GS Lê Thi: Tổ ấm phải hai người cùng xây!

PHỤ NỮ THỜI NÀO CŨNG THIỆT THÒI

– Thưa GS Lê Thi, bà là người đầu tiên nghiên cứu về phụ nữ, sáng lập Trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình vào những năm 80 thế kỷ trước, hẳn khi đó những việc làm của bà còn lạ lẫm?

– Năm 1987, đang là Viện trưởng Viện Triết học, sau nhiều năm hoạt động thực tiễn và suy nghĩ về vấn đề phụ nữ, tôi có ý định nghỉ ở đó để xin thành lập Trung tâm nghiên cứu vì phụ nữ và gia đình. Lúc ấy nhiều người buồn cười cái ý tưởng ấy. Họ bảo, nghiên cứu gì lại đi nghiên cứu vì phụ nữ. “Cánh” đàn ông còn bảo, thế thì chúng tôi cũng thành lập trung tâm nghiên cứu vì đàn ông… Nhưng rồi họ vẫn ủng hộ và tôi thành lập được Trung tâm. Khi đó tôi đã 61 tuổi, nhưng tôi chẳng nghĩ gì đến tuổi tác cả, vẫn làm việc hăng say và không ngần ngại bắt đầu tổ chức một việc trước đó chưa ai làm bao giờ. Trung tâm được thành lập, tôi được nhiều tổ chức quốc tế ủng hộ. Họ hỗ trợ về chi phí rất nhiều. Trong hơn 10 năm làm giám đốc trung tâm, tôi thực hiện được nhiều đề án, dự án nghiên cứu chính là nhờ sự ủng hộ ấy.

– Xuất phát điểm cho những nghiên cứu của bà có phải là để đấu tranh và bảo vệ cho quyền lợi của phụ nữ?

– Đúng thế. Người phụ nữ ở thời nào cũng thiệt thòi. Tôi có nhiều năm tiếp xúc với phụ nữ nông thôn ở miền xuôi và miền núi, thực tế thấy họ sống rất khổ cực. Ở đây không chỉ là vấn đề cuộc sống lao động vất vả, mà họ khổ cực cả về đời sống tinh thần. Phụ nữ vừa phải thực hiện thiên chức đàn bà sinh con, nuôi dạy con cái mà vẫn phải mưu sinh nặng nhọc như đàn ông, họ không có quyền đòi hỏi hưởng thụ hạnh phúc riêng tư, dù ở mức tối thiểu. Bây giờ cũng vậy thôi, nhiều người phải rời quê lên thành phố, sống xa chồng xa con, ở nhà trọ, làm các công việc nặng nhọc mà lẽ ra chỉ nên để đàn ông gánh vác… Kể cả phụ nữ sống ở các đô thị lớn (những người thành đạt có mức sống cao thì tôi không nói làm gì), còn phần lớn họ công việc vất vả, phải chịu nhiều áp lực không dễ gì san sẻ. Khi mà mức sống người dân nói chung còn nghèo, thì gánh nặng trút lên vai người phụ nữ trước hết. Đặc biệt, có rất nhiều người phụ nữ vì hoàn cảnh mà sống đơn độc, thì cuộc sống với họ còn thiệt thòi hơn nhiều. Vấn đề này là do ý thức cộng đồng và hoàn cảnh lịch sử xã hội. Theo những cách nghĩ truyền thống, người phụ nữ thường không dám đặt hạnh phúc cá nhân mình lên trên hạnh phúc gia đình. Phần lớn họ sống xa lạ với quyền con người, quyền được hưởng hạnh phúc riêng tư. Trong những nhiệm vụ nghiên cứu của mình, tôi mong muốn xã hội thừa nhận các quyền tối thiểu về con người và những quyền đó phải được luật pháp bảo vệ.

PHỤ NỮ CŨNG ĐƯỢC QUYỀN SỐNG ĐỘC THÂN

– Vâng, được biết cách đây khoảng mười năm, bà từng viết một cuốn sách về phụ nữ đơn thân, khi đó có lẽ vấn đề nghiên cứu của bà còn mới mẻ. Còn bây giờ thì dường như đó đã là một xu hướng sống của không ít phụ nữ?

– Phụ nữ làm mẹ đơn thân, hoặc sống độc thân không chồng con không gia đình thì không phải là mới. Nhưng có sự khác nhau giữa phụ nữ đơn thân thời ấy so với bây giờ. Trước đây, phụ nữ thường là người sống thụ động. Vì ý thức đè nặng từ phía xã hội, quan niệm truyền thống không dễ gì gỡ bỏ, phụ nữ sống đơn thân là bởi vì hoàn cảnh bắt buộc họ phải thế. Nhiều người vì hoàn cảnh cô đơn, chấp nhận có con với một người đàn ông đã có vợ. Người đàn ông ấy quan hệ với họ chỉ vì nhu cầu tình dục thôi, có con rồi thì bỏ đi. Còn người phụ nữ lấy đứa con làm niềm vui cho mình, dẫu cho phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ dư luận xã hội, tự nguyện với hạnh phúc nhỏ nhoi ấy và không oán trách gì đàn ông cả. Còn xu hướng sống đơn thân bây giờ, phần nhiều là do chính người phụ nữ lựa chọn.

Tôi cho rằng, quyền được sống độc thân, đối với người phụ nữ là hết sức bình thường. Và họ có quyền sống độc thân một cách hạnh phúc. Đó là chuyện cá nhân, riêng tư của mỗi người và xã hội không nên can thiệp. Xã hội chỉ nên thừa nhận và quan tâm đến họ.

Phải chăng, vì thế mà mô hình gia đình truyền thống đang bị rạn nứt, và quan niệm “đàn bà xây tổ ấm” đang phai nhạt?

– Đàn bà bây giờ cũng phải xây nhà, họ phải mưu sinh nhọc nhằn không kém đàn ông. Nên tôi thì quan niệm rằng, xây nhà và xây tổ ấm đều phải có đàn ông, đàn bà cùng xây. Vai trò của gia đình trong việc giữ gìn hạnh phúc, giáo dục con cái là hết sức quan trọng. Giữ lửa ấm trong nhà, người đàn bà cần có sự chung tay san sẻ của đàn ông. Người đàn ông cần biết san sẻ với vợ mình công việc chăm sóc con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc gia đình phải gắn liền với hạnh phúc riêng tư của mỗi người, chứ không phải chỉ đàn ông hưởng hạnh phúc còn phụ nữ thì chịu đựng.

– Nhưng ở một khía cạnh nào đó, nhiều người cho rằng điều đó dẫn đến việc thiếu đi nền tảng giáo dục cơ bản đối với thế hệ trẻ là gia đình, mà ở đây vai trò của người mẹ với những hy sinh, chịu đựng là không thể thay thế…

– Tôi cho rằng không nên đổ hết trách nhiệm đó lên vai người phụ nữ. Ở đây có cả trách nhiệm của đàn ông. Những hiện tượng trẻ em không ngoan, những báo động về tội phạm, về văn hóa ứng xử, văn minh ngoài xã hội, theo tôi ngoài giáo dục nhà trường, xã hội, thì không khí trong gia đình hết sức quan trọng. Nếu trong một ngôi nhà mà ở đó cha mẹ chấp nhận cuộc sống không hạnh phúc, đàn ông coi thường phụ nữ, thậm chí là cãi cọ, bạo hành… thì con cái sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Thực tế, nhiều người phụ nữ ly hôn sống độc lập vẫn rất biết cách nuôi dạy con cái.

KHÔNG BÉ NHỎ, NHƯNG NÊN LÀ KHIÊM TỐN

– Có lẽ phụ nữ Việt Nam đang theo xu hướng của phụ nữ phương Tây, sống độc lập và biết hưởng thụ giá trị cuộc sống?

– Ở các nước trên thế giới mà tôi từng có dịp đi qua, cũng có nhiều nơi phụ nữ khổ lắm. Các nước theo đạo Hồi, hay những nước còn khó khăn, phụ nữ vẫn nhiều thiệt thòi. Ở những nước châu Âu như Thụy Sĩ, Pháp… thì phụ nữ họ có nhiều quyền lợi, được tôn trọng hơn. Đúng là họ sống độc lập và biết hưởng thụ giá trị cuộc sống. Đồng thời, họ được ý thức xã hội và luật pháp bảo vệ. Phụ nữ Việt Nam bây giờ, theo những gì tôi biết, thì họ cũng đang có xu hướng sống độc lập và biết hưởng thụ. Mà không phải chỉ bây giờ, ngày xưa chúng tôi cũng biết làm đẹp lắm. Tôi nhớ hồi trẻ chúng tôi có phong trào cắt tóc ngắn, uốn xoăn, cũng mặc váy theo các mốt phương tây, sống rất “tiểu tư sản”. Nhưng khi cách mạng cần, sẵn sàng lăn lộn về nông thôn, miền núi, chít khăn mỏ quạ và áo tứ thân.

Hưởng thụ cuộc sống cũng có nhiều cách, tùy hoàn cảnh, điều kiện sống xã hội và hoàn cảnh cá nhân.

– Bà nghĩ thế nào về quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới trong xã hội ngày nay?

– Sự bình đẳng ấy là cần thiết. Phụ nữ cần được sống cho bản thân mình, biết tôn trọng những hạnh phúc riêng tư và dám sống vì điều đó. Trong nhiều biểu hiện, phụ nữ ngày càng bình đẳng hơn với nam giới. Nhưng đâu đó, tôi vẫn thấy có sự nhầm lẫn giữa quyền bình đẳng và sự thái quá. Thí dụ như phụ nữ ăn mặc đẹp thì khác với sự hở hang. Hay như ngôn ngữ cũng vậy. Không phải đòi hỏi ở họ sự ăn nói dịu dàng e lệ như xưa, nhưng phải văn minh lịch sự. Chứ tôi thấy ra đường nhiều nữ thanh niên sẵn sàng văng tục, nói bậy, chửi nhau, điều đó là nên tránh. Truyền thống dân tộc, trong bốn chữ công – dung – ngôn – hạnh, có những điều người phụ nữ thời nào cũng cần phải giữ. Những hiện tượng nữ sinh đánh nhau, chửi nhau, xé quần, xé áo, ăn mặc hở hang, tôi cho là đáng báo động.

Đó không phải là bình quyền bình đẳng. Chúng ta đang miệt mài đấu tranh và vươn lên để được bình đẳng, được tôn trọng, thì chính những biểu hiện ấy lại làm cho phụ nữ không được tôn trọng nữa. Tự do đến mức tuyên bố đồng tính nữ rồi đòi cưới như trường hợp ở Cà Mau vừa qua, tôi cho là hơi thái quá. Cái gì trái ngược với tự nhiên là không nên. Hoặc những phụ nữ tự cho mình quyền bình đẳng với nam giới, để rồi tự cao tự đại, huênh hoang thì cũng trái với thuần phong mỹ tục…

– Vâng, phụ nữ, dù gì vẫn nên là người nhỏ bé để được nâng niu?

– Không, không phải là nhỏ bé. Phụ nữ chỉ nên làm người khiêm tốn thôi. Chúng ta có quyền được sống hạnh phúc, tự chủ và độc lập. Chúng ta không hạ mình phụ thuộc vào người đàn ông và những áp lực ý thức hệ của xã hội. Không thụ động, nhưng đồng thời lại không nên huênh hoang tự cao tự đại. Người phụ nữ sống bên cạnh đàn ông trong một gia đình và ra ngoài xã hội cũng vậy, nên thể hiện những bản tính thiên bẩm của mình, đó là sự dịu dàng, và khi cần thì sẽ là người mạnh mẽ. Phụ nữ nên là người khiêm tốn chứ không phải là bé nhỏ.

– Vâng, xin cảm ơn GS Lê Thi về cuộc trò chuyện.

* GS Lê Thi tên thật là Dương Thị Thoa, là con gái của GS – liệt sĩ Dương Quảng Hàm. Sinh năm 1926, từng là Bí thư Phụ nữ cứu quốc Hoàn Kiếm năm 1945, một trong hai người phụ nữ tham gia kéo cờ Tổ quốc trong buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Từng là Viện trưởng Viện Triết học, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình. Bà đã cho xuất bản 14 cuốn sách cá nhân và 37 cuốn in chung, chủ yếu là những công trình nghiên cứu về phụ nữ và gia đình trong nhiều giai đoạn khác nhau. Cuốn Phụ nữ đơn thân ở Việt Nam của bà xuất bản năm 2002 và được dịch ra tiếng Anh.

NHẬT THẢO (Thực hiện)

 

Nguồn: www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandanhangthang/nhan-dan-h-ng-thang/i-s-ng-x-h-i/v-n-hoa-gia-inh/gs-le-thi-t-m-ph-i-hai-ng-i-cung-xay-1.339421