Ngay từ khi nhận nhiệm vụ giảng dạy Văn học Việt Nam hiện đại ở Khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng viên Đoàn Trọng Huy đã cố gắng tìm một đường đi riêng trong đại lộ chung. Đó là hướng nghiên cứu nhà văn hiện đại qua con người, sự kiện, tác phẩm văn học. Trong cuộc đời nghiên cứu, giảng dạy, ông giữ quan hệ với nhiều nhà thơ, nhà văn trong đó có những nhà văn tên tuổi như Nguyễn Tuân (1910-1987). Hành trình nghiên cứu Nguyễn Tuân của PGS Đoàn Trọng Huy bắt đầu từ năm 1960 khi ông về trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Muốn hiểu về nhà văn, trước hết phải là một người đọc chân thành và tin cậy. Theo quan điểm đó, thời ấy, ông đã miệt mài ở các thư viên, từ thư viện trường đến thư viện trong thành phố và Thư viện Quốc gia. Để tiếp cận được nhiều tư liệu và có thể đào bới vào kho sách từ trước năm 1945 (Nguyễn Tuân là tác gia của dòng văn học 1930 – 1945) cần có giấy giới thiệu của trường, chưa kể đến sự hạn chế đối tượng đọc cũng như nhiều đầu sách lưu trữ rất ít. Ông say sưa tìm đọc và tiếp cận được hàng loạt các nguyên bản như “Vang bóng một thời” (1940), “Chiếc lư đồng mắt cua” (1941), “Một chuyến đi” (1941), “Thời đại” (1943), “Đắc lộ thư xã” (1945), “Trúc Khê thư xã” (1953) và “Chính ký” (1953)…. Trong số đó, nhiều cuốn còn có dấu lưu chiểu của Pháp (Depot légal), ghi rõ ngày tháng nộp sách. Để đọc hiểu về Nguyễn Tuân ông còn đọc cả những sách phê bình, tiểu luận và sáng tác viết về nhà văn… Theo dõi, cập nhật sách báo, các sự kiện chính là tiếp nhận những vấn đề mới nhất; có khi thấy được một sáng tạo hoặc mức độ sáng tạo mới của Nguyễn Tuân; có khi là góp phần giải mã, giải tỏa một vấn đề nào đó[1] – PGS Đoàn Trọng Huy chia sẻ.
Những dịp kỷ niệm năm sinh, ngày mất hay các sự kiện khác liên quan đến Nguyễn Tuân chính là cơ hội giúp ông Đoàn Trọng Huy thu lượm, cập nhật được nhiều tư liệu quý giá. Ông dõi theo các sự kiện kỷ niệm rất kịp thời và đầy đủ, từ tọa đàm, hội thảo khoa học dù được tổ chức ở nhiều địa phương. Vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất nhà văn Nguyễn Tuân, ông đã cho in sách “Tinh hoa văn thơ thế kỷ XX” (Nhà xuất bản Giáo dục, 2007) trong đó có phần viết về Nguyễn Tuân. Năm 2017 kỷ niệm 30 năm ngày mất nhà văn, trong bài “Nguyễn Tuân – Người đi tìm và sáng tạo cái đẹp”, ông đã bàn thêm về quan niệm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân. Bài đăng trên website của Khoa Văn học, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, và đã đón nhận được sự quan tâm của bạn đọc (đến nay đã có gần 85.000 lượt truy cập).
PGS Đoàn Trọng Huy tâm niệm: Muốn nghiên cứu tốt phải là người hiểu rõ đến mức như tri âm của nhà văn. Tôi đến với Nguyễn Tuân không chỉ là một người chịu đọc mà còn với tư cách một giảng viên đại học, tức một người hỗ trợ nhà văn làm nhiệm vụ kết nối tác giả và bạn đọc sinh viên – một nhóm bạn đọc có tính chất lý tưởng của nhà văn – như người thấu hiểu và truyền tải cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn chương tới thế hệ trẻ học đường[2]. Vì vậy, với ông việc giao lưu với nhà văn được coi như một hoạt động bắt buộc quan trọng, đem lại nhiều kết quả thú vị. Sự gặp gỡ giữa ông và nhà văn lão thành Nguyễn Tuân ngay từ đầu đã thông thuận, thậm chí xóa nhòa khoảng cách về tuổi tác (khi Nguyễn Tuân vào bậc tri thiên mệnh, Đoàn Trọng Huy vẫn đang tuổi lập thân, lập nghiệp). Trước lạ, sau quen, họ gặp nhau tại các hội nghị chuyên môn, các buổi giao lưu với sinh viên. Dần dà ông Huy được nhà văn Nguyễn Tuân mời đến nhà chuyện trò thân mật.
