Từ một y tá đến chuyên gia trong lĩnh vực chống đau cộng đồng

Tuổi thơ thiếu thốn

GS.TS Nguyễn Văn Chương sinh năm 1954 tại Th­ường Tín, Hà Nội. Ông là con thứ 3 trong gia đình có bố là giáo viên cấp 1, mẹ làm nông nghiệp, sau ông còn 5 người em. Bố ông mất sớm nên khiến gánh nặng cơm áo đè lên vai mẹ. Ở nông thôn, mức phân phối lương thực của gia đình căn cứ vào sức lao động, gia đình nào có nhiều lao động thì được chia nhiều thóc gạo. Mặc dù gia đình có tới 8 anh chị em, nhưng tất cả đều đang trong tuổi đi học, chỉ có mẹ làm việc chính trong gia đình. Do đó, dù là con thứ ba nhưng là con trai lớn, ông phải chia sẻ trách nhiệm với mẹ trong công việc hàng ngày.

Gác lại bút nghiên, lên đường nhập ngũ

Năm 1971, theo tiếng gọi của Tổ quốc cậu học trò Nguyễn Văn Chương nộp đơn xin nhập ngũ khi mới 17 tuổi và đang học lớp 10 trường cấp 3 Thường Tín, dù lúc đó cậu vẫn khát khao được tiếp tục đến trường. Vì thế trước ngày lên đường đi bộ đội, Nguyễn Văn Chương vẫn đến trường làm bài kiểm tra chất lượng học kì I. Thầy giáo nhìn thấy cậu thì xoa đầu bảo: “Chương chiến đấu đến giờ phút cuối cùng à?”. Ông trả lời: “Vâng, thưa thầy, em vẫn muốn đi học tiếp”[1]. Kết quả, ông đạt điểm xuất sắc trong kì thi này và được tạo điều kiện xét tốt nghiệp cấp 3. Ngày 27-12-1971, Nguyễn Văn Chương nhận quyết định nhập ngũ và được phiên chế vào Sư đoàn 338 đóng quân tại Thanh Hóa. Vì chỉ cao 157cm, nặng 39kg, cậu thanh niên Nguyễn Văn Chương được phân vào tiểu đoàn “thấp bé nhẹ cân”. Nhờ đó mỗi sáng ngoài bánh mì luộc, cậu được phát thêm một ít đường để chấm, đồng thời không phải tập luyện nặng trong thời gian huấn luyện.

Vào quân ngũ, Nguyễn Văn Chương cùng đồng đội phải hành quân liên tục, vừa đi vừa huấn luyện kỹ chiến thuật như bắn súng, gói quân tư trang, bơi lội, lợi dụng địa hình chiến đấu,… Sau mỗi đợt huấn luyện, đơn vị tổ chức kiểm tra kỹ năng chiến đấu của các tân binh. Sau 3 tháng huấn luyện, Nguyễn Văn Chương được thưởng phép 3 ngày về thăm nhà vì đạt điểm giỏi trong khoa mục bắn súng. Trở lại đơn vị, ông cùng đồng đội hành quân vào Quảng Bình và bắt đầu vượt Trường Sơn

Bén duyên với Y học

Căn bệnh u gan cổ trướng đã cướp đi người bố thân yêu khi Nguyễn Văn Chương mới được 14 tuổi để lại nỗi đau và tiếc nuối lớn trong ông bởi sự kém hiểu biết của gia đình cũng như khiếm khuyết của y học thời bấy giờ đã không chẩn đoán chính xác căn bệnh. Điều đó đã thôi thúc Nguyễn Văn Chương nuôi khát vọng trở thành bác sĩ từ khi còn là cậu học trò cấp 2. Dù vậy, ông chia sẻ, con đường đến với ngành Y không phụ thuộc vào ý chí cá nhân mà nhờ vào duyên nợ. Năm 1972, ông được đơn vị lựa chọn cử đi đào tạo lớp y tá ở Nông Cống. Sau khóa học, ông phục vụ thương bệnh binh tại bệnh xá sư đoàn ở Ninh Bình. Một thời gian sau ông được điều chuyển về Phú Thọ và từ đây bắt đầu đi học bác sĩ.

Trước khi thi vào Học viện Quân Y, Nguyễn Văn Chương được ôn tập kiến thức văn hóa. Dù chưa học hết chương trình phổ thông nhưng nhờ tiếp thu nhanh nên ông được phân công làm cán sự hai môn toán, hóa. Năm 1976, Nguyễn Văn Chương thi đỗ vào Học viện Quân y với số điểm là 26 điểm. Tuy nhiên, mới nhập học 3 ngày thì ông được cử đi học ngoại ngữ tại Đại học Ngoại ngữ ở Thanh Xuân để sang CHDC Đức học đại học. Năm 1984, ông Nguyễn Văn Chương tốt nghiệp trường Đại học Ernst-Moritz-Arndt Greifswald, về nước ông được phân công điều trị thương binh tại biên giới phía Bắc.

35 năm cống hiến cho Học viện Quân y

Năm 1985, Nguyễn Văn Chương về Học viện Quân y và công tác tại đây cho tới khi nghỉ hưu. Nhớ lại ký ức về những người thầy và tháng ngày đầu công tác tại Học viện, GS.TS Nguyễn Văn Chương không khỏi xúc động. Người có công lớn trong việc đào tạo GS Nguyễn Văn Chương là PGS.TS Vũ Quang Bích (Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh học Bệnh viện 103, Học viện Quân y): Thầy tìm thấy tôi, đưa tôi về, phân công công việc và giáo dục đào tạo để nâng cao chuyên môn.[2] Suốt những năm tháng đó, ông luôn nhìn các thầy như đích đến để phấn đấu và nuôi khát khao nâng cao tầm hiểu biết. Bên cạnh công tác chuyên môn, ông còn được khai thác khả năng tiếng Đức, đọc, dịch, viết bài cho các thầy.

GS.TS Nguyễn Văn Chương với hơn 50 năm kinh nghiệm chống đau cho cộng đồng

Năm 1998, Nguyễn Văn Chương được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh học, 6 năm sau (2004) ông làm Chủ nhiệm Bộ môn ở tuổi 59 và tiếp tục công tác ở vị trí này tới năm 66 tuổi, sau khi đào tạo lớp cán bộ kế cận cho Học viện Quân y ông mới nghỉ hưu. Bởi vậy, ông luôn tự hào trong lịch sử 74 năm xây dựng và phát triển của Học viện (1949) thì ông vinh dự được đóng góp công sức hơn một nửa thời gian. Trong 35 năm công tác tại Học viện thì có 16-17 năm ông kiêm nhiệm thêm công tác quản lý, duy trì ổn định cả hoạt động điều trị, nghiên cứu khoa học. Ông cùng đồng nghiệp cũng đã xuất bản nhiều cuốn sáchvề chuyên khoa thần kinh như: Thực hành lâm sàng Thần kinh học các tập I, II, III, IV, V với các vấn đề cụ thể là khám lâm sàng hệ thần kinh, triệu chứng học, bệnh thần kinh học, chẩn đoán cận lâm sàng và điều trị học.

Miệt mài với công tác chống đau cho cộng đồng

Suốt mấy mươi năm trong công tác khám, chữa bệnh từ thời chiến cho tới thời bình, GS.TS Nguyễn Văn Chương lưu giữ cho mình không ít những hồi ức về một thời gian khó, đó cũng là động lực quý giá để ông cháy mãi ngọn lửa nhiệt huyết trong nghiên cứu, cống hiến cho y học nước nhà. 

Sau khi học xong lớp y tá, ông Nguyễn Văn Chương làm việc tại các bệnh viện của sư đoàn và điều trị rất nhiều thương bệnh binh từ chiến trường chuyển về. Bên cạnh đó là cấp cứu, điều trị cho người dân bị thương do bom đạn sau những trận đánh phá của Mỹ. Giáo sư Nguyễn Văn Chương kể: sau những lần đánh bom vào các thôn xóm là có hàng loạt ca tổn thương tập thể.Nhiều trường hợp biết mà không cứu được, không cứu kịp bởi số lượng quá đông hoặc do công tác cấp cứu tại chỗ còn hạn chế, đã có những đứa trẻ chết trên tay các y tá, y sĩ[3]. Khi đó ông là một y tá trẻ mới vào nghề, làm việc theo chỉ định của y sĩ. Chứng kiến những người bị thương vô cùng đau đớn ông ao ước có một mũi tiêm có thể giúp họ giảm đau được vài ngày, bởi nhiều trường hợp tổn thương nặng, đau trở lại khi mũi tiêm còn chưa kịp “ngơi”. Đến nay ông vẫn bị ám ảnh bởi tiếng kêu của một bệnh nhân: Chương ơi, tao đau lắm, tao không chịu được[4]. Sau khi học ở Đức về ông trực tiếp tham gia cứu chữa thương, bệnh binh tại biên giới phía Bắc trên cương vị bác sĩ.

Như vậy để thấy rằng, đối với tiếp cận vấn đề chống đau, GS.TS Nguyễn Văn Chương đã có hơn 50 năm kinh nghiệm. Đó là lý do cho đến nay, ông luôn tự tin với những nhận định y khoa của mình. Bên cạnh công tác chuyên môn và quản lý tại Học viện Quân y, với những trăn trở từ khi còn làm việc tại bệnh xá của sư đoàn 338, ông đã xây dựng nền móng cho Hội Chống đau (Hà Nội và Việt Nam) với sự góp mặt của nhiều bác sĩ tên tuổi. Đồng thời tư vấn giúp đỡ thành lập 11 đơn vị chống đau tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Đây là những tổ chức với sự tham gia tự nguyện của các công dân Việt Nam đang sinh sống, hoạt động hợp pháp trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu giảng dạy về chuyên ngành Chống đau trên địa bàn thành phố Hà Nội và cả nước. Hội Chống đau được thành lập với mục đích hỗ trợ, nâng cao trình độ chuyên môn về lĩnh vực chống đau để góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân Việt Nam.

Về hưu ở tuổi 66 nhưng cho đến nay, GS.TS Nguyễn Văn Chương vẫn đang cống hiến sức mình bằng cách tiếp tục công tác tại các trung tâm, cơ sở y tế uy tín, có trình độ chuyên môn cao như Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện MEDLATEC. Nhìn lại hành trình đến với Y học của mình, GS.TS Nguyễn Văn Chương vẫn luôn thầm cảm ơn mối duyên trong quân ngũ đã biến khát vọng làm bác sĩ của ông trở thành hiện thực, từ đó cho ông cơ hội được cống hiến cho y tế cộng đồng.

Viết Thị Thanh Hà


[1] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Văn Chương, ngày 03-01-2024, lưu trữ tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[2] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Văn Chương, ngày 03-01-2024, đã dẫn.

[3] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Văn Chương, ngày 03-01-2024, đã dẫn.

[4] Tài liệu ghi âm GS.TS Nguyễn Văn Chương, ngày 03-01-2024, đã dẫn.