Hai cuốn luận án – một chặng đường gần hai chục năm

Câu chuyện về hai cuốn luận án này của PGS Phan Văn Các bắt đầu từ năm 1972, khi trường Y khoa miền núi còn ở nơi sơ tán tại Hang Hon, xã La Hiên, huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái. Nhận được thông báo có tên trong danh sách đi thực tập ở nước ngoài, ông vội vã đạp xe về Hà Nội để nộp hồ sơ, làm các thủ tục và chuẩn bị đề cương theo quy định.

Ngày đó giảng viên Phan Văn Các mới 28 tuổi, đang khao khát khẳng định bản thân trong cả khoa học và cuộc sống. Kể từ sau khi tốt nghiệp trường ĐH Dược khoa năm 1969, ông bận rộn với công việc giảng dạy ở phân hiệu ĐH Y khoa miền núi (thuộc ĐH Y Hà Nội)[1], rồi thầy cùng trò phải đi sơ tán, ông chưa có điều kiện nghiên cứu sâu một vấn đề nào. Vì thế, để xây dựng đề cương trước khi đi thực tập, ông định làm về dược lý đại cương, bởi đây là vấn đề cơ bản, cốt lõi cho người nghiên cứu dược lý học.

Cuối tháng 12-1972, đoàn thực tập sinh Việt Nam lên đường sang Liên Xô và một số nước Đông Âu. Sau chặng bay dài từ sân bay Gia Lâm, máy bay hạ cánh ở phi trường Bắc Kinh. Bước xuống sân bay, giảng viên Phan Văn Các vẫn chưa hết vui sướng thầm, cảm giác thoát khỏi trắc trở kể từ lúc xuất cảnh, bởi trước đó đã mấy lần đoàn thực tập sinh lên ô tô để ra sân bay, nhưng đến cầu Long Biên thì phải quay lại vì máy bay Mỹ oanh tạc gắt gao. Tại phi trường Bắc Kinh, đoàn chuyển máy bay rồi bay tiếp đi Moskva. Cùng với giảng viên Phan Văn Các, có hai cán bộ của trường ĐH Dược khoa là Vũ Anh Vinh, Dương Vũ Lợi cũng được cử đi thực tập ở Hungary. Đến Moskva, nghỉ lại khoảng một tuần rồi mới được bay tiếp sang Budapest.

Theo kế hoạch, ba thực tập sinh Việt Nam sẽ học tiếng Hung tại trường Dự bị quốc tế ở thủ đô Budapest. Nhưng bà giáo Havas Argnes đã ưu ái cho phép họ đến nhà riêng để học mà không cần tới trường. Bà đặt chiếc bảng ngay tại phòng khách, vừa viết vừa vẽ hình minh họa lên đó. Sau 6 tháng học, ông Phan Văn Các có thể đọc, viết tiếng Hung và giao tiếp đơn giản với người Hung.

Kết thúc khóa học tiếng, ba thực tập sinh phải tự liên hệ tìm chỗ để thực tập theo đề cương đã chuẩn bị từ Việt Nam. Ông Phan Văn Các cảm thấy hoang mang, hỏi ý kiến một số thực tập sinh Việt Nam ở đây thì không nhận được chỉ dẫn cụ thể. Ông thử đến Viện Bào chế ở Budapest và được Viện trưởng là GS László đồng ý tiếp nhận. Với sự hướng dẫn của ông Marka, một kỹ thuật viên đã nhiều tuổi, thực tập sinh Phan Văn Các học điều chế viên bao Dragess. Đó không phải là hướng thực tập mà ông đã dự định, mặc dù vậy, ông vẫn tỉ mỉ ghi chép những gì học được vào sổ tay.

Hai cuốn luận án phó tiến sĩ (bản tiếng Việt và bản tiếng Hung) của PGS Phan Văn Các

Tìm đến Viện Dược liệu Szeged (thuộc trường ĐH Szeged) để xin thực tập, ông Phan Văn Các gặp Viện trưởng Novacsva, một người rất khó tính và nguyên tắc. Không chần chừ, vị giáo sư này viết ngắn gọn ý kiến chấp thuận, như ông Phan Văn Các còn nhớ: Tôi là GS Novacsva – Viện trưởng Viện Dược liệu, cho phép anh Phan Văn Các được đến đây thực tập trong một tháng[3]. Thấy thời gian thực tập quá ngắn, ông ngỏ ý xin thêm nhưng GS Novacsva trả lời dứt khoát: Tôi chỉ có một tờ giấy này và không có thêm từ nào![4]. Tuy băn khoăn về thời gian chỉ có một tháng, ông vẫn vui vẻ thực tập ở đây.Một lần, tại thư viện, ông Phan Văn Các gặp người thủ thư tốt bụng và rất nể trọng danh tiếng dược sĩ Đỗ Tất Lợi của Việt Nam, người được Liên Xô công nhận học vị Tiến sĩ bởi công trình Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam từ năm 1968. Khi biết ông Phan Văn Các là người Việt Nam và là học trò của dược sĩ Đỗ Tất Lợi, hiểu được sự bế tắc của ông, bà ta gợi ý nên đến Viện Dược liệu ở Szeged để thực tập về dược lý. Tự ông cũng hiểu rằng, nếu ở lại Budapest, chỉ có thể loanh quanh tham quan học tập ở Viện Bào chế hoặc Viện Dược lý, trong khi những vấn đề có thể học ở đó thì ông đã được thầy Phạm Kim Mãn[2] dạy từ hồi còn là sinh viên trường Dược. Vậy nên ông xin chuyển về thành phố Szeged – thủ phủ của hạt Csongrád, ở phía đông nam Hungary.

Kết thúc thời gian thực tập ở Viện Dược liệu Szeged, kết quả chẳng được là bao. Đang lúc bế tắc và buồn rầu, ông Phan Văn Các được dược sĩ Blazo Gabor ở Viện này mách bảo sang Viện Dược lực. Ông đến gặp Viện trưởng Viện Dược lực, nhưng GS Sgaiet Laslo đi dự hội nghị, không có mặt ở Viện. Ông liều gõ cửa phòng Viện phó Minker Emil. Cánh cửa mở ra, trước mắt ông là một phòng thí nghiệm nhỏ, ông ngại ngùng không dám bước vào. Ông đứng nguyên ngoài cửa và trình bày nguyện vọng của mình, trong khi GS Minker Emil vừa nghe vừa chuẩn bị làm thí nghiệm. Sau khi gây mê một con chuột, GS Minker Emil mời Phan Văn Các vào phòng rồi bất ngờ đề nghị ông luồn canuyn (ống nhựa nhỏ) vào tĩnh mạch cảnh của chuột. Ông thầm nghĩ “phải chăng đây là thử thách?”, và nói thật với GS Minker Emil rằng ở Việt Nam ông chưa từng thực hiện một thí nghiệm nào như thế này, nhưng vẫn xin được làm thử. Ông hồi hộp và cẩn trọng làm theo hướng dẫn của GS Minker Emil, cắt miếng da trên cổ chuột để cho tĩnh mạch cảnh lộ ra. Vừa xong công đoạn này thì chuông điện thoại trên bàn làm việc của GS Minker Emil vang lên, phá tan bầu không khí căng thẳng trong căn phòng. GS Minker Emil nhấc máy vui vẻ trao đổi công việc với đồng nghiệp, còn ông Phan Văn Các thấy bình tĩnh hơn, mạnh dạn luồn canuyn vào tĩnh mạch chuột. Khi ông thực hiện xong thao tác cuối cùng cũng là lúc GS Minker Emil kết thúc cuộc trò chuyện. Trở lại bàn thí nghiệm và quan sát chú chuột, ông Viện phó thốt lên: Trời ơi! Sao kỳ lạ vậy, cậu chưa làm bao giờ mà sao đặt chính xác thế![5]. Lời khen đó làm cho ông Phan Văn Các như trút được gánh nặng, nhưng trên trán lấm tấm mồ hôi vì thử thách vừa trải qua.

