Nỗ lực học tập, vươn lên trở thành nhà khoa học

Tuổi thơ gian khó

PGS.TS Vương Văn Toàn (có bút danh là Vương Toàn, Toàn Vương, Sơn Dương) sinh ngày 2-10-1945 tại thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, trong một gia đình nghèo khó. Là con cả trong một gia đình đông anh em, khi mẹ sinh đứa con út thì ốm bệnh kéo dài, Toàn cùng bố phải lao động để nuôi cả gia đình. Công việc chủ yếu là lên rừng phát nương, kiếm củi bán cho lò vôi hoặc vét cát ven sông suối bán cho cơ sở làm nghề xây dựng, giao thông… Có lần đi vét cát, Toàn dẫm phải mảnh sành, vết thương đã để lại vết sẹo cùng ngón chân áp út không bao giờ co duỗi được nữa. Ngoài ra Toàn còn đi mò cua, mót lúa, lên rừng hái sim. Đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ hình ảnh bố không quản hiểm nguy băng qua bão lũ để vớt những cây gỗ trôi dạt, vừa làm củi đun, vừa có thể đem ra chợ bán. Cũng vì ăn không đủ no nên có lần khi cho em ăn, Toàn còn ăn ghẹ mấy miếng cơm của em vì đói quá. Cuộc sống lam lũ, vất vả đã khiến Toàn nung nấu quyết tâm học thật giỏi để vượt qua nghèo đói.

 Biết con thích đọc chữ, ham học từ nhỏ, bố mẹ Toàn gửi con sang ở với ông bà ngoại ở thôn Vằng Kèo, xã Hội Hoan cùng huyện. Được ông ngoại là Cụ giáo Lý Bá Doanh dạy cho chương trình lớp 1 và lớp 2 ở nhà nên Toàn đi học sớm hơn các bạn cùng trang lứa. PGS.TS Vương Toàn chia sẻ: cũng có thể gọi là may mắn khi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ông ngoại là nhà giáo, nên ngay từ nhỏ, tôi đã sớm ý thức việc học tập, rèn luyện1. Chính vì vậy, trong tâm thức của PGS.TS Vương Văn Toàn, ông ngoại Lý Bá Doanh là “người thầy” đầu tiên của mình. Hình ảnh ông ngoại nghiêm khắc nhưng thương cháu, tận tình chỉ bảo là nguồn động lực thôi thúc ông luôn cố gắng học tập, phấn đấu trong suốt cuộc đời.

Vương Văn Toàn đứng hàng đầu, thứ nhất bên phải 

Hành trình theo học cũng thật gian nan, khó khăn, nhất là thời gian học cấp III. Những năm 1960, huyện Văn Lãng quê ông chưa có trường cấp III, ông phải lặn lội lên thị xã Lạng Sơn học tại trường cấp III Việt Bắc. Để về thăm nhà, sau khi đi tàu hỏa hết 3 hào, quãng đường còn lại 16km phải đi bộ vì không có 9 hào để đi xe ngựa. Ông nhớ cả huyện Văn Lãng lúc ấy chỉ có 3 học sinh, nhưng 2 người bạn của ông học được nửa chừng thì bỏ do hoàn cảnh quá khó khăn. Ông học lớp A là những học sinh từ huyện lên học, lớp B là học sinh thị xã. Ba năm cấp III ông được hỗ trợ rất nhiều từ Nhà nước và người thân. Mỗi tháng ông được nhận học bổng 9,5 đồng. Năm lớp 8 ông ở nhờ nhà bà dì Lý Thị Nhung, lớp 9 ở nhà ông chú Vương Văn Lẻng, lớp 10 thì ở ký túc xá. Ông Toàn bồi hồi nhớ lại: nếu không có học bổng, không được người thân giúp đỡ thì tôi không có ngày hôm nay2. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng bù đắp lại, “Toàn còi” luôn cố gắng học tập và nhận được học bổng toàn phần của nhà trường.

Vượt lên chính mình

Những năm cấp III, Vương Văn Toàn học tiếng Nga rất tốt. Tốt nghiệp phổ thông năm 1962, ông được Tỉnh cử đi học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông chọn học tiếng Nga. Khi mang giấy giới thiệu nhập trường, Phòng Tổ chức, cán bộ nói: “Hồ sơ nộp chậm quá, lớp tiếng Nga đã đủ người, hiện tại chỉ còn lớp tiếng Pháp. Nếu vẫn muốn theo học lớp tiếng Nga, nhà trường phải điều chuyển một sinh viên lớp tiếng Nga sang lớp tiếng Pháp”. Lúc này, ông thấy thương bạn sinh viên nào đó nếu vì ông mà bị chuyển lớp, nên đã quyết định học tiếng Pháp. Ông trở thành sinh viên khóa I khoa Pháp văn. Thời bấy giờ giấy giới thiệu cử đi học của Tỉnh ủy rất có giá trị, đó là một đặc ân và là niềm mơ ước của nhiều người. Bởi những người được lựa chọn để cử đi học phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, học lực giỏi, đặc biệt là lý lịch gia đình trong sạch3, ông chia sẻ. Trong lớp học, có bạn giễu cợt “dân miền núi mà dám học tiếng Tây”. Chàng sinh viên Toàn đã tự chứng minh năng lực học tập, cùng với sự gần gũi, chan hòa với các bạn, vì thế Toàn ngày càng được nhiều bạn quý mến và dần xóa đi khoảng cách.

