Sinh ra và lớn lên ở khu tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, là em út trong nhà, tuổi thơ của Nguyễn Thị Cẩm Vân dường như không có kỷ niệm với biển. Hay nói đúng hơn, cô chưa một lần được “gặp biển”. Niềm thích thú với biển chỉ được cảm nhận qua những câu chuyện kể của cha hay các anh, chị lớn trong nhà. Năm 1974, Nguyễn Thị Cẩm Vân được sang học tại trường Đại học Trắc địa bản đồ và ảnh hàng không Moskva, Liên Xô, chuyên ngành kỹ sư bản đồ. Nghỉ hè năm thứ nhất, sinh viên được đi nghỉ ở biển Sochi. Đây cũng là lần đầu tiên cô được đến biển. Được hai người bạn Liên Xô dạy bơi, Cẩm Vân mạnh dạn tham gia cuộc thi bơi cùng các du học sinh. Rất ấn tượng về cảnh đẹp của biển Sochi, cô nữ sinh mong có thêm nhiều chuyến đi trên biển, dù với mục đích nào.
Tốt nghiệp đại học, kỹ sư Cẩm Vân về nước nhận công tác ở phòng Bản đồ và thông tin địa lý, Viện Các khoa học về Trái đất. Năm 1991, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước Điều tra nghiên cứu biển, giai đoạn 1991-1995, mã số KT.03 (còn gọi là Chương trình biển KT.03) do Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì. GS Đặng Ngọc Thanh (Phó Viện trưởng) làm chủ nhiệm chương trình. Chương trình có sự tham gia của nhiều cơ quan thuộc các bộ, ngành như Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thủy lợi, Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước… Trong đó, Viện Địa lý, thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia thực hiện đề tài nhánh Đánh giá điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội hệ thống các đảo ven bờ Việt Nam trong chiến lược kinh tế – xã hội biển, do Viện trưởng – GS Lê Đức An làm chủ nhiệm. Tháng 2-1993, đoàn có chuyến thực địa đầu tiên ở Quảng Ninh. Đây là chuyến thực địa mở đầu cho quá trình khảo sát các đảo ven bờ Vịnh Bắc Bộ, miền Trung và miền Nam. Kỹ sư Nguyễn Thị Cẩm Vân là thành viên trong đoàn khảo sát khoảng 10 người.
Chuyến khảo sát kéo dài gần 2 tuần, do phòng Địa lý tự nhiên và cảnh quan, Viện Địa lý phụ trách. Đoàn tạm trú ở nhà khách của Ban quân sự tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh là tỉnh có hơn 2000 đảo lớn nhỏ, đoàn chọn theo tiêu chí: Là đảo ven bờ, có dân cư sinh sống, có tiềm năng phát triển, đặc biệt là du lịch và nuôi trồng thủy hải sản. Vì vậy, đoàn di chuyển từ Hạ Long đến Móng Cái và có mặt ở các huyện đảo ven bờ như đảo Cái Bầu, đảo Ngọc (nay là mũi Ngọc), đảo Vĩnh Thực, đảo Cái Chiên, đảo Trà Cổ…Đến mỗi đảo, các thành viên khảo sát đặc điểm tự nhiên như bãi biển, các cánh rừng phi lao ven biển, rồi hệ thống giao thông biển, sông, núi, thảm thực vật…
Kỹ sư Cẩm Vân được phân công trực tiếp đến các UBND xã, huyện đảo để khảo sát tình hình phát triển kinh tế xã hội, thu thập số liệu về dân số, ngành nghề. Những buổi gặp gỡ với người dân, bà lắng nghe những khó khăn của họ, hiểu hoạt động sản xuất, kinh nghiệm nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản của người dân vùng biển. Từ đó để có những đề xuất cải thiện đời sống của người dân. Một lần, kỹ sư Cẩm Vân cùng một nữ đồng nghiệp đến khảo sát ở đảo Vĩnh Thực. Là một đảo thuần nông, nhóm được ban lãnh đạo xã cho biết đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, hoạt động sản xuất hầu như chưa có gì nổi bật. Bên cạnh việc phỏng vấn, nhóm thuê xe ôm chở đi khảo sát địa hình, đất đai, sông ngòi… của đảo. Nhiều người dân thấy có nhóm đến tham quan, nghiên cứu nên rất mừng, mời liên hoan, mời rượu.
Khác với ở đảo Vĩnh Thực, cuộc sống của người dân ở đảo Cái Bầu, Quan Lạn, Minh Châu… của vịnh Bái Tử Long có phần cải thiện hơn. Những chuyến khảo sát từng địa bàn đã giúp bà có nhiều thông tin thực tế để viết báo cáo thu hoạch. Trong những bản báo cáo viết tay, ngoài nội dung phỏng vấn, số liệu, bà đưa ra các đề xuất, giải pháp để cải thiện sản xuất, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là hoạt động du lịch, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.
Kỹ sư Nguyễn Thị Cẩm Vân tại UBND xã Vĩnh Thực, tháng 3-1993
Tháng 10-1993, với sự phân công của GS Lê Đức An, kỹ sư Cẩm Vân cùng một số cán bộ ở Phòng Bản đồ và thông tin địa lý có đợt khảo sát thứ hai đến Cô Tô. Trưởng phòng Nguyễn Trần Cầu (sau là PGS.TS, nguyên Phó viện trưởng Viện Địa lý) là trưởng đoàn. Cô Tô là đảo xa bờ, có tính chất phên dậu, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc phòng. Trước năm 1979, nơi đây có nhiều người Hoa sinh sống, giao thương buôn bán phát triển, tuy nhiên, từ khi người Hoa rút dần về nước, đời sống người dân khó khăn do giao thương kinh tế sụt giảm. Lãnh đạo huyện, tỉnh đã có đề xuất để có thể khôi phục lại hoạt động kinh tế ở đây. Vì là đảo xa bờ, lương thực hạn chế, trước khi đi, bà đem theo đồ ăn như gạo, cá khô, ruốc, lương khô… Đoàn khởi hành bằng ô tô đến cảng Cái Rồng (cảng duy nhất để đến được Cô Tô bấy giờ). Ra đảo Cô Tô bằng thuyền, sóng đánh mạnh vào mạn thuyền, nước vung lên, trông rất khủng khiếp. Người lái thuyền bảo cả đoàn phải nằm ở khoang thay vì ngồi phía trên rất nguy hiểm. Đó cũng lần đầu tiên tôi ra đảo xa[1] – PGS Cẩm Vân chia sẻ.
Nghĩ về những ngày ở Cô Tô, bà cho biết, nơi đây rất vắng lặng. Nhà dân trống huơ trống hoác, đất đai bỏ hoang, nhiều hồ chứa nước đã khô cạn, dân đánh bắt được nhiều cá nhưng bán chẳng bao nhiêu vì không có người mua. Tuần đầu tiên trên đảo, đoàn chủ yếu dùng lương thực đã chuẩn bị từ trước, lương khô cũng là một trong những đồ ăn phổ biến. Chỗ ngủ của đoàn là một lớp học cấp 1, dùng bàn ghế làm giường, không có màn nên muỗi đốt chi chít. Từ đảo Cô Tô lớn, đoàn tiếp tục sang đảo Cô Tô con, đảo Thanh Lân. Trong những chuyến đi, không chỉ được lắng nghe chia sẻ của người dân, cảm nhận những khó khăn, hiểu được hoạt động sản xuất và mong muốn của họ, bà còn ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ của các đảo và sự nhiệt tình của người dân nơi đây. Tình yêu với biển đảo như lớn dần. PGS Cẩm Vân nhớ lại: Chúng tôi đi qua những bãi biển đẹp lung linh, vắng ngắt, nước trong vắt, một bên là cây, có bãi cát, có bãi đá bảy sắc cầu vòng, sững sờ trước vẻ đẹp không thể tưởng được. Tôi có duyên với Quảng Ninh, sau này tôi làm nhiều đề tài nghiên cứu về Quảng Ninh[2].
Khi chương trình Điều tra nghiên cứu biển mã số KT.03 hoàn thành, một hệ thống các thông tin về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, dải ven biển Việt Nam và toàn Biển Đông được Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia tập hợp và công bố chung. Tuy nhiên, vấn đề lưu trữ các tư liệu bản đồ biển của chương trình mới dừng lại ở bước thống kê, lập danh sách bản đồ và chủ yếu lưu dạng giấy. Việc tham khảo, sử dụng và bảo quản các bản đồ do vậy còn khó khăn. Để phục vụ cho quá trình tham khảo, cập nhật và lưu trữ tư liệu, cấp thiết cần phải tiếp tục hoàn thiện danh mục các bản đồ biển, thống kê, phân lọai theo giá trị sử dụng và tạo lập một cơ sở dữ liệu các bản đồ lưu trữ dưới dạng số. Chương trình nghiên cứu biển KC.09 – Xây dựng cơ sở dữ liệu biển quốc gia, được triển khai giai đoạn 2001-2005, do GS Đặng Ngọc Thanh làm chủ nhiệm, TS Cẩm Vân (khi đó là Trưởng phòng Phòng Bản đồ và Thông tin địa lý) làm chủ nhiệm đề tài nhánh Xây dựng cơ sở dữ liệu các bản đồ biển Việt Nam.
