Công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên

Bén duyên với nghệ thuật múa từ môi trường quân đội

Lê Ngọc Canh rời quê nhà ở làng Đa Sĩ, Hà Tây (nay là Hà Nội) năm 12 tuổi, làm liên lạc trong đội Tự vệ bảo vệ Thủ đô. Con đường nghệ thuật của ông cũng bén duyên từ đây. Khi ấy, vì nhỏ người nên ông được các chú bộ đội chọn vào đội Tuyên Văn (tuyên truyền bằng văn nghệ) thường biểu diễn văn nghệ phục vụ chiến sĩ và nhân dân. Thầy giáo dạy múa đầu tiên của ông lúc đó chính là các chú bộ đội, những điệu múa đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật đã trở thành những điệu múa đầu tiên của người nghệ sĩ Lê Ngọc Canh sau này.

GS.TS Lê Ngọc Canh

Năm 1947, Lê Ngọc Canh theo Trung đoàn Thủ đô rút lên Việt Bắc. Những năm đầu ở chiến khu, ông tham gia Đội Thiếu sinh quân tuyên truyền vũ trang quân đội. Ngoài học văn hóa, đội thiếu sinh quân được học hát, múa, đàn…Đội làm nhiệm vụ tuyên truyền trong nhân dân và phục vụ các chiến dịch bằng hoạt động nghệ thuật – hát, múa, diễn kịch… họ như các “diễn viên” bán chuyên nghiệp. Ông Lê Ngọc Canh cũng nhớ, thầy giảng dạy các môn nghệ thuật đều trong Ban chính trị Trung đoàn Thủ đô. Điệu múa đầu tiên là do nhà báo – Đại tá Đỗ Trí truyền dạy; thầy dạy nhạc là ông Phan Ngọc Chương; thầy dạy ông chạm tay vào phím đàn là nhạc sĩ Lương Ngọc Trác. Trong đội, mỗi người giỏi một lĩnh vực (hát, múa, đàn…), tất cả tạo thành như một đoàn hoạt động văn nghệ. Mỗi lần đơn vị đi tuyên truyền, biểu diễn ở các xã, huyện, chỉ có một chiếc xe kéo thô sơ để chở đồ và dụng cụ biểu diễn, còn cả đội thiếu sinh quân đi bộ. Về địa phương, cả đội ăn ở cùng dân, được quý mến đến mức nhiều gia đình dọn xuống ở nhà bếp, nhường lại nhà trên cho bộ đội. Nhiều lần đơn vị về vùng dân tộc thiểu số tuyên truyền, người dân rất ủng hộ, mặc đêm tối họ đốt đuốc vượt qua 3 – 4 cây số đường rừng để đến xem đội biểu diễn.

Lê Ngọc Canh,(hàng sau, thứ 3 từ trái qua) cùng các thành viên đội Thiếu sinh quân tại Việt Bắc, năm 1947

Suốt 7 năm (1947-1954) sống giữa núi rừng Việt Bắc, những điệu múa của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Thái, Nùng…luôn làm Lê Ngọc Canh say đắm và dần trong ông, một tình yêu bền chặt đã dành cho mảnh đất và con người nơi đây. Ông bắt đầu sáng tác từ đầu năm 1950, trong mọi hoàn cảnh như trong những cuộc hành quân, hay trên chiếc võng dù mắc vội, chiếc chõng tre dưới tán cây rừng cũng trở thành bàn viết. Rồi trên những chặng đường hành quân cùng đồng đội, vượt núi rừng ở Cao Bằng, vượt đèo ở Lai Châu, ngủ hầm, trải qua những lần sốt rét rừng…đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác, như ca khúc “Nhắn anh Vệ quốc”, biên đạo điệu múa “Dáng đứng chiến sĩ” và “Ba quân nhân giỏi” được đội Tuyên văn biểu diễn và phổ biến ở toàn đơn vị.

Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Lê Ngọc Canh theo Trung đoàn Thủ đô trở về Hà Nội. Ba tháng sau khi trở về, ông tham gia lớp bổ túc văn hóa công nông, rồi thi đỗ vào hệ tại chức khoa Văn, trường Đại học Sư phạm. GS Lê Ngọc Canh chia sẻ: Duyên với nghề không hẹn ước, không thể đoán trước. Duyên với nghề do ông trời cho. Nhưng tôi đến với nghệ thuật múa là do Cách mạng đưa đến[1].

Công trình nghiên cứu đầu tiên bắt nguồn từ những đam mê

Từ năm 1951-1984, Lê Ngọc Canh là diễn viên của Đoàn văn công Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội). Thời gian này, nhiệm vụ chính của ông là cùng anh chị em nghệ sĩ biểu diễn phục vụ các chiến sĩ và nhân dân. Năm 1975, Lê Ngọc Canh theo Đoàn văn công Tổng cục Chính trị hành quân về Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) với nhiệm vụ trải nghiệm thực tế, lấy cảm hứng sáng tác. Trên đường ra Bắc, đoàn có dừng chân nghỉ tại Đà Nẵng và ông có cơ hội được tham quan Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm. Những bức tượng điêu khắc về văn hóa Chăm tại Bảo tàng đã gây ấn tượng mạnh và khơi gợi cảm xúc nghệ thuật trong ông. Gần một tháng nghiên cứu về nghệ thuật múa Chăm tại Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm, ông nhận ra: Những pho tượng đá là đặc trưng bản chất của nghệ thuật múa và điêu khắc Chămpa cổ đại, nổi bật nhất là vũ nữ Apsara Trà Kiệu đã cho tôi ấn tượng mạnh mẽ, là nguồn cảm hứng cho tôi trong nghiên cứu khi đó và cả sau này[2].

Trong thời gian dừng chân tại Đà Nẵng, Lê Ngọc Canh đã lặn lội vào các làng người Chăm ở Phan Rang – Ninh Thuận; Phan Rí – Bình Thuận để nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật múa đặc sắc của dân tộc này. Tại đây, ông được trực tiếp xem đồng bào Chăm múa, được họ dạy múa và ghi chép những thông tin (mà mình trực tiếp thu nhận được từ thực tiễn) vào sổ làm cơ sở cho các nghiên cứu sau này. Ấn tượng nhất là khi ở Bình Thuận, Lê Ngọc Canh được ông Đặng Chế Hoa – Bí thư huyện ủy huyện Bắc Bình cử hai cán bộ người Chăm đi cùng để ông có thể tiếp cận với đồng bào người Chăm, tránh gặp phải quân Fulro. Ông nói: Mặc dù tôi may mắn không gặp quân Fulro, nhưng những ngày sống và sinh hoạt cùng đồng bào Chăm vẫn luôn là ký ức tôi không quên được, họ thật sự tốt bụng và nhiệt tình[3]. Những nghiên cứu ban đầu đó đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác điệu múa “Thiếu nữ Chăm” với rất nhiều tiếng vang và được chọn biểu diễn trong Đại hội Đảng lần thứ IV (1976).

Điệu múa “Thiếu nữ Chăm” do GS Lê Ngọc Canh biên đạo, năm 1976

Từ năm 1976-1980, ngoài công tác chuyên môn tại Đoàn văn công Tổng cục Chính trị quân đội, PTS Lê Ngọc Canh vẫn dành thời gian nghiên cứu về văn hóa Chăm (ông làm nghiên cứu sinh tại khoa Lý luận, Nhạc viện Quốc gia Bulgaria, bảo vệ luận án năm 1972). Khi đó, ông Lê Ngọc Canh nhận ra, tại Việt Nam đã có một số tài liệu về văn hóa, phong tục, tập quán, hội hoạ, điêu khắc…như  bài viết “Về mộ pho tượng Chăm mới phát hiện” của Cao Xuân Phổ[4], năm 1979; Sách “Múa Xi – Va” của Ananda Comaraxvami do Hoàng Yến dịch, năm 1978, nhưng riêng về múa Chăm thì chưa có ai nghiên cứu. Thêm nữa, đứng dưới góc độ của người nghiên cứu – PTS Lê Ngọc Canh thấy những pho tượng đá được đẽo khắc theo động tác múa Chăm rất độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa Chăm cổ đại, riêng múa Chăm (còn có tên gọi khác là Chà Prông) là điệu múa được lưu truyền từ đời này sang đời khác và thường được trình diễn trong lễ hội Rijia Prông của người Chăm. Việc truyền cảm hứng, nguồn năng lượng của nghệ thuật múa, của văn hóa Chăm đến với công chúng là cần thiết. Từ đó có được cái nhìn tổng thể về một loại hình múa cổ đại độc đáo ở Việt Nam.

Để có tư liệu nghiên cứu, PTS Lê Ngọc Canh tiếp tục có những chuyến đi điền dã nghiên cứu tộc người Chăm ở Phan Rang – Ninh Thuận; Phan Rí – Bình Thuận. Trước khi đi thực địa, ông đã nghiên cứu tài liệu để hiểu hơn về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa người Chăm. Nhưng thời gian đầu, ông gặp khó khăn vì chưa tìm ra những địa phương có điểm mạnh về múa Chăm và nghệ nhân múa đẹp. Sau một thời gian, những người dân bản địa đã giúp ông dần làm thân được với già làng, nghệ nhân để nghe chia sẻ, xem biểu diễn. Sau nhiều lần thực địa, sự có mặt của ông trong bản làng như đã thân quen hơn, các nghệ nhân hồ hởi và nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp tư liệu và thậm chí còn dạy ông múa. Đó là những tư liệu thực tế giúp ông hoàn thành công trình nghiên cứu lý luận đầu tiên – sách Nghệ thuật múa Chăm,  xuất bản năm 1982. Công trình đã hệ thống toàn bộ nghệ thuật múa của người Chăm, từ nguồn gốc lịch sử, tiến trình hình thành, văn hóa, môi trường nảy sinh các điệu múa đến việc giới thiệu những điệu múa tiêu biểu… Đây là công trình mang tính chất khảo tả, một sản phẩm nghiên cứu về văn hóa Chămpa cổ xưa và là một trong những công trình sách xuất bản sớm nhất của ngành múa Việt Nam sau sách Nghệ thuật múa dân tộc Việt của tác giả Lâm Tô Lộc, năm 1979.

Sách Nghệ thuật múa chăm – công trình nghiên cứu lý luận đầu tiên của PTS Lê Ngọc Canh, năm 1982

Cuốn sách Nghệ thuật múa Chăm là công trình nghiên cứu khoa học mang tính lý luận đầu tiên, được PTS Lê Ngọc Canh đúc rút trong quãng thời gian 5 năm (1975-1980) nghiên cứu về văn hóa Chămpa. Ông chia sẻ: Nghiên cứu khoa học mang tính lý luận không chỉ đơn thuần là ngồi bàn giấy, mà còn là những chuyến đi sưu tầm, điền dã ở địa phương. Đó là cội nguồi, là thực tiễn được đúc kết để tôi có thể hoàn thành công trình. Giờ đây, GS.TS Lê Ngọc Canh đã gần 90 tuổi, nhìn lại quãng thời gian gắn bó với ngành nghệ thuật múa, rất nhiều người khâm phục với khả năng làm việc của ông: Với 143 tác phẩm nghệ thuật như: Trống hội Lô Lô, Biển và lửa quê tôi, Tiếng vọng non ngàn…thuộc nhiều thể loại: Kịch, múa dân tộc, múa hiện đại. Ông là một trong những người đặt nền móng cho nền lý luận về nghệ thuật múa Việt Nam với trên 20 đầu sách in riêng về lịch sử múa Việt Nam, múa thế giới, múa dân gian như: Nghệ thuật múa Chăm; Nghệ thuật múa tín ngưỡng dân tộc Việt Nam; Múa cổ truyền Thăng Long – Hà Nội …./.

 Thúy Tiềm

_______________________________

* GS.TS Lê Ngọc Canh, chuyên ngành Nghệ thuật múa, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa).

[1] Tài liệu ghi âm GS.TS Lê Ngọc Canh, 10-3-2015, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Lê Ngọc Canh, 23-11-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Tài liệu ghi âm GS.TS Lê Ngọc Canh, 23-11-2021, đã dẫn.

[4] Sau này là PGS.TS Cao Xuân Phổ (đã mất).