Cuối năm 1961, sinh viên Nguyễn Võ Kỳ Anh tốt nghiệp trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội. Ông và ba sinh viên cùng khóa Trần Quỵ[1], Đào Thị Ngọc Diễn[2] và Nguyễn Công Khanh[3] được phân về bộ môn Nhi giảng dạy. Lúc mới ra trường, BS Kỳ Anh giảng dạy môn Nhi cơ sở, trong đó là những bài giảng ban đầu về cơ thể của đứa trẻ như: cách tính chiều cao cân nặng, cách đo thóp, chiều dài từng bộ phận cơ thể trẻ; chăm sóc giấc ngủ, bữa ăn, tâm sinh lý từ khi đứa trẻ ra đời đến tuổi vị thành niên ra sao? Khi đã có kinh nghiệm, ông được phân dạy về Nhi bệnh học, tức các loại bệnh ở trẻ em. Ông cũng dành nhiều thời gian đọc các tài liệu nhi khoa bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, đã được dịch ra tiếng Việt, chắt lọc thông tin đưa vào bài giảng.
Theo PGS Nguyễn Võ Kỳ Anh, mỗi người có nghệ thuật giảng dạy, thái độ khác nhau. Ngoài truyền tải kiến thức, phải lan tỏa được năng lượng tích cực của người thầy thuốc. Ông cho biết lợi thế của mình: “Khi học cuối bậc tiểu học, rồi trung học, tôi đã đi dạy thêm. Đến khi là sinh viên trường Y, tôi cũng dạy bổ túc nên đã có chút nghiệp vụ sư phạm, nói năng lưu loát. Khi giảng bài, không chỉ bằng ngôn ngữ nói mà còn bằng cả ngôn ngữ hình thể, từ ánh mắt đến nụ cười… nên sinh viên rất thích giờ giảng của tôi. Khi đi lâm sàng, sinh viên cũng rất thích đi cùng tôi”[4].
PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, 2021
Lịch giảng dạy Nhi cơ sở và Nhi bệnh học thường vào buổi chiều. Còn buổi sáng, BS Kỳ Anh đến làm việc tại ở khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai. Thông qua việc thăm khám, điều trị bệnh nhân và tham gia trực hàng tuần, các Bác sĩ – giảng viên trẻ có cơ hội làm việc, tiếp tục học tập[5]. Một thói quen của ông là khi khám bệnh bao giờ cũng ghi ngay các thông tin của người bệnh, thăm hỏi theo dõi bệnh trạng của họ. Ông may mắn được đi cùng thầy Chu Văn Tường, và các bác sĩ bậc đàn anh, đó là dịp được “cầm tay chỉ việc”, nhờ đó ông được tiếp tục tích lũy kiến thức chuyên môn và hướng dẫn lại cho sinh viên. Việc bồi dưỡng kiến thức sau khi ra trường, chính là học trên lâm sàng tại các bệnh viện thực hành. Qua việc điều trị cho bệnh nhân, trong giảng dạy, ông dẫn chứng những cơ sở khoa học phong phú để làm minh họa cho sinh viên. Ông cũng tự đặt ra cho mình nguyên tắc ứng xử trước bệnh nhân, tránh nổi nóng, khó chịu hoặc không vừa lòng với sinh viên. Đó là điều tối kỵ, nhất là trước bệnh nhi, sẽ để lại những ấn tượng không tốt trong trẻ.
Ngoài việc thăm khám bệnh nhân, BS Kỳ Anh trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực tập về cách khám khai thác tiền sử, kiểm tra họng, nghe tim, phổi, cách lấy ven, cách tiêm… Nhiều lần ông dùng cánh tay của mình để sinh viên tập cách tìm ven, cách tiêm ven. Cách làm đó giúp sinh viên nhớ kỹ. Giảng viên phải nhớ từng sinh viên, hiểu được tính cách mỗi người, PGS Kỳ Anh chia sẻ: “Tôi nhớ sinh viên bằng cách ghép tên lại thành những câu thơ. Nên khi sinh viên mới đến thực tập, sau khi đứng giới thiệu từng người, tôi đã nhớ được tên vì đã biết được danh sách trước đó. Khi giảng dạy hay nhắc nhở, tôi thường gọi tên của sinh viên. Từ đó tạo sự gần gũi thân thiết giữa thầy và trò. Và cũng nhờ tính cách gần gũi, tôi được sinh viên quý mến, tín nhiệm cả lý thuyết và thực hành”.
