PGS.TS Hoàng Văn Khoán, nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông sinh năm 1933 tại làng Trung Định, tổng Chu Lê, huyện Hương Khê, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Nhọc nhằn vượt qua chặng đường học phổ thông
Lúc 5 tuổi, Hoàng Văn Khoán theo người bác họ để học chữ Hán. Suốt một năm chỉ có mài mực tàu, học tam tự kinh, nhân chi sơ, tính bản thiện… rồi làm các việc vặt trong nhà giúp bác. Lên 6 tuổi, cậu học chữ quốc ngữ với thầy Đồ Tùng. Thầy tập trung rèn chữ viết cho học trò, vì thế chữ viết của Hoàng Văn Khoán rất đẹp. Năm 1942, Hoàng Văn Khoán học lớp đồng ấu, dự bị, sau lên lớp sơ đẳng ở một trường học duy nhất của Hương Khê. Trường học do chính quyền thân Pháp quản lý. Ngày nào cũng gặp các ông tây bà đầm, các quan lại trong trang phục quần trắng, khăn đóng, áo the dài. Lính lệ, lính lê dương đi lại từng tốp, và cũng nghe cả những tiếng roi vọt của lính lê dương rồi tiếng kêu khóc của người dân bị đánh.
Năm 1945, một trận lụt lớn xảy ra, học sinh ở Hương Khê phải nghỉ học. PGS Hoàng Văn Khoán còn nhớ và ghi lại: Tôi ngồi cưỡi trên nóc nhà: nào là kiến, nào là đói, rét mà trên đầu thì mưa xối xả, tầm tã. Suốt một đêm ròng rã chịu đựng cảnh biển nước mây trời, tối tăm mù mịt. Sáng sớm nhìn ra ngoài thấy nhà cửa, trâu bò trôi bồng bềnh. Trong nhà tiếng trẻ con gào khóc, tiếng người lớn kêu cứu. Tôi sợ khủng khiếp[1].
Năm học 1947-1948, chính quyền cách mạng huyện Hương Khê quản lý trường học duy nhất của huyện Hương Khê. Chương trình học cũng được thay đổi theo Sắc lệnh 146SL của Bộ Giáo dục. Hệ thống giáo dục tiểu học ở Bắc và Trung bộ chuyển sang 4 năm thay vì 5 năm ở Trung bộ và 6 năm ở Bắc bộ như trước kia. Hoàng Văn Khoán trở lại trường và theo học lớp 4. Dưới sự quản lý của chính quyền ta, buổi lễ chào cờ sáng thứ 2 học sinh đồng thanh hát bài Quốc ca thay bài Thống chế Pétain.
Trong một buổi trò chuyện với nghiên cứu viên Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam ngày 23-2-2016, PGS Hoàng Văn Khoán tâm sự: Cứ tưởng những đói khổ thuở học tiểu học qua đi thì những tháng ngày học tập sau đó sẽ suôn sẻ hơn. Nào ngờ cấp II, và cấp III mới là quãng thời gian vất vả của mình. Năm học 1948 -1949 Hoàng Văn Khoán bắt đầu học lớp 5 tại trường cấp II Hương Khê. Trường đóng trên đồi sim của xã Gia Phố[2]. Nhà cách xa trường 18km, buổi sáng, bố mẹ phải gọi cậu dậy từ lúc 3 giờ. Bên bếp lửa hồng, Khoán vừa giở sách ôn bài, vừa rang cơm. Cậu rời nhà vào lúc 4 giờ sáng. Cả làng Trung Định, chỉ có Khoán và một cậu bạn nữa học lên cấp II. May mắn, người bạn này cùng đi bộ tới trường nên tạo được sự hứng khởi và không ai nghỉ học buổi nào. Nhiều hôm mùa đông, trên đường đi học trời vẫn tối như mực, do sợ ma nên có khi hai bạn lấy chổi rơm của các gia đình ở cạnh đường đốt lên làm đuốc. Năm 1950, để tránh máy bay địch ném bom, trường học rời vào Phú Gia (xã Hương Phú ngày nay), cách nhà Hoàng Văn Khoán 27 km. Lúc này, Khoán đã lên lớp 7 – lớp cuối của cấp II. Bố mẹ cậu cho rằng, bằng giá nào cũng phải cho con học xong lớp 7. Thời điểm ấy, Hoàng Văn Khoán ở trọ nhà dân, mỗi tháng đóng 15 kg gạo. Một tháng, đi bộ về nhà lấy gạo một lần. Được một tháng đầu suôn sẻ. Tháng thứ hai về lấy gạo, Hoàng Văn Khoán đọc được nỗi lo lắng trên nét mặt của mẹ.Nhìn vào cót lúa thì thấy đã gần hết. Cậu biết rằng 15 kg gạo của cậu, chỉ cần thêm chút khoai sắn độn thì cả nhà ăn trong 1 tháng. Hoàng Văn Khoán nhận thấy tình trạng này không thể kéo dài được nữa, nên đã đi tìm việc làm thêm.
Cậu làm gia sư cho một gia đình chỉ có một người con trai nuôi lên 8 tuổi ở xã Hương Vịnh. Cậu ở trọ luôn gia đình này. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, Khoán kèm cặp em học tập, rồi cũng tranh thủ học bài của mình. Buổi chiều tối, Hoàng Văn Khoán cùng người con của chủ nhà nghỉ ngơi giúp gia đình làm các việc nhẹ trong nhà như cho bò về chuồng, đóng cửa chuồng gà, quét dọn sân nhà, rửa ấm chén…
Năm học lớp 7 thật là gian nan. Vì học buổi tối, nên mỗi người đi học mang theo một cây đèn dầu ma-giút. Từ nhà Hoàng Văn Khoán ở đến trường phải qua rào Tiêm (một nhánh nhỏ của sông Tiêm). Mỗi lần qua rào, cậu đều cởi quần áo tay cầm sách, đèn đội trên đầu lội qua. Mùa đông rét buốt tận da, mùa hạ có những hôm phải bơi do mưa nguồn nước lũ. Qua rào Tiêm lại phải băng qua một bãi cát dài hơn một cây số, lau sậy mọc um tùm. Ở đây thường có hổ báo ra kiếm mồi. Mỗi lần qua đoạn đường này, Hoàng Văn Khoán cùng các bạn học thường tắt đèn và mang theo một bị đá, vừa đi vừa hò hét vừa ném đá xung quanh. Hết rào Tiêm, qua bãi lau sậy lại phải lội qua một suối nhỏ nước ngang đầu gối. Con đường đến trường đi học của Hoàng Văn Khoán thật mạo hiểm, nhưng cậu vẫn liều mạng đi về nhà trọ, bởi bao giờ bà chủ cũng dành cho cậu một bát cơm ăn trước khi đi ngủ.
PGS.TS.NGND Hoàng Văn Khoán say sưa kể về nghề giáo, 2021 |
Mặc dù đi học gian nan như vậy nhưng Hoàng Văn Khoán luôn nỗ lực và cảm thấy vui vẻ. Ông tham gia tất cả các hoạt động tập thể của trường và sớm bộc lộ năng khiếu thơ văn từ nhỏ.
Hết cấp II, Hoàng Văn Khoán được lên thẳng lớp 8. Lúc này, cả Nghệ-Tĩnh chỉ có một trường cấp 3 là Phan Đình Phùng ở thị xã Hà Tĩnh. Hoàng Văn Khoán nghĩ đến việc đi làm thuê cho một cửa hàng phở nào đó ở thị xã để theo học. Nhưng thuở đó các cửa hàng phở rất ít, và không có ai thuê. Cậu nghĩ con đường học đến đây là tạm dừng.
Xuất dương du học – con đường trở thành thầy giáo
Trong lúc thất vọng thì Bộ Giáo dục có chủ trương tuyển chọn học sinh có thành tích học tập tốt đi học ở Trung Quốc. Năm 1952, thầy hiệu trưởng Lê Văn Lăng gọi học trò Hoàng Văn Khoán tới và thông báo việc hội đồng giáo viên huyện Hương Khê đã nhất trí cử cậu đi học với số phiếu tuyệt đối. Hoàng Văn Khoán như mở cờ trong bụng. Cậu xuống Lam Kiều (huyện Can Lộc) khám sức khoẻ và làm lý lịch, điểm chỉ vào hồ sơ là lăn kín hai bàn tay. Bố Hoàng Văn Khoán sắm cho cậu một cái xắc mây, một tay nải loại tốt, một chiếc gậy tre, một chiếc mũ lá. Mẹ cậu nhặt những miếng vải cũ đủ các loại màu may cho cậu một bao tượng đựng gạo.
Hoàng Văn Khoán ra đi chỉ có hai bộ quần áo mặc thường ngày. Một bạn gái học cùng lớp 5 ngày xưa đan cho Khoán một chiếc mũ sợi vừa túp đầu, che kín tai. Thầy giáo cũ tên là Kiệm thấy Hoàng Văn Khoán không có áo ấm nên đã cởi chiếc áo sợi màu tím than đang mặc cho học trò. Tôi vừa mừng, vừa xúc động mà thầy cũng chảy nước mắt[3], PGS Khoán nhớ lại.
Sau đợt học chỉnh huấn một tuần tại Ty Giáo dục, Hoàng Văn Khoán di chuyển ra Bắc vào đầu năm 1953. Cùng đi học với Hoàng Văn Khoán lần này còn có khoảng 100 học sinh khác do ông Ấm – cán bộ Ty Giáo dục làm trưởng đoàn và ông Hồng – cán bộ giáo dục Khu IV dẫn đường. Hoàng Văn Khoán là người duy nhất trong đoàn không có dép phải đi chân đất. Hành trình ra Bắc, đoàn đi bộ, di chuyển vào ban đêm và nghỉ ngơi ban ngày. Mỗi đêm đi khoảng 25km.
Sau 30 ngày đi đường, vượt hơn 600 km, đoàn học sinh đến biên giới Việt Trung, đoạn Lạng Sơn. Tại đây, học sinh phải để lại toàn bộ tư trang, kể cả quyển sổ nhật ký.
Mỗi học sinh được phát một chiếc áo bông vải màu xanh đã bạc màu và một chiếc quần bông, rồi đi ngủ ở nhà dân. Hoàng Văn Khoán cùng một nhóm chui vào ngủ trong ổ rơm của một căn nhà trống. Đêm đó không có màn, muỗi kêu vo ve nhưng cậu vẫn ngủ ngon lành sau những ngày di chuyển mệt mỏi. Sáng sớm dậy, mỗi người được phát một chiếc bánh bao, đó là chiếc bánh ngon nhất trong cuộc đời[4], PGS Hoàng Văn Khoán thổ lộ.
Nhóm học sinh di chuyển bằng tàu hỏa sang nơi học tập ở Nam Ninh, Trung Quốc. Đã có nhiều đoàn học sinh được đưa đến Nam Ninh trước đoàn của học sinh Hà Tĩnh. Những đoàn đến trước ở trong làng Tâm Hư. Hoàng Văn Khoán cùng các bạn đến sau được ở khu nhà mới xây, gạch ngói còn đỏ tươi. Đó là Khu học xá Trung ương. Lần đầu tiên đến Khu học xá, Hoàng Văn Khoán lạ lẫm với mọi thứ và không ngủ được, trong khi các bạn khác ngủ say. Ông nhớ lại: Khoảng 11 giờ đêm, các bạn đi tàu mỏi mệt đã ngủ say, nhiều bạn ngáy rất to. Tôi thì lạ nhà, trằn trọc ngồi dậy trong màn không ngủ được. Tôi thấy một đồng chí Trung Quốc đầu đội mũ nồi làm bằng vải chiên đến chỗ cầu thang ấn vào nốt đen trên tường nghe tiếng kêu "tách", tự nhiên đèn tắt hết, tối om. Tôi thấy kỳ lạ. Đợi một lúc lâu không thấy đồng chí Trung Quốc đó quay lại. Tôi rón rén ra khỏi phòng, quan sát không thấy ai, bèn bấm vào nốt đen đó thì tất cả bóng đèn lại sáng lên. Tôi sợ quá, chạy nhanh nấp sau cánh cửa. Chờ một lúc không thấy ai, lại ra bấm thì đèn lại tắt. Tôi lấy làm sung sướng, rồi cứ như thế mà chơi suốt đêm không ngủ[5].
Hoàng Văn Khoán được phân học trường Sư phạm trung cấp. Ba năm học ở đây diễn ra rất nhanh. Điều kiện sinh hoạt ở đây đầy đủ, Hoàng Văn Khoán cũng như nhiều bạn cùng trang lứa lớn lên về thể chất, cùng sự trưởng thành về kiến thức.
Năm 1956, Hoàng Văn Khoán tốt nghiệp và về nước. Ông được phân công tác về trường cấp II Nghi Xuân, Hà Tĩnh, bắt đầu với nghiệp cầm phấn kể từ đó đến suốt cuộc đời.
Nhớ lại chặng đường học tập để trở thành thầy giáo, PGS Hoàng Văn Khoán tâm sự: Đó là hành trình vừa dài, vừa chông gai vì thế thật khó quên[6].
Hoàng Thị Kim Phượng
[1] PGS.TS Hoàng Văn Khoán, Hồi ký Con đường đi học (Bản thảo), lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, trang 1.
[2] Nay gọi là xã Hương Phổ.
[3] PGS.TS Hoàng Văn Khoán, Hồi ký Con đường đi học, đã dẫn, trang 8.
[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Văn Khoán, ngày 23-2-2016, đã dẫn.
[5] PGS.TS Hoàng Văn Khoán, Hồi ký Con đường đi học, đã dẫn, trang 10.
[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Văn Khoán, ngày 23-2-2016, đã dẫn