Lưu bút của thầy giáo Trần Đình Huỳnh vẫn vẹn nguyên qua nửa thế kỷ

Mùa hè năm 2020, các em học sinh khoá 1 (1966/1969), trường cấp III Cam Đường[1], tỉnh Lào Cai mời tôi đi cùng lên thăm lại trường cũ nhân kỷ niệm 50 năm ngày các em ra trường. Thầy trò, bè bạn gặp lại nhau mừng vui khôn tả. Các cựu học sinh, sau 50 năm gian khó và trưởng thành, từ khắp mọi miền đất nước: Sài Gòn, Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Nha Trang, Yên Bái, Hà Nội… tụ tập nhau về đất Cam Đường xưa, nay là thành phố Lào Cai.

Đón chúng tôi là một số anh chị học sinh cùng khoá nay đều là những quan chức, công chức, viên chức đã nghỉ hưu: Ngô Phạm Lênh, Nguyễn Đức Liêm, Trần Thị Vóc… Một tối, ở trong khách sạn hạng sang tại thị xã Sa Pa do vợ chồng anh Nguyễn Đức Liêm – Trần Thị Vóc (hai em từ tình bạn cùng lớp sau này nên tình chồng vợ) tổ chức, thầy trò chúng tôi có buổi giao lưu, tâm sự. Trong không khí đầm ấm, thân tình ấy, một cựu học sinh là Phạm Quốc Long đứng lên phát biểu. Y phục giản dị, giọng nói khiêm nhường, chúng tôi vừa vui mừng vừa tự hào về ý chí vượt khó của Long.

PGS Trần Đình Huỳnh (cavat đỏ) cùng cựu học sinh trường cấp III Cam Đường. Ông Phạm Quốc Long (hàng 2, thứ nhất, bên trái), năm 2019

Năm 1967, Long là một cậu bé nghèo khó, gia cảnh quẫn bách ở quê nhà Thái Bình, mang theo học bạ vừa học hết lớp 8 lên gặp tôi, xin vào học tiếp lớp 9. Năm ấy, tôi 33 tuổi, đang là Hiệu trưởng trường cấp III Cam Đường. Nghe em trình bày, xem xét các thủ tục cần thiết tôi đồng ý nhận Long vào học. Năm học 1967-1968 Long là một học sinh chăm chỉ, chịu khó; ngoài học tập em đã cùng các bạn vào rừng chặt cây mang về xây dựng trường lớp. Có chung một cảnh ngộ như nhiều bạn khác cùng lớp, Long đã nhờ núi rừng, nhờ sự đùm bọc của bà con công nhân mỏ Apatite nên đã có cơm ăn chỗ ở để học tập. Long học rất khá, những tưởng em sẽ vượt qua nốt năm học cuối cùng để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông. Nhưng đất nước có chiến tranh, miền Bắc đang phải dồn sức người, sức của để chi viện miền Nam đánh Mỹ. Như nhiều thanh niên cả nước, học sinh sinh viên lần lượt xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Phạm Quốc Long đã nhận được lệnh từ quê nhà về nhập ngũ không kịp dự thi tốt nghiệp năm 1969.

Trước khi lên đường về xuôi nhập ngũ theo lệnh động viên của tỉnh đội Thái Bình, quê hương em, Long đến chào tôi. Thày trò lưu luyến dặn dò, chia tay nhau, hẹn mai này gặp lại. Hôm đó tôi đã viết cho Long mấy dòng lưu bút làm kỷ niệm.

Những dòng lưu bút chan chứa tình cảm, trách nhiệm của

thầy Hiệu trưởng Trần Đình Huỳnh, năm 1969

Thật không ngờ Long đã mang bức lưu bút ấy theo mình trong suốt những năm hành quân ra trận, cho đến khi xuất ngũ, lập thân, lập nghiệp ở Đà Nẵng bằng hai bàn tay trắng. Hiện nay Long đã là chủ một doanh nghiệp và trở thành một nhà thơ. Con trai Long, người con mang kỷ niệm những năm tháng Long chiến đấu ở miền Nam, nay trở thành tiến sĩ hoá dược Phạm Trường Sơn sau 21 năm du học và làm việc tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary.

Đến buổi gặp nhau hôm nay ở Sapa, sau 50 năm xa cách, Long đọc lại mấy dòng lưu bút ấy cho cả lớp cùng nghe. Hai thầy trò chúng tôi, hai người lính cũ, cả hai đầu đã nhiều tóc bạc, ôm lấy nhau. Rồi Long đưa lại những dòng lưu bút ngày ấy cho tôi. Đêm ấy, hai chúng tôi không ngủ, nằm kể cho nhau những gì mà chúng tôi đã vượt qua, phấn đấu để có ngày hôm nay …

Mùa thu năm nay, năm 2021, dịch Covid 19 đã lui dần nhưng vẫn còn phải thực hiện “5K” để sống chung với nó. Ngắm nhìn trang giấy đã nhuốm màu thời gian, tôi bồi hồi nhớ lại chuyện năm xưa. Tôi cặm cụi ghi chép lại những dòng lưu bút năm xưa mà Long gửi lại cho để nhớ mãi những kỷ niệm đẹp của một thời gian khó đã qua, để tâm đắc một điều  giản dị: tình người và ý chí đã giúp ta làm nên sự nghiệp.

 “Long thương mến,

Những ngày qua, ở mảnh đất Mỏ Sinh này, nơi mà chúng ta đã gặp nhau cách đây chưa đầy hai năm học, thày trò chúng  ta nói chuyện về thơ  ca, về sự học và cuộc sống… Hôm nay chia tay, không thể biết trước đến bao giờ lại có ngày hội ngộ. Giờ chia tay đã đến, Long bước vào chặng đường mới của cuộc đời!

“Cuộc đời”, hai tiếng ấy không giản đơn, bởi đời sống là đấu tranh, là khắc phục, đòi hỏi ở ta sức mạnh và niềm tin. Hãy bước vào cuộc đời với lòng dũng cảm. Và nên nhớ đừng có lúc nào mang một tâm tư của kẻ thất vọng vào cuộc đời Long nhé. Hãy biết sống cả trong những lúc cuộc đời gay cấn nhất. Tôi quý Long, một học sinh có tâm hồn văn học. Con đường ấy đòi hỏi nhiều: sự chăm chỉ liên tục, vốn thực tế, kiến thức đa dạng, và quý hơn cả là sự hiểu biết con người và cách làm người của chính bản thân.

Tài năng do rèn luyện mà nên!

Tôi mong mỏi cho Long bước vào cuộc đời với lòng dũng cảm của tuổi trẻ và dần dần có thêm sức nặng của sự suy nghĩ trong hành động của mình nữa.

Chia tay.

Mong ngày gặp tốt đẹp!

14 giờ ngày 23-5-1969 ở Cam Đường

 Thầy Trần Đình Huỳnh

 


* PGS Trần Đình Huỳnh, chuyên ngành Xây dựng Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Viện Mác – Lênin (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).

[1] Nay là trường Trung học phổ thông số 2, thành phố Lào Cai.