Ngay sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Dân chủ Đức (1987) về nước, ông Hoàng Văn Tiệu được phân công về Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (sau đây gọi tắt là Trung tâm Vịt) thuộc Viện Chăn nuôi, tham gia chuẩn bị triển khai dự án “Phát triển chăn nuôi vịt ở Việt Nam”. Đây là dự án của FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc), nhằm giúp Việt Nam – một nước có nghề chăn nuôi vịt khá phát triển nhưng chủ yếu là các giống vịt bản địa có năng suất thấp, nuôi theo hình thức chăn thả – phát triển ngành chăn nuôi vịt. Ông tâm sự: Thuở đó, tôi là phó tiến sĩ đầu tiên của Viện Chăn nuôi vừa tốt nghiệp đã về cơ sở công tác chứ không ở lại Viện[1].
Dự án được phê duyệt vào năm 1989, do PTS Lương Tất Nhợ – Giám đốc Trung tâm Vịt là Chủ nhiệm. Đa số cán bộ của Trung tâm này tham gia triển khai nội dung dự án, bao gồm nhập giống vịt cao sản; tham quan, học tập về cơ sở, kỹ thuật chăn nuôi vịt của thế giới để về thực hiện dự án.
Thời điểm ấy, điều kiện của Trung tâm vô cùng khó khăn, đã có lúc phải vay tiền ngân hàng với lãi suất lên tới 13%/năm để trả lương cho cán bộ, công nhân viên. Dù vậy, khi nhận dự án mới, mỗi thành viên đều quyết tâm thực hiện với hy vọng khẳng định vị trí của Trung tâm trong “làng vịt”.
PGS Hoàng Văn Tiệu nhớ lại, sau khoảng 5 tháng làm cán bộ kỹ thuật, tháng 10-1987, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Vịt, phụ trách mảng kỹ thuật. Giám đốc Trung tâm – PTS Lương Tất Nhợ giao cho ông tìm hiểu nguyên nhân vì sao (từ khi thành lập năm 1980) Trung tâm không thể nuôi được vịt con?
Từ năm 1980, tại Trung tâm thường xuyên xảy ra tình trạng vịt con chết dần, số lượng có lúc lên tới 90% đàn vịt đang nuôi. Viện trưởng Viện Chăn nuôi GS Nguyễn Văn Thưởng lần lượt cử hai nhóm cán bộ phòng Thú y của Viện xuống kiểm tra và tìm hướng khắc phục. Khi mổ xác, họ xác định vịt bị nhiễm virus gan siêu vi trùng nên những lứa vịt sau đều được tiêm vaccine. Dưới con mắt của các nhà Thú y, Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên được coi là một ổ dịch “viêm gan”[2], TS Lương Tất Nhợ[3] cho biết. Thậm chí, để tránh nguồn lây nhiễm virus, họ còn đề xuất chở nước sạch từ Hà Nội về Trung tâm. Tuy nhiên, sau 2-3 lứa thử nghiệm thì vẫn có hơn 60% vịt con bị chết. Vì vậy, ông Thưởng ký quyết định không cho Trung tâm nuôi vịt con. Có thời điểm, cán bộ của Trung tâm phải đưa vịt con nhờ các hộ gia đình xung quanh nuôi thì nó lại sống được. Mãi về sau chúng tôi mới biết rằng loại nguyên liệu thức ăn cho vịt mà Trung tâm đang dùng có vấn đề[4], PGS Hoàng Văn Tiệu cho biết thêm.
