Thầy thuốc phải thấu hiểu nỗi đau và tâm lý người bệnh

Được GS Trần Hữu Tước dìu dắt, đào tạo chuyên ngành từ ngày Bệnh khoa Tai Mũi Họng được thành lập ở Việt Bắc năm 1953, bác sĩ Phạm Kim may mắn là người được ở bên cạnh thầy Tước nhiều nhất và được thầy tin tưởng. Từ một y sĩ tốt nghiệp trường Y sĩ Liên khu III-IV, dưới sự chỉ dạy của thầy Tước, y sĩ Phạm Kim nhanh chóng trở thành một bác sĩ tai mũi họng vững về chuyên môn, được người bệnh quý mến và là chuyên gia trong lĩnh vực phục hồi chức năng cho người khiếm thính. Để có được những thành công và sự tin tưởng của người bệnh, BS Phạm Kim đã chuyên tâm, học hỏi nghiêm túc về chuyên môn, đức độ  từ bậc tiền bối – thầy Trần Hữu Tước.

Trong bài viết “Giáo sư Trần Hữu Tước người thầy uyên bác và giàu lòng nhân bản” trong cuốn sách Trần Hữu Tước cuộc đời và sự nghiệp, PGS Phạm Kim viết: Trong dạy lâm sàng Tai Mũi Họng, thầy Tước rất nghiêm khắc, thầy uốn nắn học trò phải thị phạm trong mọi động tác khám mổ. Thầy luôn nhắc nhở nghề tai mũi họng phải tác động vào các lỗ, khe, hốc… rất nhạy cảm nên động tác cần chính xác, nhẹ nhàng, tinh tế không thể thô bạo. Trời lạnh, thầy bao giờ cũng hơ ấm các dụng cụ trước khi dùng khám cho bệnh nhân. Xuất phát từ tấm lòng nhân ái với những người bệnh nên GS Trần Hữu Tước luôn yêu cầu các học trò phải thấu hiểu cả nỗi đau thể xác và tâm lý lo lắng của người bệnh. Bài học về sự thấu hiểu được PGS Phạm Kim chia sẻ với tấm lòng kính phục đối với GS Trần Hữu Tước, trong câu chuyện được kể từ năm 1963. Khi ấy y sĩ Phạm Kim đã trở thành một bác sĩ tai mũi họng có thâm niên, ông đã thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật cắt amidan và không nghĩ một ngày sẽ trở thành bệnh nhân được chính tay thầy Tước cắt amidan. Lần đó ông bị viêm amidan, sau khi khám thì thầy Tước biết tình trạng viêm không nặng, nhưng thầy muốn ông trải nghiệm để hiểu nỗi đau của người bệnh nên đã nghiêm túc đề nghị tình trạng viêm của em không cần phẫu thuật nhưng tôi sẽ cắt amidan cho em[1]. BS Phạm Kim đồng ý và ca phẫu thuật nhanh chóng được thực hiện. Đợi ông bình phục mấy ngày sau GS Trần Hữu Tước mới hỏi trong quá trình cắt amidan em thấy giai đoạn nào là đau nhất, khổ nhất?[2]. Nếu không có trải nghiệm vừa qua, có lẽ BS Phạm Kim sẽ trả lời lúc cắt amidan là đau nhất, nhưng ở vị trí, tình cảnh người bệnh ông mới hiểu giai đoạn sau khi tiêm thuốc tê khiến người bệnh khó chịu nhất. Ông chia sẻ điều này với thầy. Thầy Tước nở nụ cười khẳng định điều học trò vừa nói và cho biết nhiều bác sĩ suy nghĩ tiêm nhiều thuốc gây tê giúp bệnh nhân bớt đau khi phẫu thuật, mà không biết điều đó gây khó chịu cho người bệnh. Thầy Tước cũng tiết lộ đã chủ ý tiêm nhiều hơn thuốc gây tê để bệnh nhân Phạm Kim khó thở khi cuống amidan sưng to quá mức cần thiết để phẫu thuật, cảm nhận được cái khổ của bệnh nhân. Đó là bài học đắt giá BS Phạm Kim học được từ GS Trần Hữu Tước.

Y sĩ Phạm Kim biểu diễn cắt Amidan bằng phương pháp Sluder Ballanger
tại Bệnh viện Bạch Mai, 1957

GS Trần Hữu Tước còn yêu cầu các bác sĩ sau ca phẫu thuật cho bệnh nhân,  thì buổi tối phải đến thăm khám cho bệnh nhân đó. Bác sĩ Phạm Kim hiểu rằng người bệnh có cái đau và cái khổ, họ đau vì mổ nhưng khổ vì lo lắng, nếu được bác sĩ ở bên cạnh an ủi động viên thì người bệnh sẽ yên tâm[3].Vì thế, ông luôn thực hiện tốt yêu cầu của thầy Tước, không kể mưa gió hay nhà xa bệnh viện, buổi tối BS Phạm Kim đều trở lại thăm khám cho bệnh nhân mà ông đã phụ trách phẫu thuật. Chính sự tận tâm đó ông được bệnh nhân quý mến và tin tưởng.

Năm 1992, ông Phạm Kim bị xuất huyết dạ dày phải phẫu thuật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô thì một người đàn ông lớn tuổi đến thăm và xin được chăm sóc ông. Sau lời giới thiệu của vị khách, BS Phạm Kim nhận ra đó là ông Mạc Văn Trân quê ở Hải Dương từng được ông phẫu thuật cấp cứu trước đây. Như thước phim quay chậm, BS Phạm Kim nhớ lại gần 20 năm trước, khi đang trực tại Viện Tai Mũi Họng Trung ương, ông được thông báo có bệnh nhân cần mổ cấp cứu do viêm tai chảy mủ gây đau đầu, nghi biến chứng nội sọ. Ông nhanh chóng đến phòng mổ cùng ekip thực hiện phẫu thuật khoét rỗng đá chũm bán phần, đồng thời kiểm tra thượng nhĩ và màng não. Ca mổ diễn ra thuận lợi, bệnh nhân sau đó  hồi phục tốt. Buổi tối ông ở lại Viện theo dõi hậu phẫu và tự tay thay băng gạc cho bệnh nhân. Những ngày sau đó BS Phạm Kim vẫn sát sao theo dõi sự chuyển biến của bệnh nhân Mạc Văn Trân. Sau hai tuần điều trị bệnh nhân hết đau đầu, tai không còn chảy mủ và được xuất viện. Câu chuyện săn sóc bệnh nhân sau phẫu thuật tưởng dừng lại ở đó, BS Phạm Kim coi đây là trách nhiệm của người thầy thuốc nên không suy nghĩ nhiều, nhưng gần 20 năm sau ông nhận điều bất ngờ và cảm động khi bệnh nhân trở lại chăm sóc ông với lý do: ngày xưa bác sĩ mổ cho tôi, dù nhà xa buổi tối vẫn đến viện thăm hỏi, kiểm tra mạch, kiểm tra vết mổ rồi thay băng cho tôi suốt 2 tuần, giờ tôi săn sóc cho bác sĩ thì có gì đâu[4]. PGS Phạm Kim kể: lần đó ông Trân đến khám lại tai, khi biết tôi mới phẫu thuật cắt một phần dạ dày đã đến bệnh viện để chăm sóc, xoa bóp chân tay cho tôi đỡ mỏi. Lần thứ 2 tôi phẫu thuật cắt túi mật, ông Trân biết tin lại đến viện chăm sóc tôi một lần nữa[5]. Cảm động trước sự quý mến, tin tưởng của người bệnh dành cho mình, song sâu thẳm trong ông đó là nhờ những bài học quý giá từ thầy Trần Hữu Tước.

 Tròn ba thập kỷ, BS Phạm Kim gắn bó, theo học được nhiều điều từ GS Trần Hữu Tước. Sau ngày thầy về cõi vĩnh hằng năm 1983, BS Phạm Kim cũng chuyển sang công tác tại Công đoàn Y tế Việt Nam, nhưng trong tâm khảm, ông vẫn mãi không quên những bài học của người thầy đầu tiên đã chỉ dạy cho ông làm nghề Tai Mũi Họng – Thầy Trần Hữu Tước.

Lê Nhật Minh

_______________________

GS.TS Trần Hữu Tước (1913-1983), Viện trưởng đầu tiên của Viện Tai Mũi Họng Trung ương.

** PGS Phạm Kim, chuyên ngành Tai Mũi Họng, nguyên Phó viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Việt Nam (1974-1983).

[1] Tài liệu ghi âm PGS Phạm Kim, 17-2-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm PGS Phạm Kim, 17-2-2022, đã dẫn.

[3] Tài liệu ghi âm PGS Phạm Kim, 17-2-2022, đã dẫn.

[4] Tài liệu ghi âm PGS Phạm Kim, 17-2-2022, đã dẫn.

[5] Tài liệu ghi âm PGS Phạm Kim, 17-2-2022, đã dẫn.