Một luận án tiến sĩ khoa học xuất phát từ nhu cầu thực tiễn

Năm 1960, sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ tại Liên Xô (cũ), bác sĩ Bùi Đại trở về nước và công tác tại Viện Quân y 103, rồi Viện Quân y 108. Luận án phó tiến sĩ của ông nghiên cứu về viêm gan (Viêm gan siêu vi trùng lâm sàng và các rối loạn chức năng gan), nhưng khi về nước, trước điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm, hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, số thương, bệnh binh bị nhiễm sốt rét rất nhiều, đã thôi thúc ông Bùi Đại chuyên tâm vào nghiên cứu, điều trị bệnh sốt rét, phục vụ chiến trường chống Mỹ đang diễn ra rất khốc liệt.

GS.TSKH Bùi Đại chia sẻ với cán bộ Trung tâm

Thực tế những năm chiến tranh, việc thiếu thuốc trị sốt rét không phải là chuyện phổ biến, nhưng thuốc kết hợp để chữa sốt rét ác tính và sốt rét do ký sinh trùng kháng thuốc thì rất hiếm. Trước thực trạng đó, ông Bùi Đại đã đi sâu nghiên cứu và tìm những phương pháp chữa trị mới. Từ năm 1960 đến năm 1973, ông đã 5 lần vào các chiến trường B1, B2, B3, Tây Nguyên và Đường 559. Trong những lần đi chiến trường cứu chữa thương, bệnh binh, ông đã tổng hợp số liệu, so sánh, đối chiếu để tìm ra phương thuốc kết hợp có thể điều trị bệnh sốt rét do ký sinh trùng đã kháng thuốc. 

Phương pháp nghiên cứu của bác sĩ Bùi Đại là dựa vào thực tế điều trị trực tiếp đối với từng bệnh nhân. Khi tiến hành điều trị, ông đều ghi chép riêng trong một quyển sổ. Trang đầu ghi đầy đủ tên tuổi bệnh nhân, ngày bị sốt, diễn biến từng ngày của người bệnh, vẽ biểu đồ hình cột, phác đồ điều trị với việc sử dụng thuốc tổng hợp, kết quả hàng ngày lấy máu của bệnh nhân để xét nghiệm, theo dõi loại ký sinh trùng sốt rét biến đổi như thế nào. Trang sau ghi những nhận xét về mức độ tiến triển của bệnh nhân, tác dụng của loại thuốc điều trị. Những theo dõi này được ông tổng hợp trong 25 phác đồ, mỗi phác đồ khoảng 100 bệnh nhân. Trong suốt một giai đoạn, khoảng 20 năm, từ những năm 60 cho đến trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học, ông Bùi Đại đã tiến hành nghiên cứu, ghi chép hết sức tỉ mỉ bệnh án của khoảng 2.500 bệnh nhân. Đồng thời ông còn tập hợp, đúc rút kinh nghiệm từ 28 công trình nghiên cứu (từ năm 1961 đến năm 1981) có liên quan đến căn bệnh sốt rét. Với phương pháp nghiên cứu như vậy, ông đã phát hiện được hiện tượng Palcifarum kháng Choloroquin từ năm 1965; phát hiện Pyrimethamine và Quinarine bị kháng từ năm 1971 ở chiến trường B2. Từ việc tìm ra cơ chế, ông đã sử dụng phối hợp thuốc để chống kháng thuốc từ năm 1965 – 1968; đưa SMP (Sulfamethoxypyridazye) vào điều trị chống kháng thuốc từ năm 1967 – 1968 và khuyến cáo việc dùng Pyrimethamine để cắt đường lan truyền sốt rét do Plasmodium Palcifarum. Đặc biệt, việc phối hợp sử dụng SMP trong điều trị sốt rét đã làm cắt cơn sốt ký sinh trùng nhanh, làm giảm tỉ lệ tái phát, giảm tình trạng sốt dai dẳng, phục hồi nhanh sức khỏe của bộ đội, góp phần bổ sung sức chiến đấu cho quân đội.

Quá trình trực tiếp điều trị cùng với kết quả nghiên cứu bệnh sốt rét từ thực tế trong suốt hơn hai thập kỷ đã được ông Bùi Đại tổng kết, phát triển, làm nên bản luận án tiến sĩ khoa học với tên đề tài “Đặc điểm lâm sàng và điều trị bệnh sốt rét do ký sinh trùng Plasmodium Palcifarum kháng thuốcvà ông đã bảo vệ thành công tại Học viện Quân y Kirov, Liên Xô (cũ) năm 1984. Những kết quả nghiên cứu và giá trị ứng dụng điều trị bệnh sốt rét kháng thuốc của GS. TSKH Bùi Đại được đánh giá cao về mặt khoa học và thực tiễn, góp phần không nhỏ việc cứu chữa thương, bệnh binh trong chiến tranh cũng như điều trị bệnh sốt rét trên cả nước. Những công trình khoa học của ông là sự đóng góp không nhỏ cho lĩnh vực Y học nói riêng và nền khoa học Việt Nam nói chung.

Nguyễn Thanh Hóa

[1] GS.TSKH, Thiếu tướng Bùi Đại – Nguyên Viện trưởng Viện Quân y 108.