Hầu hết, những vị tôi muốn gặp đều tiếp người ngoài Bắc vào với thái độ nhiệt tình, ít nhất cũng lịch sự dù không giấu vẻ lạnh lùng. Duy có hai người khước từ: Thượng toạ Thích Trí Quang và học giả Nguyễn Hiến Lê.
“Văn kỳ thanh”
Tôi gặp nhà sư Thích Trí Quang chủ yếu vì tò mò. Còn Nguyễn Hiến Lê là người mình thực lòng hâm mộ. Vì vậy, chờ một thời gian lâu cho tình hình thành phố thật ổn định, tôi lại đến gõ cửa ngôi nhà có gốc hoàng lan ở đường Kỳ Đồng.
Dường như đối với học giả nổi tiếng này, tôi có chút duyên. Tôi nghe tên ông đã lâu, tuy chưa được tiếp cận trọn vẹn một tác phẩm nào. Ở Hà Nội thỉnh thoảng vẫn gặp ông trên tạp chí Bách khoa được tiếng đứng đắn xuất bản tại Sài Gòn. Bài nào ông viết cũng toát lên sự tự tin về kiến giải, lời văn mạch lạc, giản dị và trong sáng lạ thường.
Tại Đà Nẵng, tôi hay la cà các hiệu sách. Một lần, chị hàng sách thấy khách xem nhiều mua ít, nghĩ chắc anh bộ đội không đủ tiền, liền bê một chồng sách từ trên giá xuống, bảo tôi mang theo mà đọc. Tôi chọn lấy hai cuốn, biết mình còn tiếp tục đi xa về hướng Nam, và cũng không muốn lợi dụng lòng tốt của đồng bào. Hai cuốn sách ấy đều của Nguyễn Hiến Lê. Cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ của nhà sử học Mỹ Will Durant do ông dịch, và bộ Sử ký của Tư Mã Thiên ông cùng làm với Giản Chi.
Tờ tạp chí mới duy nhất in trước ngày 30/4 bày bán tại hiệu sách tôi mua được ở Sài Gòn cũng lại là tờ Bách khoa số cuối cùng (426) ra ngày 20/4/1975. Đây gần như là một đặc san mừng cuốn sách thứ 100 của Nguyễn Hiến Lê, xuất bản khớp với ngày phát hành tạp chí. Cuộc triển lãm toàn bộ tác phẩm của nhà văn nghe nói định làm ở nhà sách Khai Trí đã không diễn ra vì thời cuộc.
Đến khi say sưa tìm hiểu đồng bằng sông Cửu Long, sưu tầm tài liệu về vùng đất ấy, tôi lại gặp Nguyễn Hiến Lê. Cuốn Du khảo Bảy ngày ở Đống Tháp Mười phần nào mảnh mai về độ dày mà ngồn ngộn thông tin, chứa đựng nhiều tư liệu vững chãi. Một cuốn biên khảo hấp dẫn gần như tiểu thuyết. Tôi nhiều lần trích dẫn nó trong các bài viết cuối những năm 1970 về đồng bằng Nam Bộ.
Cuộc gặp đầu tiên
Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) – nhà văn, học giả, dịch giả, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập
Nguyễn Hiến Lê có những đóng góp đáng trân trọng và sáng giá về học thuật ở các lĩnh vực: ngữ học Việt Nam, lịch sử và triết học, văn học Trung Hoa. Tính ra, số bộ sách của ông được xuất bản gần gấp 1,5 lần số tuổi của ông và tính từ năm ông bắt đầu có sách in (đầu thập niên 1950), trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị gửi tới người đọc.
Những năm trước 1975, tại Sài Gòn ông là một trong vài người cầm bút được giới trí thức quý mến về tài học, nhân cách đối với xã hội cũng như trong học thuật.
Không có vấn đề nào cấp thiết liên quan đến công cuộc cải tiến dân sinh, xã hội mà không có những bài viết thiết thực kịp thời của ông để bày tỏ quan điểm của mình một cách minh bạch hay góp ý kiến xây dựng hết sức khách quan và thẳng thắn với chính quyền, với các giới, tổ chức… Khi cần nói thẳng thì ông không ngần ngại nói ngay lên sự thật, nói lên cảm nghĩ chống đối của mình, song vẫn chân thành, có tinh thần xây dựng, không đả kích cá nhân. Trên công việc làm, ông tiêu biểu cho hạng người cần mẫn, siêng năng, nói ra là tin cậy được.
Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT – “Lời mở đầu” của tác phẩm “Đời viết văn của tôi”.
– Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh và lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.
>> Trang tác giả: Nguyễn Hiến Lê – nhà trí thức chân chính
Một con người dong dỏng, mái tóc hoa râm, vẻ mặt đăm chiêu, mặc chiếc sơ mi trắng dài tay rộng và chiếc quần Âu cũng rộng thùng thình, hơi khác thường so với thời trang bó sát người thời ấy. Đó là hình ảnh nhà văn Nguyễn Hiến Lê lưu lại trong tôi khi ông thong thả từ gác hai xuống tiếp khách. Trước khi vào phòng, tôi đã dừng lại một phút ở hành lang ngắm cái tủ sách đóng theo lối cổ xếp đầy sách, toàn tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê.
Tôi trao tặng ông cuốn sách mới in, Đất nước một dải tập hợp những bút ký viết dọc theo chiều đất nước, từ khi giải phóng Quảng Trị ngày 19/3/1975, qua Huế, Đà Nẵng, Đèo Cả, Cam Ranh, Vũng Tàu, Sài Gòn đến “những cánh đồng thẳng cánh cò bay”, do Nhà xuất bản Thanh Niên vừa ấn hành. Ông nói: “In cũng nhanh nhỉ” trong khi những ngón tay tiếp tục lật các trang và đôi mắt lướt qua các bài viết. Đến trang cuối sách, ông ngẩng đầu hơi lộ vẻ ngạc nhiên: “Mười nghìn bản?”.
Đặt sách xuống bàn, ông nói tiếp: “Ở trong Nam này, sách in lần đầu, chẳng bao giờ lên tới con số ấy”.
Dường như cuốn sách nhỏ giúp đánh tan bầu không khí phần nào lạnh nhạt ban đầu. Thay những lời đối đáp xã giao, ông mặn mà trả lời những câu tôi hỏi. Tôi kể ông nghe chuyện được biếu sách tại Đà Nẵng, và thật thà nhắc lại, ngay sau ngày mới giải phóng tôi có đến thăm ông, tiếc là gặp lúc ông không được khoẻ. Ông nói: “Tôi mắc bệnh đau bao tử từ lâu, thỉnh thoảng nó lại hành cho một trận”. Tôi đáp: “Bệnh của người lao động trí óc. Chắc bác biết, tại bác làm việc quá miệt mài, ngồi tại chỗ, ít đi lại…”. Ông cười: “Tôi biết tất cả. Biết mà không sao làm khác. Cái nghiệp của mình là đọc và viết mà…”.
Tấm gương sáng về tự học
Đời văn của Nguyễn Hiến Lê là một hiện tượng hiếm thấy ở nước ta. Nghiên cứu, biên khảo, cảo luận, tiểu phẩm, dịch thuật, bình chú…, trong khoảng thời gian hai mươi năm (1955 – 1975), cho ra đời một trăm tác phẩm – trong đó nhiều cuốn ba, bốn tập và rất có giá trị.
Giáo sư Đào Duy Anh đánh giá bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê là “tác phẩm trội nhất từ trước tới nay trong loại của nó”. Bộ Đại cương Triết học Trung Quốc viết chung với Giản Chi là một tác phẩm đồ sộ (1.700 trang). Ba tập Lịch sử văn minh Ấn Độ, A Rập, Trung Quốc, dịch của Will Durant, có chú giải và bình luận dày hơn hai ngàn trang.
Bảy, tám năm cuối đời (1975-1984), trở về sống tại đồng bằng sông Cửu Long nơi ba mươi năm trước ông giã từ để “lên Sài Gòn sống bằng cây bút”, nhà văn còn viết và dịch thêm hơn hai mươi cuốn nữa. Có những cuốn đòi hỏi sự nghiên cứu công phu, như khảo luận triết học Trung Hoa trước đời Tần. Chỉ tính riêng về số lượng, đã là một kỳ tích.
Nguyễn Hiến Lê là một tấm gương sáng về tự học. Ra đời làm một kỹ sư công chính, vốn Tây học của ông khá dày dặn. Tuy nhiên, cho dù xuất thân gia đình Nho học, thuở nhỏ có theo đòi đôi ba chữ Hán, và về sau, những kỳ nghỉ hè cũng có về quê học với ông bác, vốn Nho học của ông “trước sau có bốn tháng, mỗi ngày học hai giờ!. Thuộc bốn ngàn từ, quên mất một nửa”.
Sau khi đỗ kỹ sư, thời gian chờ việc, ông học chữ Hán. Chiều chiều đến Thư viện Trung ương đường Trường Thi (nay là Thư viện Quốc gia) mượn bộ Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh. Rồi “bắt đầu từ chữ A, tìm những từ và ngữ nào đoán thường dùng mà chưa biết thì chép lại trong một tập vở, mỗi ngày độ ba, bốn chục từ”. Tối hôm đó và sáng hôm sau học thuộc những gì sáng đã ghi chép, chiều lại đến thư viện.
Ông còn mượn cuốn Ngữ pháp tiếng Trung của một tác giả viết bằng tiếng Pháp để học và ghi những điều quan trọng. Với cái vốn ấy, bắt đầu đọc nguyên bản truyện Tàu (Tam quốc chí), lúc đầu chậm sau nhanh, càng quen càng thích…
Đừng cầu danh, danh sẽ tới
Thời học sinh, ông cũng có học tiếng Anh, vừa đủ để vượt qua cửa ải môn ngoại ngữ kỳ thi tú tài. Chính sách của nhà cầm quyền Pháp thời trước, dù không nói ra, không muốn học sinh Việt Nam biết thêm một thứ gì khác ngoài ngôn ngữ và văn chương Pháp. Để có thể làm việc nghiên cứu, biên dịch, trước tác, Nguyễn Hiến Lê tự học thêm Anh ngữ, khá tới mức được một trường tư thục mời dạy Anh văn. Ông quả quyết: “Muốn kiểm soát sự hiểu biết của mình (về ngoại ngữ), muốn hiểu cho rõ thì phải dịch ra tiếng Việt”.
Trau dồi ngoại ngữ, ông không coi đó chỉ là phương tiện làm việc mà còn là một cửa ngõ đi tiếp vào biển học không bờ. Cuối đời, sau khi đã tạo lập nên một sự nghiệp đáng nể vì, Nguyễn Hiến Lê khẳng định: “Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ Học và Viết… Chép về đời văn của tôi, phải nhắc trước hết đến việc tự học”.
Ông có lời khuyên các bạn trẻ, thoạt nghe như nghịch lý mà rất nghiêm trang: “Khi muốn học về một vấn đề nào thì cứ viết sách về vấn đề ấy… Viết sách tức là tự ra bài cho mình làm. Học mà không làm bài thì chỉ mới đọc qua chứ không phải học”. Một thái độ như vậy có phần nào chưa thật trang nghiêm đối với công việc trước tác chăng? Dường như thấy trước phản xạ của độc giả, ông trấn an ngay: “Khi viết nên nhớ mục đích của ta là để tìm hiểu chứ không phải để cầu danh. Đừng cầu danh thì danh sẽ tới. Cầu nó, nó sẽ trốn…”.
