Cơ duyên đến với ngành Dinh dưỡng Nhi khoa

Sinh ra tại vùng quê nghèo Nghệ An, Đào Thị Ngọc Diễn là con thứ hai trong gia đình có 7 anh chị em. Dẫu cuộc sống khó khăn của những năm trước Cách mạng tháng Tám, cha công tác ở Sở bưu điện Vinh, vai mẹ từng gắn với gánh hàng rong ruổi trên khắp các huyện giáp Lào như Con Cuông, Mường Xén, gia đình vẫn cố gắng chăm lo cho các con được học hành. Trong gia cảnh nghèo, chị gái Ngọc Tâm[1] sớm bỏ học tham gia cách mạng, Ngọc Diễn quyết tâm học tốt với suy nghĩ: Hiếu học vừa là truyền thống, vừa để thoát nghèo[2]. Năm 1948, Đào Thị Ngọc Diễn vào học ở trường Phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, tưởng chừng chỉ xoay quanh chuyện học tập thi cử, nhưng nữ sinh Ngọc Diễn đã có thêm một kỷ niệm đặc biệt.

Cơ duyên gặp gỡ…

Trong bối cảnh cuộc kháng chiến diễn ra ác liệt, cả gia đình Đào Thị Ngọc Diễn tản cư về Đô Lương, Nghệ An. Cùng tản cư về Đô Lương với Diễn có nam sinh Nguyễn Hùng Lân[3] học ở trường cấp 3 Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh. Hùng Lân sinh năm 1932, hơn Ngọc Diễn 3 tuổi, tuy trong giấy khai sinh của cậu là năm 1934. Hùng Lân thường tranh thủ về thăm gia đình ở Đô Lương khi có kỳ nghỉ dài. Tuy chưa quen biết nhau, dù hai nhà chỉ cách nhau vài trăm mét, nhưng thường chạm mặt nên Hùng Lân, Ngọc Diễn dần thành đôi bạn.

Với thành tích học tập giỏi, nhất là môn tiếng Pháp, cuối năm học lớp đệ nhất, nữ sinh Ngọc Diễn được nhận phần thưởng là một cuốn sổ lưu bút nhỏ. Thật trùng hợp, đó lại là món quà của gia đình Hùng Lân quyên góp cho nhà trường. Bởi trong điều kiện khó khăn thời bấy giờ, những món quà nhỏ do các hộ gia đình đóng góp làm phần thưởng cho học sinh là rất quý giá. Qua trò chuyện, hai người thêm thân thiết từ sau kỷ niệm đặc biệt này.

Đôi bạn cùng định hướng vào Đại học Y Dược khoa, nay là Đại học Y Hà Nội. Sinh viên Nguyễn Hùng Lân vào học khoa Y năm 1954, lúc này trường đã trở về Hà Nội. Năm 1955, Đào Thị Ngọc Diễn đỗ khoa Dược. Tuy là một trong số ít sinh viên đạt điểm cao ngành Dược, nhưng vì muốn học cùng ngành với anh bạn Hùng Lân, Ngọc Diễn quyết định xin chuyển sang ngành Y. Từ đây, cô nữ sinh gắn bó trọn vẹn với ngành Y, chuyên ngành Nhi khoa. Và tình bạn giữa hai người thêm bền chặt với nấc thang mới – một chuyện tình. Nghĩ về những năm tháng tuổi đôi mươi, PGS Đào Thị Ngọc Diễn tâm sự: Nhớ những chiều chủ nhật, trên chiếc xe đạp cũ, anh chở tôi dạo trên phố phường Hà Nội[4].

Đến với “ngôi nhà Nhi”                

Vào đại học, xa quê nhà khiến sinh viên Ngọc Diễn luôn nhung nhớ. Những ký ức về một thời trẻ thơ thường hiện về nguyên vẹn. Đó là những ngày nắng gắt theo chân mẹ trông những gánh hàng rong, hình ảnh các em rao bán các thanh kem mát lịm mong sao kiếm được chút đỉnh, hình ảnh mẹ già xếp hàng chờ đợi từng giờ để được mua hàng theo phiếu đem về chia cho các con… Tất cả như đang thôi thúc nữ sinh Đào Thị Ngọc Diễn vượt khó vươn lên. Năm 1961, vừa tốt nghiệp Y khoa, chuyên ngành Nhi, Đào Thị Ngọc Diễn là một trong số ít những sinh viên nữ được giữ lại trường. Bà nhận công tác ở bộ môn Nhi, Chủ nhiệm bộ môn là BS Vưu Hữu Chánh. Năm 1962, BS Vưu Hữu Chánh chuyển công tác, BS Chu Văn Tường[5] kế nhiệm.

