GS Đỗ Xuân Hợp, vị tướng quân y ngoài Đảng

Được tặng giải thưởng lớn nhất ngành giải phẫu học thế giới

Năm 1932, vừa tròn 26 tuổi, BS Đỗ Xuân Hợp trở thành trợ lý giảng dạy ở Bộ môn Giải phẫu học Đại học Y Hà Nội, dưới sự chỉ  đạo của GS Pierre Huard, Giám đốc Viện Giải phẫu, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội.

Sau 10 năm giảng dạy và miệt mài nghiên cứu, BS Hợp đã thu thập được một khối lượng lớn những tư  liệu quý về giải phẫu hình thái và nhân chủng của các dân tộc trên đất nước Việt Nam cũng như trong toàn cõi Đông Dương. Mùa xuân năm 1942, cùng thầy mình là Pierre Huard, ông cho xuất bản cuốn sách tiếng Pháp Morphologie humaine et anatomie artistique (Hình thái học nhân thể và giải phẫu học nghệ thuật). Đó quả là một bộ sưu tập phong phú, một công trình nghiên cứu nghiêm túc, làm cơ sở cho nhiều ngành khoa học như: y học, nhân chủng học, dân tộc học, khảo cổ học, mỹ học…

Vừa ra mắt bạn đọc, cuốn sách đã gây tiếng vang trên diễn đàn y học Pháp và Việt Nam. Ngoài việc dạy tại Đại học Y Hà Nội, BS Hợp còn được mời giảng bài về giải phẫu học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là một trong những người được chế độ thuộc địa trả lương cao nhất Đông Dương; mỗi tháng lương có thể mua được 1.200 tạ gạo! Ông cũng sở hữu một số toà nhà ở Hà Nội vào loại  sang trọng lúc bấy giờ…

Bảy năm sau, ngày 13/12/1949, Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp quyết định tặng hai tác giả Pierre Huard và  Đỗ Xuân Hợp Giải thưởng Testut, giải thưởng lớn nhất trong ngành giải phẫu học thế giới thời ấy.

Không quay về Hà Nội nhận giải thưởng Testut mà rong ruổi trên những nẻo đường Việt Bắc

Thế nhưng, chính vào lúc Viện Hàn lâm nổi tiếng này quyết định tặng ông Giải thưởng Testut, thì GS Đỗ Xuân Hợp cùng nhiều nhà y học Việt Nam nổi tiếng khác như Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Hoàng Tích Trí, Trần Hữu Tước, Đặng Vũ Hỷ, Vũ Đình Tụng… theo Lời kêu gọi kháng chiến toàn quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã dũng cảm giã từ “Hà Nội vàng son”, rong ruổi trên những nẻo đường kháng chiến.

Từ Nhật Bản, GS Đặng Văn Ngữ cũng đã trở về Thái Lan, rồi băng qua rừng Lào, đến vùng Ngòi Quẵng, Chiêm Hoá, Tuyên Quang, tham gia xây dựng Đại học Y kháng chiến do GS Hồ Đắc Di làm Hiệu trưởng, GS Tôn Thất Tùng làm Giám đốc Bệnh viện thực hành của trường. Cả một thế hệ những người thầy thuốc lừng danh, những bậc trí giả hàng đầu đất nước, với tình cảm cách mạng sục sôi, tự nguyện rời bỏ cuộc sống “ô-tô, nhà lầu”, vui lòng “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” với đồng bào nghèo khó, bất chấp mọi gian khổ, hy sinh. Cuộc đời họ quả là những tấm gương trong sáng tuyệt vời đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Lòng yêu nước sâu lắng của họ đáng được đời đời khắc tạc trên bảng vàng, bia đá…

Là chuyên gia giải phẫu học nổi tiếng ở Đông Dương và cả ở Pháp, nhưng BS Đỗ Xuân Hợp không nề hà nhận bất cứ việc gì mà kháng chiến đòi hỏi, từ cấp cứu chiến thương, điều trị thương binh, bệnh binh, phụ trách bệnh viện, đến tổ chức đào tạo cán bộ y tế sơ cấp, trung cấp cho quân đội…

Chiến trường càng mở rộng, yêu cầu càng nhiều cán bộ quân y. Trong điều kiện vô cùng gian khổ ở chiến khu, làm thế nào vừa đào tạo được những cán bộ y tế vừa đạt chất lượng chuyên môn, vừa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng của các đơn vị quân đội? Đó là điều lo lắng ngày đêm của GS Hợp và đồng nghiệp.
 

d

GS Đỗ Xuân Hợp, vị tướng quân y ngoài Đảng.

Nhớ lại những năm trước kia theo học Trường Y và âm thầm tự học thêm, ông thấy rõ nỗi vất vả do thiếu sách và tạp chí chuyên ngành để tham khảo. Nhưng, dù sao lúc đó còn ở giữa lòng Hà Nội, sẵn tủ sách gia đình và thư viện, lại nhờ sử dụng thành thạo tiếng Pháp, nên ông dễ tìm ra tài liệu để đọc, để học. Chứ lúc này đây, trong lửa đạn hiểm nguy, giữa rừng sâu bản vắng, hơn nữa các học viên lại có trình độ tiếng Pháp không đồng đều, thì biết xoay xở sao đây?

GS Hợp nhận thấy chỉ có cách biên soạn càng nhanh càng tốt những bài giảng bằng tiếng nước mình. Ông phải bỏ ra biết bao công sức để đọc sách tiếng Pháp, chọn từ ngữ nào trong tiếng Việt để dịch cho chính xác, dễ hiểu, rồi soạn bài giảng bằng tiếng Việt sao cho thật gọn, thật rõ. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn còn xúc động khi ngồi đọc lại những dòng hồi ức chân thành của Giáo sư:

 “Có những đêm không sao chợp mắt, một mình bên ngọn đèn khuya leo lét trong gian nhà nhỏ giữa rừng sâu, tôi suy nghĩ cố tìm một từ  để dịch cho chính xác, dễ hiểu…”.

Từ “cẩm nang” mổ xẻ cấp cứu chiến thương đến giáo trình giải phẫu học hoàn chỉnh
 
Cuộc kháng chiến ngày càng gay go, quyết liệt. Thương binh ngày càng nhiều. Qua khảo sát, GS Hợp nhận thấy: Vết thương ở chân, tay bao giờ cũng chiếm tỷ lệ  lớn. Từ các bài giảng ông dần dần tập hợp lại, soạn thành cuốn Giải phẫu tứ chi và thực dụng ngoại khoa in năm 1952 ở chiến khu Việt Bắc. Tập sách không chỉ là tài liệu chính để giảng dạy trong nhà trường, mà còn là cuốn “cẩm nang” để các cán bộ quân y ở các đơn vị tham khảo khi phải mổ xẻ cấp cứu thương binh ngay tại chiến trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen. Chính phủ ta tặng GS Hợp Huân chương Kháng chiến.

Trong 20 năm (1952-1971), GS Đỗ Xuân Hợp mới biên soạn xong cả  bộ sách giáo khoa giải phẫu học hoàn chỉnh, gồm nhiều tập, với gần 1.500 trang và hơn 900 minh họa.

Với cuốn sách y khoa đầu tiên bằng tiếng Việt được in ở Việt Bắc năm 1952, GS Đỗ Xuân Hợp được coi là một trong những người lập công đầu đưa tiếng mẹ đẻ vào giảng dạy ở bậc đại học. Ông đã làm một khối lượng công việc khổng lồ: dịch sang tiếng Việt hàng chục nghìn từ về y học và giải phẫu học, chính xác và sáng tạo, góp phần làm giàu tiếng Việt ta, tránh lạm dụng các từ gốc Hán. Nội dung cuốn sách quả đã đạt được mục tiêu do ông tự đề ra:

“Học giải phẫu cốt để biết mổ xẻ và hiểu bệnh lý; giải phẫu phải kết hợp với thực dụng nội, ngoại khoa; cho nên bộ sách này được trình bày theo một quan điểm khác với các cuốn sách giáo khoa trước đây về giải phẫu học; bộ sách vừa có phần mô tả, vừa có phần tổng hợp định khu và phần hướng dẫn mổ xẻ (…). Như vậy người học không bị sa lầy trong các chi tiết giải phẫu học đơn thuần, và sẽ nhớ được những điều căn bản cần cho công tác.”

