1. Hàng năm, ngày tết, ngày rằm tháng Bảy, bà Lê Thi vẫn cùng các anh chị em đến khu tầng hầm của Tòa án Tối cao nằm trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, thắp hương cho cha mình, giáo sư Dương Quảng Hàm, người tiên phong cho nền giáo dục Việt Nam. Hơn 50 năm nay, gia đình bà vẫn đau đáu một điều, tìm được hài cốt của cha.Bà Lê Thi kể, hồi trước, ở chợ Âm Phủ, ngay đoạn đường Lý Thường Kiệt, có một dãy mộ, cứ đinh ninh có phần mộ của giáo sư Dương Quảng Hàm. Nhiều năm, gia đình vẫn đến đó thắp hương, với niềm tin, có cha mình ở đó. Thế rồi, khu mộ được di dời. Lúc đó, gia đình bà Lê Thi mới biết, không có hài cốt của giáo sư Dương Quảng Hàm. Nỗi buồn canh cánh trong lòng bà Lê Thi.
Mỗi lần nhắc lại câu chuyện buồn này, nước mắt bà Lê Thi lại rơm rớm. Dù bà đã bước vào tuổi gần đất xa trời, đã trở thành một giáo sư đứng đầu một viện nghiên cứu cao cấp, Viện Triết học. Nhưng đối với cha, giáo sư Dương Quảng Hàm thì bà vẫn mãi mãi chỉ là một đứa trẻ. Bà vẫn nhớ, hình ảnh cha lần cuối trước khi cả nhà di tản ra khỏi Hà Nội năm 1946. Rồi được tin ông bị bắn chết. Nhà bị đốt cháy rụi. Ký ức đau buồn đó khiến bà Lê Thi bị ám ảnh, day dứt.
Bà Lê Thi là con gái thứ 4 của giáo sư Dương Quảng Hàm. Từ nhỏ, bà đã bộc lộ một cá tính mạnh mẽ, quyết liệt. Với 8 người con, 4 trai, 4 gái, giáo sư Dương Quảng Hàm đối xử rất bình đẳng, luôn khuyến khích các con học hành. Ngôi nhà 98 Hàng Bông, tầng một mẹ bà bán tạp hóa, còn tầng trên, 8 anh em Lê Thi cắm cúi học bài. Nếu với những gia đình khác, bà Lê Thi, và mấy chị em gái sẽ không được học hành mà phải phụ giúp mẹ buôn bán, lấy tiền trang trải gia đình. Nhưng cụ Dương Quảng Hàm chủ trương bình đẳng, ông không phân biệt nam, nữ. Chính tư tưởng bình quyền của ông, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cô con gái của ông sau này.
Lê Thi học hết diplome (bậc trung học) ở Trường Nữ sinh Trưng Vương. 17 tuổi, bà đã bị cuốn vào phong trào cách mạng đang sôi nổi ở Hà Nội những năm 40. Có lần bà bí mật mang quần áo trốn sang nhà bà Tuyết Minh, một người bạn cùng trường, để chuẩn bị cho những ngày tiền khởi nghĩa. Nhớ lại một thời thanh niên sôi nổi và quyết liệt của mình, đôi mắt bà Lê Thi bừng sáng. Cô gái tiểu thư con giáo sư Dương Quảng Hàm đã trở thành một cán bộ trong phong trào vận động phụ nữ tham gia khởi nghĩa, và từng vinh dự được lên kéo lá cờ Tổ quốc trong ngày lịch sử của dân tộc, lễ Độc lập ngày 2/9/1945. Đó là một thời thanh niên sôi nổi của bà Lê Thi. Gác lại chuyện học hành, hòa vào dòng người, bà tham gia kháng chiến và trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô, chiến đấu 60 ngày đêm ở Hà Nội, rồi sau làm cán bộ của Hội Phụ nữ Cứu quốc…
2. Nhưng câu chuyện của bà Lê Thi không phải là câu chuyện của ký ức, câu chuyện về triết học mà hơn 20 năm bà gắn bó, miệt mài trên những cương vị cao, Viện trưởng Viện Triết học. Bà Lê Thi nói, cuộc đời bà luôn bị ám ảnh bởi số phận của những người phụ nữ. Có lẽ khởi nguồn từ tư tưởng bình đẳng giới của giáo sư Dương Quảng Hàm nên bà Lê Thi luôn có một ý thức rõ rệt về quyền của người phụ nữ. Những năm tháng công tác trong kháng chiến, từng được cho tiền để mua áo tứ thân và khăn mỏ quạ như một nông dân thực thụ, giúp bà hiểu cảnh đời của phụ nữ nông dân. Cái thời một mình một ba lô, xuyên rừng, lội suối, đi bộ đến từng bản nhỏ ở Tuyên Quang, đến Chiêm Hóa, Na Hang, vào những bản làng nghèo đói và xa xôi nhất để tìm hiểu về cuộc sống của phụ nữ và tuyên truyền cách mạng.
Say mê công việc, cả cuộc đời giáo sư Lê Thi lao động không mệt mỏi. Sau những chuyến bôn ba làm công tác phụ nữ ở nhiều huyện, tỉnh, bà được cử đi học lớp lý luận chính trị cao cấp đầu tiên ở Trường Nguyễn Ái Quốc. Năm 1962, giáo sư Vũ Khiêu và ông Hoàng Minh Chính thành lập tổ Triết học, và xin bà về. Mối cơ duyên với triết học của bà bắt đầu từ đó.
Nhưng ngay cả khi lên đến Viện trưởng Viện Triết học, đi vào nghiên cứu những vấn đề cơ bản của Triết học Mác – Lênin, bà Lê Thi vẫn trăn trở về những vấn đề của phụ nữ. Những ám ảnh về nỗi khổ của những người phụ nữ trong chiến tranh, sự nhọc nhằn, vất vả của họ trong thời bình… đã thôi thúc bà Lê Thi từ bỏ mọi danh hiệu, chức tước, xin thành lập Trung tâm nghiên cứu phụ nữ, sau này đổi thành Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Giới. Lúc đó là năm 1987, nhận thức về người phụ nữ trong xã hội vẫn còn những hạn chế.
Khi bà xin nghỉ chức Viện trưởng Viện Triết học, nhiều người cười, cho rằng, người phụ nữ này gàn dở. Mấy ông nam giới, còn nhạo báng ý tưởng mà họ cho là điên rồ của bà bằng cách, bảo họ sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu nam giới. Bà chỉ cười. Nhưng bà Lê Thi là người quyết liệt, đã nói là làm. Không ai ủng hộ bà lúc đó. Kể cả những nhận thức của xã hội còn quá nặng nề. Bà Lê Thi một mình lo liệu. Đầu tiên là mượn một cái phòng nhỏ ở Viện Triết học, về sau, thuê được tầng 1 của khu tập thể Đinh Công Tráng và Trung tâm có một trụ sở riêng, hoạt động hiệu quả cho đến ngày hôm nay. Bà Lê Thi luôn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Bà trở thành cầu nối cho các tổ chức quốc tế, như quỹ Đan Mạch, quỹ Thụy Điển vào Việt
và giúp đỡ những người phụ nữ nông dân nghèo. Bà tâm sự: “Vấn đề bình đẳng giới vẫn còn khó khăn lắm. Luật pháp có quy định rồi, nhưng người ta không thực thi luật pháp. Các chị em thì không dám đấu tranh…”.
Nhiều cuốn sách về nữ giới đã ra đời từ những nghiên cứu và khảo nghiệm thực tế của bà. Sự nỗ lực không mệt mỏi của giáo sư Lê Thi trong hơn 20 năm qua, chỉ với một tâm niệm là xã hội có cái nhìn bình đẳng hơn về người phụ nữ. Bà đã có những chuyến đi rong ruổi khắp các vùng miền, gặp gỡ nhiều phụ nữ đơn thân, những chị em đi bộ đội và thanh niên xung phong, sau về không lấy chồng, những người không may bị nhiễm chất độc da cam, sống một mình, hay phụ nữ đơn thân ở nhiều nông trường quá lứa, lỡ thì…
Rất nhiều những cảnh đời bất hạnh đau khổ đã được bà Lê Thi viết lại trong cuốn Phụ nữ đơn thân và được dịch sang tiếng Anh. Một cuốn sách xúc động về những cảnh đời có thật. Câu chuyện của giáo sư Lê Thi đã gây một hiệu ứng rộng rãi trong xã hội, và được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức phi chính phủ. Nhiều dự án đã được thực hiện, ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, nơi mà người phụ nữ không bao giờ nghĩ rằng, mình có một cơ hội được như vậy.
Không ai nghĩ rằng, sau đôi mắt sáng tinh anh của bà, sau mái tóc bạc và sau cả cái dáng đi có phần mệt mỏi của bà Lê Thi vẫn còn ẩn chứa rất nhiều dự định, nhiều khát vọng đấu tranh cho bình đẳng giới… Hàng ngày bà vẫn đọc báo, viết bài cho tạp chí Khoa học về Gia đình và giới, nơi bà từng giữ cương vị Tổng Biên tập. Tưởng như thời gian và sự già nua mệt mỏi bất lực trước trí tuệ mẫn tiệp của nữ trí thức này. Hình như bà chưa một ngày dừng viết, chưa một ngày ngừng suy nghĩ, trăn trở. Bà bảo: “Phụ nữ mình khổ lắm, và thiệt thòi lắm. Có khi tôi làm dự án, cho mỗi người một ít tiền để làm ăn, nhưng cầm tiền về đến nhà, bị chồng lấy đi uống rượu, trắng tay mà vẫn cam chịu. Giờ vẫn còn rất nhiều chuyện tréo ngoe như vậy, thì hỏi làm sao phụ nữ được bình đẳng?…”.
Cả cuộc đời cống hiến cho khoa học, nhưng điều đau đáu của bà Lê Thi vẫn là câu chuyện về bình đẳng giới. Dường như với những con người làm khoa học chân chính, họ đã quên cả chính bản thân mình. Dù cuộc sống hàng ngày vẫn đạm bạc. Dù nhiều năm nay, gia đình bà ở trên một căn gác cũ kỹ, chật hẹp. Dù những đồ đạc trong gia đình rất giản tiện, khiêm nhường. Nhưng khi đã chọn con đường dấn thân cho khoa học thực thụ thì mọi danh vọng, tiền bà bạc đều xem nhẹ. Mà bà chỉ có niềm đam mê, sự cống hiến. Tôi đã từng may mắn có dịp tiếp xúc với nhiều trí thức cùng thời với bà Lê Thi, và tự hỏi điều gì cắt nghĩa được, cho cả một thế hệ những nhà khoa học dấn thân và thậm chí, nhiều người trong số họ đã quên cả chính bản thân mình, cả những hạnh phúc riêng tư.
Bà Lê Thi may mắn có một gia đình bình yên. Bên cạnh bà luôn có người chồng yêu thương, thấu hiểu những tâm nguyện của bà. Hàng ngày trên căn gác nhỏ đơn sơ ấy, ông và bà, vẫn cùng nhau trong hành trình dài của kiếp người, và sống nốt những ngày bình yên trên cõi đời. Bà viết nhật ký, những ký ức về giáo sư Dương Quảng Hàm và về một quãng đời có ý nghĩa mình đã sống. Bà sợ, những ký ức sẽ rời xa bà, một ngày nào đó… Bởi đối với những người như bà, thì ký ức đâu chỉ của riêng bà nữa. Mà đó là một phần di sản của dân tộc…
Khánh Linh
Nguồn:antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx