25 năm theo đuổi những ứng dụng Công nghệ Vũ trụ (Kỳ 1)

Khoảng thời gian một phần tư thế kỷ ấy, so với tuổi đời và tuổi nghề, cũng đủ để GS Nguyễn Văn Ngọ tận tụy, tâm huyết với nghề, với chuỗi công trình về Công nghệ Vũ trụ ở ba lĩnh vực ứng dụng chính là Viễn thông, Viễn thám, An ninh-Quốc phòng. Và đến bây giờ ông vẫn dõi theo, nghiên cứu và không ngừng trăn trở. 

Từ việc phủ sóng Phát thanh – Truyền hình toàn quốc

Nhớ lại việc phủ sóng phát thanh truyền hình ở Việt Nam, GS Nguyễn Văn Ngọ kể:

Ngày 7-9-1970, một Ban biên tập của Đài Tiếng nói Việt Nam (gọi tắt là VOV) được tách ra và thành lập Đài truyền hình, đến năm 1987 Đài lấy tên chính thức là Đài Truyền hình Việt Nam (gọi tắt là VTV). Trước đó, ở miền Nam có Đài Truyền hình Sài Gòn của chế độ cũ hoạt động từ năm 1966 đến năm 1975. Sau khi Sài Gòn được giải phóng, từ 12h trưa ngày 30-4-1975, Đài được đổi tên thành Đài Truyền hình Sài Gòn giải phóng (SGTV), và đến 2-7-1976 chính thức đổi thành Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt là HTV). Ngoài Đài chính ở Sài Gòn, chính quyền cũ còn để lại bốn đài truyền hình địa phương ở Huế, Quy Nhơn, Nha Trang và Cần Thơ.

Các Đài trên không có phương tiện viễn thông nào để trao đổi chương trình, hàng ngày VTV và HTV trao đổi băng hình thông qua hãng Hàng không Vietnam Airlines từ chuyến bay sớm nhất. Ngoài ra, thông qua đường bộ, Đài truyền hình VTV chuyển băng hình cho Đài truyền hình Hải Phòng và các tỉnh lân cận, tương tự Đài truyền hình HTV chuyển băng hình cho những Đài truyền hình các tỉnh phía Nam.

Về phát thanh, từ ngày 30-4-1975 ta tiếp quản hệ phát thanh Vô tuyến Việt Nam của chính quyền cũ, gồm có đài chính là Đài Sài Gòn, 3 đài cấp vùng 50 KW ở Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang, 4 đài cấp tỉnh ở Huế, Quảng Ngãi, Cần Thơ và Ban Mê Thuột. Từ khi có chiến tranh biên giới phía Tây Nam, Cục Kỹ thuật Phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam cho lập thêm một số Đài phát thanh ở các tỉnh biên giới.

Toàn bộ hệ thống phát thanh ở miền Nam từ đó được đưa vào hoạt động theo hệ thống chung của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), nhưng việc chuyển tải chương trình từ Hà Nội vào các đài ở phía Nam rất khó khăn do: hệ tải ba hữu tuyến và hệ vi ba tiếp sức của Tổng cục Bưu điện và Bộ Tư lệnh Thông tin không đảm đương được, mà thu sóng ngắn Đài TNVN ở miền Bắc rồi phát lại thì chất lượng tín hiệu kém. Với những bản tin quan trọng, đã từng có tình trạng phát tin đọc chậm cho các đài ở phía Nam ghi, sau đó các Đài này biên tập lại thành chương trình và phát lên sóng. Thông thường thì những kỹ thuật viên chọn giờ truyền sóng ngắn tốt nhất trong ngày để ghi âm và phát lại, giờ này thay đổi theo mùa trong năm.

Cục trưởng Tổng cục Bưu điện- Phạm Niên khi đó đã đề nghị Bộ trưởng Bưu điện Liên Xô Talyzin viện trợ cho Việt Nam một Trạm Vệ tinh mặt đất nhằm kết nối liên lạc viễn thông trực tiếp với Liên Xô và nhân đó cũng để Việt Nam được xem truyền hình về Olympic Mátxcơva.

