Chối từ con đường du học để trở thành bác sĩ của dân
17 tuổi, tốt nghiệp cấp 3 xuất sắc, đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài – trái ngọt đầu đời ấy từ xưa cho tới nay vẫn là ước mơ cháy bỏng và niềm tự hào khôn tả của biết bao học sinh và các bậc làm cha làm mẹ. Với cậu thanh niên Trần Minh Đạo ngày ấy, đó cũng là niềm vui mừng khôn xiết bởi cậu sắp được thỏa ước mơ nghiên cứu khoa học cháy bỏng và còn bởi đó là thành quả học tập bền bỉ suốt những năm tháng tuổi thơ cơ cực nơi vùng quê nghèo bom đạn Thanh Chương – Nghệ An. Thế nhưng cha cậu – ông Trần Thiệu khi ấy còn đương chức Trưởng ty Công an Nghệ Tĩnh, vừa nghe tin đã cắt phép đột xuất về yêu cầu nhà trường hủy quyết định đi học nước ngoài của con mình và nói với cậu: “Con dừng ngay việc đi nước ngoài học tập. Chiến tranh đang ác liệt, Tổ quốc cần những người như con ra trận, con nên gác bút nghiên lại và viết đơn xung phong ra trận con ạ”. Hành động quyết đoán và bất ngờ của người cha là sỹ quan mẫu mực, trọn đời “Sống, làm việc và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”, đã hình thành trong cậu thanh niên Trần Minh Đạo một lý tưởng sống cao đẹp, đó là biết hy sinh và dành trọn nhiệt huyết cho nhân dân, cho Cách mạng. Thay vì đi du học, chàng trai 17 tuổi Trần Minh Đạo xung phong nhập ngũ. Kết thúc khoá huấn luyện 3 tháng, Quân khu định giữ ông lại để đào tạo sỹ quan, nhưng một lần nữa, cha cậu đã đến đơn vị trực tiếp can thiệp để cho con trai mình “được” đi chiến đấu ở chiến trường B. Nếu đem câu chuyện cha cậu – ông Trần Thiệu, người từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Bộ Công an, nhưng rất nhiều lần ra tay “can thiệp” để con mình không hưởng vinh hoa phú quý, không về trung ương, mà lăn lộn cùng người dân nghèo ở địa phương, thì hẳn nhiều người sẽ thấy khó tin đến xót xa. Nhưng chính tấm gương mẫu mực của người cha từng nhiều đêm mất ngủ vì thương con, từng nuốt nước mắt vào trong để viết những câu thơ động viên con: “Mười năm đèn sách đã thành công/Đáp lời Đảng gọi giữ non sông/Xếp bút mau, con ra tuyến lửa/Diệt thù xâm lược khỏi trời Đông/Trời Đông trong sáng rực cờ hồng/Bố đón con về kể chiến công/Trung hiếu nghĩa tình con làm trọn/Xứng trai quê Bác bố vui lòng”, đã giúp cho bác sĩ Trần Minh Đạo có được tính cách quyết liệt, vươn lên không ngừng chinh phục kỹ thuật chuyên môn trong ngành y và phương châm hết lòng vì người bệnh trong suốt cuộc đời mình.
Khi chiến tranh kết thúc, cậu thanh niên Trần Minh Đạo rời khỏi chiến trường B sau khi đã trải qua những cơn sốt rét ác tính, nếm đủ chông gai từ các mặt trận ác liệt Quảng Trị, Nam Lào, BT34, BT52… trên đất bạn Campuchia. Với nhiều chiến công xuất sắc, khi Hiệp định Pari được ký kết, ông là một trong hai chiến sĩ Quyết thắng của Trung đoàn 13 được cử ra Bắc ôn thi đại học. Dù chỉ trải qua một thời gian ngắn dùi mài kinh sử, ông vẫn thi đỗ Đại học Quân y với số điểm cao (24 điểm). Năm 1979, vừa tốt nghiệp Đại học Quân y sau 6 năm học tập miệt mài thì chiến tranh Biên giới xảy ra, bác sĩ trẻ Trần Minh Đạo lại khoác ba lô lên đường nhận nhiệm vụ tại các đơn vị của Quân khu 9 (biên giới phía Tây Nam) và Bệnh viện dã chiến 85 của Cục Quân y tại các tỉnh biên giới phía Bắc.
PGS.TS. Trần Minh Đạo ân cần thăm hỏi bệnh nhân
chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện 198.
Trận địa không tiếng súng
Quãng thời gian từ năm 1980 đến năm 1984, rất nhiều người dân ở khu vực Dữu Lâu, Thậm Thình, Việt Trì… (Phú Thọ), gần Bệnh viện dã chiến 85, vẫn còn nhớ tên bác sĩ Đạo. Ngày ấy, ngoài công việc ở bệnh viện, cứ thấy có người dân gọi, chẳng ngại đêm hôm, đường xá xa xôi, bác sĩ Đạo đến nhà tận tình thăm khám. Họ chưa thấy vị bác sĩ ngoại khoa nào chịu đến tận nhà dân làm nhiệm vụ “bà đỡ”. Có lúc đang họp Đảng ở cơ quan, có ca sinh khó, bác sĩ Đạo vội vàng bỏ họp đi ngay. Trong điều kiện bệnh viện dã chiến thiếu thốn đủ mọi thứ, có lần, thương bệnh nhân bị liệt cột sống đau đớn, khó chịu, bác sĩ Đạo dùng tay không găng móc phân cho bệnh nhân… Những công việc thầm lặng như thế, hẳn sẽ không được ghi vào bảng thành tích cá nhân, mà chỉ có thể làm bằng tình yêu thương và sẻ chia thật lòng với người bệnh.
Năm 1984, vì hoàn cảnh gia đình, cha công tác bên Lào, mẹ bệnh nặng, bác sĩ Trần Minh Đạo xin chuyển công tác về Công an tỉnh Nghệ an và được tổ chức phân công về Trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Một mình là bác sĩ nơi trại giam với hầu hết bệnh nhân là phạm nhân, nhiều người vào trại mang theo bệnh tật hiểm nghèo, cơ sở vật chất lại chưa có gì, bác sĩ Đạo đã vận dụng hết kiến thức và khả năng sáng tạo để cứu chữa, nâng cao sức khỏe cho người bệnh. Ông huy động tất cả mọi người dọn vệ sinh, đảm bảo môi trường sạch sẽ để tránh phát sinh, lây lan bệnh dịch, tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn, nâng cao thể trạng và sức đề kháng. Đặc biệt, ông có sáng kiến xây dựng bệnh xá ngay trong trại, với sự hỗ trợ của các phạm nhân từng là bác sĩ, các y tá của trại và y tá là phạm nhân. Ông tìm tòi thêm các cách chữa bệnh từ Đông y, tận dụng ngay cây, con quanh trại để chữa bệnh, như trồng 3 ha cây đương quy, nấu cao hổ, cao voi, cấy chỉ vào cạnh cột sống để chữa hen… Nhờ thế, bệnh tật của phạm nhân giảm đi đáng kể, nhất là thể trạng được nâng cao. Với tấm lòng thương yêu người bệnh không phân biệt sang hèn, kể cả người đã mất quyền công dân. Có lần, gặp phạm nhân bị lao phổi chuyển thành áp xe, vỡ tung lồng ngực. Biết là bệnh nhân không thể qua khỏi, nhưng sắp đến ngày phạm nhân được tha tù, “nghĩa tử là nghĩa tận”, không đành lòng để bệnh nhân chết trong trại, bác sĩ Đạo nghĩ ra cách cắt ni lông dán che phủ lồng ngực bệnh nhân để khỏi tràn khí màng phổi. Sau đó, phạm nhân ấy đã được ra tù và ra đi trong vòng tay gia đình. Có phạm nhân nữ mang thai, ông tự mình đỡ đẻ và nuôi nấng, chăm sóc cháu bé chu đáo như tất cả các cháu bé khác.
Có một kỷ niệm rất giản dị nhưng làm chúng tôi cảm nhận được sự cao quý của nghề y. Đấy là một lần tình cờ trên đường, giữa lúc trời mưa, gặp một cháu bé 6 tháng tuổi tím tái, ngừng thở (do cháu bị viêm phổi, gia đình đã đốt thuốc phiện quá liều), ông vội vàng cấp cứu thổi ngạt, tiêm thuốc cứu sống cháu bé và bắt xe để gia đình đưa cháu đến điều trị tiếp ở Bệnh viện huyện Thanh Chương, Nghệ An. Xong việc, ông lại tiếp tục chuyến đi công tác, chẳng hề nghĩ đến ơn huệ hay đòi hỏi điều gì từ gia đình cháu bé. Tết năm đó, bố mẹ cháu bé lặn lội tìm hỏi bằng được nhà bác sĩ Đạo để cảm ơn, nhưng lúc đó bác sĩ không có nhà mà chỉ có cha ông. Hẳn người cha mẫu mực ấy sẽ cảm thấy ấm lòng và tự hào, bởi không uổng công ông nuôi dạy, rèn dũa một người con trai biết sống hiếu nghĩa trên đời! Bao năm làm nghề y, bác sĩ Trần Minh Đạo tự nhủ một điều tâm huyết: “Trận địa của người thầy thuốc không lừng lẫy như trận địa của các tướng lĩnh binh đoàn, nhưng với người thầy thuốc bình thường với kiến thức hiểu biết của mình, có thể cứu người bệnh thoát khỏi lưỡi hái của thần chết, thì niềm vui của họ khác nào các tướng lĩnh binh đoàn”.
Chinh phục kỹ thuật khó
Sau thời gian công tác ở Trại giam số 6, bác sĩ Trần Minh Đạo được điều chuyển về Bệnh viện 198 của Bộ Công an. Với khao khát học tập nâng cao chuyên môn bấy lâu chưa thỏa, ông kiên trì, bền bỉ, tìm tới những bậc cao niên trong nghề để học hỏi, không ngại cả việc xin học dự thính hay nhẫn nại thuyết phục thầy “chịu” nhận mình làm học trò. Ông tiếp tục hoàn thành chuyên khoa cấp I Ngoại tại Đại học Y Hà Nội. Sau đó, năm 1993 ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trước Hội đồng chấm luận án cấp quốc gia với đề tài “Góp phần nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị ung thư dạ dày vùng hang môn vị” và trở thành người cán bộ đầu tiên của Bệnh viện 198 bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ trong nước.
Vươn lên từ những khó khăn không dễ chia sẻ của đời sống riêng tư, những thăng trầm có lúc nghiệt ngã tưởng như không vượt qua nổi, ông lặng lẽ tu dưỡng chuyên môn, được tin tưởng bổ nhiệm giữ cương vị từ Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp đến Giám đốc Bệnh viện 198, tiếp tục học Bác sĩ chuyên khoa cấp II Ngoại khoa, hoàn thành 5 đề tài khoa học cấp Bộ, 2 đề tài khoa học cấp cơ sở, hơn 60 công trình nghiên cứu khác được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước, xuất bản 2 cuốn sách “Những bệnh hiếm gặp” và “Ung thư dạ dày- Một cách nhìn tổng thể, một cách tiếp cận mới”, là giảng viên kiêm nhiệm của Học viện Quân y, Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật nội soi Việt Nam, hội viên Hội Ngoại khoa Việt Nam và được phong chức danh Phó giáo sư. Đặc biệt, để mình không bị tụt hậu, năm 2007, ông tốt nghiệp văn bằng 2 hệ chính quy Đại học Ngoại ngữ, khoa tiếng Anh khi đã bước sang tuổi… 54.
Trên cương vị giám đốc, PGS.TS. Trần Minh Đạo quyết tâm nâng tầm Bệnh viện 198 lên ngang bằng với các bệnh viện phát triển về ngoại khoa. Ông chọn mũi nhọn, chuẩn bị cả con người lẫn trang thiết bị trong nhiều năm. Xóa đi thành kiến Bệnh viện 198 chỉ là bệnh viện ngành, từ năm 2008 đến nay, đã có 6 ca ghép thận được thực hiện thành công. Đặc biệt, Bệnh viện 198 là bệnh viện đầu tiên ở miền Bắc áp dụng thành công kỹ thuật nội soi lấy thận để ghép. Không dừng lại ở đó, PGS.TS. Trần Minh Đạo còn quyết tâm tiến tới thành lập 5 trung tâm chuyên khoa: ung bướu, huyết học – truyền máu; tim mạch, kỹ thuật cao và chỉ đạo tuyến, tiến tới ứng dụng nhiều kỹ thuật khó như xét nghiệm gen, mổ nội soi kết hợp mổ tim mở, thay van tim, ghép tuỷ… Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tháng 2/2010, Đại tá – PGS.TS. Trần Minh Đạo vinh dự được trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc nhân dân.
Đường đường là một vị giám đốc, vậy mà mỗi sáng sớm, PGS.TS, Đại tá Trần Minh Đạo lại đi bộ hoặc đi… xe bus đến bệnh viện. Cương vị của ông hoàn toàn có thể được xe đưa đón, nhưng vì luôn đến cơ quan vào lúc 6 giờ, ông không muốn để lái xe phải vất vả dậy sớm theo mình. Sống ở Hà Nội đã 25 năm, nhưng ông vẫn giữ phong thái của người con xứ Nghệ, rất bình dị nhưng quyết liệt và không ngừng tiến lên, “sống như thể sau lưng là vực thẳm”. Ông không quên những thầy cô ở trường huyện nghèo Thanh Chương, nên luôn vận động bạn bè đóng góp để thầy cô được nhập viện miễn phí khi đau yếu và tự tay mình thực hành phẫu thuật. Khi nhà ở xa bệnh viện, ông tự đi xe máy vào viện mổ cấp cứu, đợi ôtô đến đón thì rất có thể bệnh nhân sẽ chết, có lúc vừa mổ xong, phóng xe về đến nhà thì có điện thoại bệnh viện gọi, ông lại xách xe quay lại ngay… Từ bác sĩ tận tụy xuống nhà dân nơi bệnh viện dã chiến năm xưa, về Hà Nội, ông thành bác sĩ của khu phố, cứ có người gọi, dù giữa đêm khuya hay tiết trời giá rét, ông không nề hà tới thăm khám và cương quyết không nhận tiền thù lao. Ông ghi trong lòng chúng tôi một dấu ấn bình dị đúng như danh hiệu cao quý mà ông được trao tặng – người thầy thuốc của nhân dân.
Thanh Loan(Báo Công an nhân dân)
Nguồn:http://suckhoedoisong.vn/20100816110615243p61c89/pgsts-dai-ta-tran-minh-dao-giam-doc-benh-vien-198bo-cong-an-lang-le-giua-doi-thuong.htm