Ký ức những ngày đầu ở xứ sở Bạch Dương

Kết thúc những tháng ngày học tập ở trường Thiếu sinh quân ở An toàn khu Việt Bắc, năm 1951, Nguyễn Ngọc Hùng cùng đoàn học sinh Việt Nam là con em cán bộ được sang Nam Ninh (Trung Quốc) học tập. Trong một buổi học văn, thầy giáo Phạm Tuyên (sau là nhạc sĩ nổi tiếng) đã ra đề bài: Sau này các em muốn làm nghề gì? Nguyễn Ngọc Hùng cũng như nhiều học sinh khác đều thích trở thành phi công, lái xe tăng… tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Không ai nghĩ sau này sẽ trở thành giáo viên, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao, đạo diễn điện ảnh…

Nguyễn Ngọc Hùng (hàng ngồi, bìa trái) cùng các bạn học tại Nam Ninh, Trung Quốc, 1952

Từ năm 1951, Đảng và Chính phủ đã cử các đoàn cán bộ sang Liên Xô học tập, bồi dưỡng kiến thức. Hòa bình lập lại, theo thỏa thuận hợp tác Việt – Xô,  Liên Xô đã viện trợ 100 suất học bổng để đào tạo phiên dịch và giáo viên tiếng Nga cho Việt Nam. Theo nhà giáo Vũ Thế Khôi – con trai cố Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Vũ Đình Hòe và cũng là một trong số 100 học sinh được cử đi học tiếng Nga năm 1954: …chỉ 2 tháng sau Cách mạng tháng Tám, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục đầu tiên Vũ Đình Hòe đã ký Nghị định ngày 3-11-1945 đưa tiếng Nga vào chương trình đại học Việt Nam[1]. […] Vậy là đào tạo cán bộ thông qua nền giáo dục Xô viết tiên tiến đã là chiến lược giáo dục ngay từ ngày đầu dựng nước[2].

Năm 1954, trong chuyến đi Thụy Sĩ dự Hội nghị Genève về Đông Dương, khi qua Trung Quốc, đoàn cán bộ của Chính Phủ có nhiệm vụ tuyển chọn 100 học sinh từ Khu học xá Trung ương ở Nam Ninh sang Liên Xô học tập. Đây là đoàn học sinh Việt Nam đầu tiên được đi đào tạo ở Liên Xô, trong đó có Nguyễn Ngọc Hùng. Không có văn bản nào đề cập về tiêu chí chọn lựa 100 học sinh này. Có người cho rằng một trong những tiêu chí là ưu tiên học sinh học gần xong chương trình phổ thông và có thành tích học tập tốt. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tiêu chí không dựa vào học lực mà chọn con em của cán bộ cao cấp, các gia đình có đóng góp cho cách mạng.

Đến Bắc Kinh, đoàn học sinh Việt Nam được chăm sóc sức khỏe chu đáo, có bác sĩ thăm khám, điều trị các bệnh ngoài da; được trang bị toàn bộ quần áo, cấp vali và làm giấy tờ tùy thân… Đoàn còn được đi tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Bắc Kinh như: Tử Cấm Thành, Thiên An Môn… Sau đó, đoàn đi tàu liên vận từ Bắc Kinh tới biên giới và chuyển sang tàu của Liên Xô, tiếp tục hành trình đến Moskva. Tàu có giường nằm và một số món ăn đặc trưng của Liên Xô như bánh mì đen. Đi cùng học sinh Việt Nam còn có phiên dịch người Trung Quốc và một số sinh viên Việt Nam học năm cuối trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. PGS Nguyễn Ngọc Hùng nhớ lại: Chúng tôi tận mắt thấy nhiều cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời, các thành phố hiện đại, nhiều công trường xây dựng hoành tráng trên đất nước Liên Xô và ý thức được đó là công việc tương lai của mình[3].

Mỗi lần tàu dừng ở các ga lớn, đoàn được rất đông người Nga đứng ở hai bên đường chào đón. Họ niềm nở và còn tặng học sinh Việt Nam hoa quả, khiến những cô bé, cậu bé Việt Nam rất vui sướng. Có người Nga hỏi: Các cháu là người Cao Ly (Triều Tiên) hay người Trung Quốc? Sở dĩ họ hỏi vậy là bởi trước đó đã có những đoàn học sinh, sinh viên hai nước này sang Liên Xô, còn học sinh Việt Nam thì đây là lần đầu họ gặp.