Được Chính phủ Liên Xô đồng ý, tháng 7-1980, Đài Vệ tinh mặt đất Hoa Sen 1 (cách thị xã Phủ Lý 20 km) cùng tuyến vi ba với trạm chuyển tiếp tại Phú Xuyên (Hà Tây) đã hoàn thành để truyền tín hiệu về Bưu điện Bờ Hồ (Hoàn Kiếm) và Đài Truyền hình Việt Nam ở Giảng Võ. Những hình ảnh đầu tiên mà Đài VTV thu được từ Đài Truyền hình Trung ương Liên Xô để đưa lên sóng là chuyến thăm Liên Xô của Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cũng từ đó tin tức Thời sự quốc tế của Đài Truyền hình Trung ương Liên Xô hàng ngày đến với Việt Nam, liên lạc viễn thông và một số hình ảnh về Việt Nam đến được với bạn bè thế giới.

Là một người đã có nhiều năm gắn bó với ngành Vô tuyến-Điện tử vì vậy Nguyễn Văn Ngọ luôn theo sát những diễn biến của những sự kiện trên. Vào thời điểm diễn ra sự kiện Hoa Sen 1, Nguyễn Văn Ngọ đang là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam. Điều này gợi ra cho ông một ý tưởng hết sức mới mẻ và táo bạo: tại sao không dùng liên lạc viễn thông qua vệ tinh để đưa Chương trình truyền hình VTV và Phát thanh VOV phủ sóng cả nước?

Để thuyết phục mọi người, Nguyễn Văn Ngọ thấy cần phải lập một bản “Dự án tiền khả thi”. Trước hết, ông đến Đài Hoa Sen 1 gặp Đài trưởng Đinh Viết Hào, nguyên là một cán bộ giảng dạy ở Bộ môn Vô tuyến Điện tại trường Đại học Bách khoa. Ông trình bày ý tưởng của mình và hỏi kỹ về độ rộng dải thông của Đài Hoa Sen 1 và tuyến vi ba truyền dẫn tín hiệu cho Đài. Ông Hào cho biết dải thông không đủ cho hai kênh truyền hình analog theo chuẩn OITR truyền đồng thời, nhưng vì sự chênh lệch múi giờ giữa Mátxcơva và Hà Nội nên vẫn có thể chia nhau thời gian sử dụng.

Để cẩn thận hơn, năm 1982 khi sang làm việc với Viện Nghiên cứu Thông tin liên lạc Vô tuyến điện Mátxcơva (gọi tắt là Viện MIR) Nguyễn Văn Ngọ đã tìm thêm một số tài liệu. Đến năm 1983, ông viết tài liệu “Khảo sát về khả năng truyền thanh, truyền hình qua vệ tinh thông tin” và trình bày ở Hội đồng khoa học Ủy ban Phát thanh-Truyền hình, sau đó làm tờ trình lên Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam là ông Trần Lâm. Kiến nghị được Chủ nhiệm Trần Lâm tán thành và mùa hè năm 1984, ông Trần Lâm đã cùng Nguyễn Văn Ngọ ra sân bay Nội Bài đón gặp Bộ trưởng Bộ Bưu điện Liên Xô. Sau đó, cuộc hội đàm diễn ra khoảng 40 phút và hai bên nhất trí xúc tiến việc truyền chương trình Truyền hình qua vệ tinh, vị Bộ trưởng Liên Xô đề nghị nên mở rộng ra thành trao đổi chương trình truyền hình giữa Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em, Việc này sau đó được Đài VTV thử nghiệm trong một thời gian, về kỹ thuật hoàn toàn suôn sẻ.

Năm 1985, nhân Kỷ niệm 10 năm đất nước ta hoàn toàn thống nhất, Liên Xô tặng Việt Nam Đài Hoa Sen 2, đặt tại đường Mạc Đĩnh Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng đã được hoàn thành trước ngày 30-4-1985. Với Đài Hoa Sen 2, việc liên lạc qua vệ tinh giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được thiết lập, và các đài truyền hình VTV, HTV hoàn toàn có khả năng trao đổi chương trình hàng ngày gần như tức thời. Sau đó vài năm có những thay đổi lớn về tổ chức: Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam giải thể, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam do Bộ Văn hóa-Thông tin-Du lịch chủ quản, rồi tất cả cơ sở phát sóng và truyền dẫn của Phát thanh – Truyền hình lại được chuyển cho Tổng cục Bưu điện, đặt dưới sự quản lý của Cục Kỹ thuật Phát thanh – Truyền hình mới được thành lập. Với tất cả phương tiện viễn thông có trong tay, chỉ sau 2 năm tiếp quản, đến năm 1991 Tổng cục Bưu điện đã đưa kênh VTV1 của Đài VTV lên vệ tinh Gorizont và truyền xuống các trạm TVRO (băng tần C) ở các Đài truyền hình địa phương để phát lại.