Bác sĩ  Nguyễn Hùng Lân và Bác sĩ  Đào Thị Ngọc Diễn, năm 1962

Những tưởng sẽ yên tâm với công việc trên giảng đường, nhưng sau 2 năm giảng dạy, năm 1964, Đào Thị Ngọc Diễn bất ngờ được phân công nghiên cứu về Dinh dưỡng Nhi khoa. Nhận tin, lập tức bà có phản ứng. Phó giáo sư chia sẻ: “Ban đầu, tôi không thích chuyên sâu về Dinh dưỡng vì quan niệm người làm về Dinh dưỡng chỉ đơn thuần là vào bếp nấu ăn theo thực đơn cho người bệnh”[6]. Nhưng vì là cán bộ nữ duy nhất ở bộ môn bấy giờ, được thuyết phục nhiều lần, bà đành miễn cưỡng nhận công tác ở một phân ngành mà mình không hề hứng thú.

Theo quan điểm của các chuyên gia Liên Xô, nghiên cứu về Nhi khoa, đặc biệt là Dinh dưỡng Nhi khoa cần thiết phải gắn với nhà trẻ, bởi vậy, BS Đào Thị Ngọc Diễn được bộ môn phân công nhiệm vụ xây dựng nhà trẻ xã Liên Hà, huyện Đông Anh nhằm hỗ trợ cho nghiên cứu bà đang tiến hành. Dẫu biết trong bối cảnh chiến tranh, cuộc sống thiếu thốn, nhưng chứng kiến nhiều cháu bé bị các bệnh suy dinh dưỡng, tiêu chảy, hô hấp cấp… BS Đào Thị Ngọc Diễn không khỏi xót xa. Tại nhà trẻ, với kiến thức về Dinh dưỡng Nhi khoa, bà hướng dẫn, giúp đỡ các bảo mẫu (cô nuôi dạy trẻ) từ cách nấu bột, cách chăm sóc, cách chơi với trẻ, đến sắp xếp, trang trí phòng trẻ, xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học… Từ kết quả điều tra khẩu phần ăn giữa các cháu bé khỏe mạnh và suy dinh dưỡng, BS Đào Thị Ngọc Diễn xác định nguyên nhân của suy dinh dưỡng chủ yếu là thực trạng chế độ ăn thiếu chất trầm trọng. Ngoài ra, những trẻ suy dinh dưỡng phần nhiều do nguồn sữa mẹ chưa đáp ứng đủ, trong khi, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng ưu việt nhất trong những năm tháng đầu đời. Nghĩ đến những bát cháo trắng, bát cơm hiếm khi có thịt của các bà mẹ nuôi con nhỏ và thực tế chế độ ăn ở nhà trẻ Liên Hà… vấn đề dinh dưỡng cho trẻ càng được bà quan tâm đặc biệt. Nhà trẻ Liên Hà trở thành địa bàn thân thuộc trong các nghiên cứu sau này của BS Đào Thị Ngọc Diễn. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng nhà trẻ, tại đây, bà cũng tham gia huấn luyện cấp cứu cho các đội cứu thương của xã, hỗ trợ trạm y tế xã. Khoảng năm 1966-1967, khi BS Nguyễn Hùng Lân đang là Chủ nhiệm khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Hà Đông, bà trao đổi với chồng về việc giúp bộ môn Nhi trong việc nạo VA, cắt Amidan miễn phí cho trẻ nhỏ tại đây. Các cháu bé sau khi được BS Lân hỗ trợ đã khỏe mạnh trở lại.

Bác sĩ Đào Thị Ngọc Diễn hướng dẫn các bảo mẫu (cô nuôi dạy trẻ) xây dựng
chế độ ăn vườn trẻ 
ở xã Liên Hà, đầu thập niên 70 của thế kỷ XX

Thập niên 70, trong bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em ngày một gia tăng, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể nặng, BS Nhi khoa Đào Thị Ngọc Diễn luôn trăn trở: “Phải làm thế nào để bà mẹ có đủ sữa nuôi con?”[7]. Không dừng lại ở những nghiên cứu về thực trạng nhà trẻ xã Liên Hà, BS Đào Thị Ngọc Diễn mở rộng nghiên cứu các nhà trẻ ở thành phố và nông thôn như nhà trẻ ở Kim Liên, nhà trẻ khu tập thể đường sắt Gia Lâm, nhà trẻ ở xã Phụng Công, Hưng Yên… Những vấn đề cấp bách ấy như tiếp thêm nguồn động lực để BS Đào Thị Ngọc Diễn vượt qua những khó khăn trong nghiên cứu thực địa, trở thành người mở lối cho hướng nghiên cứu về vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ ở Việt Nam một cách hệ thống. Những nghiên cứu của bà được thể hiện trong Đề tài cấp Nhà nước: "Nguyên nhân mất sữa của người mẹ và ảnh hưởng của sữa mẹ đến sức khỏe và bệnh tật của trẻ" được nghiệm thu năm 1985. Tiếp tục dành những quan tâm đối với vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ, trong Chương trình hợp tác Việt Nam – Thụy Điển năm 1984-1989, vấn đề dinh dưỡng của trẻ, bà không chỉ tiếp tục thực hiện ở các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam Ninh, mà còn mở rộng khảo sát, nghiên cứu ở vùng núi phía Bắc như Lạng Sơn, ở phía Nam như Tiền Giang. Tại Hội nghị Nhi khoa châu Á, được tổ chức ở Malaysia năm 1985, BS Đào Thị Ngọc Diễn đại diện cho Bệnh viện Nhi Trung ương  đã có bài báo cáo khoa học “Breast-feeding in the North of Vietnm” (Nuôi con bằng sữa mẹ ở miền Bắc Việt Nam).

Ngành Dinh dưỡng Nhi khoa đã chọn BS Đào Thị Ngọc Diễn, rồi từ những trải nghiệm thực tế, chứng kiến tình trạng sức khỏe của biết bao con trẻ… trong bà nhóm lên tình yêu với nghề, trách nhiệm với thế hệ mầm non của đất nước trở thành động lực mạnh mẽ: “Mình yêu trẻ, yêu cả nghề của mình, phải làm thế nào để các cháu khỏe mạnh. Vấn đề dinh dưỡng cho các cháu là thiết yếu. Từ đó, tôi say sưa, ngày một yêu nghề, gắn bó với nghề”[8].

Nguyễn Thanh

_____________________

* PGS Đào Thị Ngọc Diễn, chuyên ngành Nhi khoa, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương.

[1] Đào Thị Ngọc Tâm, nguyên Trưởng phòng Tài vụ, Đại học Y Hà Nội.

[2] Ghi âm hỏi thông tin PGS Đào Thị Ngọc Diễn, 7-7-2021, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Bác sĩ Nguyễn Hùng Lân, nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Hà Đông, nay là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

[4] Ghi âm hỏi thông tin PGS Đào Thị Ngọc Diễn, 7-7-2021, tài liệu đã dẫn.

[5] Bác sĩ Chu Văn Tường, sau Giáo sư, Tiến sĩ, Viện trưởng đầu tiên của Viện Bảo vệ sức khỏe trẻ em, nay là Bệnh viện Nhi Trung ương

[6] Ghi âm hỏi thông tin PGS Đào Thị Ngọc Diễn, 13-5-2021, tài liệu đã dẫn.

[7] Ghi âm hỏi thông tin PGS Đào Thị Ngọc Diễn, ngày 25-6-2021, tài liệu đã dẫn.

[8] Ghi âm hỏi thông tin PGS Đào Thị Ngọc Diễn, 21-7-2021, tài liệu đã dẫn.