Ngay khi nhận nhiệm vụ, Hoàng Văn Tiệu mổ xác vịt để tìm hiểu nguyên nhân. Ông thấy toàn bộ phần thanh quản, phổi và buồng trứng của vịt có nhiều ụ nước, quả thực gan vịt giống với biểu hiện của nhiễm virus viêm gan siêu vi trùng. Dù vậy, ông vẫn đọc thêm tài liệu, tham khảo kinh nghiệm của người dân để tìm ra nguyên nhân thực sự. Khoảng đầu năm 1988, có một vị chuyên gia về Thú y của FAO xuống thăm Trung tâm Vịt. Trong buổi trao đổi, vị chuyên gia nhiều lần nhắc đến việc vật nuôi ở Việt Nam bị nhiễm độc aflatoxin, đối tượng dễ nhiễm nhất là vịt con và lợn con. Ông Hoàng Văn Tiệu thấy tò mò nên hỏi thêm về biểu hiện của vật nuôi bị nhiễm độc aflatoxin thì được biết nó khá tương đồng với những con vịt mà ông đã mổ: có những u ở thanh quản, phổi, còn buồng trứng bị teo dần, màu thâm đen. Ông chợt nghĩ: Điều mình cần tìm kiếm đây rồi! [5] Tiếp tục trao đổi với vị chuyên gia thì ông biết rằng, nguồn thức ăn dễ nhiễm độc tố aflatoxin là khô dầu lạc, ngô và khô dầu đậu tương.
Thời kỳ đó, thành phần chính trong thức ăn của vịt tại Trung tâm là khô dầu lạc và ngô. Vì vậy, ông bàn với Giám đốc Lương Tất Nhợ và các thành viên trong Trung tâm nên thay đổi khẩu phần ăn của vịt con. Ông làm đơn đề nghị gửi Viện trưởng Nguyễn Văn Thưởng cho phép Trung tâm nuôi vịt con. Khi nộp đơn, ông trình bày suy nghĩ của mình và những điều đã trao đổi với chuyên gia nên được chấp thuận. Nhóm tiến hành thanh lý toàn bộ số vịt đã nhiễm độc aflatocxin và nhập đàn vịt Cỏ một ngày tuổi về nuôi thử nghiệm. Về khẩu phần thức ăn của vịt, bên cạnh bột cá, chúng tôi thay khô dầu lạc bằng đậu tương rang, thay 50% ngô bằng thóc. Sau hai đợt thử nghiệm, số lượng vịt con còn sống chiếm tới 95%. Vậy là chúng tôi đã thành công bước đầu và sẵn sàng triển khai dự án[6], PGS Hoàng Văn Tiệu chia sẻ.
PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, 2022
Năm 1989, dự án “Phát triển chăn nuôi vịt ở Việt Nam” chính thức được triển khai. Đã thử nghiệm thành công trên vịt Cỏ nên các thành viên của Trung tâm Vịt vô cùng hào hứng. Đợt đầu tiên, tổ chức FAO cung cấp cho Trung tâm giống vịt CV Super M thương phẩm một ngày tuổi của hãng Cherry Valley (Anh) để nuôi thử nghiệm. Từ đợt thứ hai, khoảng 5 tháng sau, họ cho nhập vịt con dòng bố mẹ của CV Super M. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, ông Hoàng Văn Tiệu trao đổi với chuyên gia của FAO đang phụ trách dự án: Nếu dự án chỉ nhập vịt bố mẹ thì sau 1 năm sẽ bị mất nguồn gen, không duy trì được sự phát triển của chăn nuôi vịt ở Việt Nam như mong muốn. Mong ông giải trình với FAO và đề xuất cho chúng tôi được nhập vịt ông bà nhằm duy trì nguồn gen[7].
Thông thường, các đơn vị cung cấp con giống sẽ yêu cầu đối tác nhập giống vịt bố mẹ trên 10 năm mới được mua giống ông bà. Tuy nhiên, sự nhiệt thành của vị chuyên gia FAO đã thuyết phục được các thành viên trong tổ chức đồng ý cho Việt Nam nhập vịt ông bà của hãng Cherry Valley. Đồng thời, có thể hãng Cherry Valley không tin là ta có thể giữ được giống ông bà nên đồng ý cho nhập. Họ cũng rất cẩn trọng khi chỉ cho Việt Nam nhập vịt đơn tính. Tức là nhập vịt đực của dòng ông, vịt cái của dòng bà để chúng ta không thể chọn tạo được loại vịt y hệt của họ[8]. May mắn rằng, trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Tổng hợp Karl Marx, Leipzig ông Hoàng Văn Tiệu đã được thực tập tại các xí nghiệp giống của Đức nên nắm được quy trình cơ bản của việc chọn tạo giống vật nuôi từ việc chọn dòng thuần, tạo tổ hợp gen…và có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn ở Việt Nam.
