Thủy chung với dâu tằm

Tuổi thơ bên khung cửi

Đỗ Thị Châm sinh năm 1944 tại xã Đại Mỗ, huyện Hoài Đức (nay là phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm), Hà Nội. Đất Đại Mỗ vốn nổi tiếng có nghề dệt vải giỏi nhất nhì Thăng Long xưa.

Trong ký ức của bà Đỗ Thị Châm, cả xã Đại Mỗ ngày xưa đều có nghề dệt vải. Nhà nào cũng có khung cửi, nam phụ lão ấu đều có thể dệt vải. Ban đầu dệt bằng khung cửi cổ truyền chỉ dệt được những tấm vải khổ rộng 40 cm. Cả xã dường như ngầm có phong trào thi dệt đẹp. Vải dệt được đánh giá, xếp loại theo A, B, C. Tấm vải đạt loại A là không bị đứt sợi, 1 cm phải đủ 30 lần dập chỉ. Loại B là vải vẫn còn mối nối sợi, loại C là hạng kém nhất, chứng tỏ người dệt không cẩn thận làm cho sợi chỉ bị đứt nhiều lần, không đủ số lần dập chỉ cho 1 cm vải. Nhà bà Đỗ Thị Châm nổi tiếng cả xã vì có mẹ dệt vải khéo. Những thước vải do mẹ dệt luôn đạt hạng A. Khi sờ lên những mảnh vải mẹ dệt luôn mềm, mịn mà tôi cũng cảm thấy tự hào[1], PGS Đỗ Thị Châm nhớ lại.

PGS.TS Đỗ Thị Châm – nhà khoa học luôn đau đáu với dâu tằm

Mẹ dệt đẹp cũng tạo động lực cho cả gia đình. Nhà Đỗ Thị Châm có tám anh chị em, ngoài giờ học trên lớp thì tất cả đều phụ mẹ dệt vải. Riêng cô con gái Châm có chỉ tiêu một ngày phải dệt đủ 3 mét. Bà nhớ lại: Buổi sáng tôi đi học và dành trọn thời gian cả chiều để ngồi bên khung cửi. Một chân dậm, một tay gạt ngang và một tay gạt sợi, các thao tác phải đủ nhanh nhưng cũng mềm mại để không đứt sợi. Làm mãi cũng thành quen, tay, chân phối kết hợp một cách thuần thục không cần nhìn[2].

Cuộc sống gia đình quẩn quanh bên khung cửi, dựa vào nghề dệt truyền thống để sinh nhai, vất vả mà chả khấm khá gì (làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng) nên cha của Đỗ Thị Châm lúc nào cũng động viên tám người con phải học để vươn ra khỏi vòng luẩn quẩn đó. Anh em nhà bà Đỗ Thị Châm đã thực hiện đúng kỳ vọng của bố, riêng Châm đi theo nghiên cứu về dâu tằm, muốn gắn bó trọn đời với nghề truyền thống của quê hương, gia đình.

Trọn đời với tằm

Năm 1962, Đỗ Thị Châm tốt nghiệp trường cấp 3 Nguyễn Huệ. Lúc đó, bà chưa nghĩ về việc đăng ký thi vào ngành Nông nghiệp. Nhưng vì ấn tượng với phương pháp lai tạo Mitsurin qua những thước phim chiếu bóng, gia đình theo nghề nông, và được bố động viên, nên bà đã quyết định đăng ký thi và đỗ vào khoa Trồng trọt, Học viện Nông lâm.

Từ cuối năm thứ 3, sinh viên được phân công theo học hai chuyên ngành: Cây lương thực (lúa, ngô, ngoai, sắn…) và cây công nghiệp (chè, cà phê, cao su, dâu tằm…). Bà Châm được phân vào học chuyên ngành Cây công nghiệp theo đúng nguyện vọng nên rất vui mừng. Trong quá trình học, bà đi sâu về dâu tằm, với mong muốn sau này ra trường sẽ về giúp ích cho quê hương.

Thuở đó, dâu tằm là chuyên ngành có ít người theo học. Sau 3 tháng thực tập tốt nghiệp tại Hợp tác xã Tư Đình (Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội), sinh viên Đỗ Thị Châm được nhà trường cử đi học lớp đào tạo về Dâu tằm do chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn tại Phù Lưu Tế, Mỹ Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Theo PGS Đỗ Thị Châm, theo chân các chuyên gia Trung Quốc tôi đã học được nhiều kiến thức mới, được trực tiếp thực hành để nắm bắt quy trình nuôi và tích lũy kinh nghiệm. Vừa học tập, tôi vừa tranh thủ tiến hành các thí nghiệm phục vụ cho đề tài tốt nghiệp[3].

Dưới sự hướng dẫn của thầy Dương Ngọc Ấn, tháng 9-1966 Đỗ Thị Châm bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp với đề tài Kỹ thuật nuôi tằm đạt năng suất cao. Sau hai năm tham gia chỉ đạo sản xuất ở Thạch Thất, bà trở thành giảng viên giảng dạy môn dâu tằm ở bộ môn Rau quả – Dâu tằm, khoa Trồng trọt trường Đại học Nông nghiệp[4]. Như bà tâm sự, đây mới là dấu mốc bước vào con đường nghiên cứu dâu tằm của tôi[5]. Và kể từ đó đến nay, bà đã có hơn 40 năm đi cùng sự thịnh suy của ngành dâu tằm Việt Nam.

