Tôi có cơ hội gặp ông một lần duy nhất khi mới về nhận việc tại Viện Sử học (1969). Tuy là Viện trưởng nhưng ông còn gánh nhiều trách nhiệm khác nên không thường xuyên làm việc ở cơ quan mà tại văn phòng đặt ngay tại nhà riêng cách cơ quan (phố Hàng Chuối) chỉ một con phố (đường Phan Huy Chú).
Ông mời tôi đến gặp cũng chỉ để hỏi một câu: “Anh có ý niệm gì về nghề của mình chưa? Gian khó đấy. Cứ suy nghĩ và tìm hiểu kỹ đi. Nếu ưa làm nghề này tháng sau sẽ phân công việc cụ thể, thế nhé! ”. Rồi ông nói nhanh với tôi như một lời chào chia tay: “Về, cho tôi gửi lời thăm bà ở nhà”.
Về nhà hỏi, mẹ tôi nói rằng bà vợ thứ của ông Liệu là con cụ nhà văn Nguyễn Văn Ngọc mở cửa hàng sách chỉ cách nhà mình mươi ngôi cùng phố Hàng Đường. Ngày xưa, người hàng phố thân thiết với nhau, mẹ tôi cũng tuổi Sửu như tên của bà nhưng thua một giáp nên vẫn qua lại với bà như một người bạn liền chị cho đến khi tôi làm cán bộ thuộc quyền của ông.
Ông Liệu khi còn trẻ đã là nhà báo có tiếng tăm, từng làm “quốc sự” bị Tây đày ra Côn Lôn nên cũng là “người của công chúng” như cách nói bây giờ. Dù không đẹp trai gì nhưng hay “lượn” qua hiệu sách có cô chủ rất đẹp nên dân phố cũng để ý. Đến ngày Cách mạng thành công thì bà Sửu đã thành gia thất với người khác không còn ở ngôi nhà ấy nữa, nhưng tên tuổi của ông Liệu thì nổi bật như một nhà cách mạng tiêu biểu, là Phó Chủ tịch Uỷ ban Giải phóng Dân tộc được bầu tại Quốc dân Đại hội Tân Trào, rồi về Hà Nội tham gia Chính phủ đầu tiên ở cương vị Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền.
Rồi nhiều câu chuyện lưu đồn về ông khi thấy nhà hoạt động chính trị nhiệt huyết và nổi trội với những chức vụ quan trọng lùi dần về với công việc ngày càng trầm lắng và có phần kín đáo của một nhà sử học… Và rồi thế nào hai người “trai tài gái sắc” năm xưa lại tái ngộ với nhau thành vợ chồng. Bà Sửu lại về ở gần nhà tôi (phố Hàng Buồm) nên mẹ tôi vẫn thi thoảng gặp gỡ như chỗ thân tình.
Thế nhưng, chưa đủ một tháng hẹn để gặp lại thủ trưởng thì Viện trưởng Trần Huy Liệu qua đời. Ông ra đi sau một cơn đột quỵ khi dự lễ Kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ tại Uỷ ban Khoa học Xã hội mà ông đang làm Phó chủ nhiệm, vào đúng thời điểm ông vừa nhận được tin người con rể của mình đã hy sinh tại chiến trường miền Nam. Ông mất trước Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ hơn một tháng nên đám tang của ông được coi là sự ra đi sớm nhất của thế hệ các nhà cách mạng vào thời điểm mà ký ức về ông vẫn còn rất đậm nét… Nhưng rồi, cùng với thời gian, những biến đổi xã hội, tên tuổi Trần Huy Liệu chỉ còn trong những trang sử với nhiều ngỡ ngàng về số phận nổi chìm của một nhà hoạt động chính trị, cũng là con đường từ nhà chính trị trở thành nhà sử học.
Ông mất đi nhưng còn để lại được nhiều điều ông tự viết như hồi ký. Những tác phẩm lịch sử của ông đã được tập hợp lại để nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên, nhưng rất nhiều bài báo viết với rất nhiều bút danh của ông đăng tải trên rất nhiều tờ báo cả ở Trung – Nam – Bắc đến nay vẫn chưa ai tập hợp xuể. Và sự nhận biết, đánh giá về Trần Huy Liệu vẫn còn là nhiều khoảng bỏ ngỏ, đặc biệt từ góc độ một chính khách.