Đồng thời với việc thành lập Cục Kỹ thuật Phát thanh – Truyền hình, ngày 3-1-1989 Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam (gọi tắt là REV) được thành lập.Tiến sĩ Đặng Văn Thân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện được bầu làm Chủ tịch, GS Nguyễn Văn Ngọ được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội. Năm 1992 ông Huỳnh Ngọc Ấn, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN đã bàn với GS Nguyễn Văn Ngọ và TSKH Phạm Khắc Di (phụ trách đối ngoại của Hội) về việc xây dựng một Dự án phủ sóng phát thanh trên cả nước qua một vệ tinh viễn thông châu Á. Quan điểm của ông Huỳnh Ngọc Ấn là phải dùng hệ thống công nghệ mới nhất, nhưng đã qua thử thách. Cuối cùng các ông đi đến nhất trí là dùng kỹ thuật số, có nén tín hiệu. Giá thành thiết bị mặt đất có thể cao hơn, nhưng qua nén kênh băng tần hiệu quả sử dụng sẽ tối thiểu, giá thuê kênh giảm và tính cho đến hết tuổi thọ của thiết bị thì đó là phương án rẻ nhất. Qua gọi thầu và chọn thầu, Đài Tiếng nói Việt Nam đã mua một hệ RRO (Radio Receive Only) hiện đại, có kênh phản hồi và độ tin cậy thiết bị cao. Về vệ tinh nhóm xây dựng Dự án cũng cân nhắc lựa chọn giữa các hệ PALAPA (Indonesia), MEASAT (Malayxia), THAICOM (Thái Lan), AsiaSat (Hôngkông) căn cứ cả trên bản đồ phủ sóng và giá cả. Cuối cùng chọn AsiaSat. Như vậy, Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập từ 1945 nhưng mãi đến 1993 nhờ công nghệ vệ tinh, mới phát được chương trình để cả nước được đồng thời cùng nghe với chất lượng xấp xỉ như nhau.

Đến chuỗi công trình ứng dụng công nghệ vũ trụ:

*Dự án “Vệ tinh viễn thông địa tĩnh quốc gia VinaSat”

Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ cho rằng Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam (REV) và các thành viên của Hội bắt đầu được giới công nghiệp vũ trụ trên thế giới biết đến từ sự kiện dưới đây.

Năm 1991, khi GS Nguyễn Đình Ngọc[1] tham dự Hội nghị toàn cầu về an ninh MILIPOL (1991) và Hội nghị châu Âu về quốc phòng và an ninh trên bộ, trên không EUROSATORY (1992) tại Paris, đã lĩnh hội ý kiến của các chuyên gia Công nghệ vũ trụ của Công ty ALCATEL ESPACE rằng: “Việt Nam là nước lớn cuối cùng chưa phóng vệ tinh địa tĩnh, và chưa công bố Chiến lược Vũ trụ”.

Trong chuyến thăm Pháp vào cuối năm 1993 của đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ, GS Nguyễn Đình Ngọc đã giới thiệu Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam (REV) với Tập đoàn ALCATEL. Đầu năm 1994, ALCATEL ESPACE mời một đoàn cán bộ của Hội sang tham quan các cơ sở công nghiệp vũ trụ tại Toulouse và Paris. Quan niệm rằng đây là một lần đi để tiếp thu công nghệ cao, Hội Vô tuyến-Điện tử đã bàn bạc với lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Đài Truyền hình Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, cử 5 người có trình độ chuyên môn cao và đúng lĩnh vực công tác tham gia đoàn, gồm: GS Nguyễn Văn Ngọ, GS Phan Anh (Đại học Bách khoa Hà Nội), PGS Nguyễn Cảnh Tuấn (Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện), Kỹ sư Nguyễn Việt Nga (Trưởng Đài phát lên Vệ tinh của Truyền hình Việt Nam), và TSKH Phạm Khắc Di (Trưởng ban đối ngoại của Hội).