Tàu đến Moskva chiều ngày 4-10-1954[4]. Đại diện trường Bồi dưỡng giáo viên và cán bộ ngành Giáo dục Liên Xô cùng đoàn thiếu nhi Liên Xô ra sân ga đón đoàn học sinh Việt Nam về ký túc xá của trường. Ký túc xá nằm ngay trung tâm Moskva với cơ sở vật chất khang trang. Theo PGS Nguyễn Ngọc Hùng, phía Liên Xô hiểu rõ tầm quan trọng của khóa đào tạo tiếng Nga này không những có ích cho Việt Nam mà cho cả Liên Xô nữa nên tổ chức chu đáo về mọi mặt. Ăn uống thì có nhà bếp riêng, được phục vụ các món hợp khẩu vị. Có bác sĩ, y tá túc trực thường xuyên để chăm lo sức khỏe cho đoàn. Trường còn cử giáo viên dạy học sinh Việt Nam trượt băng, trượt tuyết, tổ chức đi dã ngoại, giao lưu văn hóa…

Sau khi ổn định nơi ăn ở, trang bị thêm quần áo rét, đoàn được đi tham quan phố xá… Sáng ngày 5-10, đoàn 100 học sinh được chia thành nhiều lớp bắt đầu học tiếng Nga. Những buổi học đầu tiên thật đáng nhớ bởi giáo viên Nga chưa từng có kinh nghiệm dạy cho học sinh nước ngoài, không biết một chữ tiếng Việt, còn đám học trò không biết nửa chữ tiếng Nga. Không sách giáo khoa, không phiên dịch, học truyền khẩu trực tiếp: thầy cô giáo chỉ vào đồ vật hoặc làm động tác, rồi nói từ tiếng Nga tương ứng, trò nhắc lại. Học sinh có thể tùy ý ghi chép miễn học thuộc từ mới và phát âm đúng. Đã có không ít tình huống dở khóc dở cười khi phát âm tiếng Nga, ví dụ như từ “con voi”…

Với Nguyễn Ngọc Hùng, tiếng Nga là môn ngoại ngữ khó học. Phương pháp học tiếng Nga của ông là học từ vựng và ghi nhớ từ. Ngoài tự học cùng các bạn, thỉnh thoảng, ông thích xuống bếp hoặc ra khu giặt đồ để trò chuyện với người Nga, từ đó cải thiện khả năng giao tiếp và vốn từ vựng. Cứ thế, tiếng Nga đi vào đầu ông lúc nào không hay.

Học hành tuy vất vả nhưng bù lại, các cô giáo Nga rất quan tâm học sinh Việt Nam, coi như con em trong nhà. Hai trong những cô giáo đầu tiên của họ là bà Emma Lam và bà Sofia Leonidovna Korchikova[5]. Sau này, trường bổ sung thêm các giáo viên trẻ và mời ông Nguyễn Năng An[6] – khi đó đang học trường Đại học Y khoa số 2 ở Moksva, đến giúp sinh viên Việt Nam học và giao lưu với học sinh, sinh viên Nga. Giảng viên Nga còn tặng học sinh Việt Nam các cuốn từ điển Nga – Trung, Nga – Pháp để học tiếng Nga tốt hơn.

Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga vào ngày 7-11-1954, đoàn học sinh Việt Nam được tham gia diễu hành qua Quảng trường Đỏ. Được sự khuyến khích của các thầy cô giáo Nga, học sinh Việt Nam phát huy khả năng văn nghệ vốn có từ thời Thiếu sinh quân, dựng các bài hợp xướng của Việt Nam như “Hồng Hà”, “Sông Lô”, “Trường Chinh ca”, “Làng tôi”… để đi biểu diễn và giao lưu với thanh thiếu niên Nga[7]. Ở thời điểm người dân Liên Xô còn chưa biết nhiều đến Việt Nam, đây có thể coi là một trong những hoạt động văn nghệ đầu tiên quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến nước bạn.

Cũng trong tháng 11-1954, Bác Hồ gửi thư cho đoàn học sinh đang học tiếng Nga tại Moskva. Lễ nhận thư Bác được tổ chức vào ngày 3-12-1954. PGS Nguyễn Ngọc Hùng đã ghi chép cẩn thận nội dung bức thư ấy:

Thân ái gửi các cháu học sinh tiếng Nga và các cháu nhi đồng!

Trong khi đồng bào ta gian khổ để xây dựng lại nước nhà, các cháu hân hạnh được Đảng cộng sản, Chính phủ và bà con Liên Xô ân cần săn sóc nuôi dạy. Được vinh dự và hạnh phúc đặc biệt như vậy các cháu phải làm gì?

Bác khuyên các cháu:

– Phải giữ gìn kỷ luật nghiêm chỉnh.

– Phải đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

– Phải kính và nghe lời thầy giáo.

– Cố gắng thi đua học hành.

– Phải đoàn kết và học tập các anh chị thanh niên và nhi đồng Liên Xô.