Triển lãm sách của Nguyễn Hiến Lê Tại Sài Gòn năm 1959
Đọc – ghi và viết
Đọc và viết là nếp sống hằng ngày của Nguyễn Hiến Lê. Buổi sáng, sau điểm tâm, công việc mở đầu ngày làm việc là đọc chứ chưa phải viết. Đọc hết nửa buổi, mới ngồi vào bàn. Chiều cũng vậy. Còn cả buổi tối chỉ dành cho sự đọc. Sách nào mua về cũng đọc, dù chán cũng ráng mà đọc, để biết qua nội dung “trừ loại chưởng của Kim Dung”.
Những nơi đọc sách luôn để sẵn cây bút chì và cục gôm (tẩy). Đọc thấy chỗ nào đáng chú ý, cần xem lại hoặc ghi chép thì đánh dấu vào trang. Đọc xong chương nào, giở lại xem những đoạn có đánh dấu, ghi ngay những điều cần nhớ hoặc suy nghĩ, bình luận của mình.
Về mặt này, ông có điểm giống văn hào Ernest Hemingway: “Điều lớn lao nhất là sống, là làm công việc của mình – Hemingway nói – là nhìn, học và hiểu. Rồi lúc ấy mới viết, sau khi đã biết được một điều gì đấy, sau chứ không phải trước”.
Những người cầm bút đều biết, viết không phải lúc nào cũng là một thú vui. Đối với Nguyễn Hiến Lê, “dù không có hứng cũng đúng giờ ngồi vào bàn viết, viết bừa vài câu, nửa trang, rồi hứng tự nhiên tới”. Có thấy cách làm việc của ông, mới hiểu tại sao ông trước tác được nhiều như vậy. Nhà thơ Quách Tấn uyên thâm cổ văn từng ngạc nhiên: Riêng việc Nguyễn Hiến Lê đọc sách cũng đã khó có người bì kịp, chứ đừng nói đọc rồi còn viết.
Một đặc điểm nổi bật trong phương pháp làm việc của Nguyễn Hiến Lê là ghi chép. Ông ghi cẩn thận, không mệt mỏi, thường là tại chỗ qua mỗi chuyến công vụ khi còn làm công chức (mà ông gọi là “đi kinh lý”) hoặc những lần chuyển dịch vì việc riêng. Từ khi bắt đầu cầm bút, ông đã có thiên hướng viết du ký, đi đến đâu ông cũng chịu khó ghi chép cảnh đẹp, tục lạ, cổ tích… Trở về nhà, ghi ngay lại cảm tưởng cả chuyến đi. Văn phong của ông lưu loát.
Hãy đọc lại một đoạn ông viết bảy mươi năm trước về cái ga xép Lăng Cô, nay là điểm du lịch khởi sắc ở miền Trung, nhất là từ khi hoàn thành đường hầm Hải Vân: “… Từ trên cao nhìn xuống, nó y hệt một bức tranh thuỷ mặc của Trung Hoa. Một cù lao nhỏ ở gần bờ, bằng phẳng, trồng toàn dương, có chùa có nhà, có ghe đánh cá và lưới đánh cá phất phơ dưới gió. Một cây cầu dài nối với bờ. Những buổi chiều mây ngũ sắc in trên mặt nước, những chiếc ghe giương buồm ra khơi, hay những đêm trăng sóng bạc nhấp nhô vạch một đường sáng tới một đảo nào ở chân trời mù mịt, ngồi ở góc đường đầu cầu này mà ngắm trời nước…”.
Sách đã in ra, ông vẫn kiếm tiếp tài liệu để bổ sung khi tái bản. Như cuốn Đông kinh nghĩa thục (xuất bản lần đầu 1956), lần tái bản bổ sung ba mươi trang (1968), in lần thứ ba thêm hai mươi trang nữa (1974).
Phan Quang
Nguồn: chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Van-Hoa/Nguyen_Hien_Le-hai_muoi_nam_mot_tram_cuon/