GS Nguyễn Thế Bá và những ngày đầu với ngành Kiến trúc

GS.TSKH.NGND Nguyễn Thế Bá sinh năm 1936 tại Thanh Chương, Nghệ An, một vùng đất có truyền thống cách mạng. Cha của ông là Nguyễn Thế Hòe,  vốn tham gia Đảng Tân Việt, sau này là đảng viên  Đảng Cộng sản Đông Dương, đã từng tham gia Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và bị bắt đi tù, đến thời kỳ Phong trào Bình dân mới được thả và tiếp tục hoạt động cách mạng ở địa phương.

Trong ký ức của ông về miền quê Thanh Chương, có ngôi trường Thổ Sơn do dân lập nên với thư viện mang tên Tự lực văn đoàn mà hàng tuần học sinh bắt buộc phải đến đọc sách. Ở đó có những thầy giáo thân quen đã từng kèm cặp ông học và có cả những người già, người trẻ được ông dạy cho từng con chữ trong Phong trào Bình dân học vụ. Ông thừa nhận, chính vùng đất quê mình đã ảnh hưởng không nhỏ tới tính cách con người và cả tác phong làm việc cho đến tận bây giờ.

GS.TSKH.NGND Nguyễn Thế Bá

Duyên tình cờ với ngành Kiến trúc

Sau khi học xong trung học cơ sở (hết lớp 7), Nguyễn Thế Bá không thể tiếp tục chương trình học tập của mình ở trường Huỳnh Thúc Kháng với lý do xa nhà và hoàn cảnh khó khăn, ông trở về quê tham gia dạy bổ túc văn hóa và làm ruộng. Năm 1953, ông viết đơn xin đi thanh niên xung phong. Ông còn nhớ lúc đó tiêu chuẩn chọn vào thanh niên xung phong rất gắt gao, phải xem xét thành phần mới được chọn, rồi phải đưa ra dân bầu công khai.

Thời gian tham gia thanh niên xung phong, Nguyễn Thế Bá đã phục vụ các chiến dịch Thượng Lào, rồi Điện Biên Phủ, đại đội cuối cùng mà ông công tác là Đại đội 302. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), tưởng mình sẽ được trở về quê nhưng ông lại được phân công tiếp tục ở lại cùng với Đại đội 302 tham gia Công trường 111, thi công con đường nối từ Lai Châu lên tới biên giới Việt – Trung. Ông được cử làm Tiểu đội trưởng một tiểu đội bao gồm các anh em đã học từ lớp 6 trở lên, nhiệm vụ của các ông là vẽ bản đồ con đường nối liền từ Lai Châu đến biên giới Trung Quốc (Bản Lẻng). Những tháng ngày tham gia trên Công trường 111 đã phần nào ảnh hưởng tới nghiệp kiến trúc sau này mà lúc đó như ông chia sẻ là cũng không để ý tới.

Đến đầu năm 1955, Nguyễn Thế Bá cùng với một số người khác của Đại đội 302 được chọn về Hà Nội để đi học nước ngoài. Ông nhớ lại: “Lúc đó mình cũng không biết là đi học ở đâu, chỉ biết tổ chức gọi về đi học thì về thôi”. Về Hà Nội, các ông được học bổ túc cấp tốc chương trình Toán – Lý – Hóa và chỉnh huấn 3 tháng ở Khu học xá, trường Đại học Bách khoa bây giờ. Đến tháng 8-1955, đoàn của ông gồm khoảng hơn 20 người được cử đi học ở Ba Lan. Đoàn trưởng khi đó là ông Hồ Xuân Trí (sau này công tác ở Bộ Giao thông vận tải). Mỗi người được phát một bộ quần áo Đại Cán và một đôi dép cao su.

Sang tới Ba Lan, đoàn học sinh Việt Nam được nước bạn tổ chức cho học lớp Dự bị đại học, vừa bổ túc văn hóa vừa học tiếng trong vòng 2 năm. Gọi là Dự bị đại học chứ thực chất là học tiếp chương trình cấp III mà ở Việt Nam một số trong đoàn như ông chưa được học. Thời gian này, ông ở chung cùng với 4 người, trong đó có một người bạn Việt Nam là ông Mai Văn Thường (sau làm ở Bộ Giao thông Vận tải) và 2 người bạn Ba Lan, ăn uống, sinh hoạt đều do nhà trường quy định. Cái khó nhất khi mới sang đây học tập là ngôn ngữ. Ông chia sẻ: “Thời gian đầu mới sang, chúng tôi vừa học tiếng, vừa học văn hóa, dù khó khăn nhưng không biết làm thế nào cả, học dần, tiếp xúc dần thành quen và phải cố gắng, sau ba tháng cũng bắt đầu trao đổi được… Khó khăn nhất là học tiếng Ba Lan. Hồi đó chỉ có Từ điển tiếng Pháp – Ba Lan, Từ điển Pháp – Việt, mà tiếng Pháp thì được học từ nhỏ nên chúng tôi học tiếng Ba Lan thông qua tiếng Pháp”.

Sau bổ túc văn hóa, các học sinh được tổ chức thi, sau đó Bộ Giáo dục nước bạn phân chia các ngành học. Lúc đầu, ý định của Nguyễn Thế Bá là theo học ngành Vật lý vì ông có kết quả học tập khá tốt. Nhưng vào thời điểm này, điều khiến Nguyễn Thế Bá bận tâm nhất là ông nhận được tin từ quê nhà rằng bố ông bị quy là địa chủ trong Cải cách ruộng đất (sau này khi sửa sai, ông cụ đã được minh oan). Buồn chán vì sự kiện đó, ông lâm bệnh và phải điều trị tại một bệnh viện ở Vác-sa-va một tháng. Ở đó, ông thường xuyên lôi sách vở ra đọc và giấy bút ra vẽ truyền thần, phong cảnh để quên đi nỗi buồn. Một cơ may  đến với ông, nằm cùng phòng bệnh đó có một vị giáo sư đang giảng dạy ở trường Đại học Bách khoa Vac-sa-va. Vị giáo sư thấy ông vẽ đẹp đã phân tích và khuyên nên thi vào ngành Kiến trúc của trường Đại học này.

Nghe theo lời khuyên của vị giáo sư người Ba Lan, Nguyễn Thế Bá đã thi đỗ vào Khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa Vac-sa-va (1959). Lớp học năm đầu tiên có 103 sinh viên, nhưng đến năm thứ 2 chỉ còn lại 27 người, cộng với số sinh viên bị học lại từ khóa trên thì lớp được khoảng 30 người. Lúc đầu học ông còn sợ mình không theo kịp, chính vì thế ông luôn luôn cố gắng không ngừng để theo kịp bạn bè. Trong 6 năm học, Nguyễn Thế Bá được học 2 trường: trường Politechnika Warszawska (5 năm về kiến trúc nói chung) và trường Politechnika Gdan’ska (đây là trường nằm ở miền biển, trong vòng 1 năm) học thêm về kiến trúc tàu thủy. Sở dĩ học thêm 1 năm về kiến trúc tàu thủy nữa là do Bộ Đại học quy định và ông nhận nhiệm vụ điều chuyển từ phía đại sứ quán Việt Nam đóng ở Ba Lan.

Những ngày đầu với ngành Kiến trúc

Về nước năm 1964, Nguyễn Thế Bá được Bộ Đại học phân công làm việc tại Viện Quy hoạch của Bộ Kiến trúc, khi đó do ông Bùi Quang Tạo làm Bộ trưởng. Ông nhớ lại: “Tôi đã rất may mắn, khi về nước làm việc thì được sự ủng hộ và chỉ bảo nhiệt tình của các bác, các anh, chủ yếu là các cán bộ đã được đào tạo từ thời Pháp thuộc như: Ngô Huy Quỳnh (Ủy viên của Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước), Hoàng Như Tiếp, Nguyễn Cao Luyện – Thứ trưởng Bộ Kiến trúc,…”. Làm việc được khoảng 6 tháng thì Bộ Kiến trúc phân công ông làm việc một nửa thời gian ở Viện Quy hoạch, một nửa thời gian đi dạy cho lớp Kiến trúc sư thuộc Bộ Kiến trúc (được thành lập khóa đầu tiên năm 1961, có trụ sở đóng ở Bãi Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội). Những thầy giáo tham gia giảng dạy thường trực từ những ngày đầu là: Đàm Trung Phường, Đặng Quý Khoa (sau sang giảng dậy ở trường Mỹ thuật), Vũ Tam Lang, Ngô Huy Quỳnh,… Đến năm 1968, lớp Kiến trúc sư này được nhập vào Khoa Kiến trúc Đô thị của trường Đại học Xây dựng, năm 1969 thì tách ra và thành lập nên trường Đại học Kiến trúc.

Khó khăn nhất trong những ngày đầu khi giảng dạy là thiếu thầy, thiếu tài liệu, thiếu giáo trình. Nguyễn Thế Bá cùng lúc phải dạy kiêm nhiều môn như: Tổ chức không gian kiến trúc; Thiết kế khu ở; Thiết kế đô thị;… Có những môn như Khí hậu đô thị ông cũng phải kiêm nhiệm vì không có ai dạy cả, đành phải tự soạn giáo trình từ những cuốn sách mang ở Ba Lan về. Hơn thế nữa, học trong điều kiện thời chiến, trường lớp phải sơ tán nhiều nơi, lúc thì ở Vĩnh Phúc, khi Phú Thọ, lúc ở Bắc Giang,… Những lớp học được dựng tạm bằng lán trại tuềnh toàng, ăn ở cùng với nhân dân, có khó khăn nhưng ai cũng vui vẻ và cố gắng, tình thầy trò được gắn kết như anh em trong gia đình. Đôi khi, cả lớp do ông dạy phải ngồi học ngoài đồi cọ, không ghế ngồi, không bàn viết. Cũng có khi để soạn bài giảng, ông ngồi lì cả buổi trên đồi chỉ để vẽ đường đi mặt trời, góc chiếu ánh sáng để hôm sau giảng cho sinh viên.

Nguyễn Thế Bá còn nhớ, năm 1967, một mình ông hướng dẫn khóa luận cho 21 sinh viên của lớp Kiến trúc sư. Ông đã cho các sinh viên của mình về 21 xã của 3 huyện ở tỉnh Hưng Yên để làm các đề tài tốt nghiệp, còn ông hàng tuần đạp xe từ Bắc Giang xuống để kiểm tra xem học trò học tập thế nào? Đời sống sinh hoạt, ăn ở ra sao?… Ông còn rất ấn tượng với tinh thần học tập tự giác của sinh viên lúc bấy giờ và cho rằng bây giờ khó lòng thực hiện được như thế.

Nói về những ngày đầu làm việc tại Viện Quy hoạch kiêm giảng dạy của mình, Nguyễn Thế Bá đã bật mí những người thầy, người đồng nghiệp có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời ông: “Thời kỳ đầu công tác ở Viện Quy hoạch, tôi chịu ảnh hưởng và được giúp đỡ nhiều với ông Hoàng Như Tiếp, là kiến trúc sư cùng học với ông Nguyễn Cao Luyện. Bác Tiếp coi tôi như con, cứ chiều chiều tôi lại đến trò chuyện và làm việc với bác, rất thoải mái. Chính sự say sưa trong công việc và tính cách cởi mở của bác Tiếp đã ảnh hưởng tới phong cách làm việc và tác phong của một kiến trúc sư trong tôi…”

Ông chia sẻ thêm: “Người thứ hai có ảnh hưởng đến tôi là Kiến trúc sư Đàm Trung Phường. Lúc đó, do thiếu thốn tài liệu mà tôi lại có nhiều sách mang từ Ba Lan về nên chúng tôi đã dễ hòa hợp với nhau. Các bác rất phấn khởi khi tôi dịch sách Ba Lan cho họ, tôi đã từng dịch sách về quy hoạch nông thôn để cung cấp tài liệu cho các bác làm việc. Tôi nghĩ rằng việc mua được nhiều sách (3 tạ) mang về dùng trong thời chiến tranh là điều kiện giúp tôi có nhiều kiến thức mới, cộng thêm với những kiến thức thực tế đã giúp bản thân tôi rất nhiều”.

Khó khăn cũng nhiều, nhưng chính điều đó đã làm Nguyễn Thế Bá càng say mê hơn trong mọi hoàn cảnh. Đến với Kiến trúc như một cơ duyên, nhưng rồi nó  trở thành tâm huyết, là cái nghiệp để ông suốt đời mang theo.

 

Nguyễn Thanh Hóa

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam