Thật bất ngờ khi xấp xỉ tuổi 90 mà thầy Thái Thanh Sơn trông rất “sport” với mũ lưỡi trai, áo phông, quần thể thao và phong thái làm việc rất dứt khoát. Vừa mời tôi vào nhà, thầy vừa trò chuyện cũng là hỏi thăm. Khi biết tôi là người Lạng Sơn, thầy ồ lên và phong cách nói chuyện cởi mở thân mật hơn. Thầy thốt lên câu “Vần là Cần Tày á?” (vậy là người Tày à?). Và thế là, thầy và tôi dùng tiếng Tày để trò chuyện, và tôi bị cuốn hút bởi dòng hoài niệm về tuổi 30 của thầy ở xứ Lạng.
Sinh ra ở Huế – kinh đô Việt Nam dưới triều Nguyễn. Trong kháng chiến chống Pháp, ông theo cụ thân sinh là cán bộ kháng chiến ra vùng tự do Liên khu IV và lên An toàn khu ở Tuyên Quang rồi lên Cao Bằng. Trong thời gian đó chàng thanh niên xứ Huế đã sống gần gũi và học được tiếng dân tộc Tày và Nùng từ người dân bản địa.
Thầy Thái Thanh Sơn
Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ 5-8-1964, Bộ Giáo dục chủ trương cho các trường đại học sơ tán ra xa Hà Nội và trường Đại học Bách khoa đã chọn Lạng Sơn là điểm đến. Theo thầy Thái Thanh Sơn, ý tưởng lên sơ tán tại Lạng Sơn do Hiệu trưởng Hoàng Xuân Tùy đề xuất. Ông Tùy là bộ đội trong kháng chiến chống Pháp nên rất quen thuộc núi rừng Việt Bắc. Năm 1965, trường Đại học Bách khoa tổ chức đoàn tiền trạm do Hiệu phó Nguyễn Thọ – cũng xuất thân từ quân đội dẫn đầu đi tìm địa điểm. Một trong những khó khăn lớn của đoàn là trao đổi với chính quyền thôn bản và tiếp xúc với dân vì thời đó rất ít người biết tiếng Kinh.
Khi ấy, ông Thái Thanh Sơn đang phụ trách đoàn cán bộ của trường Đại học Bách khoa biệt phái sang “Phân hiệu 2” – bí danh của Học viện Kỹ thuật quân sự thuộc Bộ Quốc phòng, thì được lệnh điều động đột xuất tham gia bổ sung cho đoàn tiền trạm đã đi trước mấy tháng. Khi đoàn xuống gặp cán bộ cơ sở và nhân dân các thôn bản, thầy Sơn với vốn liếng “nội ngữ” của mình đã nhanh chóng được bà con quý mến và trở thành cầu nối liên lạc hiệu quả của đoàn với đồng bào. Do thầy Sơn nói tiếng Tày – Nùng theo phương ngữ Cao Bằng nên bà con người dân tộc ở Lạng Sơn cứ truyền miệng với nhau: “ Cái trường đại học này nó có thầy giáo người Tày Cao Bằng ta đó”. Cứ ngỡ chỉ tham gia tiền trạm, nhưng không ngờ thầy giáo Thái Thanh Sơn lại gắn bó với mảnh đất Lạng Sơn trong suốt gần 4 năm (1965-1969).
