Từ nghệ sĩ tưởng như đã “chết tâm”
Tốt nghiệp cấp 3 (1962), Khổng Văn Diễn thi đỗ vào khóa đầu tiên lớp Câu lạc bộ, trường Lý luận và Nghiệp vụ (nay là trường ĐH Văn hóa Hà Nội). Khi ấy, ông học chuyên ngành Âm nhạc, chuyên sâu về nhạc lý, dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Tân Huyền. Ngoài ra, ông còn học về hợp xướng với nhạc sĩ Phạm Tuyên, Ngô Nhật Lai… Hàng ngày, ngoài hai buổi học trên lớp, sinh viên thường tụ tập nhảy đầm và biểu diễn văn nghệ vào buổi tối. Năm học thứ 2, cha Khổng Văn Diễn mất, vì suy sụp tinh thần mà ông từ một người béo múp trở nên gầy gò. Ông không còn thích tham gia các buổi tập luyện văn nghệ, không còn muốn học đàn, hát. Với một người làm nghệ thuật thì điều đó có nghĩa là “chết tâm”, sẽ chẳng thể tiếp tục đi theo con đường này nữa[1], ông thổ lộ.
Hè năm thứ 2 (1964), Khổng Văn Diễn làm đơn tham gia thanh niên xung phong. Lá đơn có nội dung “sẵn sàng đi bất kỳ nơi đâu khi Tổ quốc cần”. Ban đầu, ông có tên trong danh sách thanh niên lên Tây Bắc nhưng rồi bị loại vì không đủ sức khỏe. Sau đó, Khổng Văn Diễn quen một cán bộ của Bộ Văn hóa tên Hoàng Ly – người Lạng Sơn. Ông Ly đã xin Diễn về công tác ở Lâm trường Ngả Hai, Bắc Sơn, Lạng Sơn (sau này là Lâm trường Bắc Sơn). Và kể từ đó, thanh niên Khổng Văn Diễn bắt đầu gắn bó với rừng núi xứ Lạng.
Ông đến Bắc Sơn vào tháng 9-1964, thời tiết nơi đây chuẩn bị vào mùa rét. Cái rét của núi rừng như thấu da, thấu thịt, chỉ có loại chăn do người dân địa phương dệt bằng những sợi chỉ nhỏ li ti rất dày và nặng mới có thể làm ấm cơ thể khi đi ngủ. Thoạt đầu, Khổng Văn Diễn cũng cảm thấy lo lắng khi một mình nhận nhiệm vụ ở nơi xa, hẻo lánh như vậy. Nhưng rồi, ông được giao công việc đúng với sở trường là phụ trách mảng văn hóa quần chúng và làm công tác tuyên huấn – cho cán bộ Lâm trường nên được đi nhiều. Sự đa dạng văn hóa và nét đẹp tâm hồn của những con người Tày, Nùng nơi đây đã làm dịu tâm hồn vốn tổn thương trước đó của ông. Đã có lúc, ông từng nguyện sẽ gắn bó với mảnh đất này, coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
PGS.TS Khổng Văn Diễn (Khổng Diễn) |
Lâm trường Ngả Hai kể từ khi có cán bộ miền xuôi Khổng Văn Diễn về công tác thì trở nên rộn ràng. Công nhân, cán bộ Lâm trường hàng ngày, ngoài giờ làm việc thì thường xuyên gặp mặt vào buổi tối. Xung quanh bếp lửa hồng, họ hát dưới tiếng đàn của cán bộ Khổng Văn Diễn. Chẳng mấy chốc, những điệu sli, lượn của vùng đất Bắc Sơn đã ngấm vào máu thịt trở thành những mầm sống thắp lại ngọn lửa nghệ sĩ đã chết trong ông.
Ông bắt đầu sáng tác, bài hát đầu tiên có tên Bắc Sơn nhằm ca ngợi cảnh vật hùng vĩ của miền núi sơn cước được cán bộ Lâm trường mang đi thi tại Hội diễn do Tỉnh đoàn Lạng Sơn tổ chức và đạt giải nhất. Tết năm 1965, thay vì trở về quê nhà, Khổng Văn Diễn ở lại Bắc Sơn để tìm hiểu về văn hóa Tết nơi đây. Trong những chuyến đi chơi đầu xuân ấy, ông hứng thú với những làn điệu hát then của người Tày. Ông tìm bằng được nghệ nhân then giỏi nhất vùng đất Bắc Sơn lúc bấy giờ là cụ Dương Công Chinh để học tập. Vốn được học về nhạc lý trước nên Khổng Văn Diễn dễ dàng tiếp cận với việc học đàn, hát và sáng tác then. Nhà cụ Chinh ở trong làng Bắc Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, cách Lâm trường khoảng hơn 20km. Vì vậy, Khổng Diễn đã chuyển mọi sinh hoạt về phân xưởng tại huyện Bắc Sơn. Sau giờ làm hàng ngày, ông đi bộ vào nhà cụ Chinh học tập.
PGS Diễn cho biết, người hát then cần phải biết gảy đàn tính. Cây đàn tính được làm từ quả bầu khô, cần làm bằng gỗ. Đàn chỉ có 3 dây nhưng tạo nên âm thanh rất thánh thót. Tiếng đàn hòa nhịp cùng chùm sóc, quả nhạc khiến lời then mượt mà, tha thiết, chan chứa… và mãi ngân vang. Việc có một người miền xuôi thích và học, rồi sáng tác then đã thu hút nhiều người dân bản địa. Hàng đêm, bên bếp lửa giữa nhà sàn, từ già đến trẻ lại cùng nâng chén rượu và đàn hát: Em nâng cây đàn tính quê em, xôn xao nỗi nhớ, bay bay hạt mưa cơn gió đầu mùa chồi non nhú xinh tươi…. Ngọt ngào như tiếng suối ngàn reo, ấm áp hơn muôn ngọn lửa hồng, đậm đà hơn muôn ngàn lời ca, là tiếng đàn tính quê hương.
Giữa năm 1965, trường Lý luận và Nghiệp vụ điều Khổng Văn Diễn trở lại tham gia học lớp viết kịch bản. Thời gian này, ông vẫn công tác tại Lâm trường Ngả Hai. Mỗi khi có lịch học ông được Giám đốc Lâm trường điều xe đưa xuống Hà Nội. Khi học xong, ông bắt xe về Ngả Hai tiếp tục công tác. Dưới sự giảng dạy, hướng dẫn của nhà biên kịch Chương và Nguyễn Nhương, Khổng Văn Diễn đã viết vở kịch đầu tay Đường vận xuất nói về con đường vận chuyển gỗ ở Lạng Sơn.
Sau hai năm công tác ở Lâm trường Ngả Hai, cán bộ Khổng Văn Diễn có tên trong danh sách ra nước ngoài học đại học chuyên ngành Câu lạc bộ. Chia xa mảnh đất và con người vùng Bắc Sơn, Khổng Văn Diễn xúc động nhận được bức trường thư dài vài mét do cán bộ Lâm trường Ngả Hai viết, gửi cho ông. Thực chất, bức thư ấy được ghép lại từ nhiều lá thư khác nhau. Từ Giám đốc Lâm trường đến những cán bộ trẻ vừa về Lâm trường không biết mặt Khổng Văn Diễn nhưng cũng viết thư cho ông. Ông thổ lộ: Thật xúc động, những con người miền ngược luôn thật thà, chân thành. Dù đi đâu, làm gì, tôi cũng không bao giờ quên được tình cảm của họ.
