Nhớ lại sự kiện cách nay đã hơn 5 thập kỷ, PGS.TS Phạm Văn Ất, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Giao thông vận tải, một trong những “lão làng” trong lĩnh vực Công nghệ thông tin đã vui vẻ chia sẻ với chúng tôi về một giai đoạn thật khó quên.
Sau khi tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967, ông Phạm Văn Ất được phân công tác tại phòng Máy tính thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ)1. Năm 1968, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được phép mua máy tính điện tử lớn nhãn hiệu Minsk-22, do nước Cộng hòa Belarus thuộc Liên bang Xô viết sản xuất. PGS Phạm Văn Ất cho biết: Vào thời điểm đó, Minsk-22 (mang tên Thủ đô của Belarus) là một trong những máy tính hiện đại của Liên Xô và Đông Âu, thuộc thế hệ thứ hai dòng máy tính lớn dùng linh kiện bán dẫn (chưa phải mạch tổ hợp) kết hợp với cơ khí chính xác. Diện tích đặt máy cần khoảng 80m2 với một đơn vị trung tâm, dung tích bộ nhớ gồm 4096 ô nhớ (nếu dùng cả hai tủ nhớ thì được thêm 4096 ô), mỗi ô có 37 ngăn (bit). Hoa Kỳ và Pháp là các nước đầu tiên có máy vi tính. Bởi vậy, có được máy vi tính đầu tiên trong thời kỳ bị Mỹ cấm vận là vô cùng khó khăn. Mọi thứ đều đắt đỏ và cực kỳ quý hiếm.
PGS.TS Phạm Văn Ất trong buổi làm việc tháng 9-2022
Để chuẩn bị tiếp nhận, quản lý và vận hành Minsk-22, nước ta đã có bước chuẩn bị khá bài bản. Vào đầu năm 1967, Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước cử một đoàn thực tập sinh gồm 5 người sang Liên Xô học tập về cách sử dụng, vận hành. Do Minsk-22 là máy tính lập trình chủ yếu bằng ngôn ngữ máy nên ban đầu kỹ sư Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên sau một thời gian tìm hiểu, họ dần quen và thành thạo đến mức có thể can thiệp vào hệ điều hành của máy tính. Sau gần một năm thực tập, các cán bộ đã nắm vững kiến thức và đủ khả năng làm chủ hoàn toàn Minsk-22.
Vào giữa năm 1968, Minsk-22 được chuyển bằng đường sắt về đến ga Yên Viên. Thật may mắn, máy tính đã đến nơi an toàn trước một ngày cầu Long Biên bị máy bay Mỹ đánh bom phá hỏng, và được lắp đặt tại tòa nhà của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, số 39 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Khoảng vài tháng sau, đoàn chuyên gia Belarus sang Việt Nam tiến hành lắp ráp, hiệu chỉnh và bàn giao máy tính cho Ủy ban. Tuy nhiên do để lâu, một số linh kiện bị mốc. Các chuyên gia tiến hành vệ sinh và máy tính hoạt động ổn định, đạt hiệu quả cao, hiệu suất lên tới hơn 80%. Máy tính có thể hoạt động được 90/100 ngày. Minsk-22 là dòng máy tính rất bền, chịu được môi trường, khí hậu Việt Nam. Trong thời gian bộ phận kỹ thuật tiến hành lắp đặt máy, bộ phận phần mềm mở các lớp học về lập trình. Phòng Lập trình và phòng Phương pháp tính tham gia lớp tập huấn này. Phòng Máy tính do Phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) Nguyễn Lãm phụ trách. Sau khi anh Lãm chuyển công tác sang quân đội, tiến sĩ (nay là TSKH) Phan Đình Diệu làm trưởng phòng và anh Nguyễn Ngọc Hoàng làm phó trưởng phòng. Phòng Máy tính gồm các tổ: Phương pháp tính do phó tiến sĩ Lê Thiện Phố phụ trách gồm các anh Hồ Thuần, Đinh Nghiệp, Đinh Sơn Trí, Bùi Thị Hoàng, Trần Hành và Phạm Văn Ất. Tổ lập trình do anh Trần Văn Nho phụ trách gồm các anh/chị: Nguyễn Văn Kỷ, Nguyễn Chí Thành, anh Tích và chị Nguyệt. Phòng Điện tử do anh Nguyễn Ngọc Hoàng phụ trách gồm các anh Tiễu, Thanh, Chương, Lâm. Phòng Cơ khí do anh Trần Văn Gấm phụ trách gồm anh Đôn và các chị nhân viên đục lỗ. Phòng Hành chính do anh Nguyễn Liệu phụ trách gồm anh Đỗ Mạnh Hồng và một vài người khác. Công việc chủ yếu của các phòng Phương pháp tính và Lập trình là giải các bài toán, tổ chức đi giảng dạy để phổ biến về lập trình, như đến cơ quan Điều tra dân số, cơ quan Khí tượng thủy văn, Cục bản đồ… PGS Phạm Văn Ất cho biết: Từ máy vi tính đầu tiên này đã đào tạo được thế hệ công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam1.
Cả miền Bắc lúc ấy chỉ có một máy tính điện tử Minsk-22, nên rất nhiều cơ quan, trường học đến tham quan. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đến. Sau khi tiếp xúc với một số cán bộ trong đơn vị, Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn chiêu đãi toàn đơn vị một buổi xem ca múa nhạc ở Nhà hát lớn do các nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam biểu diễn trước khi đi công diễn ở Pháp.
Do khâu tiếp nhận và lắp đặt đã được chuẩn bị chu đáo nên không lâu sau, Phòng Máy tính Minsk-22 đã mở cửa cho các đơn vị khai thác tính toán và học tập. Thủ tục để khách hàng đến sử dụng máy tính rất đơn giản: công văn của cơ quan, giấy giới thiệu của nhà trường hoặc của khoa đối với sinh viên làm luận văn. Tất cả các hình thức phục vụ khách hàng đều được Nhà nước bao cấp. Chỉ sau một thời gian, nhu cầu tính toán gia tăng khiến Phòng Máy tính không thể làm việc trong giờ hành chính, mà phải tổ chức cho máy chạy 2, 3 ca. Các đơn vị phải xếp hàng và có quy định thời gian sử dụng. Thời gian sử dụng tối thiểu là 30 phút, tối đa 2 giờ đồng hồ tùy theo nội dung công việc. Vào thứ 7 hàng tuần, các cá nhân, đơn vị đến đăng ký cho tuần sau để bộ phận kế hoạch sắp xếp và lên danh sách. Ông Ất cùng cán bộ Phòng Máy tính theo bảng phân công, thực hiện công việc phục vụ khách hàng. Nhiều cơ quan, đơn vị làm tới nửa đêm, thậm chí phải ngủ tạm tại Ủy ban để chờ tới lượt sử dụng. Muốn đạt hiệu suất cao thì trước khi vào sử dụng phải chuẩn bị thao tác trước. PGS Phạm Văn Ất chia sẻ: ông Trần Bình công tác tại Đại học Xây dựng (quê ở tỉnh Bình Định) từng phát biểu: Để chuẩn bị cho 30 phút trên máy, tôi phải chuẩn bị từ 1-1,5 tiếng để cho năng suất cao, tiết kiệm thời gian2.
Chắc chắn ở thời điểm hiện nay, khi đã quen sử dụng máy tính của nhiều thế hệ mới thì khó có thể hình dung được những thao tác, vận hành trên máy tính thế hệ cũ như Minsk-22 thủa ấy. Muốn sử dụng máy tính, ban đầu là xây dựng các bài toán. Sau khi hiểu được nội dung bài toán, các cán bộ phòng Máy tính tiến hành viết chương trình và số liệu bằng tay lên giấy mẫu quy ước. Chương trình có hai phần, phần thứ nhất là các lệnh thực hiện, phần thứ hai là dữ liệu. Ông Ất làm ở phần viết chương trình. Phải hiểu bài toán mới viết được chương trình3, ông Ất chia sẻ. Sau đó tất cả gom giấy mẫu đưa đến Bộ phận đục lỗ để các cán bộ đục ra băng giấy.