Năm 1966, ông tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu và được phân về công tác tại tổ Thuật ngữ và Từ điển khoa học thuộc Viện Khoa học xã hội. Năm 1968, tổ Thuật ngữ và Từ điển khoa học sáp nhập với tổ Ngôn ngữ (Viện Văn học) thành Viện Ngôn ngữ học, thuộc Viện Khoa học xã hội. Năm 1973, Viện Khoa học xã hội thành lập Ban Thông tin khoa học xã hội, ông là nghiên cứu viên chính của Ban. Công việc là dịch các sách tiếng Nga, tiếng Pháp sang tiếng Việt. Năm 1975, Ban Thông tin khoa học xã hội sáp nhập với Thư viện khoa học xã hội thành Viện Thông tin khoa học xã hội. Năm 1982, ông được đề bạt Phó trưởng phòng Thông tin Khoa học Ngữ văn. Được bạn bè, đồng nghiệp động viên, ông dày công tìm hiểu và nghiên cứu sự ảnh hưởng của tiếng Pháp đến tiếng Việt. Năm 1992, ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học lý thuyết, khoa Ngôn ngữ học tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội4 với đề tài "Nghiên cứu từ gốc Pháp trong tiếng Việt".

Tháng 9-1994, ông được nhận học bổng của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (khi đó là AUPELF-UREF, sau đổi là AUF) đến thực tập sau tiến sĩ 10 tháng tại Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ Đông Á (CRLAO), trường Cao học Khoa học Xã hội (EHESS) ở Paris. Khi làm việc với người Pháp, ông thường giới thiệu mình là sinh viên khóa I tiếng Pháp trường Đại học Sư phạm, vì ông biết ở nước Pháp, ngành sư phạm rất được trân trọng.

Sau chuyến thực tập trở về nước, năm 1995, ông giữ chức Phó viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội và phụ trách công tác thư viện. Phấn đấu và cống hiến không ngừng, chàng trai phố núi năm nào ngày càng khẳng định bản thân, ngày càng tiến xa hơn và có đóng góp to lớn cho nền khoa học, giáo dục và văn hóa của Việt Nam.

PGS.TS Vương Văn Toàn tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế về tư tưởng khoa học của GS Phan Hồng Quý, tổ chức tại

trường Đại học Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), ngày 22-12-2018

Nửa thế kỷ cống hiến cho ngôn ngữ học và sự nghiệp giáo dục đào tạo, PGS.TS Vương Văn Toàn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Ông đã trải qua nhiều cương vị khác nhau như: Phó chủ nhiệm (1989-2013), rồi Chủ nhiệm (từ 2013) Chương trình Thái học Việt Nam, nay thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ tịch Câu lạc bộ cựu học sinh Pháp ngữ (sau đổi là Câu lạc bộ Pháp ngữ) – CAEF, từ khi thành lập (1996); Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hữu nghị Việt – Pháp (1999-2009) và Chủ nhiệm bản tin Hữu nghị Việt – Pháp (2000-2009); Hội viên Hội Giảng dạy tiếng Việt Quốc tế từ khi thành lập (2009)… Tất cả đều được ông trân quý vô cùng bởi nó là biểu trưng cho cả một cuộc đời lao động vì sự nghiệp khoa học, giáo dục và văn hóa dân tộc của nước nhà.

Thành công trên con đường sự nghiệp, PGS Vương Văn Toàn luôn dành tình cảm trân trọng đối với quê hương, nơi ông đã khôn lớn, trưởng thành. Trong số các tác phẩm, ông dành một phần không nhỏ cho xứ Lạng… Ông đã tham gia vào việc tổ chức và biên soạn một số cuốn sách như: Văn Lãng huyện biên giới Lạng Sơn, Nxb Khoa học xã hội, 1990; Ai lên xứ Lạng, Nxb Văn hóa dân tộc, 1994; Na Sầm – thị trấn vùng biên, Nxb Khoa học xã hội, 2010…

PGS.TS Vương Văn Toàn phát biểu tại Hội thảo “Đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể

trong vùng Công viên địa chất Lạng Sơn”, ngày 24-8-2022

Đến nay, mặc dù đã ngoại thất tuần nhưng niềm đam mê nghiên cứu và khát khao cống hiến cho đời vẫn mạnh mẽ trong PGS Vương Văn Toàn. Được đồng nghiệp tạo điều kiện nên sau khi nghỉ hưu (2010), ông vẫn có dịp tham gia, trình bày ý kiến và thông tin khoa học ở trong nước như: Đà Nẵng (2011), Thanh Hóa (2012), TP Hồ Chí Minh (2013), Cao Bằng (2013, 2016), Sơn La (2014, 2021), Lai Châu (2015), Pleiku và Tuyên Quang (2016), Nghệ An (2017), Điện Biên (2018), Thái Nguyên (2020), Lạng Sơn (2018, 2022), cũng như ở nước ngoài như tại nhiều thành phố Trung Quốc: Ninh Minh, Điền Dương và Quý Dương (2011), Nam Ninh (2013, 2015, 2016, 2018), Thành Đô (2016), Bách Sắc (2016, 2017), Sùng Tả (2017), Hồ Nam (2018); Tbilissi, Géorgie (2015); Chiềng Mai, Thái Lan (2016); Phnom Penh, Campuchia (2019). Nhìn lại chặng đường đã trải qua, ông cảm thấy tự hào khi tự học, tự vươn lên khẳng định mình trong nghiên cứu và đào tạo.

                                                                                                           Đình Triệu

 


1 Tài liệu ghi âm PGS.TS Vương Văn Toàn ngày 2-11-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

2 Tài liệu ghi âm PGS.TS Vương Văn Toàn ngày 27-9-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

3 Tài liệu ghi âm PGS.TS Vương Văn Toàn ngày 17-9-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

4 Nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.