Bên chén trà ấm, thầy Sơn hào hứng kể về những kỷ niệm vui xuân với bà con dân tộc ở Lạng Sơn thủa ấy. Trường Đại học Bách khoa sơ tán ở hai huyện Văn Lãng và Tràng Định tỉnh Lạng Sơn, ven sông Kỳ Cùng ở địa đầu Tổ quốc, lấy bí danh là trường Văn hóa Hà Huy Tập, các khoa lấy bí danh là các H. Cán bộ, giảng viên và sinh viên vào rừng chặt tre đẵn gỗ, cắt tranh, tự tay xây dựng giảng đường, ký túc xá, văn phòng, náu mình kín đáo dưới những tán cây rừng. Thầy Thái Thanh Sơn còn nhớ: Nơi đây, khắp nơi đều là nhà sàn, lợn và trâu thoải mái sống chung dưới sàn. Mỗi bản chỉ có vài người biết nói chút tiếng Kinh, nhưng người dân tấm lòng rộng mở, thấy “các đứa thầy giáo và sinh viên của cái Bách khoa” tránh tàu bay Mỹ phải bỏ nhà bỏ cửa lên đây, bà con thương, thương lắm chia nhau đón “các đứa” về nhà mình, dọn chỗ nằm gần bếp lửa cho đỡ lạnh, chia cho củ sắn, bông ngô, chùm quả vả, chén mật ong rừng. Mọi cơ sở vật chất tạm ổn, nhưng… Điện? Một nhà trường đại học khoa học và công nghệ thì nhất thiết phải sử dụng điện. Bà con dân tộc vùng này chỉ nghe vài người đi xa tận… Đồng Đăng, Lạng Sơn về kể lại là ở đó có “cái điện” không tốn dầu mà thắp đèn sáng lắm; bản mình bao giờ mới có được1 ! Để có điện phục vụ học tập và nhất là thí nghiệm, thực tập cho thầy và trò, các giảng viên ở Liên khoa Điện – Vô tuyến điện đã phát huy sáng kiến, xây dựng trạm phát điện Lô Cô. Có tên gọi như thế là do trạm phát sử dụng nguồn động lực là một đầu máy hơi nước cũ do Tổng cục đường sắt loại ra, và đặc biệt là kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng mới thành công: trạm thủy điện chuỗi vắt ngang sông Kỳ Cùng. Cuối năm 1966 cả 2 trung tâm phát điện đều bắt đầu hoạt động, không chỉ cấp điện cho khu giảng đường, thí nghiệm của Khoa mà còn cung cấp một phần cho sinh hoạt của cán bộ sinh viên và một số cơ quan của xã, bản và một số nhà dân.
Tết Bính Ngọ (1966), Ban Giám hiệu trường Đại học Bách khoa quyết định tất cả thầy, trò ở lại ăn Tết. Thông báo vừa phát đi, không khí toàn Khoa trầm lắng vì ai cũng nhớ nhà, muốn về ăn Tết đoàn viên với gia đình. Trái lại, nghe tin “cái thầy giáo và sinh viên” ở lại ăn Tết, dân bản từ già đến trẻ, nhất là đám thanh thiếu niên, vui mừng chèo kéo mọi người về nhà mình ăn Tết trong mùa Xuân đầu tiên điện về xóm bản. Vùng Văn Lãng và Tràng Định là nơi tụ cư của hai dân tộc Tày và Nùng. Người Tày mặc áo màu xanh chàm tay chẽn, dài đến gần mắt cá chân, còn người Nùng mặc áo đen tay rộng, chỉ dài đến gối. Hàng năm, cứ vào đầu tháng 10, đàn ông trong bản vào rừng thu gom mộc nhĩ, nấm hương, hoa hồi… và đến giữa tháng Chạp thì dùng bè, mảng chở những sản vật này xuôi dòng Kỳ Cùng sang bên kia biên giới để đổi lấy quần áo, bánh kẹo, tranh ảnh và đồ chơi trẻ em,.. và cả nước hoa “Tiên nữ” cho các cô gái.
Đầu năm học 1965-1966, thầy và trò trường Bách khoa ở nhờ trong nhà dân. Thầy Sơn ở nhà ké Dìn người Nùng. Anh Dìn (con ké Dìn) cùng bạn bè đi chợ Trung Quốc về thì việc đầu tiên là mang mấy bức khẩu hiệu chữ Hán nền đỏ, chữ vàng: Mao Trạch Đông vạn tuế, Trung Quốc Cộng sản Đảng vạn tuế… dán lên cột nhà và trên bàn thờ. Ông Sơn thấy vậy liền hỏi anh Dìn sao lại dán chữ này ở nhà. Ké Dìn chỉ lên tờ giấy đỏ đã phai mầu trên nóc bàn thờ có mấy chữ Hán: Phúc, Lộc, Thọ rồi cho biết: Năm xưa đến Tết nhà nào cũng mời Thầy Mo về cho chữ để thờ. Sau này không thấy Thầy Mo nữa, họ đi chợ Trung Quốc thấy tranh chữ đẹp nên mua về dán. Không muốn để bà con dán những khẩu hiệu của Trung Quốc vào nơi trang trọng trong nhà, thầy Sơn bàn với thầy Nguyễn Thế Hùng – khi đó là Phó chủ nhiệm khoa Điện, phụ trách cụm H2 – Liên khoa Điện – Vô tuyến điện – dùng giấy đỏ viết các chữ Hán Phúc – Lộc – Thọ cho gia đình Ké Dìn và một nhà hàng xóm. Hai người còn đề nghị viết băng rôn bằng tiếng Việt: MỪNG XUÂN MỚI THẮNG LỢI MỚI treo trước nhà, vừa to vừa đẹp, mà ai nấy đều đọc được và hiểu ngay, không khó khăn như “ chữ Thầy Mo”. Tiếng đồn thầy giáo Bách khoa “cho chữ” lan khắp bản, người người, nhà nhà nô nức đến xin chữ. Họ bắt đầu quen với việc ngày Tết dán “tranh chữ tiếng Việt” thay cho tranh chữ Hán từ đó.
Đối với thầy Thái Thanh Sơn, đây không phải cái Tết đầu tiên xa gia đình, nhưng có lẽ là một trong những cái Tết ấm áp và đáng nhớ nhất mà ông từng trải qua. Đêm 30 tết, trong cái rét tê tái giữa núi rừng xứ Lạng, ông cùng gia đình Ké Dìn ngồi quây quần bên bếp lửa đỏ rực làm sủi cảo. Đúng giao thừa, Ké Dìn đứng lên để nhận những chén rượu ngô cùng lời chúc của từng người trong nhà, trẻ em còn ngồi trong lòng mẹ cũng nhúng ngón tay vào rượu và đưa lên môi thưởng thức. Sau nghi thức này, cả nhà quây quần ăn bánh và đốt pháo. Đón mừng năm mới trong thời tiết giá buốt, những chén rượu bỗng trở nên ngon ngọt, ấm nồng hơn.
Sau tiệc rượu giao thừa, đêm đó, thầy giáo Sơn ngủ bên bếp lửa giữa sàn, đánh một giấc đến gần 10 giờ sáng mùng 1 Tết. Khi vẫn còn co quắp trong chăn, một đám “các nhình, các chài” (các em gái và các anh trai) xông vào, kéo chăn, lôi dậy đi chợ: “Đi chợ Xuân thôi, đừng lười như cái tua mu (con lợn) á!”.
Chợ Xuân là một bãi đất rộng đầu bản, nơi đã dựng lên nhiều sạp bán khăn áo, đồ chơi… và kẹo bánh. Noọng Vương, noọng Tỵ (em Vương, em Ty)… lôi các thầy giáo đến chỗ quầy giải câu đố. Quầy có cái sào trúc treo những sợi dây, mỗi sợi buộc một túi giấy đỏ nhỏ ghi giá tiền. Người chơi phải là nam giới bỏ tiền chọn câu đố, giá thấp nhất là một đồng, cao nhất là mười đồng. Bóc câu đố và giải trong vòng một khấc nén nhang – khoảng 5, 6 phút. Người giải trúng câu đố thì được thưởng cái khăn, lọ nước hoa… cao nhất là bộ váy thêu – toàn đồ để tặng cho bạn gái, sai thì mất tiền. Câu loại một đồng rất dễ – giải thưởng cũng khoảng một đồng. Thầy Sơn rút câu đố dễ, có câu hỏi: “ Tu lăng, soong mừ pét kha. Soong ha nừng toộc, chăn xừ tu lăng?” (Con gì hai tay tám chân, hai mắt một mũ, đúng là con gì?) – Giải : Tu pu (con cua). Ông vừa kể vừa đố tôi giải câu đố loại khó – 5 đồng: “Ca lăng, tua nu mì an đeo, Lục slao mì soong tèo?” (Cái gì mà con chuột chỉ có một, con gái lại có hai?) . Do quê tôi ở Bắc Sơn, thổ ngữ có khác đôi chút nên tôi chưa kịp nghe ra thì thầy vỗ tay bộp lên thành ghế rồi cười ha hả trả lời đó là nghé hang – cái đuôi: – Con chuột chỉ có 1 cái đuôi, con gái có 2 cái “đuôi tóc”.
Tiếng cười của thầy trong không khí xuân làm tôi có cảm giác mình đang được trở lại tuổi thơ cách đây gần hai chục năm. Khi đó, tôi cùng mẹ đến khu tổ chức du xuân của làng. Tôi cũng từng tham gia giải câu đố. Năm đó, tôi bốc trúng câu hỏi hát một bài về chủ đề hòa bình. Do không biết nên tôi đã hát xuyên tạc lời một bài hát. Chắc có lẽ ai cũng biết tôi hát sai nhưng mọi người vẫn vỗ tay tán thưởng. Thế mới thấy, người miền núi sống vì cái tình nên đi đâu cũng dễ gây thương nhớ.
Khi đang miên man nghĩ đến chuyện mình, tôi giật mình bởi tiếng hát của thầy. Thầy biểu diễn một đoạn trong bài hát tiếng Nga Ru-la-tê, đặt lời Tày: – “Dù rằng mì bát mí mì ca lăng hử kin ngài. Oóc pay khửn lỉnh lai: Phạ ơi móc giác lai …” (Dù rằng có lúc không có gì mà ăn sáng. Đi ra ngoài trèo lên đồi nhiều: Trời ơi đói bụng quá!…). Giọng ca thầy trầm trầm như thể đang đứng giữa những quả đồi xứ Lạng, trở lại tuổi 30 say sưa thể hiện với âm hưởng vang vọng của núi rừng.
Tôi tự hỏi, đã hơn 50 năm không nói tiếng dân tộc mà sao thầy vẫn sõi đến vậy, âm ngữ của thầy không khác nhiều so với người dân tộc chúng tôi. Chỉ có thể lý giải điều đó rằng, những năm tháng sống và làm việc cùng người dân ở xứ Lạng đã ăn sâu vào huyết quản và trở thành một phần không thể quên trong cuộc đời thầy Thái Thanh Sơn. Như thầy khẳng định – Lạng Sơn như quê hương thứ hai của đời tôi.
Hoàng Phượng
(Ghi chép trò chuyện với Thầy Thái Thanh Sơn ngày 26-1-2022)
__________________________
* Thầy Thái Thanh Sơn là 1 trong 28 giảng viên đầu tiên về xây dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội (tháng 7-1956). Trong thời gian giảng dạy ở một số quốc gia trong cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp, ông đã được phong chức danh Giáo sư thực thụ (Professeur titulaire de chaire) tại trường Đại học Bách khoa Antananarivo, Madagascar năm 1984. Sau khi trở về nước công tác, ông được phong Phó Giáo sư năm 1989 và đến năm 2001, ông được nâng lên ngạch Giảng viên cao cấp, phong học hàm Giáo sư theo hệ thống chức danh quy định thời đó (Thông tin do NKH cung cấp).
[1] Thái Thanh Sơn, “Ánh điện Bách khoa giữa rừng sâu xứ lạng”, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.