Đến nhà dân tộc học Khổng Diễn
Nhận được tin ra nước ngoài học đại học, đứng giữa sự lựa chọn ở lại công tác hay đi học đương nhiên tôi sẽ chọn đi học nhưng tôi chưa nghĩ đến việc sau khi học xong sẽ chia xa mảnh đất Bắc Sơn này, PGS Khổng Văn Diễn tâm sự. Giữa tháng 9 – 1967, ông cùng hơn 10 sinh viên của các đơn vị như: trường Lý luận và Nghiệp vụ văn hóa, đoàn ca múa Trung ương, đoàn Liên khu V, đoàn Cải lương miền Nam… lên đường ra nước ngoài học tập. Khổng Văn Diễn được phân về trường Đại học Quốc gia Xôphia, Bulgaria. Sau một năm học ngoại ngữ, ông bắt đầu học chuyên ngành. Thời điểm ấy, trường Đại học Quốc gia Xôphia không đào tạo ngành Câu lạc bộ. Nếu muốn tiếp tục học ngành này, Khổng Văn Diễn phải chuyển trường. Do đã quen với nếp sống ở đây nên sinh viên Diễn quyết định ở lại trường và lựa chọn một ngành học khác, và như ông chia sẻ: Đó là quyết định thay đổi cuộc đời tôi. Từ một người học về nghệ thuật, tôi trở thành một nhà nghiên cứu. Ông theo học chuyên ngành mới của trường là Ethnography (dân tộc học) – một môn học xa lạ với cả Khổng Văn Diễn và với cả người Bulgaria lúc bấy giờ. Cuối năm 1972, ông tốt nghiệp và về nước công tác ở Viện Dân tộc học. Kể từ đó, cuộc đời ông gắn bó với nghiệp nghiên cứu các dân tộc Việt Nam.
Như ông tâm sự, làm nghề nghiên cứu dân tộc học rất vất vả. Các nhà dân tộc học đến khắp mọi miền Tổ quốc, từ đồng bằng đến miền núi, từ trung du đến vùng sâu để nghiên cứu. Bằng những kinh nghiệm sống ở miền sơn cước trước đó, bằng tâm hồn của một nghệ sĩ vốn sẵn có, ông đã không quản ngại tham gia vào tất cả những chuyến công tác này. Đã có lúc tưởng chừng ông cùng đồng nghiệp phải bỏ mạng giữa núi Giằng, Quảng Nam, hay có những lúc bị cảm rồi đói đến mờ mắt phải uống nước chuối rừng để duy trì sự sống. Việc đi lạc trong rừng, việc bị vắt bâu, muỗi đốt dường như không cản được bước chân những nhà dân tộc học. Chỉ cần được đi, được gặp các dân tộc, được đắm chìm trong những điệu xòe, múa, hát của các của các dân tộc là mọi vất vả đều tan biến, PGS Khổng Văn Diễn thổ lộ.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề dân tộc học, ông không chỉ có công trong việc phát triển Viện Dân tộc học, khai mở Viện Nghiên cứu Miền Trung – Tây Nguyên mà còn có công trạng trong việc phổ biến rộng rãi lý thuyết dân số học tộc người ở Việt Nam. Ông là tác giả của cuốn sách Dân số học tộc người xuất bản năm 1978. Cuốn sách được tái bản nhiều lần và được in sang tiếng Anh, trở thành tài liệu quan trọng cho những ai nghiên cứu về lĩnh vực này.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi bắt đầu đi theo con đường học nhạc lý, cho đến nay, chính bản thân PGS.TS Khổng Diễn nhiều lúc cũng quên quãng thời gian này, nhưng máu nghệ thuật vẫn chảy trong ông, người có tâm hồn nghệ sĩ luôn dễ tâm tình gần gũi và sẻ chia. Dường như ai tiếp xúc với PGS Khổng Diễn cũng đều có chung cảm nhận như vậy.
Hoàng Thị Kim Phượng
*PGS.TS Khổng Văn Diễn (Khổng Diễn) nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học.
[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Khổng Diễn ngày 20-7-2017, lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt