Học âm nhạc ở xứ sở hoa anh đào

Tốt nghiệp đại học 5 năm chuyên ngành Lý luận âm nhạc ở khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy[1] và trở thành giảng viên bộ môn Phân tích tác phẩm – Lịch sử Âm nhạc – Âm nhạc dân tộc tại Nhạc viện Hà Nội[2] năm 1985, thầy giáo trẻ Nguyễn Bình Định luôn mong muốn tìm hiểu âm nhạc thế giới, đặc biệt là châu Á, để trau dồi thêm kiến thức cho công việc giảng dạy âm nhạc của mình. Chính vì vậy, ngoài thời gian giảng dạy ở Nhạc viện, ông đã chịu khó theo học lớp tiếng Anh được tổ chức vào buổi tối ở trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội[3] và thi đỗ bằng B. Không chỉ sử dụng khá tốt tiếng Anh, ông còn tiếp tục trau dồi trình độ tiếng Nhật tại lớp học do Trung tâm Ngoại ngữ của Hội Hữu nghị Việt – Nhật tổ chức và nhờ đạt kết quả tốt nên được miễn đóng học phí.

PGS.TS Nguyễn Bình Định, năm 2021

Cuối năm 1993, cơ hội lớn đã đến với giảng viên Nguyễn Bình Định, khi ông là cán bộ duy nhất của Nhạc viện Hà Nội được cử tham gia kỳ thi tuyển để đi học sau đại học với học bổng của Chính phủ Nhật Bản. Kỳ thi được tổ chức hai vòng, vòng một diễn ra ở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo). Sau vòng thi thứ nhất bằng tiếng Anh, ông Nguyễn Bình Định và một giảng viên nữ trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đạt điểm đỗ (bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết đều phải đạt tối thiểu 50 điểm trên thang điểm 100). Vòng thi thứ hai được tổ chức ở Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội. Ở vòng thi này, thí sinh sẽ trả lời các câu hỏi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, trong đó các câu hỏi như sự hiểu biết về đất nước và con người Nhật Bản? Tại sao lại chọn đi học tại Nhật Bản? Nguyễn Bình Định đã trả lời phần thi bằng cả tiếng Anh và tiếng Nhật, mặc dù thời điểm đó trình độ tiếng Nhật của ông mới đạt bằng A, nhưng đã có thể giao tiếp. Ông còn nhớ câu trả lời của mình: Học lịch sử âm nhạc phương Đông thì phải học ở một nước thuộc châu Á. Nhật Bản là một trong những nước hàng đầu về công nghệ và vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc, đặc biệt là âm nhạc. Hơn nữa, Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng từ khí hậu (có bốn mùa…) đến văn hóa (truyền thống hiếu học, tôn sưu trọng đạo, sở thích về ẩm thực…). Vì vậy, tôi muốn được đào tạo tại Nhật Bản để tiếp thu kiến thức, trau dồi kinh nghiệm trong việc giảng dạy âm nhạc ở Việt Nam[4]. Mặt khác, thời điểm đó ở Nhạc viện Hà Nội chưa có môn lịch sử âm nhạc phương Đông, nên ông muốn khi về nước sẽ xây dựng bộ môn đó ở Nhạc viện. Hoàn thành hai vòng thi, một tháng sau, giảng viên Nguyễn Bình Định nhận được kết quả thi đỗ và chuẩn bị lên đường đi học tại xứ sở hoa anh đào.

Năm đầu tiên ở Nhật Bản, ông được học tiếng Nhật tại Trung tâm Đào tạo ngoại ngữ dành cho lưu học sinh, thuộc trường Đại học Quốc lập Yokohama, ở tỉnh Kanagawa, từ ngày 1-4-1994 và được hưởng học bổng của thực tập sinh sau đại học. Sau một năm, đủ điều kiện về tiếng Nhật, học viên mới được thi tuyển vào chương trình học cao học ở Nhật Bản. Trường hợp không đỗ cao học thì được hưởng chế độ thực tập sinh không học vị (với tổng thời gian là 18 tháng kể từ kho sang Nhật Bản) và trở về nước. Riêng trường hợp của ông Định, chỉ trong vòng 6 tháng, trình độ tiếng Nhật của ông đã đạt yêu cầu và được trường Đại học Quốc lập Yokohama cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình dự bị tiếng Nhật. Sau đó, ông cùng lưu học sinh ở nhiều nước khác (Đức, Thái Lan, Áo, Mỹ, Pháp, Mông Cổ…) bước vào kỳ thi tuyển sinh cao học khoa Âm nhạc học của trường Đại học Nghệ thuật quốc gia Tokyo.  

Ông Nguyễn Bình Định trên đường phố Nhật Bản, 1994

Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, ông dành toàn bộ thời gian ôn tập, tìm tài liệu tại thư viện trường Đại học Nghệ thuật quốc gia Tokyo để củng cố và bổ sung các kiến thức cần thiết[5]. Đặc biệt ông có cách học vừa nhanh vừa nắm chắc kiến thức là học qua từ điển giải thích âm nhạc. Lúc này, vốn ngoại ngữ của ông được sử dụng tối đa. Trong kỳ thi tuyển sinh cao học, ngoài những môn vấn đáp như: lịch sử âm nhạc, hòa âm, phân tích tác phẩm, văn hóa học, những hiểu biết về lịch sử âm nhạc Nhật Bản, giới thiệu nền âm nhạc Việt Nam, thí sinh phải viết bài luận dài 3-4 trang, trả lời hai câu hỏi: thứ nhất, trình bày hiểu biết của bản thân về dân ca Nhật Bản; thứ hai, trình bày hiểu biết về nhạc cụ dân tộc của Nhật Bản. Với bài luận thí sinh phải đạt trên 70 điểm, các môn thi vấn đáp thì phải đạt tối thiểu 50 điểm, trên thang điểm 100. Ông Định nhận xét: Kỳ thi tuyển sinh này vừa có thể đánh giá được kiến thức người học, vừa kiểm tra được trình độ ngoại ngữ của họ. Vì phải nắm chắc tiếng Nhật mới có thể viết được bài luận[6].

Khoảng một tuần sau kỳ thi tuyển sinh cao học, ông nhận được thông báo trúng tuyển và trở thành tân học viên ở khoa Âm nhạc học, trường Đại học Nghệ thuật quốc gia Tokyo. Lớp cao học có khoảng 13 người, đến từ nhiều nước như Áo, Mỹ, Thái Lan, Đức, nhưng chỉ có Nguyễn Bình Định là người Việt Nam duy nhất.

Thời gian học cao học tại Nhật Bản, hàng tháng ông nhận được học bổng là 184.500 yên. Không giống những bạn học khác, ông Nguyễn Bình Định không chọn ở khu ký túc xá của trường, mà thuê phòng của một người bản địa để ở. Việc sống ở bên ngoài giúp ông có cơ hội tiếp xúc với dân bản địa, vừa để trau dồi ngôn ngữ, vừa để tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán, lối sống của họ.

Trong chương trình cao học ở trường Đại học Nghệ thuật quốc gia Tokyo, ngoài những môn bắt buộc như: mỹ học phương Đông, lịch sử âm nhạc phương Đông, văn hóa học, thì học viên được đăng ký học những môn tự chọn. Kết thúc môn, học viên thi kiểm tra theo hình thức vấn đáp hoặc tự luận, được trường tổ chức rất chặt chẽ để đánh giá đúng năng lực của người học. Trên lớp, giảng viên chia học viên thành từng nhóm và giao vấn đề nghiên cứu, tài liệu để học viên tìm hiểu. Sau đó, họ tổ chức những buổi seminar để mọi người cũng trao đổi. Biết ông Định là giảng viên của một trường âm nhạc ở Việt Nam được cử đi học, nên các giảng viên của khoa tôn trọng gọi ông là “thầy Định”. Trong một buổi tọa đàm, họ mời ông giới thiệu về đất nước Việt Nam, nền âm nhạc và nhạc cụ dân tộc của Việt Nam.

Ông Định rất thích môn lịch sử âm nhạc phương Đông. Với môn học này, mỗi tuần học viên được tìm hiểu lịch sử âm nhạc của các nước từ Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ… nên mọi người đều cảm thấy mới và thú vị. Nhưng ông cũng thấy khó, khi tiếp xúc với mỹ học phương Đông và văn hóa học. Hai môn học này không chỉ cung cấp kiến thức rộng mà còn vô cùng chuyên sâu, nhiều từ ngữ chuyên môn khó nhớ. PGS.TS Nguyễn Bình Định chia sẻ: Sau này, tôi nhận ra rằng, đừng bao giờ đặt vấn đề so sánh nền âm nhạc phương Đông với phương Tây xem bên nào hay hơn, mà hãy hiểu cả hai nền âm nhạc đều có những điểm hay, độc đáo và chúng có nguyên lý khác nhau[7]. Học viên còn được giảng viên trong khoa tặng vé đi xem các buổi biểu diễn nghệ thuật, lễ hội, để hiểu hơn về âm nhạc, phong cách biểu diễn âm nhạc đối với từng thể loại. Những lần tham dự các buổi biểu diễn, ông Định nhận thấy, khi đến nhà hát họ đều quy định phải mặc sang trọng, lịch sử. Đôi lần, khi tham dự các buổi biểu diễn, nội dung tác phẩm có những từ Nhật cổ, từ địa phương khiến ông chưa thể hiểu hết. Vào kỳ nghỉ hè, giảng viên của khoa tạo điều kiện cho học viên đi thực tập để trau dồi thêm hiểu biết.

Năm 1995, Nhật Bản tổ chức cuộc thi biểu diễn nhạc cụ dành cho lưu học sinh nước ngoài và ông Nguyễn Bình Định tham gia tiết mục đánh đàn T’rưng, đàn bầu. Kết quả cuộc thi ông giành Giải Nhất, phần thưởng nhận được không chỉ có tiền mặt, quà tặng, mà còn có Cúp lưu niệm và Bằng khen của Hội Giao lưu văn hóa Quốc tế của Nhật Bản vẫn được ông lưu giữ đến nay.

Phần thưởng – Giải Nhất cuộc thi biểu diễn nhạc cụ

dành cho lưu học sinh nước ngoài tại Nhật Bản mà ông Nguyễn Bình Định giành được, 1995

Cũng nhờ thành tích trong cuộc thi, ông Định được mời tham gia nhóm biểu diễn gồm 5 học viên đến từ các nước Mông Cổ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản. Nhóm thường xuyên được mời đi biểu diễn trong các chương trình âm nhạc ở nhiều thành phố của Nhật Bản. Điều này không chỉ giúp ông Định có cơ hội giới thiệu âm nhạc Việt Nam đến người nước ngoài, trau dồi trình độ âm nhạc của bản thân, mà còn có thời gian tham quan đất nước Nhật Bản và làm quen được nhiều bạn mới. Hơn nữa, sau mỗi lần biểu diễn ông còn nhận được một khoản thu nhập. So với những bạn học khi đó phải đi làm thêm các công việc không liên quan đến chuyên môn, thì với ông việc được đi biểu diễn cùng những người bạn ở nước ngoài là một may mắn và là một niềm vinh dự, tự hào.

Nhóm biểu diễn âm nhạc gồm các học viên đa quốc gia tại Nhật Bản. 

Ông Nguyễn Bình Định (mặc áo trắng), 1996

Ngoài ra, ông còn tham gia hoạt động trong Hội Nghiên cứu âm nhạc phương Đông của Nhật Bản từ năm 1996. Việc này giúp ông có điều kiện tiếp cận với nhiều công trình nghiên cứu, thu thập được nhiều tài liệu về âm nhạc phương Đông.

Năm thứ hai cao học, dưới sự hướng dẫn của GS Komisango Yoko, học viên Nguyễn Bình Định thực hiện đề tài luận văn “Nghiên cứu so sánh sự tiếp thu ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây trong âm nhạc Việt Nam và Nhật Bản”. Quá trình thực hiện đề tài, một trong những khó khăn với ông Định, là khi đọc những từ chuyên môn tiếng Nhật, mặc dù có thể tra từ điển nhưng rất mất thời gian. Điều này làm ông cảm thấy khá căng thẳng. Hơn nữa, việc đánh máy tiếng Nhật cũng khó hơn là đánh máy tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Ông cho biết, tiếng Nhật được xếp vào một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới. Tiếng Nhật có ba loại chữ chính thống là: Hiragana, Katakana và Kanji tức chữ Hán. Hiragana và Katakana là chữ biểu âm, mỗi chữ thể hiện mojtot âm, còn chữ Hán là chữ biểu ý, mỗi chữ có một ý nghĩa nhất định. Để vượt qua khó khăn về ngôn ngữ, ông đã làm một cuốn sổ, ghi chép cách đọc, cách viết những từ chuyên môn khó. Mỗi ngày ông học thuộc 10-15 từ. Ban đầu ông đọc nhẩm, sau đó viết ra giấy để luyện nhớ mặt chữ, rồi đánh máy đến khi sử dụng thông thạo. Về sau, khi giảng viên của trường đọc luận văn của ông, họ còn khen ngợi vì ông viết chữ Hán, chữ Nhật đẹp và sử dụng tiếng Nhật khá thành thạo. Ngoài khó khăn về ngôn ngữ, khi còn ở Việt Nam, ông cũng gặp khó khăn khi tìm tài liệu lịch sử âm nhạc Việt Nam trước năm 1945, bởi tài liệu còn ít và một số tài liệu mật hoặc tài liệu quá cũ ông cũng không được tiếp cận. Trong luận văn, ông còn cần minh họa bằng những bản nhạc nhằm tăng tính thuyết phục. Với những bản nhạc của Nhật Bản, ông có thể dễ dàng tìm kiếm và đưa vào luận văn. Nhưng với những bản nhạc của Việt Nam thì không chỉ khó khăn khi tìm kiếm, mà còn khó khi dịch sang tiếng Nhật.

Để hoàn thành tốt luận văn, ông Định còn đến thư viện trường Đại học Nghệ thuật quốc gia Tokyo, Thư viện Quốc gia Nhật Bản, Thư viện thành phố Tokyo. Đồng thời, ông còn tìm tài liệu để sau này mang về Việt Nam phục vụ việc biên soạn giáo trình, giáo án. Một số thư viện, ông phải xin giấy giới thiệu của giáo viên phụ trách Âm nhạc, hoặc sử dụng thẻ học viên trường Đại học Nghệ thuật quốc gia Tokyo, nhưng cũng có thư viện ông phải đóng lệ phí để làm thẻ. Trong thư viện, những tài liệu về các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc sĩ, nhạc cụ, bản nhạc, tiết mục trình diễn… được lưu giữ dưới dạng video và có cả tài liệu văn bản, như: chương trình giảng dạy lịch sử âm nhạc phương Đông, lịch sử âm nhạc Hàn Quốc, Mỹ… Vì là học viên nước ngoài, nên ông được ưu tiên photocopy miễn phí tài liệu. Mỗi lần photocopy, ông chỉ cần ghi vào sổ của thư viện thời gian, số lượng và số trang photocopy.

Ông hoàn thành đề tài luận văn “Nghiên cứu so sánh sự tiếp thu ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây trong âm nhạc Việt Nam và Nhật Bản” sau khoảng một năm. Việt Nam và Nhật Bản tuy là hai nước ở châu Á, nhưng mỗi nước đều có đặc điểm lịch sử âm nhạc riêng, các chính sách, sự tiếp thu, ảnh hưởng âm nhạc phương Tây ở mỗi nước một khác. Ông chia sẻ: Việt Nam tiếp thu ảnh hưởng âm nhạc phương Tây theo hình thức bị động. Còn Nhật Bản, họ không chỉ chủ động trong việc tiếp thu tinh hoa âm nhạc phương Tây, mà còn tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế[8].

Tháng 3-1997, ông bảo vệ thành công đề tài luận văn thạc sĩ, được Hội đồng chấm 95 điểm trên thang điểm 100, xếp loại xuất sắc. Hội đồng đánh giá đây là đề tài có giá trị thực tiễn và lý luận cao, là một trong số ít đề tài làm về nghiên cứu so sánh. Kết quả nghiên cứu của luận văn giúp làm sáng tỏ lịch sử nghiên cứu âm nhạc ở các nước châu Á. Qua đề tài này, người Nhật Bản có thể hiểu hơn về lịch sử nền âm nhạc Việt Nam giai đoạn tiếp thu ảnh hưởng của âm nhạc phương Tây.

Sau khi về nước, ông Nguyễn Bình Định tiếp tục công tác giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội. Đồng thời, ông bắt tay ngay vào việc xây dựng bộ môn Lịch sử âm nhạc phương Đông. Đây cũng là mong muốn ông ấp ủ từ khi ông được đi đào tạo tại Nhật Bản năm 1994.

Nguyễn Thị Hằng

__________________________

* PGS.TS Nguyễn Bình Định, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

[1] Nay là khoa Sáng tác – Chỉ huy – Âm nhạc học.

[2] Nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

[3] Nay là trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Bình Định, ngày 25-11-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[5] Trong nội dung thi có những kiến thức mà khi học đại học ở Việt Nam ông Định chưa được học (do hạn chế về giáo trình giảng dạy). Ví dụ, kiến thức lịch sử âm nhạc về các nhạc sĩ: O. Messiaen (Pháp), P. Hindemith (Đức), John Cage (Mỹ).v.v.

[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Bình Định, ngày 25-11-2021, đã dẫn.

[7] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Bình Định, ngày 25-11-2021, đã dẫn.

[8] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Bình Định, ngày 25-11-2021, đã dẫn.