Nhớ lại ngày khơi nguồn nước khoáng Tiên Lãng 40 năm trước

Năm 1962, Cao Thế Dũng1 thi đỗ vào khoa địa chất, trường Đại học Bách khoa2. Ông Dũng chia sẻ rằng: Lý do tôi chọn ngành địa chất vì từ bé tôi đã rất thích đi ngao du, khám phá các vùng đất mới. Tôi ảnh hưởng từ sách vở, trước kia tôi thường hay đọc sách, truyện của Tự lực văn đoàn và ấn tượng với các loại “Chuyện đường rừng” của nhà văn Lan Khai. Các câu chuyện đường rừng thường gắn với một khung cảnh địa lý. Xứ Tuyên và mạn ngược nói chung, nơi Lan Khai sinh sống, cung cấp các chất liệu cần thiết để nhà văn tạo dựng thế giới của mình. Những miêu tả chuyện đường rừng kỳ bí làm tôi ham muốn khám phá, thích đi. Ban đầu tôi vẫn chưa hình dung địa chất là gì. Tôi chỉ hiểu nôm na rằng học địa chất sẽ được đi rừng, sẽ được khám phá những điều thú vị, mới mẻ giống như những gì trong “Chuyện đường rừng” mà Lan Khai đã miêu tả3.

TS Cao Thế Dũng trong chuyến nghiên cứu nước khoáng nóng tại tỉnh Quảng Ngãi năm 1999 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau khi tốt nghiệp năm 1966, Cao Thế Dũng được phân công tác tại Tổng cục địa chất. Khi về công tác tại Vụ Kỹ thuật Tổng cục Địa chất, ông được biết cơ quan mới chỉ nghiên cứu nước ngầm. Là người đam mê khám phá, thích những điều mới mẻ, khi được phân công phụ trách vấn đề nước khoáng, ông rất thích thú. Bắt đầu từ con số không, ông Dũng tìm hiểu, đọc tài liệu và càng đọc, càng nghiền ngẫm, ông càng say mê nghiên cứu. Cuối cùng nước khoáng trở thành lĩnh vực nghiên cứu chính trong hoạt động khoa học của ông.

Trong khoảng thập niên 60-70, Việt Nam được Liên Xô viện trợ khoa học kỹ thuật, giúp nước ta thăm dò dầu khí ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Năm 1969, Đoàn dầu khí 36 thuộc Tổng cục Địa chất tiến hành khoan tìm kiếm dầu khí, nghiên cứu cấu tạo ở lỗ khoan số LK14 tại xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên khi khoan không gặp dầu khí mà gặp nước khoáng nóng phun lên, nhưng là nước khoáng mặn nên đã bỏ mũi khoan. Vì là khoáng mặn nên ống khoan sau một thời gian nhanh chóng bị han rỉ. Nhân dân địa phương thấy khu đất nền khoan rộng rãi, bỏ trống, nên có bác thợ may đến địa điểm đó dựng nhà.

Khoảng năm 1980, nước ta bắt đầu mở cửa giao thương, Hải Phòng có cảng biển nên phát triển mạnh. Vì vậy ban lãnh đạo thành phố muốn xây dựng khu nghỉ dưỡng cho cán bộ công nhân viên. Ủy ban nhân dân thành phố biết có nguồn nước khoáng tại LK14 Tiên Lãng, dự định xây dựng ngành du lịch dựa vào nguồn nước khoáng. Công việc được giao cho Liên đoàn lao động thành phố Hải Phòng. Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng nhờ Tổng Công đoàn Việt Nam giúp đỡ.

TS Cao Thế Dũng trong chuyến nghiên cứu nước khoáng nóng tại Lardorello Ytaly năm 1987

Vốn đã có uy tín và kinh nghiệm với Tổng Công đoàn qua nghiên cứu khai thác nguồn nước khoáng Kim Bôi năm 1973 nên ông Dũng được Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng mời xuống nghiên cứu nguồn nước khoáng LK14 Tiên Lãng. Tuy nhiên khi xuống khảo sát thì lỗ khoan không còn. Trên nền khoan sừng sững một ngôi nhà xây của một bác thợ may và chủ nhà khẳng định dưới gầm giường là một giếng khoan vẫn còn ống thép đã han rỉ. Ông Dũng đề xuất với Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng thuê Tổng cục Dầu khí khoan lỗ khác. Nhưng để khoan một lỗ sâu 800m phải mất tiền triệu (lúc ấy chừng 100 đồng/chỉ vàng) vì vậy lãnh đạo Liên đoàn Lao động thành phố phân vân vì vượt quá khả năng. Ông Dũng tặc lưỡi: Để tôi thử xem sao, miễn là các anh phụ cho tôi4.

Sau khi thuyết phục bác thợ may đồng ý dỡ nhà, ông Dũng cho tiến hành đào gầm giường, quả nhiên còn ống khoan đã hoen gỉ, cách mặt đất khoảng 0,8m. Ông Dũng yêu cầu một tổ khoan ruột gà từ Sở Xây dựng xuống, dựng tháp 3 chân ngay trong nhà, xoáy sâu vào trong ống khoan, lôi lên đủ thứ đất đá, gạch vỡ, lõi ngô, cành cây… Khi xuống đến chừng 20m mũi khoan bị tắc, ông Dũng đoán có lẽ do gặp viên gạch hoặc viên đá to. Tổ khoan ruột gà rút đi. Sáng hôm sau, ông Dũng quan sát có nước dâng lên trong lỗ khoan, ngang với mực nước ngoài ao. Thấy có tia hy vọng, ông đề nghị thuê một chiếc máy bơm Kohler-4 của mấy bác chuyên tát ao bắt cá. Làm việc trong 3 ngày liền, đến sáng ngày thứ tư, khi sờ nước bơm ra hơi ấm hơn nước ao, ông Dũng khấp khởi mừng thầm, tăng thêm cường độ lao động. Cho tới cuối giờ sáng nước đã ấm lên rõ, nhiệt kế đã chỉ vào 320C. Nghỉ ăn trưa xong thì nước ấm vẫn tự chảy ra khỏi lỗ khoan mà không cần đến bơm nữa. Tự nhủ thành công đến 90%, ông Dũng cho tăng cường bơm để nước ngày càng nóng hơn. Đúng 15 giờ 15 phút ngày 5-4-1983, nguồn nước khoáng chính thức được khai thông, nước đã nóng vượt con số 400C. Ông Dũng mừng quá, nhờ người nói với ông Lựu là Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng rằng: Tôi đã thành công, đã khơi thông được dòng nước khoáng nóng trong lỗ khoan để nó tự chảy lên5. Ông Lựu biết tin, phi ngay chiếc xe 82 đời cuối xuống công trường, ôm ông Dũng mừng rỡ.

Sáng hôm sau, khi đang lúi húi ở lỗ khoan, ông Dũng thấy một chiếc xe Vonga đen đỗ ngoài cổng. Ông Lựu dẫn một người mặc bộ complet đen đi vào và giới thiệu: Đây là bác Đoàn Duy Thành – Bí thư Thành ủy Hải Phòng và giới thiệu thêm: Sáng nay bác Thành chủ trì hội nghị của Thành ủy, nhận được điện thoại báo cáo của huyện, bác Thành khai mạc xong là ra xe đi ngay về Tiên Lãng, cùng đi có đồng chí Hoàng Thị Linh – Phó thư ký Liên hiệp công đoàn thành phố, đại diện cho Ủy ban nhân dân thành phố và các ngành liên quan. Sau khi nghe ông Dũng giới thiệu về công việc của mình ở công trường, về nguồn nước khoáng… ông Đoàn Duy Thành khen ngợi đoàn công tác đã có nhiều cố gắng, được sự giúp đỡ của các cơ quan, ngành, địa phương và nhân dân, trong thời gian ngắn đã tìm lại nước khoáng, góp phần làm giàu cho thành phố. Sau đó ông Thành và ông Dũng cùng nâng chén nước khoáng uống ngay tại nguồn. Ông Thành mời ông Dũng hôm sau về thành phố dự chiêu đãi của Thành ủy, rồi lại lên xe về thành phố chủ trì tiếp cuộc họp.

Ngày đó Tổng cục địa chất chưa có chuyện ký hợp đồng để làm công việc khoa học kỹ thuật cho các địa phương, vì vậy chỉ có chút quà tình nghĩa khi công việc đã xong. Hoàn thành công việc, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng quyết toán hơn một trăm nghìn đồng. Theo nghiên cứu của trường Đại học Dược Hà Nội và các nhà khoa học Việt Nam, Tiệp Khắc, nước khoáng ở Tiên Lãng là 1 trong 5 mỏ nước khoáng đặc biệt có giá trị của Việt Nam, giống với các nguồn nước khoáng nóng quý giá khác trên thế giới như: Mirgorod của Nga, Darkov của Tiệp Khắc, Baisov của Bungari, E`laruc và Sallivs de Jura của Pháp… chữa được nhiều bệnh như: viêm mãn tính đường hô hấp trên, dây thần kinh ngoại biên, thoái hóa, lao hạch, xương khớp không phải do lao, rối loạn chức năng nội tiết, tạng bạch huyết, di chứng chấn thương hoặc sau giải phẫu, đặc biệt với các bệnh nấm, ngoài da… Tuy nhiên do gặp trục trặc nên Liên đoàn lao động thành phố chưa thể triển khai xây dựng được khu du lịch nghỉ dưỡng. Mãi đến năm 2000, có ông chủ khách sạn Phú Vinh mua lại khu đất và mời ông Dũng (thời điểm này ông Dũng là Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học địa chất nước khoáng, thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam) đánh giá trữ lượng để tiến hành xây dựng khu du lịch suối nước khoáng nóng Tiên Lãng vào năm 2004. Hiện nay suối nước nóng Tiên Lãng là địa điểm du lịch hấp dẫn tại Hải Phòng, thu hút đông đảo du khách bốn phương, là điểm đến đem lại những trải nghiệm ấn tượng ở thành phố hoa phượng đỏ.

Nhớ lại quá trình đi tìm nguồn khoáng nóng Tiên Lãng cách đây đã 40 năm tròn, TS Cao Thế Dũng vẫn nguyên vẹn cảm xúc ban đầu như chưa hề phôi pha.

                                                                                                                                                                                                                                                                       Vũ Đình Triệu

 


1 TS Cao Thế Dũng sinh năm 1945 tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ông là nhà khoa học chuyên ngành Khoa học trái đất, nguyên Tổng giám đốc liên hiệp khoa học địa chất nước khoáng, thuộc Tổng hội địa chất Việt Nam. Ông đạt học vị tiến sĩ năm 1988.

2 Nay là Đại học Bách khoa Hà Nội.

3 Tài liệu ghi âm TS Cao Thế Dũng ngày 7-12-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

4 Tài liệu ghi âm TS Cao Thế Dũng ngày 7-12-2022, đã dẫn.

5 Tài liệu ghi âm TS Cao Thế Dũng ngày 7-12-2022, đã dẫn.