Phó Giáo sư Lê Sỹ Toàn sinh năm 1930 tại Nghệ An. Ông là bác sĩ trưởng thành từ môi trường quân đội, tham gia trực tiếp vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đã ở tuổi ngoài 90, trải qua nhiều lần vào sinh ra tử và những biến động lớn của cuộc đời, ông không thể nhớ chính xác lần đầu tiên vào chiến trường C là vào ngày tháng nào nhưng câu chuyện về thời kỳ ấy vẫn còn sống động như nguyên. Ông bắt đầu câu chuyện về chiến trường C – nơi có tầm quan trọng về địa chính trị và quân sự: “Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng là chiến trường quan trọng đối với Đông Dương. Người ta nói rằng ai nắm được cánh đồng Chum thì khống chế được toàn bộ phía Bắc Đông Dương. Ai nắm được Tây Nguyên thì khống chế được Nam Đông Dương. Cánh đồng Chum là chiến trường không chỉ quan trọng với Lào mà có ảnh lớn hưởng đến cục diện chiến tranh Đông Dương, nhất là đối với Việt Nam…
Vào thời điểm năm 1964, bác sĩ Lê Sỹ Toàn là Viện phó Bệnh viện của quân khu Tây Bắc. Ông chỉ nhớ khi con trai đã được 7 tháng tuổi (năm 1964) thì cũng là lần đầu tiên ông được cử vào chiến trường C, Xiêng Khoảng, Lào với vai trò là Đội trưởng Đội phẫu thuật. Khi con trai được 14 tháng thì ông trở về Tây Bắc. Kể từ sau lần đó, ông còn trở lại Lào hai lần và lần nào cũng đặc biệt. Mỗi lần như vậy, vợ con ông ở Tây Bắc đều mong mỏi chờ tin của chồng. Có tới ba lần vợ ông – dược sĩ Nguyễn Kỳ Minh Phượng nghe tin chồng đã hi sinh. Mỗi lần thấy bộ đội vào nhà là bà lại tránh mặt vì sợ nghe được tin dữ về chồng. Đến nỗi có lần trở về, ông đứng trước mặt, bà không còn nhận ra chồng vì gầy và đen, chỉ khi nghe giọng nói thì mới ôm lấy ông và khóc. Chiến tranh ác liệt, bom đạn vốn vô tình và chẳng trừ ai. Không chỉ những chiến sĩ cầm súng đối diện với quân thù mới nguy hiểm, mà cả ngay những người cầm con dao, cái kéo phẫu thuật cũng có thể hi sinh bất kỳ lúc nào.
Lần đầu tiên vào chiến trường C, Đội phẫu thuật tiền phương, mà bác sĩ Lê Sỹ Toàn là đội trưởng có biên chế gọn nhẹ, thường từ 10-12 người. Cán bộ và chiến sĩ được điều đi phải là người có kỹ thuật tốt, tinh thần dũng cảm chịu đựng, vì không chỉ lo “cướp cứu”, cấp cứu mà dọc đường hành quân phải luôn sẵn sàng chiến đấu. Đến nơi đóng quân, toàn đội phải tự triển khai mọi hoạt động, chứ không có bộ phận hậu cần đi theo lo cơm nước. “Đội phẫu thuật tiền phương có khó khăn là phải có mặt ở những nơi ác liệt nhất của trận đánh. Ở đâu có thương binh là phải có cấp cứu và phục vụ. Ở chiến trường Lào, phần lớn là đi đêm. Khổ nữa là muỗi và dĩn, chúng bâu và cắn thì không chịu được. Có những ca mổ phải mắc hai màn, một màn trong và một màn ngoài to hơn mới tránh được muỗi dĩn. Muỗi dĩn nó bâu vào cắn thì không thể cầm dao mổ được suốt” – PGS Lê Sỹ Toàn nhớ lại.
Chúng ta thường nghe tới thuật ngữ cấp cứu trong ngành y nhưng “cướp cứu” mới gây sự tò mò. PGS Lê Sỹ Toàn giải thích: “Cấp cứu? Đó chưa phải chuyện quan trọng. “Cướp cứu” mới thật sự quan trọng. Tại sao lại có từ đó. Khi bộ đội bị thương nằm ngay ngoài mặt trận, phải làm thế nào cướp được thương binh khỏi khu vực nguy hiểm đã, rồi khi đó mới tìm vị trí để cấp cứu xử lý. Việc cướp cứu có thể hi sinh nhiều anh em. Chưa cứu được thương binh thì anh khác đã bị thương rồi. Thành ra cái “cướp cứu” là quan trọng. Đã ra chiến trường thì trong đầu phải nghĩ ra đủ mọi cách để cứu thương binh. “Cướp cứu” được thương binh thật nhanh, thật an toàn, rồi bố trí mổ xẻ nhanh gọn, chuyển về sau. Cái đó là vất vả nhất, mà thường giải quyết trong đêm”.
Bác sĩ Lê Sỹ Toàn vào chiến trường C lần thứ 2 với vai trò là Đội trưởng Đội điều trị. Đội điều trị được bố trí bài bản, quy mô lớn hơn so với Đội phẫu thuật lưu động. Từ đội phẫu thuật lưu động đến bệnh viện dã chiến là một quá trình chiến đấu, vượt qua nhiều hiểm nguy, gian khổ và hi sinh. Đó cũng là quá trình tự học, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn, mà nhiệm vụ trọng tâm là cứu chữa được nhiều thương binh, trả họ lại chiến trường để chiến đấu. Khó khăn đối với y bác sĩ ở ngoài tiền phương là không kể hết, nó gây cho người nghe cảm giác lạ lùng và xúc động đến lạ. Bởi nếu không phải là một nhân chứng từng sống và chiến đấu kể lại thì thế hệ sau khó có thể hình dung, khó có thể tin được đó là sự thật.
PGS Lê Sỹ Toàn tiếp tục câu chuyện ở Xiêng Khoảng Lào: “Thường từ chỗ “cướp” được thương binh về đến điều trị, bệnh viện dã chiến là còn xa mà đường đồi núi rất khó đi. Thương binh nằm trong xe, mà xe đi không được bật đèn pha, chỉ được mở đèn gầm, chiếu sáng chỉ được 4 thước trước mặt, còn lóe lên thì máy bay đến dội bom ngay. “Cướp” được thương binh, giữ an toàn cho họ rồi tìm chỗ thật tốt để bố trí phẫu thuật. Thường phẫu thuật không có bàn ghế, trải nilon ra rồi mắc màn lên cho muỗi dĩn khỏi đốt, rồi dùng đèn pin mà mổ tại chỗ”. Chiến trường ác liệt, nhiều người hi sinh, nhiều người thương tật nặng và cũng có rất nhiều người bị thần kinh do không chịu đựng được sự khốc liệt của chiến tranh. Bác sĩ Lê Sỹ Toàn kể rằng có người điên thật, nhưng cũng có người giả điên. Ông tâm sự: “Mình không được đối xử sai với họ. Họ sai thì mình phải làm cho họ thấy cái sai của họ chứ không được hắt hủi họ. Mình không được đối xử cách tàn tệ, hay phê bình quá mức. Chiến trường ác liệt như thế, người dũng cảm thì không sao mà không dũng cảm thì run lên ngay. Nhưng cũng có những người rất dũng cảm, một lần máy bay địch ném bom, anh Thét nằm đè lên người để che chắn cho tôi và nói: “em chết thì không sao chứ thủ trường chết thì nguy”.
Bác sĩ Lê Sỹ Toàn cùng vợ và con gái, Hà Nội, 1967
Ở chiến trường C, bác sĩ Lê Sỹ Toàn được chứng kiến nhiều sự hi sinh anh dũng. Ông khẳng định: “Những hi sinh của mình, chịu đựng của mình chưa có ý nghĩa gì hết. Anh em còn chịu đựng nhiều khó khăn lắm. Tôi có thể kể đến hai thương binh là Trần Văn Giảng và Nguyễn Văn Hòa. Anh Giảng bị thương nặng ở bụng, mở băng ra là thấy ruột lổm ngổm ở trong như rắn bò trong thau. Đồng chí Hòa có tới 35 vết thương trên người. Khi bơm nước vào bàng quang để rửa thì như kiểu vòi nước phun ra đầy người. Cả hai đồng chí ấy tôi đều cứu được hết”. Có ca phẫu thuật diễn ra hơn chục tiếng, trong khi phòng mổ không có điện. Một chiến sĩ đã phải đạp xe liên tục suốt đêm để có ánh sáng phục vụ cho bác sĩ Toàn phẫu thuật. Xong ca phẫu thuật thì anh chiến sĩ đạp xe mệt lử người nằm xuống nền phòng. Thế mới biết sự tận tụy của các y bác sĩ trong những ngày tháng ấy.
Ở Xiêng Khoảng, nơi đội điều trị đóng quân và sau này là Quân y viện 139 đóng quân, bác sĩ Lê Sỹ Toàn và tất cả mọi người nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân Lào. Tập thể Quân y viện 139 được nhân dân, nhất là các bà mẹ Lào cung cấp rau, lương thực, thực phẩm địa phương. Ở nơi bệnh viện đóng quân, có rất nhiều dừa do vậy có lúc thiếu huyết thanh, bác sĩ Toàn và đồng nghiệp đã quyết định sử dụng nước dừa để truyền cho thương bệnh binh. Đây là một sáng tạo của các y bác sĩ Việt Nam từ thời chống Pháp và nó tiếp tục được phát huy, nhằm khắc phục hoàn cảnh thiếu thốn. Sống và chiến đấu ở Xiêng Khoảng khá lâu nên bác sĩ Lê Sỹ Toàn rất được yêu quý, được các bà mẹ coi như con trong nhà. Bác sĩ Lê Sỹ Toàn được điều động về nước khi đã hoàn thành nhiệm vụ ở Chiến trường C mà không kịp từ biệt bà con Lào đã khiến họ vô cùng thương nhớ. Họ nghe đồn rằng bác sĩ Toàn đã hi sinh trên đường vượt sông. Để tỏ niềm thương tiếc và biết ơn người bác sĩ quân y, họ đã lập bàn thờ bên bờ sông. Sau này khi biết việc đó, bác sĩ Toàn phải nhờ người thông báo lại với bà con ở bên Lào.
Điều trăn trở lớn nhất là kể từ ngày rời Lào, ông vẫn chưa một lần trở lại thăm chiến trường xưa và gặp lại bà con Lào thân thương. Xiêng Khoảng, nơi ông đã chiến đấu, đã xây dựng một bệnh viện trong hang đá rất đặc biệt, sẽ luôn nằm trong tâm trí, như một phần máu thịt không thể nào quên.
(Còn nữa…)
Nguyễn Thanh Hóa