Giống Vịt CV Super M tại Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên, 1997
Trong hai năm triển khai (1991-1992), với công tác chọn lọc cá thể và quần thể từ 1400 con vịt, nhóm nghiên cứu đã nhân thuần chọn lọc được 4 dòng để làm cơ sở tạo các tổ hợp lai thương phẩm có năng suất cao và ổn định như T3, T4, V5, V7. Dù dòng vịt này không hoàn toàn giống loại CV Super M được nhập từ Anh quốc nhưng có nhiều phẩm chất tương tự. Sở dĩ dòng vịt có tên gọi bắt đầu bằng chữ T là bởi đa số tác giả của nó đều có tên bắt đầu bằng chữ T: Hoàng Văn Tiệu, Nguyễn Đức Trọng[9], Phạm Văn Trượng[10], Dương Xuân Tuyển[11]… và chữ V là xuất phát từ tên gọi Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Chăn nuôi gia cầm Vigova.
Chia sẻ thêm về hành trình chọn tạo các giống vịt T2, T3, PGS Hoàng Văn Tiệu cho biết: Hàng ngày, chúng tôi phải dậy sớm hơn cả công nhân, đi quan sát từng chuồng vịt, xem tình trạng và mùi phân vịt có biểu hiện của bệnh gì hay không để kịp thời xử lý, nếu đi muộn hơn thì công nhân sẽ dọn dẹp hết[12]. Rồi có những đợt, ông và đồng nghiệp đi sưu tầm các mẫu ngô ở miền Bắc và gửi cho TS Đậu Ngọc Hào[13] – một chuyên gia về độc tố aflatoxin ở Việt Nam phân tích. Báo cáo cho thấy lượng aflatoxin trong hạt ngô dao động từ 300 – 2100mg/kg. Từ đó, các ông gửi khuyến cáo đến các cơ sở sản xuất thức ăn cho vịt, yêu cầu họ chọn lựa thật kỹ các loại ngô, cần thiết có thể phân tích hàm lượng aflatoxin trong từng lô hàng ngô nhập về để tránh gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Giống vịt CV Super M được nuôi ở miền Nam Việt Nam, khoảng 1991-1992
Bên cạnh việc chọn tạo thành công giống vịt CV Super M và cung cấp cho các vùng lân cận, các thành viên trong nhóm còn tiếp tục muốn phát triển vịt ở miền Nam. Thuở đó, người dân miền Bắc chưa ưa chuộng thịt và trứng vịt như hiện nay. Việc tiêu thụ các sản phẩm từ vịt ở miền Nam phổ biến hơn miền Bắc nên nhóm cho rằng cần mở rộng địa bàn phát triển vịt. Vì vậy, nhóm nghiên cứu cùng thảo luận và quyết định đề xuất với vị chuyên gia của FAO để đưa vịt giống vào miền Nam. Nhận được sự đồng thuận của tổ chức FAO, Trung tâm Vịt kết hợp với Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật miền Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Chăn nuôi gia cầm Vigova để đưa 2/3 vịt giống do FAO tài trợ vào miền Nam. Từ đó, đàn vịt CV Super M đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc phát triển chăn nuôi vịt ở nước ta.
Không dừng lại ở đó, trong quá trình triển khai dự án, PGS Hoàng Văn Tiệu nhận thấy phát triển chăn nuôi vịt ở miền Bắc mà không có giống vịt chuyên trứng thì chưa thể gọi thành công. Vì vậy, ông trao đổi với PTS Lương Tất Nhợ để đề nghị vị chuyên gia của FAO cho phép Việt Nam nhập vịt chuyên trứng. Sau khi nhận được sự chấp thuận của tổ chức FAO, vị chuyên gia đã liên hệ FAO Thái Lan để nhập trứng vịt Khaki Campbell về Việt Nam. Lo lắng chất lượng phôi trứng vịt bị ảnh hưởng bởi quá trình vận chuyển nên ông Hoàng Văn Tiệu đã đề nghị đơn vị cung cấp cho nhập trứng đã ấp 18 ngày. Lúc này, họ có thể dùng máy chuyên dụng để soi và xác định được khả năng trứng nở. Trung tâm Vịt cử một nhóm 8 cán bộ sang Thái Lan để tập huấn kỹ thuật chọn tạo và nuôi vịt Khaki Campbell kết hợp mang trứng về Việt Nam. PGS Hoàng Văn Tiệu nhớ lại: Nhóm phải đóng gói trứng đúng kỹ thuật và thật cẩn thận, không được nóng hay lạnh quá. Khi về đến sân bay Nội Bài, chúng tôi xin phép cho ô tô của Trung tâm chạy thẳng vào sân bay để mang trứng về, kịp thời ấp nở[14]. Với kinh nghiệm sẵn có từ việc nhân giống, chọn tạo giống vịt CV Super M, nhóm nhanh chóng phát triển vịt Khaki Campbell tại Việt Nam. Hiện nay, các trại chăn nuôi của Việt Nam vẫn khá phổ biến vịt siêu trứng Khaki Campbell và vịt lai giữa hai dòng Cỏ – Khaki Campbell.
Sau gần 4 năm triển khai (1989-1992), dự án kết thúc. Buổi lễ tổng kết dự án tại thành phố Hồ Chí Minh (11-1992) đã ghi nhận những đóng góp trong khoa học và thực tiễn của dự án khi phát triển hai dòng vịt CV Super M và siêu trứng Khaki Campbell trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Dự án VN86-007 đã được FAO đánh giá là dự án thành công lớn nhất của FAO cho đến năm 1992. Việc tạo ra giống vịt siêu thịt của Việt Nam đã làm thay đổi cơ cấu chăn nuôi vịt thịt, đặc biệt là ở miền Nam. Từ nhiều năm nay Việt Nam không phải nhập giống ông bà mà còn xuất bán cho Ấn Độ, Malaisia, Lào, Ai Cập…Hàng năm, sản xuất khoảng 12-13 triệu vịt thịt thương phẩm giữa dòng ông và dòng bà của CV Super M, hàng chục triệu con lai…tạo thêm công ăn việc làm cho khu vực nông thôn và miền núi mang lại nguồn lợi cho xã hội[15], PGS Hoàng Văn Tiệu đánh giá.
Hai năm sau, năm 1994 dù được điều chuyển về Viện Chăn nuôi nhưng ông Hoàng Văn Tiệu vẫn tiếp tục đồng hành cùng các thành viên ở Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên để triển khai công trình “Nghiên cứu vịt thịt CV Super M ở Việt Nam”. Ghi nhận những đóng góp hiệu quả của công trình dự án phát triển ngành chăn nuôi vịt tại Việt Nam, năm 2000 Nhà nước đã quyết định trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ cho tập thể tác giả, tham gia công trình, đứng đầu là PGS.TS Hoàng Văn Tiệu.
Lợi Lê
* PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, chuyên ngành Chăn nuôi, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi.
[1] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, 23-4-2022, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[2] TS Lương Tất Nhợ, bài Những kỷ niệm khó quên về nghề vịt, Kỷ yếu 40 năm Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên – Giá trị kết tinh (1980-2020), NXB Nông nghiệp, tr127, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] TS Lương Tất Nhợ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên (1984-1989).
[4] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, 23-4-2022, đã dẫn.
[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, 23-4-2022, đã dẫn.
[6] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, 23-4-2022, đã dẫn.
[7] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, 23-4-2022, đã dẫn.
[8] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, 23-4-2022, đã dẫn.
[9] Ông Nguyễn Đức Trọng sau là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên (1994-2003).
[10] Ông Phạm Văn Trượng lúc đó đang là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên.
[11] Ông Dương Xuân Tuyển lúc đó đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Chăn nuôi gia cầm Vigova.
[12] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, 23-4-2022, đã dẫn.
[13] Ông Đậu Ngọc Hào sau là Giáo sư – tiến sĩ, Phó cục trưởng Cục Thú y.
[14] Tài liệu ghi âm PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, 23-4-2022, đã dẫn.
[15] PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, Đánh giá giá trị công trình “Nghiên cứu vịt siêu thịt ở Việt Nam”, tr2, lưu trữ tại Trung tâm Vịt Đại Xuyên.