Nhà văn Nguyễn Tuân với trang phục giản dị và chiếc tẩu quen thuộc
Là người gốc Hà Nội, nhà văn Nguyễn Tuân ở ngay phố Trần Hưng Đạo – trung tâm Thủ đô. Nhà ông như một phòng triển lãm tranh nho nhỏ với hàng chục bức chân dung gia chủ qua các thời kỳ do bạn bè vẽ tặng… Tủ sách là một kệ nhiều tầng như kho bảo tàng thu nhỏ, chứa nhiều sách quý, Đông Tây kim cổ. Quan sát nhà gia chủ, ông Huy biết tính cách và phong cách sống của nhà văn, tuy không có đồ đạc sang trọng nhưng vẫn toát lên sự phong nhã, thanh bạch. Phong cách ăn mặc của nhà văn cũng vậy: giản dị nhưng lịch sự, mà lại rất hợp thời, hợp cảnh. Đi hội nghị, hội thảo thì xách cặp; đi trận địa thì đeo túi (xắc cốt), mang bi đông… Nhiều người đã có nhận xét về “trang phục” biến hóa và độc đáo của ông, nhất là đặc tả phong thái chống ba toong và ngậm tẩu.
Đã có nhiều cuộc đàm đạo văn chương, nghệ thuật tại ngôi nhà của nhà văn Nguyễn Tuân trên phố Trần Hưng Đạo, đến mức có thể coi đây là một “câu lạc bộ” hiếu khách của những bè bạn thân quen, kể cả nhà văn nước ngoài. Theo PGS Đoàn Trọng Huy, Nguyễn Tuân có thể giao lưu, tiếp đãi khách quốc tế sang trọng mà cũng có thể thân thiết, thù tạc với bạn văn xuề xòa như Tô Hoài, Nguyên Hồng. Đó là tâm hồn vừa già dặn, đầy trải nghiệm, vừa trẻ trung tươi mới. Nhà văn Nga Eptusenco gọi Nguyễn Tuân là “cậu bé sáu mươi” – tức có một tuổi già xanh là vì vậy. Điều đó cũng cắt nghĩa vì sao Nguyễn Tuân có nhiều bạn thân thiết cùng trang lứa, những vị lão làng, nhưng cũng có khá nhiều bạn vong niên – đệ tử như Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Khải, Ngô Văn Phủ[3]… PGS Đoàn Trọng Huy cũng chia sẻ: Tôi không phải là “khách rượu” của nhà văn, chỉ được mời nước. Lần nào cũng được uống trà ngon trong tủ trà riêng. Cũng có dịp được mời rượu Tây hảo hạng, hầu hết là tặng phẩm hữu nghị thường sử dụng trong dịp đãi khách quý, tôi chỉ dám nhấp môi nhâm nhi để “hầu trà” nghe chuyện, không dám dốc cạn một hơi như ở nhà. Được biết, nhà văn Tô Hoài “hầu rượu” đã có lần bị Nguyễn Tuân mắng yêu là “uống trâu” có lẽ vì trái với “phong cách” của chủ nhân: uống chén hạt mít mà như uống chen tống![4]
Những dịp được mời đến nhà riêng của Nguyễn Tuân mở ra cho ông Huy sự tìm hiểu mới, cũng có thể gọi là khám phá mới, chủ yếu là con người nhà văn như cơ hội “đọc người” sinh động, rất bổ ích và thú vị[5]. Hầu như nhà văn biết đủ mọi chuyện trên đời! Và ông cũng là người “hay chuyện” nữa, như chuyện lai lịch Ga Hàng Cỏ, sự tích Phòng khám bệnh Đặng Vũ Lạc… Trên một chuyến ô tô đón nhà văn vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi đã nghe kể bao chuyện về Nhà Đấu xảo Đông Dương xưa – sau là Nhà hát Nhân dân Hà Nội và nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô. Toàn những chuyện gần gũi, quanh nhà ở phố Trần Hưng Đạo. Đó là cốt cách uyên bác của con người ham học hỏi, tìm hiểu cuộc đời. Tôi học được ở ông một bài học lớn có tính chiến lược một đời: nghiên cứu, giảng dạy văn học phải gắn bó với khoa học giáo dục, với văn nghệ và rộng ra, với văn hóa[6].
Sau này, trong một dịp đến thắp hương nhân ngày giỗ nhà văn, ông Huy và nhóm giáo viên văn chương không khỏi ngạc nhiên về chiếc bàn thờ độc đáo, có thể được sắp đặt theo di nguyện. Đó là một cái bàn rất thấp, kê sát tường, có bày bát hương và lọ hoa với bức di ảnh treo phía trên. Người hành lễ phải ở vào tư thế ngồi hoặc quỳ trên chiếc chiếu trải sẵn. Nếu muốn đứng chắp tay cúng vái trước hết cũng phải khom mình để thắp hương. Điều này khiến ông chợt có suy nghĩ: Nhà văn vẫn gắn bó cõi đời dù đã bay lên cõi trời, ông đang bám riết cuộc sống nhân gian.
PGS.TS Đoàn Trọng Huy (ngoài cùng bên phải)
cùng đồng nghiệp đến thắp hương nhân ngày giỗ nhà văn Nguyễn Tuân, 2017
Để hiểu thêm về Nguyễn Tuân, không thể bỏ qua các mối quan hệ của nhà văn với giới văn nghệ sĩ. Từ các tác phẩm “Chiều chiều”, “Cát bụi chân ai” của nhà văn Tô Hoài, thấy hiện lên sừng sững dáng hình Nguyễn Tuân với sức lan tỏa sáng láng. Hay qua các bức thư Nguyễn Tuân gửi nhà văn Nguyễn Văn Bổng, ông Huy càng thấy một nhà văn đậm chất “lãng tử”, “giang hồ”. Theo PGS Huy, ngay sau Cách mạng, các chuyến đi thực tế của Nguyễn Tuân, nhất là vùng giới tuyến Vĩnh Linh không hẳn là do “máu xê dịch” mà đã mang một ý thức rất rõ ràng: Đi là để sống, để trải nghiệm chiến đấu. Nhà văn nằm lì ở Thủ đô những ngày Mỹ rải bom ác liệt, đi trận địa pháo cao xạ, đeo túi dết, đội mũ sắt, ăn cơm nắm, ngủ võng bên miệng hầm trú ẩn…PGS Đoàn Trọng Huy chia sẻ: Lãng tử xưa từng “xuống xóm” cùng “chị em” hát ả đào giữa Thủ đô, đi đóng phim tít tắp tận bên Tàu. Sau này sống thời mới vẫn “chơi phim”, “chơi kịch” với vai diễn để đời. Nhưng xét kỹ thời giờ làm việc hành nghề nghệ thuật rất nghiêm cẩn. Nghệ sĩ Song Kim viết hẳn một bài với nhan đề khá dài, rất ấn tượng “Nghiêm chỉnh tuyệt đối trong công việc là một đặc tính cố hữu của Nguyễn Tuân” để kể những hoạt động sân khấu chung giữa hai người, từ những ngày xa xưa[7]. Và, còn biết bao kỷ niệm, hồi ức của các thế hệ người cầm bút, người mất, người còn từ Vũ Bằng, Bùi Hiển, đến Nguyễn Khải, Ngọc Trai, Đoàn Minh Tuấn, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Bùi Định Giang….
PGS Đoàn Trọng Huy cũng giữ mối quan hệ thân thiết với gia đình nhà văn Nguyễn Tuân. Nhiều bức ảnh quý của cố nhà văn Nguyễn Tuân hiện ông Huy lưu giữ được là do GS.TS Nguyễn Xuân Đào[8] – con trai của nhà văn Nguyễn Tuân cung cấp. Nữ họa sĩ Thu Giang – con gái nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã thay mặt gia đình gửi tặng ông Huy tác phẩm “Cỏ độc lập – Nhạc kịch của Nguyễn Tuân” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2007. Sách chỉ để tặng bạn bè đồng nghiệp thân thiết với gia đình chứ không bán.
Từ những nghiên cứu và cả tiếp xúc, trải nghiệm về nhà văn Nguyễn Tuân với nhiều tư liệu, ghi chép, cho đến năm 1996, PGS Đoàn Trọng Huy mới có 2 bài viết đầu tay về Nguyễn Tuân: “Nhà văn hóa tài hoa Nguyễn Tuân” đăng trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật và “Câu chuyện về chữ nghĩa Nguyễn Tuân” trên Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống. Đến nay ông đã có hơn 20 bài đăng báo, tạp chí hay báo cáo trong các hội thảo khoa học liên quan đến Nguyễn Tuân. Đặc biệt, phải kể đến cuốn sách “Nguyễn Tuân – Bậc kỳ tài sáng láng văn chương” do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn Nghệ phát hành năm 2019. Ấn phẩm được coi như một “bảo chứng vàng” về con đường nghiên cứu của PGS Đoàn Trọng Huy về nhà văn.
“Nguyễn Tuân – Bậc kỳ tài sáng láng văn chương” tập hợp những nghiên cứu và kỷ niệm của PGS Đoàn Trọng Huy về nhà văn. Đã có biết bao trang viết về Nguyễn Tuân nhưng tác phẩm này vẫn được đánh giá cao với cái nhìn khá toàn diện về nhà văn. Độc giả không chỉ được tiếp cận các câu chuyện văn chương mà còn cả chuyện con người. Như nhà văn Ma Văn Kháng đã có đôi lời sau khi đọc sách: “Chỉ có cảm tưởng là cảm phục và thích thú. Cảm phục và thích thú về quy mô, về sự phong phú của nó. Và, đọc xong, thấy một chân dung Nguyễn Tuân kỳ tài đúng như mình đã đọc, đã hiểu, đã thấy ông”.
Con đường nghiên cứu Nguyễn Tuân cũng như với nhiều tác gia khác, phương pháp đặc sắc của tác giả Đoàn Trọng Huy là chú ý “đào xới”, “bới lộn”. Việc lật đi, lật lại vấn đề không mới, song “bới lộn” theo quan điểm của ông giống như kiểu bới mớ tóc rồi rũ ra, chải lại. Như vậy có thể đặt ra giả thiết, giả định rồi lý giải, phân tích lại. Từ trường hợp nghiên cứu nhà văn Nguyễn Tuân, PGS Đoàn Trọng Huy rút ra một điều tâm niệm: Khoa học là bậc thang không có nấc chót. Nếu chịu khó vắt óc, tận lực suy nghĩ thế nào cũng tìm ra được vấn đề mới lạ để tìm tòi, khám phá. Đừng bao giờ nản chí hoặc thỏa mãn[9].
Nguyễn Điệp
_________________
[1] Tài liệu do PGS.TS Đoàn Trọng Huy cung cấp 12-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[2] Tài liệu do PGS.TS Đoàn Trọng Huy cung cấp 12-2021, đã dẫn.
[3] Đoàn Trọng Huy (2015), “Nguyễn Tuân – Sự thống nhất, biến hoá kỳ lạ trong một con người”, http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-vi%E1%BB%87t-nam/5491-nguyn-tuan-s-thng-nht-bin-hoa-k-l-trong-mt-con-ngi.html.
[4] Tài liệu do PGS.TS Đoàn Trọng Huy cung cấp 2-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[5] Tài liệu do PGS.TS Đoàn Trọng Huy cung cấp 12-2021, đã dẫn.
[6] Tài liệu do PGS.TS Đoàn Trọng Huy cung cấp 2-2022, đã dẫn.
[7] Tài liệu do PGS.TS Đoàn Trọng Huy cung cấp 12-2021, đã dẫn.
[8] Cố GS.TS Nguyễn Xuân Đào, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông vận tải.
[9] Tài liệu do PGS.TS Đoàn Trọng Huy cung cấp 12-2021, đã dẫn.