Bước vào sự nghiệp âm nhạc từ khi 9 tuổi và giờ đây khi tuổi đã cao nhưng GS Bùi Gia Tường vẫn mang đến cho đời tiếng đàn cello nhẹ nhàng, sâu lắng.
Bén duyên với violoncelle
Sinh năm 1937, quê gốc ở Hà Nội nhưng khi 9 tuổi Bùi Gia Tường đã theo gia đình tản cư về làng Trẹo, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Vì yêu thích ca hát, lại có năng khiếu, nên Bùi Gia Tường đã được anh rể là Chủ tịch xã Ninh Sơn tạo điều kiện cho ông lên một chòi phát thanh của làng để hát cho bà con trong xã nghe. Hàng ngày theo chương trình, ông dậy sớm và lên chòi hát phục vụ đời sống tinh thần cho bà con địa phương. Đây là cơ hội để năm 1948 cậu thiếu niên đam mê ca hát được tuyển vào Đội tuyên truyền xung phong “Hoa Lư” thuộc Ty Thông tin, tỉnh Ninh Bình, biểu diễn phục vụ dân quân khắp 6 huyện trong tỉnh. Bùi Gia Tường cùng Đội Tuyên truyền có một năm sống ở trong động Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình để tránh bom đạn. Ông nhớ mãi những buổi đi thuyền, hát những bài về quê hương và bài hát tiền chiến. Năm 1953, Bùi Gia Tường tham gia cuộc thi hát toàn tỉnh Ninh Bình và được giải nhất với 2 ca khúc “Tiếng hát quay tơ” của nhạc sĩ Tử Phác và “Đoàn quân đi” của tác giả Doãn Mẫn. Khi đó mọi người đặt cho ông danh hiệu “Chim họa mi” của tỉnh. Đó là những hồi ức đẹp theo ông suốt cuộc đời. Do phải theo đoàn đi biểu diễn ở nhiều nơi không chỉ trong tỉnh, đặc biệt những chuyến đi liên tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nên ông bị sốt rét, "ngã nước", hậu quả là bị sưng lá lách, đoàn phải đề xuất cho ông trở về Ninh Bình để chữa bệnh, gia đình tiện chăm sóc.
Hòa bình lập lại 1954, Bùi Gia Tường trở về Hà Nội, ông được Bùi Huy Các – người anh họ – lúc đó đang là Phó ban Tuyên huấn Sư đoàn 308 giới thiệu về Đoàn Văn công của Sư đoàn. Đây cũng là cơ duyên khởi đầu cho con đường hoạt động nghệ thuật chuyên về nhạc cụ violoncelle[1] của ông sau này. Bùi Gia Tường được phân công vào đội Nhạc, ông không chỉ biết chơi đàn cello, hát giỏi mà ông còn tham gia múa, diễn kịch. Vì vào thời điểm đó mỗi thành viên trong đội Nhạc đều phải biết chơi nhiều nhạc cụ với hình thức biểu diễn đa năng để phục vụ nhân dân. Năm 1955, khi Tổng cục Chính trị tổ chức một khóa thanh nhạc do chuyên gia người Trung Quốc Lý Hoa Anh giảng dạy, ông cũng được Sư đoàn cử đi tham gia khóa học này. Cuối năm 1956, Ban Chính ủy Sư đoàn 308 đồng ý cho Bùi Gia Tường được lựa chọn một loại đàn để đi học và ông đã lựa chọn đàn violoncelle, vì khi đó chỉ duy nhất Đoàn ca múa Tổng cục chính trị có Trần Quý, Lê Lan, Vũ Hương chơi loại nhạc cụ này. Bùi Gia Tường theo học chương trình trung cấp của Nhạc viện Hà Nội (khóa 2), mối duyên với cây đàn violoncelle bắt đầu từ đây. Thông thường, các tân sinh viên khi bắt đầu học nhạc đều phải qua khóa sơ cấp âm nhạc 7 năm mới được học lên trung cấp, nhưng ông được nhà trường cho học “vượt cấp” vì đã có quá trình và kinh nghiệm hoạt động biểu diễn trong Đoàn văn công của Sư đoàn 308.
Những người thầy
Trước khi bước vào học Trung cấp tại Nhạc viện Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc là người thầy đầu tiên dạy những bài học vỡ lòng về âm nhạc, nắn sửa từ tư thế ngồi, đến cách cầm cây vĩ… cho Bùi Gia Tường. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc là người chơi đàn violoncelle từ trước những năm 30 trong các quán bar ở Hà Nội. Sau một năm tập luyện, với sự nỗ lực hết mình vượt qua khó khăn, tiếng đàn của Bùi Gia Tường đã khá mượt mà đầy triển vọng. Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, ông luôn biết ơn người thầy đầu tiên này. Ông không thể quên buổi biểu diễn tại Đại hội lần thứ 3 của Hội nhạc sĩ Việt Nam (1983), ông đã trình diễn một tác phẩm viết cho đàn cello do nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc viết như một lời tri ân tặng thầy.
Năm 1957, Bùi Gia Tường đang học năm đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội thì có GS Tư Đồ Chí Văn – một nữ giáo sư violoncelle từ Trung Quốc sang giảng dạy. Theo quy định của Hiệu trưởng, chỉ sinh viên từ năm thứ 2 mới được tham gia lớp do chuyên gia Trung Quốc giảng. Tình cờ khi đi qua phòng tập đàn của trường và nghe được tiếng đàn du dương trầm bổng của Bùi Gia Tường, Tư Đồ Chí Văn đã đề nghị Hiệu trưởng Tạ Phước cho Bùi Gia Tường được đặc cách học lớp do bà giảng. Mới năm đầu tiên nhưng Bùi Gia Tường được nhà trường cử đi biểu diễn tại một số câu lạc bộ Đoàn kết, Câu lạc bộ Quốc tế dành cho những người yêu nhạc thính phòng trên địa bàn Hà Nội.
Cuối năm 1958, Bùi Gia Tường được Fedorchenko một chuyên gia Liên Xô, đang công tác tại Việt Nam, trực tiếp giảng dạy. GS Fedorchenko là nhà sư phạm âm nhạc có danh tiếng ở Matxcơva, với phương pháp giảng dạy theo năng lực của từng học sinh, nên khả năng phát triển chuyên môn của mỗi học sinh được nâng cao. Chính chuyên gia Fedorchenko đã đề xuất với lãnh đạo Nhạc viện Hà Nội cho Bùi Gia Tường sang Nhạc viện Tchaikovsky học chuyên sâu về violoncelle. Sau một năm học tiếng Nga ở trong nước, năm 1960, Bùi Gia Tường cùng với Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Quang Hưng, Tạ Bôn, Trọng Bằng… được cử sang Nhạc viện Tchaikovsky học tập. Trong số đó, Bùi Gia Tường là sinh viên Việt Nam duy nhất học về đàn violoncelle tại một nhạc viện lừng danh là điều mà không bao giờ Bùi Gia Tường nghĩ đến, ý thức được điều đó nên mỗi học kỳ dường như một "chiến dịch" đối với chàng sinh viên Việt Nam.
GS.NSND Secgay Sirinsky là người hướng dẫn và trực tiếp giảng dạy cho Bùi Gia Tường trong quá trình học ở Liên Xô. GS Sirinsky là người nghiêm khắc trong quá trình giảng dạy đàn cello, ông thường cho sinh viên luyện tập các tác phẩm khó đòi hỏi sự kiên trì sáng tạo trong quá trình học. Trong những buổi biểu diễn của trường hay cá nhân GS Sirinsky thường cho Bùi Gia Tường đi theo để nghe, học tập. Trong cuộc sống hằng ngày thầy trò thân thiết như người trong nhà. GS Sirinsky thường mời Bùi Gia Tường về dùng cơm cùng gia đình. Trong thời gian Bùi Gia Tường theo học ở Nhạc viện Tchaikovsky, ông cũng được nghệ sĩ cello Mstislav Rostropovich chỉ bảo và tập luyện thêm. Được lĩnh hội những tinh hoa của các bậc thầy về cello cùng nỗ lực của bản thân nên Bùi Gia Tường đã hoàn thành xuất sắc khóa học. Ông tâm sự: “Hàng ngày, 4 giờ sáng (theo giờ Việt Nam) tôi đã phải thức dậy xách đàn đến Nhạc viện schaikovsky để học. Ngoài trời tuyết rơi, chỉ có lác đác vài công nhân hót tuyết, may mà tôi có sức khỏe để chống chọi với cái lạnh ở xứ xở đó”[2].
Cống hiến và sự ghi nhận
Năm 1965, Bùi Gia Tường về nước và trở thành giảng viên violoncelle đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội. Miền Bắc đang phải hứng chịu cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, Nhạc viện cũng phải sơ tán, tuy nhiên để phục vụ công chúng tiếng đàn của ông tại các trận địa pháo, trên sân kho hợp tác xã vẫn vang lên những giai điệu trữ tình của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như Beethoven, Mozart GS Bùi Gia Tường nhớ: “Thời kỳ sơ tán về Hà Bắc (1972), tôi có buổi biểu diễn một vài tác phẩm của một số nhà soạn nhạc nổi tiếng cho quần chúng nhân dân trong xã ngay trên sân kho hợp tác xã, dưới ánh đèn măng xông, nhưng được bà con cổ vũ rất nồng nhiệt" hay "những ngày máy bay B52 Mỹ ném bom Hà Nội, có lần tôi từ nơi sơ tán về Hà Nội biểu diễn tại rạp Công nhân, đang biểu diễn bản Ước mơ của tác giả Robert Schumann thì mất điện. Khi ấy, mọi người tranh nhau lên sân khấu để chiếu đèn pin, soi đèn cho Tuyết Minh – người đệm đàn piano nhìn rõ nốt nhạc. Kết thúc buổi biểu diễn, thính giả vỗ tay nhiệt liệt và mong muốn tôi chơi lại lần nữa”. Có lẽ không có hạnh phúc nào hơn của người nghệ sĩ là được công chúng nồng nhiệt đón nhận tiếng đàn của mình.
GS.TS.NSND Bùi Gia Tường biểu diễn đàn violoncelle, ngày 22-2-2014 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam
Sau hơn hai mươi năm giảng dạy, NSND Bùi Gia Tường đã đào tạo nhiều thế hệ học trò xuất sắc, nay họ đã trở thành những giảng viên tâm huyết của Nhạc viện hoặc là những nghệ sĩ biểu diễn thực thụ và tài năng. Trong đó phải kể đến như Vũ Thanh Hảo (Chủ nhiệm khoa Đàn dây, Nhạc viện Hồ Chí Minh) ; Trần Thị Mơ (nghệ sĩ violoncelle, Ngô Hoàng Quân (Giám đốc Nhạc viện Quốc gia Việt Nam)…
Đúc rút kinh nghiệm từ quá trình học tập tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài, GS Bùi Gia Tường vẫn thường khuyên học trò của mình nên dành thời gian nghe các buổi hòa nhạc để học hỏi, đồng thời dành thời gian tự học bằng cách nghe đĩa và học thêm các loại nhạc cụ khác để có nền kiến thức vững chắc. GS Bùi Gia Tường được mời tham gia nhiều hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp và luận văn thạc sĩ, không chỉ chuyên môn về violoncelle mà cả thanh nhạc và một số lĩnh vực khác bởi vốn kiến thức nền khá "dày" của ông. Dù tuổi đã cao nhưng GS Bùi Gia Tường vẫn tiếp tục giảng dạy cho nhiều lớp cao học của Học viện Âm nhạc quốc gia. Sự nghiệp của ông gắn bó với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Tạ Bôn, Bích Ngọc, Ngô Thành, Khắc Hoan và các nghệ sĩ piano như Tuyết Minh, Lan Hương, Trần Thái Linh, Thanh Thảo…
GS Bùi Gia Tường được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá cao về những cống hiến trong lĩnh vực biểu diễn violoncelle cũng như với vai trò là quản lý. Nhà thơ Huy Cận từng đánh giá: “Đồng chí Bùi Gia Tường đã hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp 40 năm, đồng chí là một nghệ sĩ biểu diễn violoncelle rất xuất sắc với tiếng đàn diễn cảm, sâu lắng; đồng chí lại là một cán bộ chỉ đạo công tác nghệ thuật sâu, sát, góp phần rất quan trọng vào sự tiến bộ của nghệ thuật biểu diễn những năm gần đây”[3]. Đối với Bùi Gia Tường, cuộc đời làm nghệ thuật hạnh phúc hơn bao giờ hết khi biết tiếng đàn của mình đã đến với lòng công chúng yêu nhạc thính phòng. Ông đã chiếm trọn tình yêu mến của khán giả bởi tiếng đàn dày, vang, bay bổng do nghệ thuật sử dụng đàn, bàn tay trái có một độ nhấn vừa phải, nhẹ nhàng mà vẫn tạo được tính năng đặc biệt của đàn violoncelle.
Bùi Gia Tường đã nhận nhiều những bức thư của các khán giả yêu nhạc thính phòng gửi đến cho ông “Từ lâu cháu đã được nghe rất nhiều về chú qua sách, báo, sóng phát thanh cũng như vô tuyến truyền hình. Sau mỗi lần xem chú biểu diễn qua vô tuyến hoặc đọc một bài báo về chú, cháu cảm thấy sung sướng vô cùng và càng kính phục, tự hào… Và gần đây cháu có xem chương trình tiếp xúc với các nghệ sĩ, hình ảnh, giọng nói và những giai điệu du dương với những ngón đàn của chú làm cho cháu có xúc cảm hơn”[4]. Đó là một trong nhiều bức thư mà GS Bùi Gia Tường từng nhận được. Hay chỉ đơn giản “Có một hôm tôi đạp xe trên đường Giảng Võ, đang đi bất ngờ có một thanh niên đi xe đạp vượt qua tôi và hỏi : Bác là Bùi Gia Tường biểu diễn đàn cello đấy ạ”[5]…
Chia sẻ về các bí quyết thành công của bản thân, GS Bùi Gia Tường cho biết: Làm nghệ thuật trước hết phải có năng khiếu, sau là phải lao động, “tài năng không bao giờ đến với kẻ lười biếng” và làm nghệ thuật là phải hết mình. Chắc không nhiều người biết Bùi Gia Tường từng được mời làm thành viên Ban giám khảo cuộc Thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky lần thứ VII (1982) và lần thứ VIII (1986).
Đến nay, dù đã bước sang tuổi 77 nhưng “cây đàn violoncelle không có tuổi” vẫn không ngừng đem đến cho đời những bản tình ca trẻ mãi và luôn cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người của nền âm nhạc Việt Nam.
Lưu Thị Thúy
[1] Đàn violoncelle, Cello, Trung hồ cầm là tên gọi chung cho một loại đàn có dây được chơi bằng cách dùng một cây vĩ có căng lông đuôi ngựa kéo ngang những dây đàn và làm cho dây đàn rung lên thành âm điệu (Wikipedia).