Nhận thức được ý nghĩa sâu sắc đó, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (CPD) ra đời, đã đi vào hoạt động và từng bước phát triển. Tọa lạc trên một địa thế phong thủy hữu tình tại Cao Phong, Hòa Bình, Trụ sở chính của Trung tâm với tên gọi Công viên các nhà khoa học, đang trong quá trình triển khai thiết kế, xây dựng. Nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với tất cả những ai có mong muốn tìm hiểu, khai thác những giá trị của nền học vấn, của những di sản khoa học Việt Nam, nhưng hoàn toàn không giống như vào các Thư viện, Bảo tàng, mà nghiên cứu, trải nghiệm trong một khuôn viên, môi trường văn hóa hiện đại, dân tộc, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Để xứng đáng với những giá trị khoa học được bảo tồn nơi đây, việc xây dựng khu Công viên các nhà khoa học đã được các cấp Lãnh đạo Công ty đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao.
Với những suy nghĩ hướng tới tương lai, cảnh quan của Công viên đã được thiết kế, xây dựng theo mô hình ý tưởng thiên nhiên đặc sắc bởi một hệ sinh thái đa dạng, nguyên sinh, hòa hợp với nội dung văn hóa chủ đạo của Công viên.
Về xây dựng cảnh quan và hạ tầng cơ sở, trước tiên triển khai hệ thống cảnh quan theo từng khu vực phù hợp với mục đích khai thác dịch vụ. Cụ thể là: Thứ nhất, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở sơ bộ nhằm thiết lập quy hoạch tổng thể toàn dự án. Thứ hai,ổn định hệ thống cây tầng cao để xây dựng hình thái không gian chủ yếu. Thứ ba, bổ sung hệ thống cây bụi tầng thấp và thảm cây phủ đất nhằm hoàn chỉnh cảnh quan hài hòa.
Mặt bằng tổng thể thiết kế cảnh quan Công viên các nhà khoa học
Sau khi hình thái cảnh quan đã được hình thành một cách tương đối đầy đủ, việc hoàn thiện các cảnh quan chi tiết sẽ được tiến hành, tiến tới một không gian cảnh quan hoàn chỉnh cho dự án. Việc phối kết hợp các loài thực vật nhằm mang lại một dáng vẻ tự nhiên cho dự án có thể áp dụng theo các hình thái rừng, như hình thành rừng kín với hệ thống cây tầng cao đa loài hỗn hợp kết hợp với hệ thống cây tầng thấp dày đặc bằng các loại cây bụi, cây leo bám, cây thân bò, v,v…
Tại các khu vực có tính chất cảnh quan cần sự trang trọng, hoặc tại các tiểu cảnh nhỏ trong dự án, việc xây dựng các không gian bán mở với các cây tầng cao có thân vươn thẳng, cao, hệ thống cây bụi mang tính trang trí, điểm xuyết trong cảnh quan, kết hợp các khoảng không gian trống một cách hài hòa. Với các khu vực được xây dựng thành các khu đường dạo, việc thiết lập một hệ thống rừng kín với các cây tầng cao trồng với mật độ dày, hệ thống cây bụi và cây thảm phủ đất bị hạn chế kết hợp với những khoảng không gian mở nhỏ với các tuyến đường dạo nhỏ và những điểm nghỉ chân là một hình thức hợp lí; hoặc cũng có thể xây dựng một khu không gian bán mở với những tuyến dạo không quá phân biệt tại các khu cảnh quan chuyên biệt.
Để thực hiện được mục tiêu ý tưởng xây dựng Công viên các nhà khoa học, nhân tố con người là nhân tố quyết định cho sự thành công của Dự án, bởi vậy Ban lãnh đạo Công ty hết sức quan tâm đến nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên của CPD Hòa Bình. Ngoài năng lực chuyên môn trong các lĩnh vực công tác, cán bộ công nhân viên trong Dự án còn được bổ sung thêm về kiến thức bảo tàng, lưu trữ; về nghiệp vụ du lịch để có thể trở thành những cán bộ nòng cốt trong tương lai.
Công việc Dự án còn bộn bề, mới là những bước khởi công, nhưng chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của Ban lãnh đạo – những người tâm huyết với di sản của dân tộc, với thế hệ mai sau, cùng với sự nỗ lực của cán bộ công nhân viên, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam với khu Công viên các nhà khoa học sẽ nhanh chóng trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Đoàn Mạnh Thắng
Dự án CPD Hòa Bình