Ngay lập tức, GS Minker Emil nhấc điện thoại gọi ba người đồng nghiệp đến trao đổi và quyết định cho ông Phan Văn Các thực tập tại Viện Dược lực, đồng thời nhận trực tiếp hướng dẫn. Ông hết sức mừng rỡ vì được GS Minker Emil mở ra cánh cửa để nghiên cứu về dược lý học, nhưng cũng lo lắng khi thầy hướng dẫn giao thực hiện đề tài “Tác dụng của chất dãn cơ trong thể tạng đái tháo đường trường diễn của chuột”. Vấn đề này thầy Emil sẽ báo cáo tại hội nghị sinh lý học của Hungary trong thời gian tới. Thực tập sinh Phan Văn Các có chút băn khoăn: Tại sao học về dược lý đại cương mà lại nghiên cứu về tác dụng của chất dãn cơ trong trạng thái đái tháo đường? Nhưng theo giải thích của GS Minker Emil, đây là bước nghiên cứu đầu tiên, sau sẽ áp dụng các phương pháp dược lý để kiểm nghiệm. Thầy còn nhắc ông phải học thêm tiếng Hung.

Thực tập sinh Phan Văn Các thực sự gặp khó khăn khi bắt tay vào thực hiện đề tài, ông phải tiến hành các thí nghiệm chưa từng làm trên chuột. Nhưng bằng tinh thần cầu thị, ông học hỏi và thành thạo từng bước, từ cố định chuột, tiêm urethan gây mê vào tĩnh mạch đuôi, đến cắt da để tìm tĩnh mạch cảnh, tiêm thuốc thử, buộc cơ chân để ghi phản xạ của chuột bằng thiết bị kymograph. Sau quá trình làm thí nghiệm và phân tích các chỉ số, ông Phan Văn Các cùng thầy hướng dẫn đi đến kết luận: Với thể tạng đái tháo đường lâu ngày thì chất dãn cơ phải thay đổi nhiều trạng thái[6]. Sau đó, hai thầy trò cùng đứng tên tác giả của báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị sinh lý học tổ chức tại Szeged. Được tham dự hội nghị này chỉ sau thời gian ngắn thực tập, điều đó đã khích lệ tinh thần Phan Văn Các, đồng thời mở ra cho ông một hướng nghiên cứu rất thiết thực. Ông quyết định đi sâu tìm hiểu một số tương tác thuốc ở pha dược lực học, cụ thể là trên bản vận động của cơ vân, trên hạch giao cảm, chú ý đến bệnh đái tháo đường và nhựa cây sui (Antiais toxicaia Lesch). Ông bày tỏ ý tưởng phát triển thành luận án phó tiến sĩ và được GS Minker Emil ủng hộ. Vậy là với sự hướng dẫn của GS Minker Emil, ông thực hiện đề tài “Một số tương tác thuốc trên bản vận động của cơ vân và trên hạch giao cảm trong điều kiện sinh lý bình thường và trong trạng thái đái tháo đường thực nghiệm”.

Kể từ ngày đến thực tập tại Viện Dược lực, các kỹ thuật viên của Viện hiếm khi thấy Phan Văn Các vắng mặt ở phòng thí nghiệm. Người phụ trách việc nuôi chuột trở nên thân quen với Phan Văn Các, vì ông hay đến bắt chuột về làm thí nghiệm. Phòng hóa chất cũng là nơi ông thường xuyên lui tới, vì được GS Minker Emil cho đặc quyền đến lấy hóa chất phục vụ thí nghiệm bất cứ khi nào cần. Rồi một ngày người ta không thấy thực tập sinh Phan Văn Các đến lấy chuột nữa, mở sổ theo dõi thì thấy tổng cộng số chuột ông đã lấy đi là ngót 500 con. Thực ra, lúc này Phan Văn Các đang ngồi ở nhà viết luận án bằng tiếng Hung.

Như vậy, thực tập sinh Phan Văn Các bắt tay vào viết luận án phó tiến sĩ sau hơn hai năm miệt mài làm thí nghiệm và vào thư viện đọc sách. Khi hoàn thành được một số nội dung cơ bản, ông lên tàu về Budapest, đến Đại sứ quán Việt Nam trình bày những kết quả nghiên cứu và xin cho phép sẽ bảo vệ luận án, dù biết theo quy định thì thực tập sinh không bảo vệ luận án ở nước ngoài. Ông không được toại nguyện, đành buồn bã quay lại Szeged và được GS Minker Emil an ủi: Cậu đã làm được thế này là rất cố gắng rồi. Cậu cứ về nước xem có làm thêm được gì nữa không. Lần sau, có cơ hội lại sang đây để bảo vệ thì tốt[7]. Trong khoảng thời gian còn lại, ông tiếp tục công việc còn dang dở.  Đầu năm 1976, kết thúc 3 năm thực tập, ông trở về Việt Nam với bản luận án viết chưa xong.

Về lại phân hiệu Đại học Y khoa miền núi, ông Phan Văn Các được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, nhưng thực chất là thực hiện vai trò của một trưởng phòng. Ông bận rộn hơn, vừa giảng dạy tại bộ môn Dược lý, vừa đảm nhiệm công tác quản lý và tham gia một số đề tài khoa học, nên không có thời gian ngó ngàng đến bản luận án còn chưa hoàn thành. Ngay sau khi về nước ít lâu, ông đã gửi đơn đến Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp để bày tỏ nguyện vọng bảo vệ luận án phó tiến sĩ, nhưng không được hồi âm. Tưởng chừng bản luận án kia sẽ chỉ là kỷ vật của mấy năm thực tập bên Hungary, thì một ngày đầu năm 1981, khi đang dẫn nhóm điều tra quốc tế về người tàn tật đến làm việc ở huyện Đại Từ, ông Phan Văn Các nhận được thông báo của Bộ Y tế cử sang Hungary lần thứ hai để thực tập trong thời gian một năm. Hôm tập trung để chuẩn bị lên đường, trưởng đoàn thực tập sinh thông báo lần này sang Hungary có anh Phan Văn Các sẽ bảo vệ luận án phó tiến sĩ[8], khiến ông hi vọng chuyến này luận án của mình sẽ được hoàn thành và đưa ra bảo vệ.

Trở lại Hungary với bản luận án dừng lại từ 5 năm trước, ông Phan Văn Các gặp thầy hướng dẫn trong niềm vui khôn tả: Thầy Emil ôm rồi nhấc bổng tôi lên, sau đó bắt tay và nói rằng chúng ta sẽ cùng nhau hoàn thành một luận án tuyệt vời[9]. GS Minker Emil lúc này đã là Giám đốc Viện Dược lực, tình cảm dành cho Phan Văn Các vẫn nồng nhiệt như trước kia. Để giúp đỡ thêm cho học trò có tiền mua tài liệu, ông vận động cán bộ trong Viện mỗi tháng không ăn trưa một bữa và nhường suất ăn đó cho Phan Văn Các.

Lần này làm việc ở Viện Dược lực, thực tập sinh Phan Văn Các gặp nhiều thuận lợi hơn, trang thiết bị phục vụ thí nghiệm phần lớn đã thay mới, hiện đại hơn, thiết bị ghi kymograph cũng được thay bằng thiết bị ghi sóng có độ chính xác cao. Phòng hóa chất đã được bổ sung nhiều hóa chất mới để dùng cho các thí nghiệm. Nhờ vậy, luận án có thêm những kết quả nghiên cứu có giá trị khoa học cao hơn. Ông dành nhiều thời gian để bổ sung và hoàn chỉnh luận án, rồi chuyển cho thầy Minker Emil góp ý, chỉnh sửa. Luận án gồm 4 chương: Tổng quan tài liệu, Các phương pháp nghiên cứu, Kết quả nghiên cứu và Thảo luận kết quả nghiên cứu. Ông thuê đánh máy tiếng Hung và đóng quyển, mỗi quyển có dung lượng 114 trang, kích thước 21,5cm x 30cm.

Gần đến ngày bảo vệ luận án, thực tập sinh Phan Văn Các được Viện Dược lực yêu cầu bổ sung vào hồ sơ một số giấy chứng nhận của Đại sứ quán Việt Nam. Khi đến Sứ quán ở Budapest, ông mới biết rằng thông tin mà trưởng đoàn đã nói trước ngày lên đường sang Hungary như kể trên là không có căn cứ. Ông lại thất vọng. GS Minker Emil động viên ông về nước dịch luận án ra tiếng Việt, đợi khi nào đủ điều kiện thì bảo vệ. Tháng 5-1982, ông Phan Văn Các về nước, mang theo bản luận án hoàn chỉnh, với tâm trạng nặng nề chẳng khác gì lần trở về hồi 6 năm trước.

Ông Phan Văn Các vẫn lưu giữ cẩn thận cuốn luận án. Năm 1991, khi vào Vũng Tàu dự hội nghị tổng kết công tác các trường đại học, ông được Hiệu trưởng trường ĐH Dược Hà Nội là ông Nguyễn Thành Đô gợi ý làm nghiên cứu sinh ngắn hạn. Nghe theo, ông nộp đơn đăng ký làm nghiên cứu sinh ngắn hạn tại trường ĐH Dược Hà Nội, và nhanh chóng được cơ quan chủ quản là trường ĐH Y Bắc Thái cũng như đơn vị đào tạo là trường ĐH Dược Hà Nội chấp thuận.

Sau hơn một năm, ông Phan Văn Các dịch xong luận án từ tiếng Hungary sang tiếng Việt. Luận án lúc này gồm 100 trang đánh máy, được đóng quyển với kích thước 21,5cm x 29,5cm. Đồng thời, ông hoàn thiện thủ tục, bổ sung các chứng chỉ về ngoại ngữ, chính trị… theo quy định ở Việt Nam. Sau khi nhận được công văn phản hồi từ Viện Dược lực Hungary, cho biết đề tài này vẫn có tính thời sự và chưa có nghiên cứu mới nào khác, trường ĐH Dược Hà Nội đã thành lập hội đồng chấm luận án của nghiên cứu sinh Phan Văn Các.   

Ngày 8-10-1993, tại trường ĐH Dược Hà Nội, luận án phó tiến sĩ với đề tài “Một số tương tác thuốc trên bản vận động của cơ vân và trên hạch giao cảm trong điều kiện sinh lý bình thường và trong trạng thái đái tháo đường thực nghiệm” được đặt lên bàn của hội đồng chấm luận án. Các thành viên trong hội đồng như Nguyễn Hưng Phúc, Hoàng Tích Huyền, Đỗ Công Huỳnh, Đỗ Trung Đàm, Đặng Hanh Phức[10]… đều đánh giá cao công trình khoa học này, dù nó được thực hiện từ nhiều năm trước. Hôm ấy, tác giả Phan Văn Các tự tin trả lời những câu hỏi phản biện của các nhà khoa học, bởi ông đã có quá trình sử dụng kết quả nghiên cứu trong luận án đưa vào giảng dạy, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp và luận văn thạc sĩ.

Bản luận án phó tiến sĩ là kết quả từ sự nỗ lực không mệt mỏi của ông Phan Văn Các ở cả Hungary và Việt Nam. Bắt đầu từ Hungary, từ chuyến thực tập lần thứ nhất (3 năm), sau đó là chuyến thực tập lần thứ hai (1 năm), tiếp đến giai đoạn làm nghiên cứu sinh ngắn hạn trong nước (khoảng 2 năm). Ông đã kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, trắc trở để theo đuổi định hướng nghiên cứu và làm luận án, để rồi gần hai chục năm sau ông bảo vệ thành công luận án tại Việt Nam.

Lê Nhật Minh

_________________________

PGS.TS Phan Văn Các, chuyên ngành Dược học, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Y dược Thái Nguyên.

[1] Ngày 24-1-1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/CP chuyển phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi thành trường Đại học Y Bắc Thái.

[2] PGS.TS Phạm Kim Mãn (1936-2011), có thời kì làm Viện phó Viện Dược liệu.

[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phan Văn Các, 24-10-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phan Văn Các, 24-10-2019, đã dẫn.

[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phan Văn Các, 24-10-2019, đã dẫn.

[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phan Văn Các, 24-10-2019, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phan Văn Các, 19-7-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[8] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phan Văn Các, 24-10-2019, đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm PGS.TS Phan Văn Các, 19-7-2018, đã dẫn.

[10] GS.TSKH Nguyễn Hưng Phúc, Chủ nhiệm bộ môn Độc học, Học viện Quân y; GS.TS Hoàng Tích Huyền, Chủ nhiệm bộ môn Dược lý, Đại học Y Hà Nội; GS.TS Đỗ Công Huỳnh, Chủ nhiệm bộ môn Sinh lý học, Học viện Quân y;  PGS.TSKH Đỗ Trung Đàm, Chủ nhiệm khoa Dược lý – Sinh hóa, Viện Dược liệu; GS Đặng Hanh Phức, Chủ nhiệm bộ môn Sinh hóa, Đại học Dược Hà Nội.