Những năm 70, ngành dâu tằm nước ta khá phát triển, nhu cầu đào tạo về chuyên ngành dâu tằm của trường Nông nghiệp I[6] cũng vì thế mà được tăng cường, thuộc bộ môn Rau quả – Dâu tằm. Giảng viên Đỗ Thị Châm được tham gia xây dựng khung chương trình đào tạo cho chuyên ngành này. Đến những năm 80 nghề dâu tằm truyền thống dần mai một, đó cũng là thời điểm bà Châm được cử sang Bulgaria làm nghiên cứu sinh. Ở trong nước lúc này, môn học dâu tằm trở thành môn cơ sở, sáp nhập với bộ môn Côn trùng thành bộ môn Côn trùng – Dâu tằm. Nhiều giảng viên giảng dạy môn dâu tằm được phân công nhiệm vụ đưa sinh viên đi thực tập.

Năm 1986, PTS Đỗ Thị Châm trở về nước, mang theo kết quả nghiên cứu mới là tác động của các tia gama, laze… lên trứng tằm. Chứng kiến sự đi xuống của đào tạo ngành dâu tằm, bà cùng các giảng viên thuộc môn học này đã xin lập bộ môn Dâu – Tằm – Tơ và bà trở thành Chủ nhiệm đầu tiên của bộ môn này. Với đề xuất của PTS Đỗ Thị Châm cùng đội ngũ cán bộ của bộ môn, Liên hiệp các Xí nghiệp dâu tằm tơ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã tài trợ để bộ môn xây dựng vườn dâu rộng 3 đến 4 ha ngay tại cánh đồng số 1, trường Nông nghiệp I, xây dựng trại nuôi tằm (nhà tằm). Dựa vào nguồn kinh phí được tài trợ, bộ môn Dâu – Tằm – Tơ có điều kiện thuê nhân công chăm sóc vườn tằm và nhà tằm tạo môi trường học tập, thực nghiệm cho sinh viên ngay tại chỗ.

Để giải quyết khó khăn nhất vào thời điểm đó là vấn đề tuyển sinh và giáo trình, PTS Đỗ Thị Châm cùng đội ngũ cán bộ bộ môn Dâu – Tằm – Tơ đưa ra định hướng chủ động tuyển sinh theo hình thức đào tạo liên kết. Nhà trường liên kết với các cơ sở trồng dâu nuôi tằm để đào tạo ra những kỹ sư có kiến thức và chuyên môn nghề. Vì vậy, thành phần theo học về dâu tằm giai đoạn này chủ yếu là con em của các gia đình có truyền thống trồng dâu nuôi tằm, công nhân và cán bộ của các xưởng và xí nghiệp trồng dâu nuôi tằm trên cả nước. Sinh viên trong quá trình học tập được thực tế ngay tại vườn dâu, nhà tằm của bộ môn. Bộ môn cũng chủ trương đưa sinh viên thực tập dài ngày tại các xí nghiệp trồng dâu nuôi tằm lớn, trong đó có Xí nghiệp dâu tằm tơ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Sau khi ổn định đội ngũ cán bộ, với vai trò Chủ nhiệm bộ môn, PTS Đỗ Thị Châm hướng đến việc biên soạn bộ giáo trình cho bộ môn. Trong đó, bà đã viết hai giáo trình là: Giáo trình kỹ thuật nuôi tằmGiáo trình cây dâu.

Khoảng cuối những năm 90, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở nước ta bị suy thoái. Nhiều cơ sở sản xuất dâu tằm đóng cửa dẫn đến nhu cầu đào tạo giảm. Năm 2000, bà Đỗ Thị Châm nghỉ hưu. Năm 2007, bộ môn Dâu Tằm Tơ giải thể. Nay, Dâu Tằm Tơ chỉ còn là một môn học cơ sở thuộc bộ môn Phương pháp thí nghiệm và Thống kê sinh học. Dù bộ môn Dâu Tằm Tơ không còn tồn tại độc lập, và đã nghỉ hưu hơn 20 năm, nhưng PGS.TS Đỗ Thị Châm, với khả năng, sức khỏe của mình, vẫn đau đáu với nghề, bà đang hoàn thiện cuốn sách Nghề trồng dâu nuôi tằm với mong muốn một ngày nào đó nghề trồng dâu thịnh trở lại, hậu thế có thêm tài liệu để nghiên cứu.

                                                                   Hoàng Thị Kim Phượng

 


[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đỗ Thị Châm, ngày 27-4-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đỗ Thị Châm, ngày 27-4-2022, đã dẫn.

[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đỗ Thị Châm, ngày 25-11-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Năm 1963, Học viện Nông Lâm được tách ra thành Trường Đại học Nông nghiệp và Viện Khoa học Nông nghiệp.

[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Đỗ Thị Châm, ngày 27-4-2022, đã dẫn.

 

[6] Ngày 14-8-1967, Chính phủ ra quyết định đổi tên Trường Đại học Nông nghiệp thành Trường Đại học Nông nghiệp I, đồng thời với việc san sẻ một phần lực lượng cán bộ và cơ sở vật chất của Trường để thành lập Trường Đại học Nông nghiệp II (đóng tại Hà Bắc).