Phạm trù học là hết sức phong phú, mênh mông. Học từ sách vở, qua những bài giảng của thầy cô, học ở thực tế đời sống xã hội, có thể học cả trong những thất bại… và học ở chính những đối tượng nghiên cứu, trong đó có những nhà khoa học. Nên mới có cụm từ “đọc sách”, “đọc người”. Nghệ sĩ hay nhà khoa học đều như vậy. Bởi họ có hai nhân cách cơ bản, thống nhất trong một cốt cách, đó là chân dung tính cách và chân dung nghệ thuật/khoa học. Cốt cách ấy cũng là bản sắc của họ.
Học ai? Học gì?
Về lý thuyết, theo cách nói vắn tắt nhất, là học tất cả những người đáng học – những tấm gương. Vận dụng cụ thể vào thực tế, đó là học các đối tượng gần gũi về khoa học chuyên môn, chuyên ngành. Nói cho cùng, đội ngũ đồng nghiệp ai cũng có khía cạnh đáng học, nhưng ta nên tập trung học những người ưu tú, những tấm gương sáng. Trong ngành Ngữ văn, có thể học các nhà văn, các nhà nghiên cứu danh tiếng về văn học, và rộng ra là cả văn hoá, nghệ thuật. Tất nhiên là cả các nhà giáo, nhà khoa học giáo dục và chuyên gia về văn học.
Như đã nói ở trên, phải đọc hết trước tác của họ, và đọc kỹ cả con người họ. Từ đó là những cảm nhận sinh động, sâu sắc và thú vị cho mình trong hoạt động khoa học chuyên ngành. Tôi có quá trình quan hệ với nhiều nhà văn hiện đại tầm cỡ, và cả các bậc thầy, lứa đàn anh, kể cả lớp nhà khoa học trẻ do chính mình góp phần đào tạo. Đó là một thuận lợi lớn rất đáng kể.
Đọc người thực ra là cả một quá trình công phu, và có cái khó riêng. Đọc người là để hiểu thêm về văn, vì “văn là người”, người ở phần sâu xa nhất. Nhưng người lại là một cá thể biến hoá rất sinh động, nên để nắm được hồn, cốt cách, thần thái thật không dễ.
Tôi có quan hệ với nhiều nhà văn lớn, đã tham gia sáng tác từ thời trước Cách mạng như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi… Tôi tạm kể 7 vị hàng đầu như một chòm Thất tinh. Và đến nay, tôi cũng đã có sách in và bài viết phong phú về họ. Không chỉ quan hệ lúc sinh thời, mà khi họ đã ra đi, tôi vẫn giữ mối quan hệ với gia đình họ. Nói công phu là như vậy. Nhờ đó, tôi thấy ra được nhiều chuyện, và nhiều điều gửi gắm cho hậu thế, mà sách vở không nói được hết.
Như chuyện đến viếng Xuân Diệu, thấy được tấm lòng bạn đọc với nhà thơ; thắp hương lên bàn thờ Nguyễn Đình Thi thấy rõ nét tâm hồn nhà văn; dự ngày giỗ Nguyễn Tuân thấy rõ phong cách nhà văn độc đáo qua căn phòng và chiếc bàn thờ. Rồi Chế Lan Viên, Tố Hữu như còn hiện diện thân thiết qua câu chuyện tâm tình của các phu nhân Vũ Thị Thường, Vũ Thị Thanh… Tôi vẫn thường tặng trực tiếp, hoặc qua bưu điện các tập sách viết về Chế Lan Viên. Bao giờ chị Thường cũng đặt lên bàn thờ thắp hương, để vong linh chứng giám, và như chị nói: Để anh đọc trước! Qua đó, tôi hiểu được rõ thêm bài thơ Hoa trắng đỏ, và tình yêu ngoài đời của đôi bạn tri kỷ văn thơ.
Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (phải) thăm PGS.TS Đoàn Trọng Huy tại nhà riêng
Đối với lớp đàn em, hoặc nhà văn vốn là cựu sinh viên, còn điều kiện giao tiếp đến bây giờ, tất nhiên tôi sẽ hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa văn và người của họ. Như Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Khoa Điềm hoặc số đang là giảng viên cao cấp như Nguyễn Công Lý, Trần Mạnh Tiến… đều có giao lưu tác phẩm và tâm tư. Thật tình, ở ai, dù đẳng cấp nào cũng có cái gì đó để học tập nếu mình có ý thức và thành tâm.
Ở các nhà văn lớn, các bậc thầy trong ngành, cũng như các thế hệ sau như Ma Văn Kháng vẫn say mê viết, mặc dù đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (một “tấm bia đẹp trên mộ” – theo lời Nguyễn Khải). Hoặc Nguyễn Khoa Điềm vẫn tiếp tục bền bỉ sáng tác trong “Cõi lặng” sau khi đã rời vị trí chức trách quan trọng.
Học để làm gì?
*Học để làm, để hoạt động khoa học
Trước hết, học là để ngẫm nghĩ những câu hỏi, và sau đó là tự trả lời. Các câu hỏi thường là:
– Việc ấy, điều ấy có ý nghĩa gì, đóng góp gì?