Có như vậy các cháu mới trở nên những cán bộ tốt mai sau và xứng đáng với công ơn nuôi dạy của nước bạn. Có như vậy các cháu mới làm thoả lòng mong đợi của Đảng, Chính phủ và đồng bào ta. Có như vậy các cháu mới là cháu ngoan của Bác và làm cho Bác vui lòng.

Bác gửi các cháu nhiều cái hôn và nhờ các cháu chuyển lời Bác chào thăm các thầy giáo, các bạn và các đồng chí Liên Xô đang giúp đỡ các cháu.

Tất cả đều ghi nhớ lời dặn của Bác, cố gắng thực hiện trong suốt thời gian học tập ở Liên Xô và cả quá trình công tác sau này với các chuyên gia Liên Xô. Đến năm 1955, đoàn học sinh còn được gặp và nghe Bác dặn dò trực tiếp tại trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov trong dịp Bác sang thăm Liên Xô. Cùng năm, đoàn được phân thành 3 khối học chuyên sâu: 40 người học chuyên về dịch lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật; 40 người chuyên về dịch lĩnh vực xã hội, văn học – nghệ thuật  và 20 người học sư phạm, chuyển tiếp đại học.

Nguyễn Ngọc Hùng (hàng đứng, bìa trái) và các bạn trong một buổi chia tay giáo viên tiếng Nga tại Moskva

Từ đó, chương trình học tiếng Nga, bổ túc kiến thức và đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy có thay đổi lớn. Khối phiên dịch phải tiếp cận với các thuật ngữ cơ bản của các ngành khoa học làm tiền đề và nền móng trong công tác phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô. Đến năm 1956, khối phiên dịch về nước hoặc ở lại làm việc theo phân công, cũng có một số trường hợp được điều động đi làm sớm hơn. Khối sư phạm vào học khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Quốc gia Moskva mang tên V.I. Lênin, trong đó có Nguyễn Ngọc Hùng và các bạn Nguyễn Hào[8], Trần Vĩnh Phúc[9], Nguyễn Tuyết Minh[10], Vũ Thế Khôi, Hoàng Thúy Toàn[11], Đỗ Xuân Hà[12]… Theo dự kiến của Đại sứ quán, do nhu cầu cần cán bộ làm việc nên dự tính cử khối sư phạm đến học tập tại trường Cao đẳng sư phạm Moskva (thời gian đào tạo ngắn hơn). Nhưng phía bạn không đồng ý và kiên quyết thực hiện theo thỏa thuận là nhóm ngành sư phạm sẽ học tập tại Đại học Sư phạm Quốc gia Moskva mang tên V.I. Lênin với thời gian đào tạo 4 năm.

Ở môi trường mới, mỗi người đều phải tự phấn đấu hơn, tự lập từ sinh hoạt đến học tập, sống bình đẳng về mọi mặt trong một tập thể lớn cùng sinh viên nước ngoài. Sinh viên Việt Nam ở trong ký túc xá cùng với sinh viên Nga, được phân hai, ba người về một tổ học tập của Khoa Ngữ văn và thời gian đầu được các đoàn viên Đoàn thanh niên cộng sản Nga trong tổ giúp đỡ. So với sinh viên các nước bạn, chúng tôi phải cố gắng học tập hơn nhiều, việc học vô cùng khó khăn. Nhóm sinh viên Việt Nam được tách về các phòng sống cùng sinh viên nước ngoài và học theo các tổ đoàn kết thành một khối chặt chẽ và giúp đỡ lẫn nhau. Có được như vậy vì chúng tôi đã được thầy cô giáo rèn luyện kỹ năng sống tự lập qua thời kỳ sống trong trường Thiếu sinh quân, nhờ đó nhanh chóng vượt lên ở học kỳ 2 và không còn cần đến sự hỗ trợ của các bạn Nga nữa[13] – PGS Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ. Kết quả năm thứ nhất, sinh viên Việt Nam đều đạt điểm khá và giỏi.

Bốn năm học đại học trôi rất nhanh. Hè năm 1961, sinh viên Nguyễn Ngọc Hùng tốt nghiệp đại học. Xa nhà đã lâu, mọi người đều háo hức chuẩn bị trở về nước sau bao năm xa cách và muốn được thấy đất nước thay đổi trong hòa bình. Nguyễn Ngọc Hùng cùng Vũ Thế Khôi, Trịnh Xuân Thành, Đỗ Xuân Hà được phân về Ban tiếng Nga, trường Bổ túc ngoại ngữ[14] tại Gia Lâm, Hà Nội. Từ đó cuộc đời ông gắn bó với sự nghiệp giảng dạy tiếng Nga, đã bồi dưỡng, đào tạo biết bao thế hệ sinh viên, lưu học sinh.

Nhiều thành viên trong đoàn 100 học sinh đầu tiên học tiếng Nga tại Liên Xô sau này đã có đóng góp quan trọng cho việc củng cố mối quan hệ hữu nghị Việt – Nga cũng như trong công tác đào tạo, nghiên cứu, dịch thuật tiếng Nga. Trong số đó, nhiều vị thành đạt và nổi tiếng, như Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan (nhiệm kỳ 2001-2006); Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh – Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam; dịch giả Hoàng Thúy Toàn; Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Hồ Huấn Nghiêm, Tổng thư kí Hội Hữu nghị Việt – Xô Trịnh Trang…

Trong quá trình công tác tại trường Bổ túc Ngoại ngữ, nay là trường Đại học Hà Nội, PGS Nguyễn Ngọc Hùng có nhiều dịp trở lại Liên Xô công tác, tiếp tục học tập, nghiên cứu. Ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (1974) và luận án tiến sĩ (1986) tại đất nước vĩ đại này. Mỗi chuyến đi đều đem lại cho ông nhiều kiến thức, nhiều trải nghiệm thú vị, nhưng chuyến đi đầu tiên sang Liên Xô học tập năm 1954 là sâu đậm hơn cả. Như ông chia sẻ: Chuyến đi này đã khẳng định sự nhìn xa trông rộng, sáng suốt của Đảng, Chính phủ Việt Nam, của Hồ Chủ tịch và nhấn mạnh nhiệm vụ rất quan trọng trong việc học tiếng Nga – một công cụ và cầu nối đầu tiên không thể thiếu giữa hai nước trong sự hợp tác về mọi mặt, nhất là về đào tạo cán bộ, phát triển khoa học – kỹ thuật[15].

Nguyễn Điệp

________________________________

*PGS.TSKH Nguyễn Ngọc Hùng, chuyên ngành Ngôn ngữ, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội).

[1] Theo ông Vũ Thế Khôi, Nghị định 03-11-1945 của Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe ký về việc mở lớp chính trị – xã hội đặc biệt trực thuộc Đại học Văn khoa nhằm đào tạo viên chức cao cấp cho các cơ quan hành chính quốc gia và ngoại giao, trong đó tại mục 7, Điều 2 quy định chương trình học ghi rõ: “dạy một sinh ngữ chọn trong 3 sinh ngữ (Trung Hoa, Nga, Anh), mỗi tuần 4 giờ (cả năm)”. Nghị định không nhắc tới tiếng Pháp, đơn giản là vì lúc ấy tất cả những người tốt nghiệp trung học đều đã làu làu ngoại ngữ đó. Tham khảo, http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/1788-tieng-nga-voi-cach-mang-viet-nam.

[2] Vũ Thế Khôi, Trưởng thành trên quê hương Cách mạng tháng Mười, 2017, tr. 1, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Tài liệu do PGS.TSKH Nguyễn Ngọc Hùng cung cấp, 18-11-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Vũ Thế Khôi, Trưởng thành trên quê hương Cách mạng tháng Mười, đã dẫn, tr. 1.

[5] Sau này, bà Sofia vẫn giữ liên lạc với các học sinh Việt Nam và còn là người hiệu đính cho một số ấn phẩm dịch của học trò.

[6] Sau là GS.TSKH Nguyễn Năng An, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, tác giả cuốn Từ điển Nga -Việt đầu tiên, xuất bản năm 1959.

[7] Vũ Thế Khôi, Trưởng thành trên quê hương Cách mạng tháng Mười, đã dẫn, tr. 2.

[8] Ông Nguyễn Hào sau là PGS.TS, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội).

[9] Ông Trần Vĩnh Phúc sau là PGS.TS, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Văn học và Đất nước học Nga, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ.

[10] Bà Nguyễn Tuyết Minh sau là PGS.TSKH, nguyên Phó chủ nhiệm khoa tiếng Nga, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội).

[11] Ông Hoàng Thúy Toàn sau trở thành dịch giả tiếng Nga nổi tiếng, được Tổng thống Nga Dmitry Medvedev trao tặng Huân chương Hữu nghị.

[12] Ông Đỗ Xuân Hà sau là PGS.TS, giảng viên Khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[13] Tài liệu do PGS.TSKH Nguyễn Ngọc Hùng cung cấp, 18-11-2021, đã dẫn.

[14] Tên trường có sự thay đổi: Năm 1967 là trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, từ năm 2006 đến nay là trường Đại học Hà Nội.

[15] Tài liệu do PGS.TSKH Nguyễn Ngọc Hùng cung cấp, 18-11-2021, đã dẫn.