Cha đẻ của 12 làng sinh thái
Ở Việt Nam, sau ngày đất nước thống nhất, nhờ những tiến bộ của ngành y tế cũng như mức sống được nâng cao, ngày càng có nhiều bậc cao niên chẳng những sống thọ, mà còn sống vui, sống khỏe, sống đẹp; ngoài tám – chín mươi, vẫn tỉnh táo, tiếp tục có đóng góp xứng đáng cho đời, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư sử học Trần Văn Giàu, Giáo sư toán học Nguyễn Thúc Hào, Nhà văn hóa Hữu Ngọc, cố Giáo sư giáo dục học Nguyễn Lân, cố Bác sĩ y khoa kiêm nhà sử học, nhà báo Nguyễn Khắc Viện…
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học lâm sinh Nguyễn Văn Trương là một người trong số các vị “đại lão” danh tiếng ấy.
Đầu xuân 2006, chúng tôi, những học trò cũ của thầy Trương ở Trường trung học Tân Dân, Nam Đàn, tề tựu đông đủ tại trụ sở Viện Kinh tế Sinh thái ở phố Lạc Trung, Hà Nội để chúc mừng thầy vừa được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, khi thầy đã 84 tuổi! Viện Kinh tế Sinh thái là viện dân lập đầu tiên ở Việt Nam do thầy sáng lập và làm viện trưởng ngay từ những ngày đầu.
Thầy cùng Viện đã xây dựng thành công 12 làng kinh tế sinh thái (gọi tắt là làng sinh thái) nằm rải rác khắp miền bắc và miền trung; trong số đó có làng ở quê hương Nguyễn Du; và làng ở quê hương Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh.
Mấy ông già về hưu định “bán da gấu” chăng?
Nhớ lại 16 năm về trước, vào đầu xuân 1990, GS Trương gửi đơn lên Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị cho phép thành lập Viện Kinh tế Sinh thái, viện dân lập đầu tiên ở nước ta, tập hợp khoảng 20 vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ đã… về hưu!
Bộ rất phân vân! Mà phân vân cũng phải. Bởi lẽ, vào thời điểm đó, viện dân lập là trường hợp chưa hề có tiền lệ. Hơn nữa, thầy Trương lại không phải là Đảng viên. Lúc bấy giờ, hầu như tất cả những ai đảm đương chức vụ từ phó viện trưởng hoặc phó vụ trưởng, phó cục trưởng trở lên đều phải là đảng viên cộng sản, và phải được Ban Tổ chức Trung ương Đảng duyệt y.
GS, TSKH Nguyễn Văn Trương, Viện trưởng Viện Kinh tế Sinh thái đồng thời kiêm chức Tổng Biên tập bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam đầu tiên.
Trí thức được xếp vào thành phần “tiểu tư sản”, bị coi là tầng lớp “lập trường không vững”, “dễ hoang mang dao động” do đó, khó được giao trọng trách, nhất là trong những lĩnh vực cần tiếp xúc với người nước ngoài! Viện trưởng mà không phải đảng viên, thì làm sao bảo đảm được “sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đổi của tổ chức đảng” cơ chứ?
Nhờ sự đổi mới tư duy mạnh mẽ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, Thủ tướng Chính phủ lúc ấy là ông Võ Văn Kiệt đã phá bỏ nếp nghĩ cũ kỹ, mạnh dạn cho phép thành lập Viện Kinh tế Sinh thái, và để cho Viện tự bầu chọn lấy viện trưởng là GS Nguyễn Văn Trương.
Năm ấy, GS Trương ngót nghét “thất thập cổ lai hy”. Có ông cán bộ lãnh đạo trẻ ở Bộ Khoa học và Công nghệ cười khẩy: Về hưu rồi, sức tàn lực kiệt, liệu các cụ có mơ tưởng viển vông “bán da gấu” không nhỉ?
Viện chẳng được bao cấp một xu nào! Mọi thứ đều phải tự… “xoay”! Nhưng, không được phép “xoay” một cách nhập nhằng mờ ám, mà phải bằng tài năng và uy tín của người trí thức thanh liêm. Cái khó chính là chỗ phải… thanh liêm!
Qua 16 năm, Viện đã giúp nông dân ta xây dựng được 12 làng sinh thái ở nhiều vùng thiên nhiên khắc nghiệt khác nhau: vùng đồi, vùng cát, vùng úng ngập nước mặn, vùng úng ngập nước ngọt; cho nhiều tộc người khác nhau: Kinh, Tày, Mường, Dao…
Nguyễn Văn Trương đỗ kỹ sư lâm nghiệp ở Đông Dương năm 1944, chỉ vài khóa sau ông Cù Huy Cận (ông Cận được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Nông – Lâm ngay sau khi cách mạng mới thành công, năm 1945).
Năm 1976, kỹ sư Trương bảo vệ luận án tiến sĩ (PhD) tại Hà Nội, và hai năm sau, bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học (Doctor of Science) tại Dresden, CHDC Đức cũ. Ông quen dùng các thứ tiếng Đức, Anh, Nga, Hán; và thông thạo tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Chính vì hiểu biết rộng, có học vị cao, lại giỏi nhiều ngoại ngữ, cho nên GS Trương mới được Chính phủ ta bổ nhiệm làm Tổng Biên tập bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam đầu tiên.
Phải trả lời bằng văn bản 25 câu hỏi, có đoạn trả lời dài tới 4 – 5 trang, với thứ tiếng Pháp chính xác, nhuần nhị, GS Trương mới thuyết phục được Uỷ ban Công giáo chống đói nghèo và vì phát triển (Comité Catholique contre la Faim et pour le Développement – CCDP) của Pháp cấp cho một dự án 25 nghìn đô-la Mỹ. Viện chỉ giữ lại 30% làm kinh phí hoạt động như: thuê trụ sở, sắm máy tính, trả lương cho các kỹ sư, cán bộ trẻ cơ hữu… Còn lại 70% – một tỷ lệ cao hơn CCFD mong đợi – đưa về làng, công khai trao tận tay từng hộ tham gia dự án. Dự án đầu tiên được thực thi, CCFD cử người sang tận nơi kiểm tra, thấy kết quả rất tốt, thế là từ đấy, các dự án khác do Viện đề xuất, được họ đáp ứng rất nhanh.
Viện cũng bắt đầu nhận được tài trợ của một số tổ chức phi chính phủ khác như: Liên hiệp quốc tế bảo tồn thiên nhiên (International Union for Conservation of Nature/ IUCN), Hiệp hội quốc tế vận động nông nghiệp hữu cơ (International Federation of Organic Agriculture Movements/ IFOAM)…
Làm ăn có hiệu quả, Viện tự sắm được ôtô con để chủ động đưa cán bộ đi công tác miền núi, nông thôn.
GS, TSKH Nguyễn Văn Trương thăm làng sinh thái Thạch Văn, Thạch Hà, Hà Tĩnh.
Đảm đương trọng trách, thế nhưng, suốt 16 năm, Viện trưởng Trương chưa hề nhận… một đồng xu lương nào… của Viện! Là “ông đồ Nghệ” ở quê hương “cá gỗ”, ông quen sống tằn tiện bằng đồng lương hưu ít ỏi của chính mình.
Làng sinh thái trên quê hương Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh
Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ rõ một ngày giữa hạ trời nắng chói chang, tôi theo bước GS Trương về Nam Thượng, một xã vùng đồi ở Nam Đàn, Nghệ An, giúp xây dựng làng sinh thái tại thôn Thượng Cồn. Viện vừa được CCFD giải ngân cho một dự án 30 nghìn euro.
Nam Thượng nằm ở phía bắc thị trấn Sa Nam. Quê GS Trương cũng như quê tôi đều ở Nam Đàn. Thuở nhỏ, tôi từng nghe câu hát phường vải:
Sa Nam trên chợ dưới đò
Bánh đúc hai dãy, thịt bò mê thiên…
Cảnh sắc thiên nhiên thật hùng vĩ. Con sông Lam xanh biếc chảy giữa hai bờ phù sa ngô xanh ngắt. Rú Đụn sừng sững bên bờ bắc. Dãy Thiên Nhẫn tím mờ phía bờ nam. Thôn Thượng Cồn nép mình bên sườn dốc rú Đụn. Chính tại đây, vào thế kỷ thứ 8, Mai Thúc Loan phất cao cờ nghĩa lật đổ ách đô hộ nhà Đường.
