng: nhờ đọc sách ông, cậu cảm thấy thương những chú cu cườm, sáo sậu, chích choè, chìa vôi…, và không còn nỡ đặt bẫy chim rừng như trước nữa. Nhà văn Đoàn Giỏi kể lại nổi bực dọc trước hàng nghìn câu hỏi hiếu kỳ hóc hiểm của đứa cháu nội quá tò mò: Buồn thay tôi chỉ là một nhà văn sơ thiển! Giá như tôi có được một phần nhỏ kiến thức của ông Đào Văn Tiến, nhà động vật học lỗi lạc đầu tiên thời thuộc Pháp, thì ắt con bé sẽ mê, sẽ phục ông nội nó phải biết!. Và khi nói chuyện với các cây bút trẻ về kinh nghiệm sáng tác của mình, nhà văn Tô Hoài, cho biết: Hiểu biết của tôi về động vật là nhờ đọc những bài viết của Giáo sư Đào Văn Tiến.
Giáo sư Đào Văn Tiến là người đầu tiên viết các khoá tra cứu phân loại các nhóm động vật: Ếch nhái, thằn lằn, rắn, rùa, cá sấu và chuột của Việt Nam. Ông đã viết hàng trăm bài báo về nguồn tài nguyên động vật hoang dã, sinh thái, sinh học, tập tính các loài động vật Việt Nam. Điểm lại gần 100 công trình đã công bố của Giáo sư Đào Văn Tiến, mới thấy ông là người bền bỉ, với việc công bố đều các công trình hàng năm, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh…
Giáo sư Đào Văn Tiến tâm niệm rằng : Sự nghiệp khoa học do chính bản thân mình làm nên bao giờ cũng vững chắc hơn sự nghiệp nhờ vào người khác. Vì thế, cái vốn quý nhất ông tặng cho các thế hệ nghiên cứu tiếp nối, các học trò của mình là nhân cách và phương pháp luận khoa học. Ông tha thiết mong mỏi trong nghiên cứu khoa học cần có tính kế thừa và truyền thống, nhưng phải được nuôi dưỡng bằng tính sáng tạo của các nhà khoa học.