Bộ sách được Nhà xuất bản Y Học in đi in lại nhiều lần, tổng cộng gần 20 nghìn bản. Mỗi lần in lại, GS Hợp đều cẩn thận sửa chữa, bổ sung các số liệu mới và đặc điểm giải phẫu học của cơ thể người Việt Nam, đặc biệt là những kinh nghiệm mổ xẻ mà ông và đồng nghiệp mới đúc kết được qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Trong bộ sách ấy, ngoài những tài liệu kinh điển rút ra từ các tài liệu giải phẫu học nước ngoài, ông còn bổ sung những đặc điểm hình thái học của người Việt Nam do chính ông sưu tầm và công bố. Ngoài ra, ông còn nêu lên những điều chỉ dẫn về mổ xẻ, về khám bệnh dựa trên các chi tiết giải phẫu học được trình bày. Cách biên soạn ấy rất phù hợp với yêu cầu đào tạo cán bộ y tế ở nước ta.

Vị Thiếu tướng không phải đảng viên cộng sản   

Trong suốt cuộc đời mình (1906-1985), GS Đỗ Xuân Hợp là  tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 100 công trình nghiên cứu và gần 20 cuốn sách chuyên khảo về các lĩnh vực giải phẫu học ngoại khoa, nhân chủng học, khảo cổ học, mỹ học rất có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Nhưng có lẽ bộ sách giải phẫu học gồm bốn tập (Giải phẫu học đại cương và giải phẫu đầu – mặt – cổ, Giải và thực dụng ngoại khoa chi trên và chi dưới, Giải phẫu ngực, Giải phẫu bụng) vẫn là bộ sách lớn nhất của cả đời ông. Gần bốn thập niên đã trôi qua kể từ khi ông hoàn thành tập cuối cùng của bộ sách ấy (năm 1971), ở nước ta đã xuất hiện thêm nhiều cuốn sách giải phẫu học khác viết bằng tiếng Việt, nhưng có lẽ chưa có cuốn nào vượt được bộ sách của GS Đỗ Xuân Hợp về khối lượng, chất lượng bản thảo cũng như về số lượng bản in.

GS Đỗ Xuân Hợp, Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam, có lẽ là người duy nhất không phải đảng viên cộng sản mà lại được Nhà nước ta phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân. Ông cũng được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong nhiều thập niên, ông giữ chức Giám đốc Học viện Quân y.

Trong gần mười năm làm Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập tạp chí Tổ Quốc, cơ quan trung ương Đảng Xã hội Việt Nam (một chính đảng cách mạng do Bác Hồ giúp thành lập vào năm 1946, rồi kết thúc hoạt động năm 1988), tôi may mắn có mối quan hệ mật thiết với GS Hợp, bởi vì ông là Uỷ viên Thường vụ Trung ương của đảng này, và là một cộng tác viên của tạp chí.

Ông để lại trong tôi những ấn tượng hết sức tốt đẹp về một người trí thức khiêm tốn, kiệm lời, biết mười chỉ nói một. Ông và gia đình ông sống thanh đạm như bao cán bộ bình thường. Mấy ngôi nhà ông tại Hà Nội đã hiến cho Chính phủ. Một cuộc đời bình dị! Một nhân cách cao quý! Không bao giờ ông nói tới “công trạng lẫy lừng” của mình.

GS Hợp qua đời cách đây hơn hai thập niên. Nhưng trước tác khoa học của ông vẫn được xã hội trân trọng, trí tuệ và đức độ của ông vẫn soi đường và cảm hoá nhiều thế hệ thầy thuốc hậu sinh.

Ông đã được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. 

 

Hàm Châu

Nguồn: bee.net.vn/channel/1984/201007/GS-Do-Xuan-Hop-vi-tuong-quan-y-ngoai-Dang-1759191/