Thực hiện nghiên cứu đề tài nhánh này, TS Cẩm Vân cùng các thành viên của Phòng Bản đồ và Thông tin địa lý như Hoàng Kim Xuyến, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Ngọc Anh… đến phòng Tư liệu biển của Trung tâm Thông tin tư liệu (thuộc Khoa học Công nghệ Việt Nam) để thu thập tất cả các bản đồ biển gốc từ năm 1986-2000 được lưu trữ tại đây. Các bản đồ có kích cỡ đa dạng từ A0, A2, A3, A4… được bà cùng các thành viên phân loại theo giá trị sử dụng của bản đồ, sắp xếp, lọc lấy thông tin. Bà cho biết, khâu quan trọng nhất là tạo thành cơ sở dữ liệu trong Access theo từng danh mục, trong đó có các trường thông tin của từng bản đồ: tên bản đồ, người lập bản đồ, năm, thuộc đề tài, nội dung, nguồn tài liệu, hình ảnh bản đồ kèm theo…, sau đó lưu vào các đĩa CD và nộp lại cho Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu biển KC.09 năm 2003. Đề tài Xây dựng cơ sở dữ liệu các bản đồ biển Việt Nam đã tạo được nguồn tham khảo tài liệu theo phương pháp tin học, hiện đại, tiên tiến, giúp người dùng thuận tiện hơn trong tra cứu, tham khảo, đồng thời đảm bảo cho việc lưu trữ, sử dụng bản đồ được dễ dàng, lâu dài. PGS Cẩm Vân nhận xét: Đề tài đã xây dựng được nguồn tài liệu tham khảo có ý nghĩa như một thư viện về các bản đồ[3].
Cuốn sách được sử dụng làm giáo trình cho môn học Bản đồ biển
Trong bối cảnh tài liệu khoa học ở nước ngoài viết về đo đạc và bản đồ biển còn hạn chế, phân tán và chưa mang tính hệ thống, ở trong nước thì chưa có tài liệu về công tác đo đạc bản đồ biển được xuất bản làm tài liệu giảng dạy và học tập, năm 2005, TS Nguyễn Thị Cẩm Vân cùng với PGS.TS Vũ Bích Vân (công tác ở Viện Khoa học đo đạc và bản đồ, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) biên soạn cuốn sách Bản đồ biển. Với các nội dung: kiến thức thành lập bản đồ biển, những đặc điểm địa lý của biển Việt Nam có liên quan đến việc lập bản đồ, cách thức sử dụng tư liệu viễn thám, những bước tiến của ngành đo đạc bản đồ biển nước ta, cuốn sách được sử dụng làm giáo trình cho môn học Bản đồ biển của sinh viên, học viên cao học ở nhiều trường đại học. Khi giảng dạy ở trường Đại học Mỏ – Địa chất, giảng viên Cẩm Vân cũng sử dụng cuốn giáo trình này. Nay tuy đã nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục tham gia các đề tài khoa học, trong đó có nghiên cứu về biển tỉnh Quảng Ninh.
PGS.TS Nguyễn Thị Cẩm Vân tâm sự: Cuộc đời tôi, được tham gia nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu và được đi thực địa nhiều nơi ở các vùng biển, đảo là một niềm hạnh phúc. Thậm chí, tôi nghĩ, khi đã rời xa cõi đời, tôi cũng chỉ muốn mình được hòa vào biển[4].
Nguyễn Thanh
___________________
* PGS.TS Nguyễn Thị Cẩm Vân, nguyên Trưởng phòng Bản đồ và thông tin địa lý, Viện Địa lý, Viện Địa lý (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt
[1] Hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Thị Cẩm Vân, 12-11-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Thị Cẩm Vân, 12-11-2021, đã dẫn.
[3] Hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Thị Cẩm Vân, 12-11-2021, đã dẫn.
[4] Hỏi thông tin PGS.TS Nguyễn Thị Cẩm Vân, 19-11-2021, đã dẫn.