– Làm thế nào mà người ta làm được như vậy?
– Có thể và có cần học tập không?
Sau đó là để làm theo, từ những gì nhỏ bé, đơn sơ, giản dị, nhưng ý nghĩa lớn lao. Tôi đã kể việc học tập nhà văn Tô Hoài (trong sách Tô Hoài – Bậc trưởng lão làng văn, NXB Hội Nhà văn, 2020), qua lời tâm tình của nhà văn: Ngày nào tôi cũng vào bàn anh ạ. Không đọc thì viết, không viết thì đọc, mỗi ngày vài chữ, viết rồi bỏ, ngày mai viết lại. Phải thể dục trí óc thường xuyên. Đến thăm ông, lúc nào cũng thấy đầy bàn nào bút, giấy, báo hàng ngày, tạp chí… Có khi cả cuốn tiểu thuyết Pháp khá dày như Pluie d’éte (Mưa mùa hạ). Qua đó là bài học đơn giản mà sâu sắc: Bài học lao động. Lao động nghiêm túc, đúng giờ, hàng ngày rất kỷ luật, mà tự giác, tự nguyện. Lao động chữ nghĩa, văn chương với hứng thú, say mê và thêm được niềm vui tâm hồn.
PGS.TS Đoàn Trọng Huy (đứng) đến thăm nhà văn Tô Hoài nhân dịp ông 85 tuổi, 2005
Nhà văn Tô Hoài còn kể rằng: Đọc tỉ mỉ, cặn kẽ, tức lao động cẩn thận, chu đáo. Một ví dụ là nhà văn, nhưng đọc cả thơ. Xem báo, xem đủ các mục quảng cáo. Ông giải thích: Đó là xem sự sống, xem đời sống. Qua câu nói còn thể hiện đức lao động cần cù, đều đều, hàng tháng, hàng năm, suốt đời. Có thể nói thêm đó là đức tận tuỵ quý báu của nhà văn lão thành.
Tuy nhiên, vẫn còn một thông điệp quan trọng nữa: Lao động trí óc là sự rèn luyện bổ ích, có ý nghĩa khoa học. Có lý lẽ này: Lao động trí óc phải bổ sung, điều hoà bằng lao động chân tay. Đọc sách rồi đi tưới cây, bón cây, chăm hoa. Nhẹ nhàng hơn, có thể pha trà, pha cà phê, tất nhiên phải kết hợp với soạn sửa ấm, chén… Lao động trí óc đều đặn, vừa phải, có hứng thú sẽ giữ sức được bền bỉ, đặc biệt sẽ duy trì được sự minh mẫn. Có thí nghiệm sinh học thú vị này: Người ta đã thấy cây bonsai cổ thụ nảy một vài mầm xanh. Neuron thần kinh người tàn lụi theo tuổi tác, nhưng nếu chịu rèn luyện trí óc (đọc sách báo, nghe đài, xem truyền hình…) thì vẫn nảy ra được những “nhánh” phát sinh mới.
Tóm lại, từ câu chuyện với nhà văn Tô Hoài, tôi đã tìm ra được nhiều định nghĩa sống động và các thông điệp thú vị:
– Lao động là thói quen, có kỷ luật.
– Lao động là hứng thú, say mê.
– Lao động là rèn luyện, bổ ích.
Từ đó là khuyến cáo về sự cần cù, bền bỉ, cẩn thận, chu đáo và hứng thú trong công việc chuyên môn ưa thích. Vậy là, phải hiểu một lời nói, một câu chuyện cho đến nơi đến chốn, thấy hết ý nghĩa ngọn ngành mới có thể học tập đầy đủ.
Thư nhà văn Tô Hoài gửi PGS.TS Đoàn Trọng Huy trao đổi tìm hiểu về nhà văn Nam Cao, 1997
Đã từ nhiều năm, cho đến nay đã lớn tuổi, cũng được coi vào bậc lão thành trong làng văn, nhưng tôi vẫn làm việc theo “phong cách Tô Hoài”. Mặc dù mắt rất kém – đục thuỷ tinh thể loại 3, suy thoái võng mạc nặng, nên bình thường khi đọc tôi phải nheo mắt một bên, tức đọc bằng một mắt. Và phải phóng chữ rất to, có khi đến 200%! Vậy mà, ngày ngày vẫn vào bàn, lướt máy tính ngày 3 buổi (tôi chỉ làm đến 19 giờ) để xem tin tức thời sự, tra cứu, viết lách chút ít. Đó là hình thức “thể dục trí óc” bổ ích và hứng thú. Tất nhiên, buổi tập hạn chế tối đa từ 60 đến 90 phút!
*Học để làm theo
Tôi có quan hệ công việc, là “cộng sự” của Giáo sư Lê Trí Viễn trong Ban Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhiều năm, nên đã học tập được ít nhiều từ tấm gương sáng tiêu biểu. Có một chuyện nhỏ, thậm chí có người còn cho là “nhỏ nhặt” mà ý nghĩa thật rộng rãi, sâu xa. Nhiều thầy trò Khoa Ngữ văn các thế hệ đã biết và trân trọng giai thoại này. Giáo sư xem đơn của sinh viên, thấy mắc lỗi chính tả, qua thư ký văn phòng gửi về bắt chữa lỗi, nộp lại Giáo sư mới xét đơn. Chuyện này tôi đã biết trước nhất vì ở phiên trực Khoa liền kề. Cậu thư ký giáo vụ Nguyễn Việt Hưng đã làm câu chuyện được “truyền tụng, lan toả” mãi. Nhiều người kháo nhau rằng thầy kỹ tính, nhưng cũng có người lại lửng lơ: thầy kỹ tính quá! (có ý cho là xét nét, soi mói sai sót nhỏ nhặt). Tôi xin đọc ra thông điệp này: Cần dạy người qua dạy chữ. Có thể vì cần thiết, dạy học ở bất cứ lúc nào, bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là bài học sâu xa, thấm thía đến tận bây giờ!
Một bài học khác liên quan đến thầy Viễn cũng thấm thía với tôi. Tuy đã về hưu, nhưng thầy vẫn làm thêm ở trường Trung học Phổ thông dân lập Nguyễn Khuyến rất nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò người sáng lập và giữ cương vị Hiệu trưởng trong nhiều năm. Khi ra đi, coi như vẫn là thành viên cao cấp của trường, học trò tiễn đưa đông nghịt dọc hai bên đường của trường. Tôi học thầy tinh thần làm việc không ngưng nghỉ, không giới hạn tuổi tác.
Vì thế tuy về hưu đã lâu, nhưng nhiều năm gần đây tôi vẫn không nghỉ dạy. Đó là dạy trực tuyến, dạy online theo cách đăng bài thường xuyên trên các trang mạng, chủ yếu là trang web của Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, và trang web của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Có niềm hứng thú bất ngờ là những bài viết truyền thụ kiến thức ấy được rất nhiều người xem, có thể là sinh viên ở các khoa Ngữ văn của các trường Đại học trong cả nước. Con số không chỉ là hàng trăm, mà theo năm tháng, lên tới hàng nghìn, hàng vạn! Thầy trò có thể biết nhau, nhưng là số ít. Số đông là không hề biết nhau, chưa bao giờ gặp mặt nhau.
PGS.TS Đoàn Trọng Huy và NCS Lê Thị Ngân Trang, 2018
Từ hàng chục năm nay, tuy không lên lớp trực tiếp, nhưng tôi vẫn tham gia đào tạo ở các cơ sở đại học: chấm luận văn Thạc sĩ, hướng dẫn, phản biện luận án Tiến sĩ, dự các Hội đồng Bảo vệ học vị. Nhất là từ năm 2013, tôi đã nhận lời và được bổ nhiệm làm Cố vấn Cao cấp trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP Hồ Chí Minh). Năm 2018, tôi còn dự buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ Văn học của nghiên cứu sinh mà mình hướng dẫn tại Hội đồng bảo vệ ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tại Hà Nội. Nghĩa là tới nay, vẫn đảm nhiệm một chức trách về giáo dục.
*Học người để tiến bộ
Học để có sự tiến bộ toàn diện của bản thân là điều quan trọng gần như tiên quyết. Học người để hoàn chỉnh hoạt động nghiên cứu cả trên phương diện lý luận (sách vở), và thực tiễn sinh động (con người). Đây cũng là một hướng nghiên cứu hiện đại: vừa nghiên cứu, vừa thực nghiệm và thể nghiệm thực tiễn. Phải biết vận dụng như một phương pháp tiến bộ để khỏi tụt hậu trong thế giới hiện đại.
Học người toàn diện (như trường hợp văn và người, hoặc ngược lại) cũng là những điều kiện góp phần hoàn chỉnh nhân cách của nhà khoa học. Ta học được chí khí, nghị lực, lòng ham mê và khát vọng vươn tới của người. Đồng thời, cũng học được phương pháp và phong cách khoa học của người. Từ nâng cao phẩm cách cá nhân như vậy trên bước đường hoạt động khoa học mới, mong được bằng người và hơn người nếu có sự nỗ lực vượt bậc. Ta có câu “Học thầy không tày học bạn” cũng có hàm nghĩa nhằm hoàn chỉnh sự học của bản thân. Hoặc như những lời dạy kinh điển của các bậc đại trí thức, những bộ óc vĩ đại:
“Học, học nữa, học mãi” (Lênin)
Hay “Học để tiến bộ” (Hồ Chí Minh)
Các nhà khoa học thực sự, chân chính, hơn ai hết, cần có tinh thần học tập như vậy. Học tất cả, từ những gì nhỏ nhất mà mang ý nghĩa lớn nhất ở con người, trong đời cùng với trang sách, công trình khoa học./.
PGS.TS Đoàn Trọng Huy
____________________
*PGS.TS Đoàn Trọng Huy, chuyên ngành Văn học, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.