Con ơi, con ngủ cho lành
Vua Mai nay đã xây thành Vạn An…
Gần 13 thế kỷ đã trôi qua. Nhưng câu ca dao xưa vẫn còn âm vang trong ký ức người dân Nam Đàn. Thành Vạn An, quốc đô của Mai triều, giờ đây là thị trấn Sa Nam bên dòng Lam cuộn chảy. Dòng sông trong mát quá! Thời học sinh, tôi thường tắm táp, ngụp lặn sau giờ học, vào những buổi chiều hè nóng rát gió Lào, có lần bị cuốn vào vực xoáy suýt chết đuối!…
Đến thế kỷ 20, cũng chính từ mảnh đất Nam Đàn đã sinh ra hai vị anh hùng dân tộc và cũng là hai nhà văn hoá lớn: Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh.
Nam Đàn thay đổi khá nhanh. Nhưng vẫn còn nghèo lắm! Xóm núi Thượng Cồn lại càng nghèo. GS Trương, PGS Nguyễn Cảnh Khâm, KS Trần Thanh… lần này về Thượng Cồn là để giảng cách xây dựng làng sinh thái, vừa giúp người dân làm giàu, vừa tạo cảnh quan tươi đẹp cho một vùng “địa linh, nhân kiệt”.
Làng sinh thái trên quê hương Nguyễn Du
Ngay tại quê hương Nguyễn Du ở xã Tiên Điền (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng đang hình thành một làng sinh thái khác.
Thế là tôi được về thăm Tiên Điền, chốn “lễ nhạc bách niên văn hiến địa”, dạo bước trên con đường xưa Tố Như từng đi qua trong những năm ly loạn khi nhà thơ âm thầm tự hỏi:
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Ngoài các khoản đầu tư chung cho cả thôn, Viện trao tận tay mỗi hộ trong thôn Tiên An, một thôn nghèo của xã Tiên Điền, số vốn ba triệu đồng để thực hiện dự án. Ba triệu, khoản tiền ấy, đối với một tay mới phất “sành điệu” thời nay, thật quá nhỏ nhoi! Nhưng, đối với một hộ nông dân, thì đáng kể lắm chứ?
Ngay tại thôn Tiên An đây, tối tối bà con vẫn cố giữ “nghề truyền thống” địa phương là đan rổ rá. Mỗi người cặm cụi đan từ chập tối tới tận đêm khuya mới được hai cái rổ, sáng hôm sau, đem ra chợ bán, thu được… vài ba nghìn đồng! Vài ba nghìn còn khó kiếm như vậy, huống chi bạc triệu!
Đất Tiên An là đất cát biển, “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”. Nhiều mảnh bỏ hoang, mọc đủ thứ cỏ dại “một vùng cỏ áy bóng tà”. Cát chiếm 95-98% trong đất, hạt cát lại rời rạc, nên dễ “cuốn theo chiều gió” tạo thành những trận cát bay làm giập nát ngọn cây non, lắm khi còn vùi lấp cả một đám ruộng. Ngày nắng gắt, lớp cát trên mặt nóng 60-65 độC, nghe nói có thể nướng chín quả trứng gà!…
GS Trương, PGS Nguyễn Pháp… đến tận thôn giảng giải cho nông dân về cách thoát khỏi đói nghèo.
GS Trương thường được các bạn đồng nghiệp gọi vui là “là nhà lâm học Truyện Kiều” bởi lẽ ông “nghè Nghệ” này thuộc làu làu kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du.
Ông gợi ý: Trong thửa vườn nhà, trước hết, phải trồng nhiều loại cây “xoá đói giảm nghèo”… Nhưng, vì đây là chốn “văn hiến địa”, nên đừng quên điểm xuyết những cây “gieo mỹ cảm” được Tố Như nhắc tới trong Truyện Kiều như đào, mận, lựu, lê… Chỉ cần trông thấy hoa đào, quả đào là khách phương xa đến Tiên Điền ắt nhớ tới những câu Kiều tuyệt hay có chữ đào, như “khoá buồng xuân để đợi ngày đào non”, “đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây”, “đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh”…
12 làng sinh thái, con số chưa nhiều. Nhưng kinh nghiệm từ đấy có thể nhân rộng ra hàng trăm làng khác.
Hàm Châu
Nguồn: bee.net.vn/channel/1984/201009/GS-Nguyen-Van-Truong-Anh-hung-Lao-dong-khi-da-84-tuoi-1766807/