Nhớ những ngày hào hùng và gian khổ

Tôi vẫn còn nhớ mãi buổi đầu tiếp xúc với GS.TSKH Bùi Anh Định – nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội, ông đã vô cùng bất ngờ khi thấy tôi mở đầu bằng câu chuyện về “di sản ký ức”. Bởi, ký ức là của mỗi cá nhân – nhưng là một phần lịch sử của đất nước trong mỗi thời đoạn nhất định. Mà với ông, từ trước tới nay, dường như không mấy ai hỏi về điều đó để ông có dịp hồi tưởng lại quá khứ của mình. Những ký ức xưa cũ chỉ đôi khi chập chờn thoảng qua trong trí nhớ – không đầu, không cuối. May thay, bà Phạm Lê Thu – người vợ hiền yêu dấu, đồng thời là một “bộ nhớ” tuyệt vời luôn gắn bên ông, để cùng ông kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng đã qua.

Câu chuyện hôm nay của ông bà đưa chúng tôi cùng trở lại những năm tháng Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ác liệt trên miền Bắc vào những năm 60 của thế kỷ trước.

Góp sức cho sự nghiệp chung

Khi đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ[1] để làm cái cớ cho việc mở màn chiến dịch mang tên “Sấm Rền” với quy mô lớn nhằm “phá hoại miền Bắc” bằng không quân, cả Hà Nội sẵn sàng cho chiến lược sơ tán. Khi những quả bom Mỹ đầu tiên rải xuống miền Bắc vào tháng 3-1965, thì công việc sơ tán về nông thôn cũng gần như hoàn tất, trừ những đơn vị “thật sự thiết yếu với đời sống thủ đô”, cần phải bám trụ. Bấy giờ toàn bộ giáo viên, công nhân viên và sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải đã sơ tán lên vùng núi Mai Sưu, thuộc huyện Lục Nam, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang), mật danh của hoạt động sơ tán này là “Hợp tác xã tháng Tám”. Cũng như bao giáo viên khác của trường, Bùi Anh Định tạm xa gia đình theo trường công tác ở nơi sơ tán. Những trang nhật ký đã ngả màu thời gian của ông thời kỳ ấy, có những dòng chữ ghi vội, nhưng thể hiện nhận thức rất rõ ràng của ông về thời cuộc: “Lo cho tiền đồ là phải. Nhưng tiền đồ của mình phải phục vụ trong sự nghiệp chung… Công tác là để phục vụ nhân dân. Dù khó khăn thế nào cũng vẫn tỉnh táo, không mệt mỏi, gương mẫu, kiên trì”[2].  Năm 1965, dưới tán rừng dẻ Mai Sưu, Bùi Anh Định cùng với các giáo viên, sinh viên hăm hở lao vào công việc lấy tre nứa dựng trường lớp. Chẳng bao lâu “hàng trăm ngôi nhà lớn nhỏ, gần 5000 mét vuông thư viện, hội trường, nhà ăn, bệnh xá, câu lạc bộ… đã được mọc lên. Thày và trò còn lao động đào đắp trên 50.000 mét đường lớn nhỏ, 6000 mét hầm hào[3] để ổn định nơi ăn ở, học tập cho 20 bộ môn, 60 lớp học với khoảng 3100 sinh viên[4].

Chiến tranh ngày càng ác liệt, máy bay Mỹ điên cuồng tập kích phá hủy hệ thống giao thông nhằm ngăn chặn dòng chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Cùng với việc giảng dạy, Bùi Anh Định thường xuyên được Ban lãnh đạo nhà trường cử về các Ty Giao thông của các tỉnh, xa nhất là Quảng Bình, để hướng dẫn cho dân quân địa phương cách sửa chữa cầu, vá đường, đảm bảo giao thông sau khi bị bom Mỹ oanh tạc. Ông ghi lại rất chi tiết: “các cầu lớn như cầu Ninh Bình, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) đều bị phá hỏng, có những cầu đã rơi hẳn xuống sông; các ga lớn đều bị đánh phá, có những ga hầu như trở thành bình địa… Chúng tôi bắt buộc phải đi xe đạp và phải đi ban đêm, vì ban ngày máy bay địch thường xuyên lượn lờ, chỉ nghi ngờ nhỏ là chúng oanh tạc. Đã có những giáo viên trường tôi bị thương và hy sinh…”[5]. Đường vẫn thông, cầu vẫn được giữ vững nên hàng đêm, những đoàn ô tô vận tải với ngọn đèn gầm tù mù vẫn nườm nượp nối đuôi nhau hướng về phương Nam.

GS.TSKH Bùi Anh Định

Cũng trong thời gian này, Bùi Anh Định cùng với hai giảng viên Nguyễn Quốc Thái, Phan Đình Thanh ở Tổ Cầu đã thiết kế các loại cầu phao gỗ, cầu phao thép, ca nô xi-măng lưới thép… nhằm đảm bảo giao thông trên các tuyến đường cắt ngang dòng sông Hồng, sông Đuống ở Hà Nội. Ngoài ra, Bùi Anh Định tham gia cùng một số đơn vị Bộ Giao thông thiết kế các loại cầu treo, cầu cáp sử dụng trên các tuyến sông. Tất cả những thiết kế ấy đều được ứng dụng một cách có hiệu quả vào công tác phục vụ giao thông trong hoàn cảnh chiến tranh.

Những kỷ niệm khó quên

Từ năm 1966 đến 1967, Bùi Anh Định tham gia nghiên cứu, thiết kế và xây dựng cầu vòm và cầu treo ở xã Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội). Tối 30 Tết Đinh Mùi (1967), cô vợ trẻ Phạm Lê Thu ôm con gái Thu Hương – lúc này chưa đầy 2 tuổi, thấp thỏm chờ chồng về chuẩn bị cho Năm mới. Bùi Anh Định về tới nhà cũng là lúc đồng hồ chỉ 10h đêm. Ông gỡ trên ghi đông xe đạp chiếc túi đựng mấy lạng thịt lợn được phát theo tiêu chuẩn của cán bộ trên công trường và bảo vợ chuẩn bị để gói bánh chưng. Cô Thu phải tất tưởi ngâm gạo, đỗ rồi chạy sang nhà hàng xóm để xin lá dong về gói bánh, còn Bùi Anh Định chở con gái trên chiếc xe đạp tới nhà mẹ vợ trên phố Bà Triệu để… xin củi về nấu bánh. Lần đầu tiên Bùi Anh Định “trổ tài” gói bánh trong điều kiện thiếu khuôn, thiếu lá, tuy nhiên công việc vẫn hoàn tất và đến sáng Mùng một Tết, những chiếc bánh chưng to, nhỏ, méo mó, xộc xệch cũng vừa chín tới. Bánh chín, vợ chồng Bùi Anh Định cùng với cô con gái nhỏ đạp xe về Thạch Thất, Hà Tây (cũ), nơi hai cụ thân sinh của ông đang sơ tán, để biếu bánh, chúc tết.

Những đợt cao điểm bị đánh phá, khu phố Nguyễn Khắc Hiếu – nơi ở của gia đình Bùi Anh Định luôn trong tình trạng báo động do gần nhà máy điện, nhà máy nước Yên Phụ. Toàn bộ nhà cửa trong khu phố đều được quét vôi pha với tro màu xám. Hầu hết người dân trong khu phố đều đi sơ tán, vợ chồng ông cũng phải gửi con về nơi sơ tán của hai cụ thân sinh ở Thạch Thất. Thường vào cuối tuần, Bùi Anh Định đạp xe từ Bắc Giang về Hà Nội và cùng vợ mua đồ về tiếp tế cho bố mẹ và con gái. Có lần máy bay Mỹ đến ném bom, cả hai vợ chồng cùng chui xuống hầm trú ẩn ở ngay trước cửa nhà. Sau cơn hốt hoảng, bà Thu trách ông:“Cả hai cùng xuống một hầm lỡ bom nó thả chết thì lấy ai mà nuôi con?”. Bà lão hàng xóm cũng lóp ngóp ngó đầu qua cửa hầm dặn dò: “Lần sau cô chú phải chia ra mỗi người một cái hầm nhớ!”. Sức công phá của trận bom hôm ấy khiến bộ bàn ghế của gia đình ông bị vỡ tan, chiếc đồng hồ treo trên tường bị rơi xuống vỡ cả vỏ gỗ. Nhiều gia đình xung quanh bị bật tung hết cửa, nhưng tuyệt nhiên là đồ đạc trong nhà không hề bị mất mát.

Một chiều thứ 7, mùa đông năm 1967, như thường lệ, vợ chồng Bùi Anh Định đi mua các nhu yếu phẩm: đậu phụ, gạo, dầu ăn… rồi buộc vào 2 xe đạp để tiếp tế xuống nơi sơ tán cho ông bà và con gái. Trên đường đi từ Nguyễn Khắc Hiếu đến Kim Mã – hai bên là hồ, ao, nhà cửa thưa thớt, vợ chồng ông gặp một người bạn đang hớt hải đạp xe theo chiều ngược lại. Người này hốt hoảng thông báo: “Nó đánh sập Cầu Diễn không đi được nữa rồi. Giờ nó đang đánh ở đằng Hà Tây đấy, không đi được đâu!”. Một thoáng lo lắng nhưng vợ chồng ông vẫn quyết định đi tiếp, ngay sau đó máy bay Mỹ vù vù lao tới, hai người vội vàng dắt xe nấp vào một gốc cây to ven đường để lánh nạn. Tới Cầu Diễn, vợ chồng ông đi vào Hà Đông rồi qua làng Sơn Đồng để tới Sài Sơn. Trời sẩm tối, họ đến làng Sơn Đồng. Làng vừa bị oanh tạc, cảnh vật trở nên xơ xác, tiêu điều. Nằm ngổn ngang trên đường là những cây cối, bụi tre bị đánh bật, những xác người chết không toàn thây… Dưới ánh trăng mùa đông, trời lất phất mưa phùn, vợ chồng ông đạp xe băng qua cánh đồng làng. Đi được một đoạn, họ lờ mờ nhìn thấy một đám người đang khiêng người chết đi qua cánh đồng,  theo sau là những tiếng khóc lóc sụt sùi của những người thân. Vì con đường đồng rất nhỏ nên vợ chồng ông phải nhấc xe đạp xuống ruộng để nhường đường cho đoàn người khiêng linh cữu đi qua. Phải đến nửa đêm vợ chồng Bùi Anh Định mới về tới nơi sơ tán.

Bây giờ chiến tranh đã qua rất lâu, song ký ức về những năm tháng gian khổ đến mức kinh hoàng ấy vẫn còn để lại những dư âm khó quên. Quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng được gợi lại như một lần nhắc nhở thế hệ trẻ niềm tin yêu và trân trọng cuộc sống hiện tại, định hướng vững chắc cho tương lai. Đó là điều mà chúng ta luôn hướng tới.

Đỗ Minh Khôi

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

[1] Sự kiện Vịnh Bắc Bộ là sự kiện được  Mỹ dựng lên, lấy cớ Hải quân Nhân dân Việt Nam tấn công chống lại hai tầu khu trục USS Maddox và USS Turner Joy của Hải quân Mỹ vào các ngày 2-8 và 4-8-1964 ở Vịnh Bắc Bộ, để ném bom trả đũa.

[2] Trích trong Nhật ký ngày 9-5-1965 của GS.TSKH Bùi Anh Định. Hiện tài liệu đang được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Trích trong “Những chặng đường xây dựng và phát triển của trường Đại học Giao thông vận tải”, Kỷ yếu Trường Đại học Giao thông vận tải 65 năm xây dựng và phát triển, 15/11/1945 – 15/11/2010, trang 17.

[4] Số liệu lấy từ bài viết “Những chặng đường xây dựng và phát triển của trường Đại học Giao thông vận tải”, Kỷ yếu Trường Đại học Giao thông vận tải 65 năm xây dựng và phát triển, 15/11/1945 – 15/11/2010, trang 17.

[5] Trích trong bài viết “Trong điều kiện chiến tranh gian khổ vẫn giữ vững hoạt động giảng dạy, đào tạo” của GS.TSKH Bùi Anh Định. Hiện tài liệu đang được lưu giữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.