Năm 1969, sau khi tốt nghiệp trường phổ thông cấp III Hà Nội B2 (nay là trường THPT Việt Đức), nhờ thành tích học tập tốt trong nhiều năm và từng đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi học sinh giỏi tiếng Nga toàn miền Bắc, Lê Thị Phong Tuyết có tên trong danh sách được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) chọn đi học khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Babeș Bolyai ở Romania.
PGS Lê Thị Phong Tuyết trong một buổi làm việc với nghiên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, năm 2021
Trước khi lên đường đi học nước ngoài, học sinh phải tập trung 2 tháng ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội để thi môn ngữ văn và toán nhằm chọn lọc những em có thành tích học tập tốt nhất để đi học nước ngoài. Bên cạnh đó, học sinh được học nội quy, tìm hiểu văn hóa châu Âu và được khám sức khỏe, phải đủ tiêu chuẩn về: chiều cao, cân nặng, mắt, tim phổi… Du học sinh được trang bị những vật dụng cần thiết: 1 vali, vài bộ quần áo, 1 chiếc áo len. Các bạn nam được cấp 1 bộ vét vải simili, còn nữ thì được 1 chiếc áo dài. Bà Tuyết may mắn chọn được bộ áo dài màu trắng mặc rất vừa. PGS Lê Thị Phong Tuyết chia sẻ: Tôi nhận được chiếc vali màu hồng phấn rất đẹp. Khi đó, chúng tôi thường nói vui vali do Bộ phát là vali bác Bửu – Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu[1].
Đoàn sang Romania không đông, trong đó học sinh nữ chỉ có Lê Thị Phong Tuyết học Ngữ văn ở Cluj và ba người là Kim Chi, Huỳnh Lan, Ngọc Bền, sau đều học trường Dược ở Bucuresti. Đi đào tạo dịp này còn có đoàn học sinh đi học ở Tiệp Khắc và Bungari – đây cũng là đoàn đông học sinh nhất, chủ yếu là học sinh nam.
Tối ngày 19-8-1969, 6h30 đoàn học sinh có mặt tại ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội). Bà Tuyết được gia đình, ngoài ra còn có hai bạn Bích Trâm, Bạch Long đến tiễn. Hơn 1h sáng, tàu có mặt ở ga Lạng Sơn rồi chạy đến ga Bằng Tường (Trung Quốc) để chuyển sang tàu hỏa liên vận Trung Quốc, tiếp tục hành trình đến Romania. Tàu Trung Quốc chạy êm và hiện đại, khoang tàu rộng, thiết bị từ quạt máy đến bàn ăn, thanh gác để trèo lên giường tầng đều đẹp, buồng vệ sinh có cả xà phòng thơm. Đặc biệt, trong cabine còn có mùi nước hoa. Mọi người được nhân viên tàu tiếp đón ân cần, nhiệt tình. Một số nhân viên biết ít tiếng Việt tranh thủ lúc rảnh đã đến hỏi thăm học sinh Việt Nam cần gì không và tình hình đất nước Việt Nam như thế nào.
Mất hơn ba ngày, đoàn học sinh đến Bắc Kinh (Trung Quốc) và ở lại khách sạn tại đó ba ngày hai đêm. Mỗi học sinh được cấp 50 nhân dân tệ để mua đồ ăn hoặc quà lưu niệm. Đoàn được đi tham quan những địa điểm nổi tiếng ở Trung Quốc như Thiên An Môn, Tử Cấm Thành. Bà có mong muốn được tham quan Vạn Lý Trường Thành nhưng không thành, một phần bởi địa điểm này ở xa, hơn nữa số tiền còn lại không nhiều nên chủ yếu chỉ đến những nơi không mất vé.
Ở Bắc Kinh, lần đầu bà Tuyết được ăn nhà hàng. Bà tâm sự: Ở Việt Nam thời bao cấp bữa cơm chỉ có mấy con cá mè ranh hay cá đồng, sang đây được ăn những món Trung Quốc như đậu phụ Tứ Xuyên, thịt kho tàu, mì xào, thịt bò… được ngồi bàn xoay tôi thấy rất “đã”. Hơn nữa, thực đơn các bữa ăn không bao giờ bị trùng vì thế ăn món nào cũng thấy ngon và lạ miệng[2]. Ngày thứ hai, bà và một số bạn biết tiếng Trung đi ra cửa hàng trên con phố gần khách sạn, nhiều người tranh thủ mua quà như dầu cao hoặc sâm…
Sang ngày thứ ba, đoàn học sinh lên đường từ Bắc Kinh đi qua cao nguyên Himalya, sa mạc Gobi rồi tàu dừng lại ở ga Ulanbato (Mông Cổ) trong 1 giờ đồng hồ để đón khách. Tôi cùng bạn Kim Chi, Huỳnh Lan và chị Ngọc Bền tranh thủ xuống tàu, ghé vào một ngôi nhà gần đó vì nghĩ là cửa hàng bách hóa. Đến gần thì ngửi thấy mùi thịt cừu nồng nặc, rất hôi mới biết đó là quán ăn. Cũng bởi chúng tôi chưa bao giờ được ăn thịt cừu nên không biết mùi vị của nó[3] – PGS Lê Thị Phong Tuyết chia sẻ. Sau này, khi học tập ở đất nước Romania bà được thưởng thức món Mici, làm từ thịt cừu và thịt lợn xay lẫn, nặn thành từng viên như chiếc nem rồi đem nướng, khi ăn chấm với mù tạt, mùi vị rất ngon. Mỗi lần có dịp trở lại Romania, bà đều tìm món Mici để thưởng thức. Có khi bà và các bạn còn được một giáo viên trường Babeș Bolyai mời ăn đùi cừu nướng, tất cả đều rất thích thú, có người ăn hết suất còn xin thêm.
Tàu chạy qua Ulanbato thì đến hồ Baikan, phong cảnh xung quanh khiến bà rất ấn tượng. Những dãy núi trùng điệp, những rặng cây lá kim của rừng Taiga và dãy bạch dương trải dài rất hùng vĩ. Đi qua hồ Baikan, tàu đến Irkutsk vào buổi tối. Ngày 3-9-1969, đoàn học sinh đang trên tàu hỏa để đến Romania thì được nhân viên tàu thông báo tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần. PGS Lê Thị Phong Tuyết bồi hồi chia sẻ: Nhận được tin dữ, cảm xúc khi đó thật khó tả. Có người òa khóc, có người im lặng ngồi như tượng, người khóc thút thít[4]. Nhân viên tàu phát cho mỗi người một chiếc băng tang màu đen và động viên, an ủi đoàn học sinh. Họ còn dành riêng một toa tàu làm nơi phúng viếng Bác Hồ. Ngắm ảnh Bác, ký ức về những lần gặp ùa về trong tôi. Thế là sẽ không bao giờ được nhìn thấy Bác nữa. Nhưng tôi cũng may mắn hơn nhiều bạn ở các tỉnh, khó có cơ hội gặp Bác[5] – PGS Lê Thị Phong Tuyết chia sẻ. Vào năm 1962, Lê Thị Phong Tuyết là học sinh lớp 3 trường cấp I – II Hoàn Kiếm được chọn đi thi học sinh giỏi văn toàn thành phố Hà Nội và đạt giải khuyến khích. Khi đó, vào những dịp đặc biệt như ngày 19-5, 1-6 hay Trung thu, một số học sinh cấp I ở các trường Hà Nội có thành tích học tập tốt sẽ được chọn đến thăm Bác Hồ trong Phủ Chủ Tịch. Phong Tuyết may mắn được chọn đi gặp Bác. Điều này khiến bà rất vui và tự hào. Do hoàn cảnh khó khăn, không phải gia đình nào cũng mua được cho con gái váy cánh tiên hay váy đồng phục của đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong nên bà phải mượn của bạn. 4 giờ chiều ngày 19-5-1962, tất cả học sinh được chọn tập trung ở cổng Phủ Chủ Tịch để chỉnh trang lại trang phục và tập xếp hàng. 7 giờ tối, theo sự hướng dẫn của các chú bộ đội, học sinh đi thành từng hàng vào Phủ gặp Bác Hồ. Trong sân đã có những đội viên cùng lứa tuổi với bà Tuyết khi đó xếp thành hai hàng, mỗi người cầm một lãng hoa hồng để khi Bác xuất hiện thì tung hoa lên. Lúc đó bà cho rằng những học sinh này phải có thành tích học tập rất xuất sắc mới được ưu ái đó. Về sau bà mới nhớ họ ở trong đội thiếu niên danh dự, mỗi khi có sự kiện quan trọng đều được tham gia đứng hai bên đường tung hoa đón các phái đoàn và tặng hoa các vị khách quốc tế. Học sinh được Bác Hồ hỏi thăm có ngoan không, có vâng lời cha mẹ, thầy cô không và được Bác phát kẹo. Ai cũng vui sướng. Những chiếc kẹo đó bà Tuyết mang về và rất trân trọng, không dám ăn. Sau này, vào năm học lớp 4, bà tiếp tục được gặp Bác Hồ vào các ngày 15-5 (ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh), 1-6 (ngày Quốc tế Thiếu nhi).
Ngày 5-9-1969, tàu đến ga Moskva. Đoàn không về khách sạn Bông lúa như lịch trình mà vào Đại sứ quán tại Moskva để viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, mọi người xếp thành hàng tập trung tại sân của Đại sứ quán và được nhân viên phát mỗi người một hộp sữa đặc và một chiếc bánh mì. Về sau, bà mới nhớ ở Việt Nam bánh mỳ này được phát thay gạo cho cán bộ công nhân viên ăn theo tem phiếu. Mọi người đều gọi đó là bánh mỳ Liên Xô. Đoàn học sinh được đi học tại Tiệp và Bungari thì tiếp tục lên đường. Đoàn của bà Tuyết chỉ ở lại Moskva vài tiếng rồi lập tức ra ga để lên tàu đến Romania.
Bà cho biết, trên đường sang Rumani, tàu chạy đến ga Kharkop thì dừng lại khoảng 1 giờ đồng hồ, có người tranh thủ mua thuốc B12 gửi về cho gia đình. Bà Tuyết thấy ở ga bán nhiều táo nên đã bỏ ra 10 rúp để mua. Vì không biết giá trị của đồng rúp nên với số tiền này bà mua được 2 xô táo, nên đã mời tất cả mọi người trong toa cùng ăn cũng không hết. Bà chia sẻ: Táo rất ngon, vừa giòn, vừa ngọt lại có vị thanh chua. Lần đầu tiên tôi được ăn loại quả ngon đến thế. Làm tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Tố Hữu “Em đẹp, em xinh như quả táo đầu cành”. Có lẽ là nói đến quả táo này[6].
PGS Lê Thị Phong Tuyết (đứng thứ tư – cầu thang bên phải) chụp ảnh cùng bạn bè trường Đại học Tổng hợp Babeș Bolyai năm 2019
Tàu hỏa liên vận chạy qua vùng Moldova, rồi qua Iasi, ngày 7-9-1969 thì đến Romania. Hành trình gần 20 ngày kết thúc với nhiều kỷ niệm, cảm xúc đặc biệt. Lê Thị Phong Tuyết bước vào hành trình mới tại trường Đại học Tổng hợp Babeș Bolyai – nơi bà sẽ gắn bó, miệt mài 5 năm để trau dồi kiến thức, chuẩn bị hành trang trên con đường văn học sau này.
Nguyễn Thị Hằng
———————————————————–
* PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, nguyên Phó trưởng phòng Văn học nước ngoài, Viện Văn học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 16-7-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 16-7-2021, đã dẫn.
[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 16-7-2021, đã dẫn.
[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 16-7-2021, đã dẫn.
[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 16-7-2021, đã dẫn.
[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Lê Thị Phong Tuyết, ngày 16-7-2021, đã dẫn.