Giữ cho “Thanh – Thận – Cần”

Sinh ra và lớn lên ở thôn Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngay từ nhỏ, Nguyễn Quốc Cừ đã chứng kiến nhiều mất mát bởi chiến tranh. Trong ký ức cậu, những ngày cách mạng, nhiều nhà trong làng bị giặc Pháp đốt phá, riêng nhà cậu không bị đốt nhưng bị chúng lấy mất cái khánh vàng vua Minh Mạng ban tặng. Năm 1934, cha cậu, ông Nguyễn Quốc Huỳnh cho khắc lại ba chữ “Thanh – Thận – Cần”, mang nghĩa Thanh liêm – Cẩn thận – Cần cù, đúng như ở chiếc khánh cũ, trên bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng và đề phía dưới dòng chữ “Minh Mạng châu phong”. Sau nhiều năm, do chuyển nhà, rồi chiến tranh nên bức hoành phi không còn nguyên vẹn, nhưng tinh thần của ba chữ vàng  đó thì vẫn được lưu giữ mãi.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cụ Nguyễn Quốc Huỳnh không thể để con thất học. Cụ muốn con học trường nghề vừa để có nghề trong tay, vừa được nhà trường nuôi ăn học. Tuy nhiên, hai lần đi thi vào trường Bách công, Huế và trường Trường Thi, Vinh, Nghệ An, Quốc Cừ đều không đạt vì lý do sức khỏe. Thấy cháu học khá nên hai chú Nguyễn Quốc Liên và Nguyễn Quốc Toản đã chu cấp tiền để cháu học tiếp ở trường Trung học Khải Định, Huế. Tuy chưa thi tốt nghiệp, Nguyễn Quốc Cừ đã được người trong làng gọi là cậu Tú. Phụ giúp gia đình, cậu dạy thêm cho con của nhà chủ trọ nên được nuôi ăn và được nhận 2 đồng mỗi tháng. Vì vậy, cậu chỉ xin chú tiền mua giấy bút. Ở cùng anh họ là Nguyễn Quốc Vũ[1], được anh tuyên truyền về cách mạng vô sản, chứng kiến bao mất mát bởi chiến tranh, Nguyễn Quốc Cừ đã có tư tưởng cách mạng.

Năm 1945, nhân sự kiện Nhật đảo chính Pháp, nhân dân chuẩn bị giành chính quyền ở huyện Quảng Trạch, Nguyễn Quốc Cừ được ông Ngô Quốc Sự – Tỉnh ủy viên giới thiệu vào đội tự vệ của huyện, rồi được cử làm chính trị viên Giải phóng quân thuộc Chi đội Lê Trực tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, sức khỏe của Cừ không tốt nên đã được đồng chí Trần Hường – Chính trị viên Chi đội Lê Trực giới thiệu về cơ quan Việt minh làm công tác khác. Trong ký ức của Nguyễn Quốc Cừ, cha là người ham học, hiếu thảo, viết chữ rất đẹp và là một thầy thuốc giỏi. Cụ Huỳnh rất giày vò bản thân bởi là một người có học mà không chăm sóc nổi mẹ, để mẹ bị mù. Cũng chính vì đó mà cụ Huỳnh chăm chỉ đọc sách, mua sách chuyên sâu về chữa bệnh để trở thành thầy thuốc giỏi. Khi Nguyễn Quốc Cừ còn nhỏ, vua Bảo Đại có lần bị thương hàn, trong triều không ai chữa nổi, nghe danh cụ Nguyễn Quốc Huỳnh là thầy thuốc giỏi nên quan đại thần Phạm Quỳnh cho xe kéo đến đón cụ vào cung chữa bệnh cho vua. Sau một thời gian, bệnh của vua qua khỏi, cụ Huỳnh được vua giữ lại làm ngự y trong triều, nhưng cụ cáo từ vì lý do phải chăm sức khỏe cho mẹ già, và cụ hứa nếu vua ốm sẽ vào thăm khám. Lý do thứ hai, chỉ trong gia đình mới biết, là cụ muốn ủng hộ phong trào của Phan Bội Châu. Bấy giờ, lương của ngự y trong triều được 70 đồng, tương đương 35 tạ gạo, mà một quyển sách giá 2 đồng, bằng 1 tạ gạo. Thấy vậy, Cừ hỏi cha: “Sao cậu không ở lại triều làm ngự y cho vua để lấy tiền cho con ăn học, đỡ phải nhờ các chú?”[2]. Cụ Huỳnh trả lời dứt khoát: “Mi/ Con dốt lắm, cậu đi theo Phan Bội Châu là chống đế quốc, chống phong kiến, còn làm việc trong cung là theo phong kiến rồi!”[3]. Quốc Cừ luôn nhớ hai câu cha dạy các con từ bé: “Lấy ân trả oán thì oán tiêu tan” và “Thanh vận hơn trọc phú” (nghĩa là nghèo mà thanh bạch hơn là giàu có bởi lừa đảo người khác). Ông xem đó như phương châm sống của mình: một cuộc đời không màng đến danh lợi. Tháng 3-1947, giặc càn quét quê hương, gia đình phải tản cư. Sau bữa cơm trưa, cụ Huỳnh cùng con trai Nguyễn Quốc Cừ và một chiến sĩ du kích lên núi quan sát tình hình. Lúc đó, giặc Pháp cũng kéo lên núi, cụ và anh du kích nấp vào một bụi cây rậm, còn Nguyễn Quốc Cừ thì nấp chỗ khác. Giặc Pháp phát hiện, bắt được cụ Huỳnh cùng anh du kích, chúng bắn chết hai người ngay tại chỗ. Nguyễn Quốc Cừ chứng kiến, sợ quá và ngất đi. Mặc dù bị kiến vàng đốt đầy người nhưng cậu không có cảm giác gì. Mãi đến tối mịt người nhà mới tìm thấy cậu. Tận mắt chứng kiến cảnh cha bị giặc giết mà không làm gì được, cậu thanh niên 20 tuổi rất khổ tâm. Khi nghe chú Nguyễn Xuân Cát nói sẽ đón về ở cùng,  Nguyễn Quốc Cừ bày tỏ: “Cậu cháu bị giặc bắn chết, cháu phải ra mặt trận để trả thù nhà, đền nợ nước chứ!”[4]. Chú Nguyễn Xuân Cát cười bảo: “Thế công việc của cháu không phải là trả thù nhà, đền nợ nước à?”[5]. Được chú Cát giúp đỡ, Nguyễn Quốc Cừ chuyển về làm tại Ban Kinh tế Bình Trị Thiên ở Chợ Hạ, Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh và tiếp tục học ở trường Khải Định.

Năm 1958, được bầu là cán bộ xuất sắc đồng thời là Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ thuộc Ty Thương nghiệp tỉnh Quảng Bình[6], ông Nguyễn Quốc Cừ được cử đi học trường Đại học Kinh tế tài chính[7]. Ông thi đỗ, ngành thương nghiệp, khoa Công – Nông – Thương nghiệp, khóa 1.

                     

Nguyễn Quốc Cừ – sinh viên khóa 1 trường Đại học Kinh tế tài chính, 1958

Nhớ những khó khăn, mất mát đã qua, nhớ lời cha Huỳnh đã khuyên chú Nguyễn Xuân Cát khi chú đỗ tú tài: “Anh nên đi làm ba ngành này thì tôi và anh sẽ tiếp tục làm bạn: giáo viên, thầy thuốc, dây thép”[8], Nguyễn Quốc Cừ quyết tâm học. Bạn đồng học của sinh viên Cừ phần lớn là cán bộ đã làm công tác kinh tế và cán bộ học bổ túc công nông. Trong suốt thời đại học, ông luôn cố gắng rèn luyện, có ý thức giúp đỡ bạn bè trong học tập. Ông tích cực tham gia công tác Đảng: Tổ chức tuyên truyền quần chúng, giới thiệu kết nạp nhiều đảng viên mới. Kết thúc 3 năm đại học, cuốn học bạ với nhiều môn đạt điểm tối đa, và lời nhận xét của thầy Hiệu phó trường Trần Văn Cung: Chăm chỉ, cố gắng tập trung học tập, chịu khó đi sâu nghiên cứu.

Tốt nghiệp năm 1961, Nguyễn Quốc Cừ được giữ lại trường làm giảng viên. Khi đó, tỉnh Quảng Bình mời ông về công tác nhưng Hiệu trưởng Đoàn Trọng Truyến đã viết thư gửi Chủ tịch tỉnh đề nghị để ông ở lại trường. Quan trọng hơn, bản thân ông cũng thích dạy học. Khi ấy khoa Thương nghiệp (sau này gọi là khoa Công thương) có chuyên ngành Chất lượng sản phẩm mà chưa có cán bộ đảm nhiệm, phần lớn phải mời giáo viên Liên Xô sang giảng dạy. Ông được phân công phụ trách bộ môn Chất lượng sản phẩm. Là một bộ môn mới, nên những ngày đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn. Để phục vụ tốt cho việc giảng dạy, ông học thêm môn toán cao cấp, hóa phân tích. Ông thường xuyên phải thức đêm soạn giáo trình, xuống tận các xí nghiệp để quan sát thực tế.

Bằng đại học của PGS Nguyễn Quốc Cừ, 1961

Năm 1967, biết ông Nguyễn Quốc Cừ từng là học sinh tú tài được đào tạo dưới thời Pháp và giỏi tiếng Pháp, nên nhà trường cử ông sang làm nghiên cứu sinh ở khoa Nghiên cứu về sản phẩm dệt may, trường Academie de studii Economice, Bucarest, Rumani. Năm 1972, PTS Nguyễn Quốc Cừ về nước, công tác vì bộ môn Điện – Hóa – Thương phẩm ở trường Đại học Kinh tế Kế hoạch không phải bộ môn chính, trong khi đó, ở trường Đại học Thương mại lại là bộ môn rất quan trọng, có nhiều điều kiện phát triển. Dẫu vậy, ông nghĩ, trường đã dày công đào tạo, ra đi thì không đành, nên quyết định tiếp tục ở lại trường Đại học Kinh tế kế hoạch.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Cừ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 1967-1968

Mặc dù chuyên ngành Chất lượng sản phẩm không có điều kiện phát triển như các chuyên ngành khác ở trường Đại học Kinh tế Kế hoạch, nhưng giảng viên Nguyễn Quốc Cừ vẫn luôn dành sự đam mê, miệt mài cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu, quyết tâm gắn bó với nhà trường. Là Đảng ủy viên của trường cho đến năm 1985, suốt 13 năm đó (1972-1985), ông luôn được bầu là chiến sĩ thi đua cấp trường và cấp thành phố. Ngoài giảng dạy trong trường, ông còn giảng ở nhiều trường đại học khác như trường Đại học Mở Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa, Đại học Hải Phòng…

Năm 1985, có đợt thi tiếng Pháp để chọn người đi làm chuyên gia giảng dạy tại Algieri, Nguyễn Quốc Cừ báo cáo nhà trường tham gia thi. Năm đó, có khoảng 2000 người thi nhưng chỉ lấy gần 200 người. Ông là 1 trong số 10 người thi đầu tiên. Ông nhớ, ông Hoàng Xuân Tùy là Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp làm chủ khảo cùng một số người là tiến sĩ, kỹ sư biết tiếng Pháp ngồi chấm thi. Ông được phép chuẩn bị trong 15 phút và thuyết trình bài giảng trong 45 phút. Trước khi thi, Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy nói với các thí sinh: “Các anh cứ giảng bài như những người làm chủ, còn chúng tôi tuy là giám khảo nhưng là những người nghe”[9]. Ông đang giảng thì Trưởng phòng kỹ thuật của nhà máy cao su Sao vàng (một kỹ sư ở Pháp về) đập bàn và bảo ông: “Nói nhanh lên, việc gì phải nói thế!”[10]. Ông rất bực mình nhưng bình tĩnh đáp lại bằng tiếng Pháp: “Xin ngài hãy nhớ lại lời của Thứ trưởng Hoàng Xuân Tùy, đây là cuộc nói chuyện mà chúng tôi làm chủ, các ngài là thính giả, ngài đập bàn như thế trong lúc tôi giảng bài là bất lịch sự!”[11], cả hội trường vỗ tay. Giảng hết bài, vừa bước xuống thì ông Lê Huy Liệu[12] cũng là thí sinh hôm ấy, bắt tay ông bày tỏ cảm phục. Về nhà, con trai khuyên ông không nên đi Algeri, vì ông đang là Chủ nhiệm bộ môn và có mức lương tương đối ổn. Song, với niềm say mê giảng dạy, ông vẫn quyết định đi, dù biết sẽ nhiều khó khăn.

Bắt đầu viết giáo trình từ năm 1963, đến năm 1995, tuy nghỉ hưu, sức yếu, niềm đam mê nghiên cứu khoa học và viết sách vẫn đau đáu trong ông, nên ông vẫn cho ra đời một số tác phẩm trong thời gian này như: Quản lý chất lượng sản phẩm, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 1998; Quản lý chất lượng sản phẩm theo TQM ISO 9000, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2000… Mãi đến năm 2003, ông mới thôi viết sách, nhưng vẫn Sau này ông còn thường xuyên làm thơ tặng bạn bè, đồng nghiệp.

Nguyễn Thanh

_________________________________

[1] Sau khi giành chính quyền thì đổi tên thành Nguyễn Văn Đồng, rồi Đồng Sỹ Nguyên, ông Vũ là Đại tá Tư lệnh quân khu 4.

[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Quốc Cừ, 11-7-2014, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Quốc Cừ, 11-7-2014, đã dẫn.

[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Quốc Cừ, 11-7-2014, đã dẫn.

[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Quốc Cừ, 11-7-2014, đã dẫn.

[6] Nay là Sở Công thương tỉnh Quảng Bình.

[7] Nay là trường Đại học Kinh tế quốc dân.

[8] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Quốc Cừ, 11-7-2014, đã dẫn.

[9] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Quốc Cừ, 11-7-2014, đã dẫn.

[10] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Quốc Cừ, 11-7-2014, đã dẫn.

[11] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Quốc Cừ, 11-7-2014, đã dẫn.

[12] Sau là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.