Máy đục lỗ giống máy đánh chữ, nó dùng để đục chương trình và dữ liệu lên băng giấy khổ hẹp. Sau khi đục lỗ, khách hàng nhận được cuộn băng giấy đục lỗ (được đựng trong các hộp, phải giữ gìn cẩn thận vì nếu để bị xổ tung cuộn giấy sẽ hỏng) và số liệu để kiểm tra. Cuộn giấy được đưa vào máy đọc. Khi cuộn băng giấy đi qua một đầu đọc, đầu đọc sẽ ghi vào bộ nhớ của máy tính. Kết quả của chương trình được in ra một băng giấy khác. Cuối cùng số liệu từ băng giấy in ra được ghi chép lên bảng biểu đưa cho khách hàng. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng thành công, sai khá nhiều. Tuy nhiên ông Ất là người cẩn thận nên ít khi làm sai. Việc đưa ra kết quả sai có nhiều nguyên nhân: có thể do viết chương trình sai; chương trình viết đúng nhưng đục lỗ sai, dữ liệu sai…Việc tìm ra nguyên nhân sai rất khó vì cần tỉ mỉ, nhiều công đoạn. Khi phát hiện sai sót (máy đục thiếu lỗ, bộ phận kỹ thuật đục sai…), lại phải dùng lưỡi dao cạo, tốt nhất là tìm được lưỡi CROMA của Cộng hòa dân chủ Đức (rất hiếm hồi đó) để cố gắng khoét tròn lỗ bị thiếu hay lỗ chưa thủng (đường kính cỡ 1,5 mm) hoặc dán che lỗ thừa.
Khách hàng đến làm máy tính rất đông, nhất là các kỹ sư xây dựng vì nhiều kỹ sư đã từng sử dụng máy tính ở nước ngoài. Máy tính đã thay thế việc rút thước tính nhàm chán khi thực hiện các phương án thiết kế xây dựng. Ngành khí tượng thủy văn cũng hào hứng đến với máy tính. Các anh ở Ủy ban Sông Hồng giải quyết bài toán dòng chảy, các nhà nghiên cứu ở Nha khí tượng giải các bài toán dự báo. Giảng viên các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng học lập trình và sau đó hướng dẫn sinh viên sử dụng máy tính làm luận văn. Các đề tài nghiên cứu và luận án tiến sĩ có sử dụng máy tính đều được đánh giá cao.
Cùng với nhiệm vụ vận hành máy, Phòng Máy tính thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu và ứng dụng, trong đó có công trình kết hợp với Cục Đo lường – Tiêu chuẩn tính tiêu chuẩn kích cỡ may mặc, thống kê chiều cao, bề ngang và đưa ra quy chuẩn, lập kế hoạch may đo. Nhờ máy tính toán, nên lần đầu tiên công việc điều tra được tiến hành với số liệu lớn. Tổng hợp được các số đo của nhiều người dân từ nông thôn tới thành thị nên rất có giá trị để tìm ra số quy chuẩn khi may đo quần áo sẵn. Công việc khó khăn và có giá trị lớn là điều tra dân số. Tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm, trình độ của nhân viên, phòng Máy tính đã đảm nhận nhiệm vụ do Chính phủ giao là thực hiện Tổng điều tra dân số trên máy tính, lập thành các biểu thống kê vào năm 1976-1977.
Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước còn cử đoàn cán bộ đi giảng dạy về công nghệ thông tin. Tại mỗi địa phương, đoàn cán bộ được tiếp đón nồng nhiệt vì ai cũng muốn tiếp cận với công nghệ thông tin. Ông Ất thường đạp xe về các vùng như Gia Lâm, Lạc Đạo,… để giảng dạy, mỗi chuyến đi dạy kéo dài cả tuần lễ. Trong lớp học máy tính ấy, có nhiều người còn lớn tuổi hơn ông. Ngày ấy kinh tế khó khăn, các lớp học đều tổ chức miễn phí, để bày tỏ lòng cảm ơn đối với thầy giáo sau mỗi đợt học, học viên thường tổ chức một bữa liên hoan cây nhà lá vườn. Tuy nhiên ông Ất ít tham gia vì muốn dành thời gian đó cho công việc.
Hiệu quả của Minsk-22 – máy tính đầu tiên vào nước ta không chỉ đã giải quyết được các bài toán lớn của nhiều ngành mà còn góp phần to lớn vào việc đào tạo về công nghệ thông tin. Các trường đại học, đặc biệt là Đại học Bách khoa và Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội) thường xuyên gửi sinh viên đến thực tập, đó là nền tảng để Khoa Máy tính trường Đại học Bách khoa trở thành địa chỉ ngày càng thu hút nhiều sinh viên, còn Đại học Tổng hợp thì phát triển nhanh ngành Phương pháp tính. Với những đóng góp to lớn, thiết thực phục vụ sản xuất và chiến đấu, có thể nói Minsk-22 đã đánh dấu cột mốc khởi đầu trong lịch sử phát triển ngành Máy tính – Công nghệ thông tin Việt Nam.
Triệu Vũ