Tin buồn từ phương Nam: Trái tim GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế ngừng đập

Những ký ức về GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế, về các chuyến công tác xuôi phương Nam của chúng tôi – Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam cứ ùa về ướt nhòe đôi mắt.

Còn nhớ, từ tháng 5-2016, Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam đặt vấn đề nghiên cứu sưu tầm tài liệu hiện vật của ông và được ông tin tưởng trao tặng hơn 2400 tài liệu hiện vật quý với nhiều loại hình. Tiêu biểu trong số đó là hàng trăm cuốn nhật ký điền dã, nghiên cứu về ngôn ngữ được ông ghi chép và lưu giữ từ những năm 60 đến những năm 80 của thế kỷ trước; hàng trăm bản thảo nghiên cứu và bộ sưu tập thư trao đổi với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước… Sau đó một năm, chúng tôi tổ chức lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật của thầy tại TP Hồ Chí Minh.

GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế trong buổi làm việc đầu tiên
với Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (2016)

Buổi tiếp nhận ấy rất đặc biệt ở chỗ đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức ở phương Nam, cũng là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện buổi lễ mà chỉ có 4 nhân sự thay vì là cả tập thể. Người quay, người viết tin, người phục vụ buổi lễ kiêm cả người dẫn chương trình. Công việc tưởng chừng như không thể sắp xếp mà lại diễn ra rất trơn chu bởi lẽ đứng sau chúng tôi là gia đình của GS Bùi Khánh Thế. Còn nhớ buổi lễ diễn ra tại sáng ngày ‎15-4-2017 tại trụ sở Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị, số 31 Lê Duẩn, quận 1, Tp Hồ Chí Minh. GIáo sư và gia đình đến từ sớm để đón chúng tôi, bạn bè, đồng nghiệp. Và chúng tôi đã có một kỷ niệm đẹp tại phương Nam khi ấy. Được nghe Giáo sư ôn lại những kỷ niệm của một đời làm nhà giáo, nhà khoa học.

Lễ tiếp nhận tài liệu – hiện vật của GS Bùi Khánh Thế là lễ tiếp nhận tài liệu hiện vật đầu tiên của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh

GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế sinh năm 1934 tại Hà Nội, nhưng tuổi thơ gắn liền với quê hương Bình Thuận. Ông là một nhà ngôn ngữ học đi lên bằng con đường tự học. Sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học (1945), ông tham gia kháng chiến và hoạt động ở Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Bình Thuận với những công việc như làm văn thư, rải truyền đơn, liên lạc… Nhờ quá trình hoạt động sôi nổi và lòng nhiệt thành cách mạng, năm 1951 ông được kết nạp Đảng. Từ năm 1951-1954, ông theo học ở trường trung học Hòa Bình, tỉnh Bình Định. Cuối năm 1954, ông được tập kết ra Bắc. Năm 1956, khi chưa tốt nghiệp cấp 3, ông nhận được lệnh tập trung ra Hà Nội để học lớp tiếng Nga đặc biệt.

Sau khi tốt nghiệp lớp tiếng Nga, Bùi Khánh Thế được phân công làm phiên dịch ở Nhà máy Cơ khí trung quy mô (Hà Nội) trong một thời gian, rồi được cử về trường Đại học Tổng hợp Hà Nội dạy tiếng Nga cho sinh viên. Tại đây, ông được làm việc trực tiếp với những học giả uyên bác như Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Tài Cẩn… Kể từ năm 1959, ông thuộc biên chế khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, với nhiệm vụ chính là dạy Nga văn cho sinh viên trong trường.

Với tinh thần ham học hỏi, lấy tự học làm động lực vươn lên, ông Bùi Khánh Thế không chỉ say mê với công tác giảng dạy, mà còn tham gia dịch thuật. Ông sớm hoàn thành việc dịch một số cuốn sách nổi tiếng của văn học Xô viết như Lịch sử văn học Xô-viết (S.O. Mêlíchnubarốp, trọn bộ hai tập, 1961), Các loại hình nghệ thuật (V. Kôginốp, 1963). Những thành công bước đầu ấy càng làm cho ông yêu thích ngôn ngữ học và mong muốn đi sâu vào nghiên cứu lĩnh vực khoa học này.

Bên cạnh những giờ dạy tiếng Nga, giảng viên Bùi Khánh Thế tranh thủ tham gia học tập giống như sinh viên chính quy bằng cách dự thính và thực hiện các bài kiểm tra, được chấm điểm như một sinh viên. Năm 1968, ông được cấp bằng đại học khi đã ở tuổi 34. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông được cử tham gia tiếp quản các trường đại học ở miền Nam. Sau 6 tháng công tác ở Cần Thơ, ông được phân về trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, rồi năm 1977 ông được cử làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1979, ông Bùi Khánh Thế được cử làm thành viên Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch nghiên cứu giữa Viện Ngôn ngữ học Việt Nam và Viện Đông phương ở Liên Xô. Đặc biệt, dựa trên những tài liệu thu thập được ở Việt Nam, cũng như từ quá trình nghiên cứu ở Liên Xô, ông đã hoàn thành bản luận án phó tiến sĩ “Về cơ cấu tiếng Chàm” bằng tiếng Nga. Luận án của ông nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học Liên Xô và Việt Nam. Đặc biệt đây là luận án được hoàn thành mà không có người hướng dẫn.

PTS Bùi Khánh Thế quay trở lại với công tác giảng dạy ngôn ngữ học ở trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Những kiến thức ông tích lũy trong nhiều năm được truyền lại cho sinh viên một cách nhiệt huyết nhất. Nhiều thế hệ học trò luôn nhớ về ông với hình ảnh hiền từ, nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc, “cây cao bóng cả nhưng không che khuất mầm non”. GS Bùi Khánh Thế cũng là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc thành lập khoa Đông phương học ở trường Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (1994).

Bên cạnh công tác giảng dạy, quản lý, GS Bùi Khánh Thế cũng để lại nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Ngay từ đầu những năm 1960, ông đã dịch một số tác phẩm văn học Nga, rồi dịch các tài liệu lý thuyết của Nga phục vụ cho công tác giảng dạy. Ông dày công đào sâu, suy ngẫm hướng nghiên cứu ngôn ngữ học tiếp xúc và về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam. Những cuốn sách như: Nhập môn ngôn ngữ học (Nxb Giáo dục, 1995), Từ điển Chăm – Việt (chủ biên, Nxb Giáo dục, 1995), Mấy vấn đề về tiếng Việt hiện đại (Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2001), Học tập di sản ngôn ngữ của Hồ Chí Minh (Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2011), Tiếng Việt – tiếng nói thống nhất của dân tộc Việt Nam (Nxb Chính trị quốc gia, 2012)… hay những nghiên cứu về tiếng Chàm, tiếng Mnông đăng tải trên các tạp chí khoa học đều là nguồn tài liệu hữu ích cho việc tham khảo, học tập của sinh viên cũng như giới nghiên cứu.

Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử là quy luật, nhưng thật nhói lòng khi nhận tin người thầy đáng kính đã ra đi. Kể từ nay, sẽ không còn những cuộc nói chuyện đường dài, mỗi khi gọi điện sẽ không còn được nghe câu hỏi: Bao giờ các em trở lại Sài Gòn công tác? Và kể từ hôm nay trên bầu trời khoa học phương Nam sẽ mất đi một nhà ngôn ngữ học gạo cội. Trái tim GS.TS.NGND Bùi Khánh Thế đã ngừng đập nhưng những câu chuyện, tài liệu hiện vật của thầy sẽ còn được lưu giữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam mãi mãi, trở thành nguồn di sản vô giá cho tương lai. Xin dâng nén hương thơm nguyện cầu đưa thầy về nơi vĩnh hằng an nghỉ giấc ngàn thu.

Tiễn biệt thầy – GS.TS Bùi Khánh Thế!

Hoàng Thị Kim Phượng