Cuộc đời tôi gắn bó với những giống cây trồng

Tốt nghiệp Trung học phổ thông tại Hà Tĩnh, năm 1960 Trần Thị Tú Ngà thực hiện ước mơ là thi trường Đại học Y Hà Nội, nhưng lại nhận được giấy báo nhập học của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau đó bà có tên trong danh sách được đi học nước ngoài. Năm năm học tại  Đại học Tổng hợp Odessa thuộc Ucraina, năm 1965, trở về nước bà được nhận công tác tại trường Đại học Nông nghiệp I, “đây cũng là bước chuyển lớn trong cuộc đời tôi, cũng từ đó, cuộc đời của tôi gắn liền với những giống cây trồng, với người nông dân”. Đó là những chia sẻ của GS Trần Thị Tú Ngà trong buổi làm việc với nghiên cứu viên của Trung tâm Di sản các nhà khoa học vừa qua tại nhà riêng số 6, Thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội.

GS.TS Trần Thị Tú Ngà

Cũng tại buổi làm việc này, chúng tôi được biết: Năm 1985, sau khi tập hợp những kết quả nghiên cứu trên 73 giống cây trồng ở Việt Nam, giảng viên Trần Thị Tú Ngà được cử sang Viện Hàn lâm Khoa học nước Cộng hòa Mônđavi làm Thực tập sinh. Tại đây, bà đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu sức sống phấn hoa các loài cây trồng Việt Nam và khả năng nâng cao sức sống phấn hoa phục vụ công tác lai tạo giống”. Kết quả của công trình nghiên cứu được Hội đồng khoa học đánh giá cao vì tính ứng dụng của nó, không chỉ áp dụng cho các giống cây trồng ở Việt Nam mà cho một số loại cây ăn quả, cây trồng ở Liên Xô thời kỳ đó. Đặc biệt, đây là đề tài nghiên cứu đầu tiên đánh giá được sức sống của phấn hoa; giới thiệu được phương pháp nâng cao sức sống phấn hoa và bảo quản phấn hoa; tìm được loại hóa chất làm tăng sức sống của phấn hoa… Cho đến nay, những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu đó của bà  vẫn mang tính ứng dụng cao.

Năm nay, người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi này vẫn chưa thôi say sưa nghiên cứu và giảng dạy. Xin được hẹn gặp bà trong một ngày gần đây để được nghe những câu chuyện về cuộc đời đã gắn bó với nghề, với bốn mùa cây trái…

Bích Phương

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam