Những cái tết vắng cha
PGS.TS Nguyễn Thị Phượng chào đời khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa mới bắt đầu và trải qua những năm tháng tuổi thơ không có cha bên cạnh. Cha bà – ông Nguyễn Hữu Thọ là một chiến sĩ cách mạng, thường xuyên vắng nhà vì cuộc kháng chiến. Bà lớn lên bên mẹ và bà nội ở vùng tạm chiếm thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Năm 1953, bà nội mất, giặc mở nhiều cuộc càn vào làng bắt những gia đình có người hoạt động cách mạng, Nguyễn Thị Phượng cùng mẹ được đón lên chiến khu Ba Lòng. Tại đây lần đầu tiên bà được gặp và nhìn rõ cha mình. Bởi những lần cha bà về thăm nhà thường bí mật vào buổi tối, lúc cả nhà đã ngủ say. Lần đó ông Nguyễn Hữu Thọ trên đường từ Huế ra Bắc công tác đã ghé thăm vợ con tại chiến khu. Bà Nguyễn Thị Phượng hồi tưởng: Cuộc sống ở chiến khu rất vui, nhưng niềm vui lớn nhất là khi cha ghé thăm. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp và nói chuyện tự do với cha. Ông dặn dò tôi rất nhiều: phải chăm chỉ học hành, ngoan ngoãn, và nhớ uống thuốc quinin phòng sốt rét hàng ngày. Vì thuốc quá đắng nên tôi thường trốn uống, dẫn đến một lần bị sốt rét nặng[1]. Khoảnh khắc ngắn ngủi ấy chấm dứt khi cha phải lên đường.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (1954), Nguyễn Thị Phượng cùng mẹ trở về quê, nhưng vẫn chưa có dịp đón một cái Tết bên cạnh cha và ký ức tuổi thơ của bà cũng thiếu đi hình bóng cha.
Những năm ăn tết xa nhà
Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhiều trường học sinh miền Nam được thành lập. Năm 1955, ông Nguyễn Hữu Thọ khi đó là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình gửi con gái vào trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng.
Những năm học tập xa nhà (1955 – 1964), Nguyễn Thị Phượng chỉ về thăm gia đình một vài lần trong dịp nghỉ hè. Mỗi lần trở lại trường, nỗi nhớ nhà trong tâm thức của bà lại càng da diết, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán. Trong khi một số bạn bè về với gia đình hoặc người thân thì Nguyễn Thị Phượng và nhiều bạn khác phải đón tết tại trường vì không có điều kiện về nhà.
Nguyễn Thị Phượng (ngồi thứ 4, hàng 1 từ phải) cùng các bạn lớp 1A trường Học sinh miền Nam số 7 tại Hải Phòng, năm 1956 |
PGS Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: Tôi vẫn nhớ như in, những năm học lớp 1, lớp 2 Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng thường đón 2-3 học sinh đến ăn Tết cùng gia đình họ. Dù chỉ là sáng đón, chiều trả, nhưng đó là những ký ức ấm áp giúp chúng tôi cảm nhận không khí tết. Tại trường, chúng tôi đón giao thừa cùng nhau, lắng nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết và thưởng thức bánh chưng, các bữa ăn dịp Tết cũng được cải thiện hơn[2].
Ký ức về những cái Tết xa nhà của PGS.TS Nguyễn Thị Phượng không chỉ là hồi tưởng về một thời thơ ấu đặc biệt, mà còn là bức tranh sống động về một giai đoạn lịch sử của đất nước, nơi những đứa trẻ như bà đã phải chấp nhận hy sinh nhỏ cho những mục tiêu lớn lao của dân tộc.
Cái tết sum vầy trọn vẹn
Năm 1964 đánh dấu một bước ngoặt trong đời PGS.TS Nguyễn Thị Phượng khi các trường học sinh miền Nam cho phép học sinh có cha mẹ ngoài Bắc được về học tập tại địa phương và sống cùng gia đình. Bà Nguyễn Thị Phượng quyết định về Vinh (Nghệ An) nơi gia đình đang sinh sống, để hội ngộ với ba mẹ, các em và học tiếp năm cuối phổ thông tại trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng. Lúc này cha của bà đã được điều chuyển công tác từ Quảng Bình ra Nghệ An và giữ chức vụ Trưởng phòng Động viên dân quân Quân khu IV nên có điều kiện về thăm gia đình thường xuyên. Tết Ất tỵ (1965) đã trở thành dấu ấn sâu đậm nhất với bà Nguyễn Thị Phượng bởi đó là cái Tết sum vầy sau gần thập kỷ học tập xa nhà.
Khi nhắc đến kỷ niệm này, PGS.TS Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: Tết năm 1965 là cái tết đặc biệt, bởi tôi được ăn tết ở nhà sau 9 năm học tập tại Hải Phòng. Được cùng mẹ chuẩn bị tết, làm mứt gừng, mứt cà rốt, gói bánh chưng, chuẩn bị quần áo mới cho các em. Các em thì có chị ở nhà chúng vô cùng vui sướng. Đêm giao thừa ba về nhà với túi quà của đơn vị là một ít nho khô, mấy quả hồng dẻo ép của Trung Quốc. Đó là cái tết đầu tiên và cũng là duy nhất sum vầy cả gia đình. Bởi sau tết ba tôi đi B rồi hy sinh đúng tết Mậu Thân 1968 tại Thừa Thiên Huế[3].
Ký ức về Tết của PGS.TS Nguyễn Thị Phượng không chỉ là câu chuyện về những cái tết của riêng một cá nhân, mà là bức tranh sống động về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó là ký ức về tình thân, sự sum vầy và tình yêu gia đình, đất nước trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Nông Thị Thúy Nga
* PGS.TS Nguyễn Thị Phượng sinh năm 1946 tại thôn Đại Hòa, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nguyên Phó trưởng Bộ môn Nhi trường Đại học Y Hà Nội, Ủy viên thường vụ Hội Nhi khoa Việt Nam.
[1] Bài viết Chiến khu Ba Lòng của PGS.TS Nguyễn Thị Phượng ngày 10-8-2022, tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Thị Phượng ngày 10-1-2024, lưu trữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Thị Phượng ngày 10-1-2024, tài liệu đã dẫn.