Bản thảo báo cáo

Bản báo cáo tổng hợp toàn bộ các kinh nghiệm từ công tác tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất, cấp cứu, điều trị cho thương bệnh binh, đến công tác chuyển thương của Quân y viện 139 đóng tại khu vực Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào – một địa bàn quân sự quan trọng của chiến trường C – từ đầu năm 1970 đến cuối 1974. Quân y viện do Bác sĩ Lê Sỹ Toàn làm Viện trưởng.

 

Quân y viện 139 được xây dựng từ cơ sở của Đội Điều trị 952, sau đó tiến lên thành một Bệnh viện dã chiến, rồi trở thành Quân y viện loại B. Điều đặc biệt là toàn bộ Quân y viện này được xây dựng trong các hang đá. Trong 4 năm đã tham gia phục vụ ba chiến dịch lớn: chiến dịch 139, chiến dịch 74b và chiến dịch Z; cứu chữa và trả về mặt trận hàng ngàn thương bệnh binh, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của chiến trường Lào trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Báo cáo này đã được Bác sĩ Lê Sỹ Toàn – khi đó là Viện trưởng Viện Quân y 139 báo cáo trước toàn quân sau khi mặt trận Lào đã hoàn toàn thắng lợi.

Bản báo cáo được tổng hợp ngay tại chiến trường trên cơ sở các báo cáo sau từng trận đánh của Quân Y viện 139. Báo cáo dài 96 trang được viết tay giấy kẻ ngang khổ 19/27cm. Bản báo cáo ngoài phần lời nói đầu, gồm 10 nội dung:

1. Tình hình thu dung điều trị thương bệnh binh tại Quân y viện chúng tôi trong 4 năm ở chiến trường C (từ trang 5-33)

2. Kinh nghiệm 4 năm triển khai Quân y viện trong hang (từ trang 33-41)

3. Chung quanh việc thực hiện 33 chế độ bệnh viện của Cục Quân y trong hoàn cảnh một bệnh viện ở tiền phương (từ trang 42-51)

4. Thu dung và cấp cứu hàng loạt tại Quân y viện 139 (từ trang 52-62)

5. Công tác tổ chức chuyển thương của bệnh viện mặt trận chúng tôi (từ trang 62-66)

6. Hoạt động của bộ phận chuyên khoa trong bốn năm tại Quân y viện 139 (từ trang 66-70)

7. Nhận xét tình hình điều trị bệnh da liễu 10 tháng đầu năm 73 (từ trang 70-76)

8. Nhân một số trường hợp tiêm QUININE bị Abces (từ trang 76-77)

9. Mấy vấn đề trong công tác pha chế huyết thanh của Quân y viện 139 (từ trang 78-82)

10. Kinh nghiệm vận chuyển của Quân y viện 139 (từ trang 82-96)

Tất cả các nội dung đều có số liệu thống kê, phần phân tích số liệu. Một số nội dung các số liệu được thể hiện qua biểu đồ, những nội dung cần minh hoạ bằng hình ảnh thì đều có hình vẽ. Bản thảo có bút tích sửa chữa và bổ sung của Bác sĩ – Viện trưởng Lê Sỹ Toàn.

Ngày 31/10/1969, bác sĩ Lê Sỹ Toàn nhận quyết định lên đường đi chiến trường C (chiến trường Lào). Khi đó ông đang là Viện trưởng Viện 6, bệnh viện thuộc phân khu Quân sự Lai Châu. Đây là lần đi C thứ 3 của ông. Nơi ông đến là mặt trận Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào). Ông được phân công triển khai xây dựng một bệnh viện Tiền phương. Trong thư viết về cho vợ (bà Nguyễn Kỳ Minh Phượng) ngày 25/3/1970, ông viết: "…Anh đã tới và triển khai ở địa điểm mới được một tháng nay rồi…Bệnh viện triển khai hoàn toàn trong hang chứ không làm nhà cửa phía ngoài hang đâu…". Ý tưởng xây dựng bệnh viện trong hang được xuất hiện vào những ngày đầu của chiến dịch 139 (cuối tháng 9/1969). Khi đó Quân y viện 139 mới được thành lập trên cơ sở đội Điều trị 952 và phải triển khai bệnh viện trong hang Nậm The (Lào), vì cơ sở cũ của đội Điều trị 952 bị địch bao vây uy hiếp. Trong thời gian bệnh viện triển khai trong hang, ông đã nhận thấy những ưu điểm của hang đá như: độ an toàn cao khi địch bắn phá; mùa nắng thì ở trong hang rất mát trong khi đó mùa rét (kể cả khi ngoài trời nhiệt độ xuống tới 0độ) trong hang lại ấm; trong hang không có ruồi xanh, ruồi vàng và ít muỗi sốt rét (những côn trùng nguy hiểm); việc bảo quản máy móc, dự trữ lương thực, thực phẩm có nhiều thuận lợi…Với những ưu điểm đó, bác sĩ Lê Sỹ Toàn đã cùng với đồng đội của mình đề xuất và xây dựng một bệnh viện tại mặt trận Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào hoàn toàn trong hang. Lúc đầu, bệnh viện nằm trong 3 hang lớn với sức thu dung và điều trị từ 400-500 thương bệnh binh; về sau bệnh viện đã mở rộng ra nhiều hang nhỏ, và thời điểm thu dung lớn nhất lên tới hơn 1000 thương bệnh binh.

"Từ những hang hẹp lòng không chui lọt chỗ, anh em đã phải đánh đá đào nền mở rộng hang để đi lại dễ dàng. Những khu hang rộng nhưng nền gồ ghề thì phải đào đá, san nền cho phẳng để triển khai những hội trường, những khu hang có thể lắp giường hai tầng để có lượng thu dung được nhiều. Có những chỗ phải chặt cây và dùng ván gỗ để dựng lên những dàn to để triển khai phòng mổ, khu hậu phẫu, bếp ăn…" (Trích báo cáo trang 35). Từ chỗ mọi dụng cụ, phương tiện đến lương thực thực phẩm đều phải vận chuyển, tiếp tế từ trong nước sang, đến chỗ bệnh viện đã gần như hoàn toàn tự túc được mọi thứ. Vừa cứu chữa thương bệnh binh, vừa cải tạo, xây dựng, cuối cùng, Bác sĩ-Viện trưởng Lê Sỹ Toàn đã có thể tự hào viết thư về giới thiệu với vợ con ở hậu phương về bệnh viện Mặt trận thân yêu của mình: "Anh mơ ước: bất ngờ em và hai con tới đây thì…anh sẽ dắt em cùng hai con đi thăm toàn viện. Các con sẽ lấy làm vui khi vào tới hội trường lớn của Viện tập trung được hàng mấy trăm người…Hội trường ở ngay giữa lòng hang sâu đến bom nguyên tử cũng không làm gì được. Em và các con sẽ phát mệt lên vì cứ thấy hết hang này đến hang khác thành một khu liên hoàn từ khoa này sang khoa khác. Ra cửa hang, đứng nhìn vườn rau cải (cải lá, cải bẹ, cải củ…) bạt ngàn xanh tươi mà cảm thấy đời như phơi phới đầy nhựa xuân…Em và các con sẽ đi tham quan khu cận lâm sàng: các cô các chú Khoa Dược đang sắp xếp các kho lớn và bận rộn với những mẻ thuốc đông y, những mẻ huyết thanh…Các cô các chú ở Khoa Hoá nghiệm, X-quang thì bận tíu tít suốt ngày. Đặc biệt là khu Hậu cần quản trị: em và các con sẽ thấy rất lạ là trong một khu hang rất sâu có một cái bếp khổng lồ với trên 10 lò nấu cùng một lúc phục vụ cho gần 1000 suất ăn với đủ các chế độ bệnh lý! Nước được đưa từ giếng lọc và bắc đường ống vào tận bếp, các cô các chú nuôi quân không phải gánh một tí nào…Anh không thể tả hết cho em được nhưng nói thật anh rất phấn khởi và tự hào em ạ…" (Trích thư của bác sỹ- viện trưởng Lê Sỹ Toàn gửi cho vợ ngày 31/12/1972).

Từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, PGS-Bác sĩ Lê Sỹ Toàn đã nhiều lần mong muốn trở lại chiến trường để thăm lại khu bệnh viện mặt trận ngày nào nhưng không có điều kiện. Ông chỉ được nghe một số đồng đội có dịp quay lại khu chiến trường Lào ngày ấy kể lại: Khu vực bệnh viện ngày đó giờ đây đã trở lại thành rừng, cây cối mọc rậm rạp, không thể leo lên các hang đá ngày xưa. Một bệnh viện Mặt trận được coi là lớn nhất ở chiến trường C năm xưa chỉ còn lại trong ký ức, trong các bản báo cáo, và trong những lá thư từ chiến trường.

 

Phạm Kim Ngân