Mỗi tuần, BS Kỳ Anh phải trực tại khoa Nhi 1-2 buổi. Thời gian đầu ông trực cùng những bác sĩ đã có thâm niên để học tập kinh nghiệm, sau đó phải trực chính, chịu trách nhiệm các công việc khám bệnh nhân, xử lý công việc. Sau khi nhận tua trực, 7h tối bác sĩ trực cùng 4-5 sinh viên đi thăm bệnh nhân ở tất cả các phòng. Sau khi đi tua các bệnh phòng, ông được ăn 1 bát phở. Đến 5h sáng hôm sau, ông tiếp tục đi thăm lại các phòng, sau đó ngồi viết báo cáo về toàn bộ diễn biến trong kíp trực đó. Có những trường hợp tử vong, ông phải báo cáo cụ thể; chọn 1-2 bệnh nhân điển hình cảm thấy việc chẩn đoán, điều trị chưa được chắc chắn, báo cáo lại trong giao ban có chủ nhiệm khoa chủ trì. Các đồng nghiệp sẽ góp ý cho báo cáo và chủ nhiệm khoa ra “y lệnh” thực hiện các công việc tiếp theo. PGS Kỳ Anh cho biết: “Chính những buổi trực đó, sinh viên học được nhiều từ bác sĩ. Sinh viên có nhiều thời gian để hỏi và bác sĩ cũng có nhiều thời gian hơn để giảng giải cho sinh viên. Tuy nhiên, cũng có đêm trực, chúng tôi phải đấu trí xử lý những ca nặng. Và khi có ca bệnh nhân mất, nhìn theo xe đẩy của những người lấy xác mang xuống phòng đại thể, về phòng, tôi không thể ngủ lại được”.
Năm 1965, Mỹ ném bom ra miền Bắc ngày một ác liệt hơn. Trường Đại học Y Hà Nội chủ trương sơ tán các bộ môn phi lâm sàng lên Thái Nguyên, còn các bộ môn lâm sàng ngoài việc học ở các bệnh viện lớn Hà Nội, một số lớp đi về các bệnh viện tỉnh để vừa học tập, vừa phục vụ chiến đấu. Đoàn đi Thanh Hóa có BS Đỗ Nguyên Phương (sau là Bộ trưởng Bộ Y tế) phụ trách khối Ngoại – Sản và BS Kỳ Anh phụ trách khối Nội – Nhi đưa 50 sinh viên năm thứ tư vào Thanh Hóa thực tập trong thời gian một học kỳ. Đoàn của ông đóng ở Quán Giắt, huyện Triệu Sơn. Đoàn BS Đỗ Nguyên Phương đóng ở huyện Thiệu Hóa. Các ông ăn tại bệnh viện, ở nhà dân. Một hôm, vào khoảng 1 giờ chiều, mấy chiếc máy bay lượn vòng rồi thay nhau ném bom vào Tổng kho lương thực cách chỗ đoàn ở khoảng nửa cây số. Sau khi máy bay đi khỏi, cả đoàn cùng dân quân địa phương cấp cứu người và dập tắt các đám cháy. Lần đó, ông “suýt chết” vì đang chạy, nghe mọi người hô hoán có bom nổ chậm, ông nhảy qua hố bom chạy được vài chục mét thì quả bom nổ.
Sau hai tháng, BS Kỳ Anh và BS Đỗ Nguyên Phương về họp ở Hà Nội. Có vài em sinh viên xin đi cùng hai thầy về thăm nhà. Ông kể: “Chúng tôi khởi hành bằng xe đạp từ buổi trưa theo dọc sông Mã ra Đò Lèn, không đi đường ra thị xã Thanh Hóa, qua cầu Hàm Rồng vì sợ bị oanh tạc. Chiều và đêm hôm đó, chúng tôi phải trốn máy bay bắn phá dọc đường, đến 3 giờ sáng trời mưa to, phải ghé vào một quán bên đường trú mưa. Bà chủ khoảng chừng 50 tuổi nghe tiếng người nên mở cửa ra nhìn, thấy chúng tôi bị ướt, bà mời vào trong nhà rồi nấu cháo cho chúng tôi ăn. Chúng tôi trả tiền nhưng bà chủ không lấy, lại rất vui khi được gặp các bác sĩ, sinh viên trường Y. Tình cảm đó khiến tôi suy nghĩ càng phải có trách nhiệm phục vụ nhân dân. Trời ngớt mưa, chúng tôi cám ơn bà chủ quán rồi tiếp tục đạp xe về Hà Nội. Về đến nhà đã gần trưa. Ở Hà Nội mấy ngày, xong công việc chúng tôi lại vào Thanh Hóa và ở đây đến hết đợt thực tập mới rút về”[6].
Năm 1967, BS Kỳ Anh được nhà trường phân công nhiệm vụ đưa sinh viên về thực tập và phục vụ chiến đấu ở Hải Phòng. Lúc này Bệnh viện Việt Tiệp sơ tán ở Thủy Nguyên. Ít khi ông đi theo đường 5 – Hải Dương – Hải Phòng – Thủy Nguyên vì dễ bị hứng bom đạn cả ngày và đêm, nên ông thường xuyên đi theo đường Hà Nội – Đông Triều – Mạo Khê – Thủy Nguyên. Có ngày vì phải tránh máy bay liên tục ở dọc đường nên đến gần hai giờ sáng ông mới về đến nhà trọ, chỉ kịp nằm nghỉ vài tiếng rồi đến bệnh viện.
Mười một năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, thăm khám và điều trị cho biết bao bệnh nhi. Nhưng có một kỷ niệm thăm khám cho bệnh nhi ở huyện Đông Anh (Hà Nội) để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh. Chuyện là, vào những năm 1968-1970, bộ môn Nhi kết nghĩa với xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Những ngày chủ nhật, các bác sĩ của bộ môn lại về xã để khám chữa bệnh cho bà con ở đây. Một hôm, vừa đến Trạm Y tế, anh Tuất – Trạm trưởng vội dẫn BS Kỳ Anh đến nhà khám cho một cháu bé năm tháng tuổi đã quấy khóc mấy ngày, nhất là mỗi khi đặt nằm cháu cứ khóc thét lên. BS Kỳ Anh quan sát nét mặt của cháu bé lúc khóc, khám xét toàn thân bằng “nhìn, sờ, gõ, nghe” nhưng không phát hiện ra sự bất thường. Để ý lời mẹ cháu bé chia sẻ hễ đặt cháu bé nằm là cháu khóc thét lên, BS Kỳ Anh làm lại động tác đó, nhẹ nhàng đặt ngửa, cháu lại khóc thét nhiều. Bế bé lên tay, BS Kỳ Anh vạch tóc cháu ra để khám thì phát hiện một chiếc kim khâu đã nằm sâu trong da đầu của bé với một đoạn chỉ khoảng 2cm lồng qua kim. Ông lấy nhíp nhổ râu của bố cháu bé, từ từ kéo kim khâu ra. Cháu bé chỉ khóc một chút rồi ngủ thiếp. Mọi người ai nấy đều mừng rỡ, còn BS Kỳ Anh rút ra được bài học mà ông luôn nhắc sinh viên: “Khám cho trẻ càng nhỏ càng cần phải bình tĩnh, quan sát từng cử chỉ, tiếng khóc, sờ nắn nhẹ nhàng và phải luôn thân thiện, giao tiếp với trẻ cũng như khai thác kỹ người nhà về tiền sử, tình huống xảy ra với bé”. Điều đó ông học được ở GS Mazurin, chuyên gia Liên Xô giảng cho lớp chuyên khoa Nhi của ông: “Thầy thuốc nhi khoa phải có bàn tay nhung và đôi mắt cú vọ”, có nghĩa khi thăm khám cho trẻ em phải rất nhẹ nhàng và phải có con mắt tinh anh để quan sát.
Bên cạnh công tác giảng dạy, tham gia điều trị cho các bệnh nhi tại bệnh viện, BS Nguyễn Võ Kỳ Anh tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Trong hơn chục năm này, ông tập trung nghiên cứu về tình hình bệnh tật của trẻ em, rút ra những bài học kinh nghiệm để nâng cao tay nghề, trao đổi cùng sinh viên, đồng nghiệp. Ông công bố 12 bài báo nghiên cứu, báo cáo tại hội nghị khoa học ngành Nhi và đăng trên các tạp chí chuyên ngành y học như: Chế độ sinh hoạt của trẻ em ở nhà trẻ (1963), Một vài nhận xét qua 24 trường hợp bạch huyết cấp ở Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (1967), Những biến đổi thể dịch của 124 trường hợp thấp khớp cấp trẻ em tại Bệnh viện Saint Paul (1971)…
Thời gian gắn bó với ngành Nhi khoa tuy không dài, nhưng từ thực tiễn công việc, BS Nguyễn Võ Kỳ Anh cũng đã đúc rút được những kinh nghiệm quý báu cho riêng mình, để sau này, những kinh nghiệm ấy đã giúp ông rất nhiều trong môi trường công tác về giáo dục.
Hoàng Thị Liêm
___________________________
[1] Sau là GS.TS, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.
[2] Sau là PGS.TS, nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương.
[3] Sau là GS.TS, nguyên Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam.
[4] Ghi âm phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, 28-8-2021, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[5] Năm 1996 Bộ Y tế chính thức ban hành Thông tư về quá trình kết hợp chặt chẽ giữa Lý thuyết và Thực hành, giữa trường Đại học Y và Bệnh viện thực hành.
[6] Bản file Hồi ký của PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, tr.57, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt