Trường Đại học Y khoa (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 55 ngày đêm, từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954. Trong chiến dịch này, ta đó tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng quân sự Pháp ở Điện Biên Phủ. Theo trang mạng Wikipedia, tổn thất của Pháp là: 1.747 người chết, 5.240 bị thương, 1.729 mất tích và 11.271 bị bắt làm tù binh. Để giành được thắng lợi to lớn trên, tổn thất của ta cũng không nhỏ. Phía ta có 4.020 người chết, 10.130 thương binh và hàng chục nghìn bệnh binh.

 Đặc điểm nổi bật của chiến dịch là ta đã huy động một lực lượng lớn bộ đội và dân công, chiến đấu hiệp đồng binh chủng dài ngày với phương châm đánh chắc, tiến chắc, đánh vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc và có chuẩn bị; do đó, công tác bảo đảm Quân y phải có đủ khả năng thu dung, cứu chữa một lượng thương binh, bệnh binh cao, bảo vệ sức khỏe cho hàng chục nghìn bộ đội và dân công. Những công việc đó lại phải tiến hành trong hoàn cảnh rất khó khăn: hậu phương xa tiền tuyến tới 400 – 500 km, địa hình rừng núi hiểm trở, đường vận chuyển cơ giới ít và xấu, thời tiết không thuận lợi, dân thưa, kinh tế nghèo. Tuyến vận tải cung cấp, tiếp tế, mạng đường, lực lượng vận tải, kho tàng, cơ sở điều trị khó giữ được bí mật bất ngờ; địch có khả năng tập trung máy bay và pháo binh đánh phá ác liệt liên tục, nhằm cắt đứt hậu phương với tiền tuyến, phá hoại hậu phương chiến dịch của ta. Đánh lâu, chiến đấu ác liệt, sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội chủ yếu là trong hầm hào, địch lại có ưu thế về phi cơ và pháo binh, ngoài khả năng có thể gây thương vong lớn, lại có khả năng làm sức khoẻ của bộ đội và dân công bị giảm sút; bệnh tật (trước hết là bệnh sốt rét) và lao động, chiến đấu mệt mỏi có thể làm cho số quân khoẻ bị giảm nhiều, bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch có thể phát sinh. Công tác nuôi dưỡng, phòng bệnh cứu chữa thương binh, bệnh binh cho bộ đội và dân công sẽ gặp những khó khăn rất lớn và phức tạp.

 Đối với việc chấp hành chính sách thương binh, bệnh binh, Hồ Chủ tịch đã chỉ thị: “Năm nay chiến trường mở ở xa, bộ đội có thể khổ, dân công cũng vậy, nhưng chớ để thương binh, bệnh binh khổ”.

Thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch, để bảo vệ sức khỏe cho hàng chục vạn quân và dân công các địa phương được huy động phục vụ chiến dịch, Y tế nhân dân và Quân y đã huy động sức mạnh to lớn từ hậu phương lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có sự đóng góp to lớn của thầy và trò trường Đại học Y, lúc đó đang đóng ở huyện Chiêm Hóa,

tỉnh Tuyên Quang.

Tập thể sinh viên lớp Y K50 trường Đại học Y Hà Nội, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, 1952.

Đó thành thông lệ từ những năm đầu Kháng chiến chống Pháp, sinh viên các khóa lần lượt được đưa đi phục vụ ở các đơn vị chiến đấu, không chỉ là thực tập, mà là thực tế phục vụ, được giao nhiệm vụ phụ trách các đơn vị Quân y như những thầy thuốc thực sự. Khi bước vào chuẩn bị cho các hoạt động quân sự năm 1954, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng đã huy động tới cả các sinh viên Y52 (khóa sinh viên chiêu sinh năm 1952, lúc được huy động mới học xong chương trình năm thứ nhất); đa số được tăng cường phục vụ trực tiếp tại Mặt trận Điện Biên Phủ.

Bước vào chiến dịch, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế – giảng viên trường Đại học Y, được Bộ Quốc phòng mời tham gia trực tiếp vào việc cứu chữa thương binh tại Mặt trận trên cương vị cố vấn Ngoại khoa của Bộ Quốc phòng. Ông trực tiếp công tác ở Đội điều trị 1, chuyên xử trí các vết thương ở đầu và sọ não, là những loại vết thương nguy hiểm nhất. Sự tham gia trực tiếp của bác sĩ Tôn Thất Tùng vào việc cứu chữa các vết thương sọ não ngay tại Mặt trận là hướng đi mới, mở đầu cho việc tổ chức cứu chữa chuyên khoa ngay tại tuyến Quân y chiến dịch. 

BS Tôn Thất Tùng  (không đội mũ) đang hướng dẫn cho sinh viên trường Đại học Y Hà Nội,

tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang

Quân y Đại đội và Quân y Tiểu đoàn có y tá và y sĩ đảm nhiệm.Phụ trách Quân y các Trung đoàn, Quân y các Đại đoàn và các Đội điều trị Đại đoàn,trực tiếp tham gia vào việc cứu chữa thương binh bệnh binh, chủ yếu là những sinh viên của trường Đại học Y, từ các khóa 46 (chiêu sinh năm 1946) đến các khóa 49, 50: Tại Đại đoàn 308 là các sinh viên Đặng Hiếu Trưng (khóa Y 46, nay là Đại tá, Giáo sư), Vi Huyền Trác (khóa Y 46, nay là Giáo sư), Lê Cao Đài (khóa Y 46, nay là Đại tá, Giáo sư  – đã mất); tại Đại đoàn 304 có sinh viên Nguyễn Văn Nhân (khóa Y 45, nay là Đại tá, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học); tại Đại đoàn 312 có sinh viên Vũ Văn Phong (khóa Y 47, nay là Đại tá, Phó Giáo sư  – đã mất); tại Đại đoàn 316 có sinh viên Hoàng Trọng Quỳnh (khóa Y 48, nay là Đại tá, Phó Giáo sư); tại Đại đoàn công pháo 351 có sinh viên Nguyễn Báu (khóa Y 46, nay là Đại tá, Phó Giáo sư ) v.v…

Các Đội điều trị thuộc Cục Quân y được bố trí đứng sau tuyến Quân y Đại đoàn, làm nhiệm vụ Bệnh viện dã chiến chiến dịch, thu dung điều trị toàn bộ thương binh bệnh binh của Mặt trận cho tới khi tình trạng ổn định, được trả về đơn vị hoặc chuyển tiếp về các Bệnh viện hậu phương ở Việt Bắc hoặc ở Thanh Hóa. Phụ trách Đội điều trị 1 là sinh viên Đào Bá Khu (sinh viên khóa Y 45), phụ trách Đội điều trị 2 là sinh viên Vũ Trọng Kinh (khoa Y 46, nay là Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ ), phụ trách Đội điều trị 3 là sinh viên Bửu Triều (khóa Y 46, nay là Giáo sư), phụ trách Đội điều tri 5 là sinh viên Trần Mạnh Chu (khóa Y 45, nay là Đại tá, Giáo sư, Tiến sĩ – đã mất) v.v…  

Để chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, giữ vững sức khỏe bộ đội, Đội vệ sinh phòng dịch Cục Quân y do sinh viên Vừ An Dậu phụ trách (khóa Y 46, nay là Đại tá, Phó Giáo sư) được điều động trực tiếp tham gia chiến dịch.

Tại cơ quan Quân y chiến dịch, trực tiếp giúp việc cho bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y kiêm Trưởng ban Quân y chiến dịch, có sinh viên Bùi Đại (khóa Y 46, nay là Thiếu tướng, Giáo sư ,Tiến sĩ khoa học).

Theo yêu cầu của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Y tế cũng tăng cường cho Mặt trận Điện Biên Phủ một phòng xét nghiệm vi sinh vật-hóa học do sinh viên Hoàng Thủy Nguyên phụ trách (khóa Y 49, nay là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học) nhằm sẵn sàng đối phó với âm mưu sử dụng vũ khí vi sinh vật, hóa học của Quân đội Pháp.

Trên chiến trường Điện Biên Phủ, bộ đội ta phải chiến đấu trong hầm hào, sau mỗi trận mưa hầm hào ngập đầy bùn, do đó hầu hết các vết thương đều bị nhiễm trùng nặng. Thêm vào đó, ở Tây Bắc có loại ruồi vàng hay bậu vào các vết thương, nên các vết thương phần mềm đều bị nhiễm trùng, nhung nhúc đầy dòi, gây đau đớn cho thương binh. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã cho dùng quinacrin hòa tan với nước để rửa các vết thương có dòi. Kết quả thật bất ngờ, các vết thương đều sạch dòi. Từ đó, sáng kiến này được phổ biến cho Quân y toàn mặt trận để xử lý các vết thương có dòi.

Trong chiến đấu, thương binh nhiều mà kháng sinh của Quân y lúc đó chỉ có hạn. Bộ Y tế đã chỉ đạo phòng thí nghiệm của bác sĩ Đặng Văn Ngữ ở trường Đại học Y đẩy mạnh việc sản xuất nước lọc Penixilin để cung cấp cho Ban Quân y chiến dịch, tăng cường năng lực cho Quân y xử trí chống nhiễm khuẩn vết thương.

Không thể nói hết những đóng góp to lớn của thầy và trò trường Đại học Y vào việc chăm sóc sức khỏe bộ đội, dân công cũng như cứu chữa thương binh bệnh binh tại Mặt trận Điên Biên Phủ. Trong chiến đấu ác liệt và gian khổ ở chiến trường Điện Biên Phủ, các sinh viên cũng trưởng thành. Nhiều người sau này trở thành những hạt nhân nòng cốt trong việc xây dựng ngành Y tế nhân dân và Y tế Quân đội, như Giáo sư Nhà giáo nhân dân Nguyễn Bửu Triều, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Đại học Y Hà Nội, Giáo sư Tiến sĩ khoa học Hoàng Thủy Nguyên, Anh hùng lao động, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương, Thiếu tướng Giáo sư Tiến sĩ khoa học Bùi Đại, Thày thuốc nhân dân, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Thiếu tướng Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Huy Phan, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện trung ương Quân đội 108 v.v… 

Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội và dân công hỏa tuyến

tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, 1954

 

GS.TS, Đại tá Nguyễn Duy Tuân*

Sinh viên K47 Đại học Y Hà Nội

*GS.TS, Đại tá Nguyễn Duy Tuân – nhà khoa học Trung tâm đã và đang nghiên cứu,
người luôn ủng hộ, tham gia viết bài cho trang Web cpd.vn

  Nguồn tư liệu:
– Lịch sử Quân y Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phạm Văn Hựu (Chủ biên), Tổng cục Hậu cần xuất bản, năm 1996.
– Lịch sử kết hợp Quân Dân y Việt Nam, Nguyễn Duy Tuân (Chủ biên), Nhà xuất bản Y học, 2006.