 

Đoàn cán bộ của Hội Vô tuyến-Điện tử trong buổi làm việc với ALCATEL ESPACE tại Toulouse, 1994

Tới Paris đoàn cán bộ Việt Nam được đến thăm nơi thiết kế, nơi lắp ráp, đo thử, kiểm tra tính năng vệ tinh trước khi phóng và trạm điều khiển thuộc cơ quan vũ trụ châu Âu. ALCATEL đã chọn những chuyên gia giỏi đến thuyết trình, thời gian diễn giảng khá nhiều và đoàn cán bộ Việt Nam đã xác định thái độ phải học nghiêm chỉnh, hỏi nhiều, và đề xuất được đến tham quan một số cơ sở mà phía bạn chưa có dự kiến giới thiệu. Đây được coi là lớp học đầu tiên của GS Nguyễn Văn Ngọ về công nghệ vệ tinh. Sau này, cứ vài ba năm các công ty Pháp lại mời ông sang để bổ túc các kiến thức về công nghệ vũ trụ. Ngoài ra ông và GS Phan Anh cũng thay nhau đi Anh, Bỉ, Mỹ, Thụy sĩ để học tập dần dần, trang bị tạm đủ kiến thức cơ bản về công nghệ và kinh tế công nghiệp vệ tinh.

Ngay sau chuyến đi học tập đầu tiên, GS Nguyễn Văn Ngọ và đồng nghiệp đã tổ chức các cuộc hội thảo, mở lớp chuyên đề, kết hợp với các buổi trình diễn kỹ thuật của các công ty nước ngoài để truyền đạt lại kiến thức cho anh chị em cán bộ trong nước. Kỹ sư Nguyễn Việt Nga đã đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hội Vô Tuyến-Điện tử và ALCATEL ESPACE thiết kế 2 tuyến lên (uplink) dùng kỹ thuật số đưa các chương trình truyền hình lên vệ tinh. ALCATEL ESPACE không những giúp thiết kế mà còn giúp vận động Chính phủ Pháp cho Việt Nam vay ODA 35 triệu FF (khoảng 6 triệu USD) để chi cho 2 tuyến lên nói trên. Bản thân GS Nguyễn Văn Ngọ đã góp phần tích cực vào công trình này, cuối cùng phía ALCATEL ESPACE đã chuyển giao công nghệ cho Việt Nam dưới hình thức tài liệu (sách, báo, video, CD) và tổ chức cho cán bộ Việt Nam đi tham quan thực tế (ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ).

Phó Giáo sư Nguyễn Cảnh Tuấn sau chuyến đi Pháp, đã cho thành lập ở Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện một nhóm nghiên cứu về vệ tinh viễn thông và năm 1995 đăng ký với Chương trình Quốc gia về Điện tử-Tin học-Viễn thông đề tài: “Nghiên cứu xây dựng phương pháp thẩm định và kiến nghị với Nhà nước đề án phóng vệ tinh viễn thông riêng của Việt Nam” mã số: KHCN 01-06. Đề tài đã bảo vệ xuất sắc tháng 8-1998 và bản Tổng quan đề tài là tài liệu tham khảo đáng tin cậy cho việc xây dựng dự án tiền khả thi.

Những cán bộ đầu đàn của ngành Điện tử-Viễn thông Việt Nam trong Hội nghị Vô tuyến-Điện tử toàn quốc lần thứ 5 họp ở cả thành phố Hồ chí Minh (11, 12-11-1994) và Hà Nội (20-1-1995) đã nhất trí cao trong việc kiến nghị Trung ương Đảng và Chính phủ xem xét, phê duyệt cho phóng Vệ tinh địa tĩnh của Việt Nam vào năm 2000. Sau đó, ngày 22-1-1995, Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam đã gửi một bức thư tới Tổng Bí thư Đỗ Mười và kèm theo bản kiến nghị của Hội nghị về việc phóng một Vệ tinh địa tĩnh Việt Nam lên vũ trụ.

Kiến nghị được Văn phòng Chính phủ giao cho các cơ quan Nhà nước hữu quan xem xét nghiêm túc, Hội Vô tuyến-Điện tử đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo bàn luận, diễn giải về những vấn đề do lãnh đạo và chuyên viên các bộ, ngành đặt ra xoay quanh những vấn đề an toàn thông tin, hiệu quả kinh tế, các cách tiếp cận… Đến 1996, Chính phủ chính thức giao cho Tổng cục Bưu điện nghiên cứu tiền khả thi, và ngày 24-9-1998 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 868/QĐ-TTg thông qua báo cáo tiền khả thi, đồng thời giao Tổng Công ty Bưu chính-Viễn thông Việt Nam (VNPT) làm chủ đầu tư lập Dự án về việc phóng Vệ tinh Việt Nam VINASAT 1 bao gồm: quả vệ tinh và việc phóng lên quỹ đạo, các trạm điều khiển, hệ thống mặt đất phục vụ nhu cầu công cộng, đồng thời cũng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam làm chủ đầu tư các dự án Trạm Mặt đất phục vụ chuyên ngành của mình.

Ngày 3-5-1999, Thủ tướng ra Quyết định số 463/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia Dự án phóng vệ tinh VINASAT 1. Như vậy, nhiệm vụ đề xuất vấn đề của Hội Vô tuyến-Điện tử đã hoàn thành, kể từ 1996 công việc nghiên cứu phóng vệ tinh là việc của các cơ quan Nhà nước. Để thực hiện công việc này Hội đã tập trung vào công tác đào tạo cán bộ cho dự án. Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ, GS Phan Anh, PGS Kiều Vĩnh Khánh đã xây dựng giáo trình Thông tin Vệ tinh dùng cho chương trình chính khoá của Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Hà Nội, bản thân GS Ngọ đã hướng dẫn hàng chục luận văn tốt nghiệp đại học về thông tin vệ tinh và 5 luận văn thạc sĩ đã bảo vệ thành công.

Hội Vô tuyến-Điện tử và GS Nguyễn Văn Ngọ cũng thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam vận động Chính phủ Pháp cho 5 học viên Việt Nam sang Toulouse học 2 năm cuối bậc đại học về Công nghệ Vệ tinh ở trường Đại học Hàng không-Vũ trụ nổi tiếng của Pháp, đồng thời tổ chức các lớp ngắn ngày mời các giáo sư nước ngoài hay cơ quan đào tạo của ALCATEL và Lockheed Martin Telecom sang giảng bài ở Hà Nội. Tháng 11-2001 Hội Vô tuyến-Điện tử được Bộ Kế hoạch và Đầu tư mời đến ký hợp đồng thẩm định Dự án VINASAT 1. Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ cho biết để thẩm dịnh một dự án như vậy thì kiến thức sách vở không đủ, còn phải biết thực tế công nghệ, biết thị trường, hiểu luật lệ bảo hiểm, và có những số liệu mà độ tin cậy và độ bền theo thời gian phải đủ lớn. Nhờ những kiến thức tích lũy trong 7 năm theo dõi vấn đề, nhờ tư liệu thu thập được từ các hội nghị quốc tế và tập hợp sự hiểu biết của các Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Đình Ngọc, Phan Anh mà nhiệm vụ phản biện dự án được giao đã hoàn thành xuất sắc. Báo cáo khả thi đã được thông qua cuối năm 2001, nhưng vì sự thay đổi vị trí quỹ đạo, năm 2005 phải thông qua báo cáo khả thi Dự án VINASAT lần thứ hai.

Đầu năm 2008, Vệ tinh VINASAT -1 được đưa vào bãi phóng Kourou ở Nam Mỹ, và đưa lên quỹ đạo địa tĩnh lúc 5 giờ 17 phút ngày 19 tháng 4 năm 2008 (giờ Việt Nam). Như vậy, tính từ Hội nghị Vô tuyến-Điện tử toàn quốc lần thứ 5, lần đầu tiên gửi bản kiến nghị lên Trung ương Đảng và Chính phủ đề nghị "phóng một vệ tinh địa tĩnh quốc gia” (2-1995) đến tháng 19-4-2008 ròng rã mất 13 năm. Trong 13 năm đó, các nhà hoạch định chiến lược phát triển, các nhà khoa học – kỹ thuật, các chuyên gia kinh tế ngành Viễn thông và cả lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã đầu tư vào đó nhiều công sức và trí tuệ.

Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ hồi tưởng về 13 năm dài ấy và cho rằng không thể kết thúc câu chuyện về Vinasat-1 mà không nhắc đến công sức, trí tuệ của TS Cục trưởng Lưu Văn Lượng và các chuyên viên Cục Tần số Vô tuyến điện Việt Nam gần 10 năm liền làm thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo và các dải tần sử dụng cho VINASAT -1 với ITU và kiên trì đàm phán song phương để phối hợp tần số với các nước có liên quan, cuối cùng đạt được vị trí 132o Đông.

13 năm theo đuổi và trăn trở với những vấn đề của VINASAT -1, đối với Giáo sư Nguyễn Văn Ngọ thật quý giá và đáng tự hào, là sự đam mê của ông với công nghệ vũ trụ. Đóng góp được một phần dù nhỏ cho khoa học, cho đất nước đã là niềm vui, là một phần thưởng lớn lao đối với ông.

Nguyễn Thanh Hóa (ghi)

__________________

[1] GS.TSKH, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc (1932-2006) là một trong những người được ghi nhận là có công đầu trong kế hoạch đào tạo và phát triển ngành tin học Việt Nam.