Cách đây 20 năm, Võ Nguyên Giáp – vị Chủ tịch Danh dự của Hội Sử học, trong Lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Trần Huy Liệu, người sáng lập Hội, đã nói về người đàn anh hơn 10 tuổi cũng bắt đầu làm báo rồi làm cách mạng để cuối cùng gắn bó với sử học như sau: “Anh Liệu làm báo từ năm 17 tuổi, lúc gặp tôi anh đã là cộng sản. Tôi gặp Trần Huy Liệu lần đầu là năm 1936, khi đó Mặt trận Bình Dân Pháp mới thắng lợi…
Chúng tôi lập ra “nhóm 7 người” (comité de Sept) hoạt động ở nhiều tờ báo như “Le Travail” (Lao Động), “Notre Voix” (Tiếng nói của chúng ta). Tôi và anh Liệu được giao chuẩn bị Hội nghị Báo giới Bắc Kỳ do tôi làm chủ tịch và anh Liệu làm phó chủ tịch, tổ chức cuộc biểu dương lực lượng ngày 1-5-1938 ở Đấu xảo… Lúc phong trào Mặt trận Dân chủ bị đàn áp, tôi đi Trung Quốc, còn anh Liệu ở lại bị địch bắt… Mãi đến năm 1945 tôi mới gặp anh ở Đại hội Quốc dân Tân Trào. Tại Đại hội, tôi đã giao cho anh viết bản Quân lệnh số 1. Anh ngồi viết suốt đêm dưới bóng đèn mờ quên cả đám muỗi rừng bám vào người đốt…
Về Hà Nội, để tranh thủ mọi tầng lớp nhân dân phải có những người có uy tín rộng rãi, vì vậy Uỷ ban Dân tộc Giải phóng đã phân công Bác Hồ làm chủ tịch, anh Liệu làm phó chủ tịch… Sau Cách mạng Tháng Tám thành lập Quân đội chính quy thì tôi phụ trách quân sự, còn anh Liệu làm Cục trưởng Cục Chính trị, về làm chủ bút tờ “Sao Vàng” của Quân đội. Duyên nợ giữa tôi và anh rất sâu sắc như vậy. Qua đó tôi biết anh có người bạn thơ (là chị Thu Tâm). Anh Liệu là người rất tình cảm… Sau kháng chiến, anh đi vào làm sử, anh em chúng tôi vẫn thường gặp nhau… Tôi cho anh là người yêu nước chân chính, quyết liệt, là người cộng sản trung thành… Anh cũng là nhà văn, nhà thơ, nhà sử, một con người rất con người”.
Thu Tâm mà vị Đại tướng của chúng ta không quên nhắc đến khi nói về Trần Huy Liệu là một người phụ nữ đã hâm mộ ông và cả hai đã trở thành “người tình trong tâm tưởng” mà sau này, vị nữ sĩ lão thành này đã viết cả một cuốn hồi ức để thuật lại cuộc tình rất nồng nàn và trong sáng giữa hai người. Hoàn cảnh riêng tư của Trần Huy Liệu cũng éo le vì bên cạnh người vợ đã từng cùng ông sát cánh từ thuở hàn vi kể cả trong những năm tháng ông chịu tù đầy, bà vẫn tần tảo nuôi con và đi theo chăm nuôi cả những người đồng chí là bạn tù của ông, trong đó nhiều người sau này trở thành các nhà lãnh đạo lớn của đất nước.
Rồi ông lại có bà vợ thứ chính là cô chủ hàng sách mà ông đã gặp ngày nào hàn vi. Cuộc hôn nhân thứ hai của ông cũng đầy éo le và bị thêu dệt nhiều điều thị phi. Trần Huy Liệu đã ứng xử như thế nào để thực hiện được cái nguyên lý “tu thân, tề gia…” của đạo Nho mà ông dù là một người rất cách tân nhưng vẫn giữ như một cốt cách truyền thống. Những điều ấy chỉ có người con trai của ông với bà thứ – một nhà báo nhiều kinh nghiệm – có đủ tư cách viết và gần đây đã viết một số bài làm rõ những ẩn khuất của thời gian và làm sáng thêm nhân cách và những tính cách của Trần Huy Liệu trong mảng đời công lẫn đời tư của ông.
Riêng tôi lại có cơ hội chứng kiến mối quan hệ trong đoạn cuối đời của hai bà. Ngày vị Viện trưởng của chúng tôi qua đời, là người có quen biết bà thứ tôi được phân công đi theo và chăm sóc bà trong những nghi thức tang lễ sao cho không để hai bà đụng gặp nhau e gây khó xử… Vậy mà đến ngày “sang áo” cho ông, hai bà cùng có mặt và cùng nhau làm những công việc cuối cùng để chăm sóc hài cốt của người chồng chung. Kể từ đó, giữa hai bà năng đi lại, tâm sự và chăm sóc nhau rất tình cảm. Rồi cái ngày phải đến đã đến, một cách rất tự nhiên, hai cụ bà lần lượt ra đi gần như cùng một lúc, tựa như một kết cục có hậu cho cuộc đời của con người từng sống “rất người” như Trần Huy Liệu.
Thêm một nhà sử học lão thành và tiếng tăm, cũng là Chủ tịch danh dự của Hội Sử, lại đồng tuế với Võ Nguyên Giáp là Trần Văn Giàu cũng đã dành những lời đánh giá trân trọng nhất với người đồng nghiệp đàn anh của mình: “Giữa những năm 20 (của thế kỷ trước), khi tôi đi học ở trường Chasseloup Laubat Sài Gòn thì Trần Huy Liệu đã là một cây bút nổi tiếng trong làng báo Nam Kỳ rồi… tôi không dám đặt mình trong hàng ngũ “bạn hữu” của Trần Huy Liệu đâu, tuy tôi hằng gọi Trần Huy Liệu là anh. Đối với tôi, nếu Trần Huy Liệu không phải là bậc thày thì cũng là bậc huynh trưởng như Nguyễn An Ninh…”.
Riêng với Trần Chiến, con trai với bà thứ của Trần Huy Liệu, cũng giống như Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã dành nhiều tâm sức để sưu tầm, nghiên cứu và viết về người cha của mình. Ngòi bút mạnh bạo và tinh tế khi viết về người cha nhiều hệ luỵ của mình đã khiến những điều anh viết làm cho người đời càng hiểu hơn về ông.
Trong những bài viết của mình, anh công bố những điều “gan ruột” của người cha, nó cũng góp phần lý giải vì sao cuối cùng ông trụ lại ở “sử học”. Sự tiết tháo của một trí thức tân học còn mang nặng giá trị truyền thống của nhà nho trong Trần Huy Liệu đã khiến ông đủ năng lượng trải qua mọi thử thách của thời cuộc: Những ngày tung hoành trong báo giới; thành lập Đảng Thanh Niên, tham gia tổ chức đám tang Phan Chu Trinh; gia nhập rồi trở thành thủ lĩnh Việt Nam Quốc dân Đảng ở Nam Kỳ để bị đi đày ngoài Côn Đảo; quyết liệt đấu tranh với những đồng chí cũ của mình trong Quốc dân Đảng để gia nhập tổ chức cộng sản; lại tung hoành trên trường báo chí công khai của Đảng thời Mặt trận Bình Dân; rồi lại vào tù Nghĩa Lộ để rồi vượt ngục lao vào không khí nổi dậy giành quyền sống; thăng hoa dấn thân với nền độc lập mới giành được; sẵn sàng bộc lộ sự bất đồng của mình với chủ trương của lãnh tụ trước những vấn đề thời cuộc…
Để rồi từng bước ông trượt dài trên một tâm thế mà có lúc ông đã công khai bộc bạch: “Nói chung, lập trường dân tộc, chống đế quốc chủ nghĩa rất vững chắc, rất đắc lực trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Nhưng tới cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thì thấy mệt mỏi, phải cố gắng nhiều. Đối với lý tưởng xã hội chủ nghĩa, nói chung rất say mê, ham thích. Đối với quy luật lịch sử nắm vững và tin tưởng, nhưng lập trường giai cấp biểu hiện ra ý thức hành động thì thấy khó khăn. Đối với Đảng theo nghĩa trừu tượng thì tình cảm sôi nổi, nhưng nhìn vào từng người thì kém nồng nhiệt”. (trích bản tự kiểm thảo-hồi ký)
Do vậy mà Trần Huy Liệu cũng thật khó khăn mới vượt qua những cái mốc của thời cuộc như Cải cách ruộng đất với việc “xét lại hồ sơ giai cấp địa chủ”, bảo lưu ý kiến chưa tán thành hợp tác hoá nông nghiệp… Và thẳng thắn hơn nữa, ông thừa nhận: “Về nhân sinh quan thì thích anh hùng phong kiến, luyến ái ảnh hưởng tình cảm tiểu tư sản… thích khoáng đạt như Tử Du, ngang tàn như Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ..”.
Cũng vì thế mà Trần Huy Liệu đủ sức tụ nghĩa tại Viện Sử học của mình những tên tuổi như Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Hoa Bằng, Trần Văn Giáp, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Từ Chi v.v… điều đó mang lại cái cảm nhận rằng những ai gian truân trên chính trường thường tìm thấy sử học là chốn thể hiện sâu sắc và sang trọng nhất những gì để lại cho đời…