Nguyễn Văn Phơn sinh ra và trưởng thành từ làng Chánh Hảo thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Địa bàn Xã Quảng Đông có đến 3 chợ, họp vào các phiên khác nhau. Chợ Nhàng, thường họp 9 phiên chính mỗi tháng vào các ngày 1, 5, 7. Các ngày còn lại thì có chợ Môi họp ngày 2, 4, 8 và chợ Voi ngày 3, 6 và 9.. Từ nhà của Nguyễn Văn Phơn, chợ Nhàng gần nhất, nhưng ông lại chưa bao giờ được bà hay mẹ cho đi chợ vì nhiều lý do khác nhau. Năm 1946, khi mới lên 7 tuổi, vì ngoan và biết nghe lời nên “phần thưởng” cho cậu bé Phơn năm đó chính là được theo mẹ đi chợ Tết. Ông nhớ lại: Cái háo hức của đứa trẻ con lần đầu tiên được đi chợ khi đó thật khó diễn tả, có khi cả đêm không ngủ được, chỉ chờ trời sáng để đi chợ Tết sớm[1].
Trong sách “Thương nhớ mười hai”, nhà văn Vũ Bằng đã viết: Chợ Tết có một sức hấp dẫn hết sức kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, đi để xem… chợ Tết [2]Đặc biệt, chợ Tết quê xưa thường gắn liền với không gian sinh hoạt làng xã rất bình dị với hình ảnh mái đình, bến nước, gốc đa quen thuộc như cuộc sống thường ngày tại mỗi miền quê. Đối với ông Nguyễn Văn Phơn, ông vẫn nhớ như in những hình ảnh đọng lại sau chuyến đi chợ Tết cùng mẹ năm ấy.
PGS.TS Nguyễn Văn Phơn
Hôm đó là phiên chợ Nhàng cuối cùng của năm cũ, tức là vào 27 tháng Chạp, cậu bé Nguyễn Văn Phơn cùng mẹ phải đi từ làng Chánh Hảo qua làng Xích Ngọc và mấy quãng đồng mới đến chợ. Trên đường đi, hai mẹ con phải qua một cánh đồng trồng toàn cây bầu đất. Đó là lần đầu tiên ông nhìn thấy loại bầu này, quả tròn như quả bưởi nằm ngay trên luống đất cát chứ không giống quả bầu dài leo trên giàn cao quá đầu, mà dân làng vẫn thường trồng. Quang cảnh khu chợ thật lạ lẫm với Nguyễn Văn Phơn: Các hàng quán người ngồi la liệt thành hàng lối trong các căn lều đơn sơ xiêu vẹo, mái lợp bằng rơm đã cũ nát; người mua bán – trao đổi rất đông, rất ồn ào. Vì là phiên chợ cuối năm, nên hàng hóa mang đến chợ nhiều vô kể và người lớn, trẻ con đi chợ cũng rất đông. Lần đầu đến chợ, lại là chợ Tết nên cậu bé Phơn rất thích thú với đủ thứ hàng hóa, từ giấy màu, mực tàu, kim chỉ, thìa, sợi cước, lưỡi câu, diêm, thuốc nhuộm răng, rồi cả vàng mã cho đến thuốc đau mắt…, cái gì cũng có, chưa kể tất cả đều có mầu sắc xanh đỏ, tím, vàng, trông rất đẹp mắt. Người bán lấy hàng hóa ra từ 2 cái bồ, bày la liệt trên các cái khay, mẹt trước hàng của mình. Đến lúc đó, cậu bé Nguyễn Văn Phơn mới hiểu hàng xén là bán hàng tạp hóa. Cậu còn ngỡ ngàng khi thấy nhiều người vào chợ không để mua sắm, mà đi chơi chợ Tết thì đúng hơn, ông nhớ lại: “Lần đầu đến chợ tôi nghe tiếng ồn rất khác lạ. Cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ văng vẳng thứ âm thanh râm ran của buổi chợ quê ấy. Chỗ này mấy bà túm tụm đánh bài tam cúc, chỗ kia mấy ông chụm đầu đánh “xóc đĩa” sát phạt nhau ăn tiền. Người thắng thì cười nói hả hê, kẻ thua thì buồn thiu vì vợ con mất Tết.
