*Chúng tôi biết là chị đã quyết tâm rời Bảo tàng phụ nữ VN để sang làm việc tại CPD. Liệu đó có phải là một quyết định hơi phiêu lưu?
ThS Phạm Kim Ngân:
Cách đây chục năm thì việc rời cơ quan nhà nước để sang làm việc cho tổ chức tư nhân thì có thể là mạo hiểm. Nhưng bây giờ thì cũng bình thường thôi. Tuy nhiên, với cá nhân tôi, đây cũng là một quyết định khá day dứt với cả cái chung và cái riêng. Công việc của tôi ở Bảo tàng phụ nữ cũng rất thuận lợi, thích thú, và tôi cũng đã có những đóng góp được ghi nhận, có vị trí nhất định. Bảo tàng Phụ nữ cũng đang có nhiều đổi mới trong hoạt động chuyên môn.
Cuối năm 2008, tôi biết đến CPD, khi đó Trung tâm còn trong giai đoạn “trứng nước”. Nhưng rồi, tiếp xúc với các nhà sáng lập CPD, được biết ý tưởng của họ – những chuyên gia y tế, không có nghiệp vụ bảo tàng, lưu trữ, nhưng lại tha thiết với việc nghiên cứu, bảo tồn di sản các nhà khoa học Việt Nam, mong làm được một điều gì đó có ích cho đất nước, cho dân tộc thì tôi đã thực sự cảm động, và tôi quyết toàn tâm toàn ý cùng họ, chuyển hẳn về đây. Tôi cũng coi đây là một cơ hội để mình làm một công việc có tính tiên phong, có ích, và có thể tự hào. Họ cũng đã trao niềm tin cho tôi, tôi không có lý do để không làm hết mình.
*Nỗ lực của các anh chị đã được từng bước khẳng định, trong đó có website cpd.vn phiên bản mới với nhiều thông tin đa dạng, cả văn bản, âm thanh, hình ảnh…về các nhà khoa học Việt Nam. Vậy thì liệu có cần thiết không, một bảo tàng vớinhững hiện vật, khi nó hoàn toàn có thể số hoá như vậy?
ThS Phạm Kim Ngân:
Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng trung tâm lưu giữ, bảo tồn tư liệu về lịch sử cuộc đời, các tư liệu, hiện vật của các nhà khoa học Việt Nam; bảo tàng trưng bày về lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học hoặc về lịch sử phát triển một hay nhiều ngành khoa học nào đó ở nước ta. Thực chất là một Bảo tàng khoa học Việt
*Nhưng các hiện vật gốc nhìn chung là rất quý, làm sao có thể sưu tầm? Và với số lượng nhiều như vậy (cả số các nhà khoa học lẫn các hiện vật liên quan), làm sao có thể lựa chọn những hiện vật đặc trưng hay điển hình nhất?
ThS Phạm Kim Ngân:
Quan niệm về hiện vật bảo tàng cũng đã thay đổi. Không nhất thiết phải là đặc sắc nhất, điển hình nhất hay quý hiếm nhất, mà quan trọng là nó gắn với cuộc đời nhà khoa học, liên quan đến hoạt động khoa học mà gắn với bước trưởng thành của một lĩnh vực khoa học nào đó và cuộc đời của nhà khoa học thì đều được chúng tôi quan tâm. Ví dụ các mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, những công trình,những thành tựu khoa học và ứng dụng khoa học vào thực tiễn nước ta sẽ là những dấu mốc của lịch sử phát triển nền khoa học Việt Nam…Nhà khoa học thì cũng là con người bình thường, họ có tất cả những nhu cầu vật chất và tinh thần của cuộc sống như một người bình thường và trong những bối cảnh như thế họ đã có những đóng góp cho việc xây dựng nền khoa học non trẻ của chúng ta trong hơn nửa thế kỷ qua.
Còn chị hỏi, những hiện vật quý hiếm đó, làm sao có thể sưu tầm thì đó là một quá trình khẳng định của CPD về mục tiêu cao đẹp của mình. Ban đầu cũng rất khó khăn để có thể thuyết phục được nhà khoa học và gia đình họ, nhưng dần dần các nhà khoa học đã tin tưởng và giao báu vật đó cho chúng tôi. Thực tế là đã có nhà khoa học đã tin tưởng trao cho chúng tôi lưu giữ cả một bộ sưu tập lưu trữ cá nhân với hơn 4000 đầu tài liệu hiện vật mà ông đã tích lũy và gìn giữ trong suốt cả cuộc đời mình. Đó là GS.TSKH Nguyễn Văn Nhân, chuyên gia đầu ngành về Chấn thương- Chính hình quân đội, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện TW Quân đội 108. Hiện CPD đã sưu tầm đuợc hơn 1 vạn đầu tài liệu hiện vật, và chúng tôi phải có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ hết sức cẩn thận.
*Xin chị cho biết cụ thể hơn, những tư liệu như thế nào thì được coi là di sản của các nhà khoa học?
ThS Phạm Kim Ngân:
Tư liệu khoa học thì bao gồm văn bản luận án, kể cả bản thảo viết tay chưa hoàn chỉnh; các công trình được đăng tải, nghiệm thu và các bản thảo, bút tích xử lý tư liệu liên quan; các hiện vật kỷ niệm cá nhân; bản tự khai, tự kể chuyện; các hồi ký liên quan; các giấy tờ và sổ ghi chép cá nhân; các bài đã viết về nhà khoa học, ảnh tư liệu, tư liệu phim, tư liệu phỏng vấn và những hiện vật với câu chuyện khoa học gắn liền với nó. Nói tóm lại, những tư liệu đó giúp chúng tôi có thể khôi phục lại lịch sử cuộc đời của một nhà khoa học mà những đóng góp khoa học của họ gắn liền với bối cảnh lịch sử đó. Thông qua lịch sử cuộc đời nhà khoa học, còn có thể đánh giá được lịch sử phát triển khoa học của một quốc gia, và những yếu tố liên quan đến chính sách phát triển khoa học của quốc gia đó. Có nghĩa là, thông qua Bảo tàng khoa học tương lai này, chúng ta sẽ có một cái nhìn tổng thể về nền khoa học nước nhà, góc nhìn chuyên sâu về một ngành khoa học cụ thể, sự phát triển khoa học của quốc gia qua các giai đoạn lịch sử hoặc lịch sử cống hiến cho khoa học của một nhà khoa học nào đó qua các thời kỳ của cuộc đời họ, từ đó phản ánh những khía cạnh khác nhau của xã hội trong giai đoạn đó; có nhận thức đầy đủ nhất về một nhà khoa học hoặc nền khoa học, có cơ hội trải nghiệm khoa học thông qua các di sản khoa học như một phòng thí nghiệm trong tự nhiên…Điều này khác hẳn với việc đọc một cuốn sách hay xem một bộ phim khoa học.
*Có lẽ đó là kỳ vọng thôi, liệu việc sưu tầm, nghiên cứu có thể thực hiện được mục tiêu đó không? Và làm thế nào để trong “biển thông tin” về các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu sẽ không nhầm hoặc bỏ sót?
ThS Phạm Kim Ngân:
Điều đó đòi hỏi lương tâm, trách nhiệm và quan điểm tiếp cận của người sưu tầm, nghiên cứu. Họ phải có nhiều nguồn thông tin và một “bộ lọc” tốt. Sự chính xác, trung thực trong công việc là lương tâm và trách nhiệm của người làm bảo tàng và lưu trữ hồ sơ về các nhà khoa học. Có như vậy, các tư liệu mới đủ sức thuyết phục. Lịch sử khoa học cũng có những “điểm vấp”, vì vậy trong các tiêu chí để nghiên cứu, học hàm và học vị của nhà khoa học không phải là căn cứ chính mà quan trọng là đóng góp khoa học của họ, được xã hội và ngành, giới công nhận. Trong cuộc đời nhà khoa học, không phải lúc nào cũng trọn đời một “màu hồng” mà có thể có mảng tối. Có người chỉ có một giai đoạn cống hiến xuất sắc, giai đoạn khác lại không; có người giai đoạn này nhà nước công nhận, giai đoạn sau lại chỉ xã hội đánh giá cao hay thấp. Cho nên khi tiếp cận, nhà nghiên cứu phải có quan điểm lịch sử, khách quan và toàn diện. Trong quá trình thực hiện công việc sưu tầm và nghiên cứu, chúng tôi học tập được phương pháp tổ chức phông lưu trữ cá nhân của Thư viện Lịch sử phụ nữ Mỹ thuộc Viện Radclifee (ĐH Harvard) mà trong đó phông (hồ sơ) lưu trữ về bà IDA PRUITT (nhà văn, nhà giáo dục, nhà hoạt động xã hội, người Mỹ gốc Trung Quốc) là một thí dụ tuyệt vời. Cách tiếp cận về hồ sơ lưu trữ cá nhân như thế này này rất phù hợp với ý tưởng của chúng tôi và chúng tôi đang cố gắng để thực hiện theo phương pháp đó, làm sao để cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học Việt Nam thật phong phú và là một kênh thông tin đáng tin cậy.
*Liệu những điều kiện hiện có của CPD, về tài chính và nhân lực, có đáp ứng được mục tiêu đó không?
ThS Phạm Kim Ngân:
Đó là một thách thức rất lớn với chúng tôi. Khi mới thành lập, CPD đã phải chịu “búa rìu dư luận” rằng một công ty tư nhân làm sao có thể làm được việc lớn như vậy khi mà nhà nước còn chưa dám nghĩ đến, chắc là chỉ lập ra để đi xin tiền, xin đất thôi. Chúng tôi không nản lòng mà cố gắng tự khẳng định mình đã, còn đã là những người khai phá thì bao giờ cũng gặp khó khăn trở ngại rồi. Mình cứ làm vì thấy công việc của mình có ích cho xã hội, cần cho khoa học. Thư viện Lịch sử phụ nữ Mỹ thuộc Viện Radclifee (ĐH Harvard) như đã nói ở trên là một cơ sở thuộc đại học tư nhân, được thành lập ban đầu năm 1941 với một bộ sưu tập đầu tiên về phong trào nữ quyền ở Mỹ do người lãnh đạo phong trào này tặng , thế mà đến nay đã trở thành một thư viện không lồ, lớn nhất nước Mỹ lưu trữ tư liệu về phụ nữ. Kinh nghiệm đó, tầm nhìn chiến lược đó khích lệ chúng tôi. Bằng những công việc thực tế và kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi có thể tự tin khẳng định bước đi của mình là đúng. Về kinh phí, hiện tại chỉ có một mình công ty Công nghệ và Xét nghiệm Y học (MEDLATEC) tài trợ cho các hoạt động của Trung tâm. Ban đầu gặp rất khó khăn nhưng lãnh đạo Công ty quyết tâm và kiên định. Hiện nay điều chúng tôi cần nhất hiện nay không phải vấn đề kinh phí mà là sự đồng thuận của xã hội để khuyến khích các nhà khoa học tin tưởng vào công việc vô cùng khó khăn, phức tạp này và cộng tác, chia sẻ với chúng tôi. .
Điều chúng tôi lo lắng khác hiện nay chính là đội ngũ cán bộ. Chiến lược của chúng tôi không xây dựng một bộ máy cồng kềnh mà phải tinh, gọn, có giải pháp linh hoạt. Chúng tôi đang xây dựng đội ngũ cộng tác viên, cả trẻ lẫn người đã nghỉ hưu, có kinh nghiệm, có tri thức và đặc biệt là phải say mê, tâm huyết với công việc này. Tuỳ vào thế mạnh của mỗi người trong lĩnh vực công tác của họ mà phát huy họ.
Trang web cpd.vn của chúng tôi là cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học Việt
*Vâng, Bảo tàng khoa học Việt
Nguyễn Hoàng (thực hiện)
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại, số 24, Chủ nhật, 13-6-2010