Tâm huyết với những nghiên cứu về giới

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống hiếu học, GS Lê Thi là con gái thứ tư của GS Dương Quảng Hàm, một nhà giáo mẫu mực của nền giáo dục Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám. Trong gia đình bà không có sự phân biệt con trai hay con gái, ai cũng được đi học, chính điều này có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học của bà sau này.

Sớm giác ngộ cách mạng, cô nữ sinh Đồng Khánh Dương Thị Thoa đã tham gia các hoạt động trong Đoàn thanh niên cứu quốc. Những năm 1945 – 1946 bà là Bí thư Phụ nữ Cứu quốc khu Hoàn Kiếm, là Đội trưởng Đội Tuyên truyền Úy lạo của Trung đoàn Thủ đô ( 1946-1947). Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta chống Pháp, bà tham gia hoạt động bí mật ở nội thành Hà Nội, rồi hoạt động trong các phong trào Phụ nữ ở Vĩnh Yên, Tuyên Quang,… Và từ những hoạt động thực tiễn này đã định hướng, đã hình thành trong bà sự quan tâm đến công tác nữ và sau này trở thành niềm say mê trong các nghiên cứu về Phụ nữ, về Giới. Sau năm 1954, Lê Thi được cử đi học lý luận chính trị, sau một thời gian ở lại trường làm công tác giảng dạy, bà về làm việc tại Viện Triết học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1961-1987). Bà từng tâm sự: “Ngay từ khi làm công tác phụ nữ trong Kháng chiến chống Pháp tôi đã quan tâm tới những vấn đề lý luận. Tôi nghiên cứu và làm việc ở Viện Triết học tới 25 năm, từ một người làm công tác dân vận, phụ vận cho tới một Viện trưởng Viện Triết học”.

Trong quá trình nghiên cứu triết học, những vấn đề về Phụ nữ Việt Nam luôn là mối quan tâm của GS Lê Thi và một Tổ chuyên nghiên cứu về Phụ nữ được thành lập trong Viện Triết học. Năm 1987, Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ (tiền thân của Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ và Gia đình, hiện nay là Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) được thành lập theo ý tưởng và quyết tâm của GS Lê Thi. Ý tưởng này ban đầu chưa giành được sự ủng hộ, nhất trí cao của lãnh đạo cũng như nhiều đồng nghiệp. Khi mới thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ GS Lê Thi đã phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ các cán bộ nghiên cứu. Trụ sở đầu tiên của Trung tâm là một căn gác nhỏ ở tầng hai, số 6 phố Đinh Công Tráng, Hà Nội với chưa đầy 10 nhân viên, cán bộ nghiên cứu. Những khó khăn này không làm bà nản lòng. Một mặt bà hướng cán bộ của Trung tâm tập trung thực hiện những đề tài nghiên cứu về phụ nữ ở nông thôn Việt Nam với nguồn kinh phí được cấp hết sức eo hẹp, mặt khác bà tranh thủ sự ủng hộ, tài trợ của các tổ chức nước ngoài.

Khi được hỏi về động lực thôi thúc bà quyết tâm đề nghị, thuyết phục xin thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ, bà nói: “Tôi cũng không hiểu tại sao khi đó đã ở tuổi 60 tôi lại hăng hái như vậy, chỉ tâm niệm những vấn đề về Phụ nữ Việt Nam phải được quan tâm nghiên cứu… Lúc đó tôi không nghĩ đến tuổi tác, chỉ nghĩ đó là những việc cần phải làm thôi”. Có lẽ những năm tháng lăn lộn với phong trào phụ nữ, đặc biệt là những tiếp xúc trực tiếp, sự thấu hiểu đối với nhiều hoàn cảnh phụ nữ nông thôn Việt Nam, bằng cả tấm lòng nhân ái, sự đồng cảm, bà thấy cần phải làm gì đó vì giới nữ, và bà đã thực hiện bằng được tâm nguyện ấy của mình.

Vấn đề phụ nữ ở nông thôn và vấn đề việc làm của phụ nữ là những nghiên cứu đầu tiên của GS Lê Thi, được tiến hành ở một số địa phương như: Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tây,… Bà đã cùng đồng nghiệp sử dụng các phương pháp định lượng, định tính trong nghiên cứu để đưa ra những kết luận và những giải pháp mang tính khả thi. Theo bà, vấn đề quan trọng đối với phụ nữ ở nông thôn là việc làm. Việc làm có ảnh hưởng lớn tới các yếu tố khác trong gia đình: đời sống tình cảm vợ chồng, cuộc sống vật chất, và các quan hệ xã hội khác. Khi nghiên cứu về phụ nữ nông thôn, Trung tâm đã gặp nhiều trở ngại như sự mặc cảm, tự ti của đa số phụ nữ nông thôn; những định kiến của xã hội, những ràng buộc về phía gia đình, chồng con,… Ngoài những nghiên cứu về phụ nữ ở nông thôn bà còn tiến hành đi sâu nghiên cứu phụ nữ công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, phụ nữ làm việc ở các nông trường và các lâm trường. Những nghiên cứu về các đối tượng phụ nữ khác nhau với những khó khăn, lực cản không giống nhau đều được bà cùng các đồng sự tìm hướng nghiên cứu, sử dụng các phương pháp khác nhau để thực hiện. Tuy nhiên, theo bà, điều quan trọng nhất khi tìm hiểu về đối tượng phụ nữ nông thôn, muốn giành được sự tin tưởng ở họ, thì trước hết phải đặt mình vào vị trí của họ, phải thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư của họ.

Trong những công trình về phụ nữ, GS Lê Thi tâm đắc nhất là những nghiên cứu về phụ nữ đơn thân, những kết quả nghiên cứu của bà được tổng hợp lại trong cuốn sách: Cuộc sống phụ nữ đơn thân ở Việt Nam”, Nxb Khoa học Xã hội, 2002. Cuốn sách được dịch và tái bản bằng tiếng Anh: “Single women in Vietnam”, Nxb Thế giới, 2008.. Bà tâm sự: “Tôi đồng cảm với những phụ nữ đơn thân”. Nghiên cứu về phụ nữ đơn thân là một quá trình chia sẻ với thân phận của những người phụ nữ, vì những lý do khác nhau, họ có cảnh đời bất hạnh về tinh thần hoặc thiếu thốn, khốn khổ về đời sống vật chất; họ là những phụ nữ không có chồng, góa chồng, bỏ chồng, bị tâm thần,… Để hiểu được cuộc sống vật chất, cuộc sống nội tâm của những phụ nữ đơn thân, GS Lê Thi đã tiếp xúc, đôi khi sống cùng với họ, trò chuyện, tâm sự, lắng nghe như những người bạn tri kỷ, vì thế bà có thể hiểu được những suy nghĩ, những tâm sự, những ước muốn và mong đợi sự đồng cảm, chia sẻ từ gia đình và xã hội đối với họ. Nội dung cuốn sách thật sự là một vấn đề xã hội cần được quan tâm, đồng thời là những trăn trở của GS Lê Thi – một nhà nghiên cứu tâm huyết, người đã có gần 40 năm gắn bó với những nghiên cứu khoa học.

Những công trình nghiên cứu về Phụ nữ, về Giới của Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ nói chung, của GS Lê Thi nói riêng có giá trị khoa học và thực tiễn không nhỏ, đã góp một tiếng nói có trọng lượng trong việc xây dựng, hoạch định chính sách nữ của Đảng và Nhà nước ta.

Nguyễn Thanh Hóa