Với cậu bé Nguyễn Văn Phơn, phiên chợ Tết hôm đó ấn tượng nhất là khi hai mẹ con dừng lại xem nặn ”tò-he”[3]. Ông kể: Khi đó, tôi thích quá, đòi mẹ mua cho một con gà nặn bằng bột màu, nhưng mẹ chê đắt và không mua. Đi sang chỗ khác mẹ mua cho tôi cái trống có 2 mặt dán bằng giấy xanh, đỏ. Xoay vê cái cán trống, 2 hạt cườm buộc ở các đầu sợi chỉ đập vào mặt trống kêu “long-bong” nghe rất hay. Thích thú với thứ đồ chơi đó, tôi quên chuyện đòi mẹ mua con “tò-he” lúc trước. Tôi vẫn nhớ mẹ tôi giải thích rằng con tò-he nặn bằng bột, chỉ chơi được một lúc là nó hỏng, còn cái trống này nó bền hơn, mà khi con chơi thì em con cũng được nghe, con có thích không?. Khi đi len lỏi qua đám đông trong chợ, Phơn còn thấy những người ăn xin quần áo rách rưới, phần nhiều là người già. Được phép của mẹ, ông bỏ vào cái bát trên tay bà cụ già một đồng tiền. Bà cụ cảm ơn rối rít lại còn chúc ông chóng lớn học hành giỏi giang. Đến gần trưa, trước lúc ra về cậu được mẹ cho “ăn quà”. Đó là quán lều bán cháo bột, bên trong lều đã bày sẵn 4 nồi cháo nấu bằng thứ bột tẻ pha bột nếp có các mầu: xanh, đỏ, vàng, tím. Ông chọn ăn cháo màu đỏ, còn mẹ chọn một bát màu xanh. Ông nói: Bát cháo đó có vị ngọt của con hến mà ở nhà bà tôi vẫn hay nấu canh rau dền. Trên đường về nhà, qua lời của mẹ, ông mới biết cháo có màu đỏ vì được nấu bằng nước quả gấc, màu xanh là nước lá rau cải, màu vàng là nước nghệ.
Phiên chợ Tết (Tranh minh họa từ internet)
Sau này, khi nhớ về phiên chợ Tết năm xưa, ông cảm nhận được rằng, chợ Tết chính là không gian sinh hoạt, không gian văn hóa thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của một vùng quê. Cũng qua phiên chợ Tết đó, cậu bé Nguyễn Văn Phơn hiểu hơn về cuộc sống gia đình, về cha mẹ với những vất vả, lo toan, bươn chải, tiết kiệm để chuẩn bị cho những cái Tết, dù chưa thật sự tươm tất nhưng tràn đầy niềm vui, lắng đọng tình yêu thương, sự hy sinh, chia sẻ và hy vọng những điều tốt đẹp trong Năm mới.
Chuyến đi chợ Tết cách đây hơn 70 năm, cứ như cuốn phim ngược thời gian một cách chầm chậm qua lời kể của PGS.TS Nguyễn Văn Phơn, và chúng tôi – những khán giả “hậu sinh” rất hứng thú được khám phá. Giờ đây, chợ Tết ở các vùng quê dù vẫn còn đó, nhưng đã có nhiều khác biệt. Nhưng dấu ấn của chợ Tết xưa thì đã đi vào trong tâm thức của ông và mỗi độ Tết đến Xuân về, cái nét hồn quê xưa tươi đẹp, dân giã đó lại hiện lên trong dòng chảy ký ức miên man, lung linh huyền ảo về thời thơ ấu xa lắc lơ mà như mới trôi qua cùng năm cũ./.
Thúy Tiềm
________________________
[1] Hồi ký của PGS.TS Nguyễn Văn Phơn (đánh máyvi tính), lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Tất cả những lời kể của ông trong bài viết đều trích từ tài liệu này.
[2] Vũ Bằng, sách Thương nhớ mười hai, Nhà xuất bản Văn học, 1993.
[3] Tò he (còn được gọi là con giống bột), là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam.