PGS Đỗ Ngọc Thống: ”Ông quan” mang tâm hồn của nhà giáo

Người “đứng sau” Bộ GD-ĐT về những đổi mới

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống được đông đảo người dân biết đến với tư cách là quan chức Bộ GD-ĐT, là Thường trực ban chỉ đạo đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK). Nhưng những thế hệ học trò trước kia lại biết đến người thầy này qua các cuốn sách bồi dưỡng văn học rất hay và ngôn từ trong sáng.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cũng chính là người đã thiết kế đổi mới đề thi ĐH các môn Xã hội: Văn học, Lịch sử, Địa lý theo dạng đề mở. Lúc đầu, ý định đó đã gặp phải sự “phản kháng” lớn từ giáo viên và báo chí, bởi họ vẫn quen cách dạy cũ, cách tiếp cận cũ… nên không muốn thay đổi.

PGS Đỗ Ngọc Thống

Nhưng bằng tài năng và cái nhìn trước thời đại của mình, ông vẫn kiên định thuyết phục cấp trên đổi mới cách thi cử, để học sinh không phải học vất vả. Nhờ đó, các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi ĐH gần đây luôn có các bài “mở” để kích thích sự sáng tạo của học trò. Những đổi mới này sau đó được dư luận tán đồng, ủng hộ.

Tuổi thơ… dữ dội

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống sinh năm 1957 trong một gia đình nông dân tại xã Hà Lai, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Tuổi thơ của cậu bé Đỗ Ngọc Thống là những tháng ngày vất vả, bươn chải với từng bữa ăn qua ngày, sống với người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và thường xuyên gánh chịu những cơn lũ lụt, thiên tai. Là con thứ 5 trong gia đình có 8 anh chị em nên dù bố mẹ ông chăm chỉ làm lụng, chắt chiu nhưng cái đói vẫn đeo bám (đặc biệt là giai đoạn giáp hạt).

Nhớ về những ngày tháng ấy, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng những vất vả mà ông phải chịu chưa là gì so với nỗi vất vả, gian khổ mà các anh chị trong gia đình ông phải chịu đựng. Vì gia cảnh nghèo khó mà hai chị gái đầu không được học hết cấp 3, phải nghỉ giữa chừng để đi làm mong trợ giúp bố mẹ; anh trai đầu phải học bổ túc cấp 3 và nhập ngũ vào quân đội…

Có lẽ ông là người may mắn hơn cả, được bố mẹ tạo điều kiện cho ăn học đầy đủ. Ông vốn ham đọc sách, có bao nhiêu tiền ông đều dành dụm mua sách đọc. Vừa chăn trâu, vừa mang sách theo, nhiều lần mải đọc quá để trâu ăn lúa, bị phạt khá nặng. Theo thời gian, tủ sách nhiều dần và chất đống cao đến nỗi ông phải nhờ bố lấy 2 cây luồng to bắc ngang sang hai cây cột nhà làm gác sách. Đến tận bây giờ người ta vẫn nhắc về tủ sách độc đáo ấy của ông!

Những kỷ niệm về một thời xa vắng đã đi vào miền ký ức hơn mấy chục năm qua nhưng mỗi khi nhớ lại ông vẫn ngậm ngùi: Đó là 2 lần đi học tập huấn đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh, dù địa điểm học cách xa nhà đến 50-70 km nhưng vì không có xe đạp nên phải đi bộ, bố gánh gạo và sách đưa ông đến tận nơi tập trung lớp bồi dưỡng. Vất vả là vậy, nhưng suốt thời học sinh ông luôn là cậu bé thông minh, chăm chỉ, học giỏi và ba lần được dự thi học sinh giỏi toàn miền Bắc (lớp 4, lớp 7 và lớp 10).

Thế vẫn là chưa đủ, bởi trên hành trình chinh phục tri thức của chàng trai Đỗ Ngọc Thống cũng đã gặp không ít những trắc trở: kết thúc lớp 4 ông suýt không được vào lớp 5 vì thiếu tuổi do khai học bạ không đúng; kết thúc lớp 7 ông không được học lớp 8 chỉ vì ngày ấy địa phương ông có chính sách mỗi gia đình chỉ được 01 người học cấp 3. Mà khi đó chị gái ông đang học lớp 9 nên ông bị loại, trong khi lẽ ra ông được vào thẳng vì là học sinh giỏi toàn miền Bắc.

Đang có ý định đi học bổ túc thì may mắn thay, đúng năm đó tỉnh Thanh Hóa lại mở lớp chuyên Văn đầu tiên và triệu tập tất cả học sinh trong đội tuyển thi HSG toàn miền Bắc hồi lớp 7 vào học. Được học tập ở Trường chuyên Lam Sơn – ngôi trường nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Thanh Hóa là mơ ước của hầu hết học sinh và với chàng trai Đỗ Ngọc Thống nó đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời!

Lớp chuyên Văn khóa đầu tiên tập hợp hầu như tất cả những học sinh xuất sắc trong toàn tỉnh, đặc biệt là đầy đủ các học sinh đã dự thi học sinh giỏi toàn miền Bắc lớp 7 năm ấy; nhưng ông không hề bị lu mờ. Thành tích học tập của ông luôn đứng đầu lớp, nhiều bài văn được đọc trong buổi chào cờ toàn trường Lam Sơn. Không chỉ gây ấn tượng ở môn Văn, ông còn là một học sinh giỏi Toán. Năm học lớp 9 (lớp 11 ngày nay) ông từng tham gia Đội tuyển thi HSG môn Toán toàn tỉnh. Xét về lĩnh vực chuyên môn thì Văn – Toán là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau: Xã hội – Tự nhiên nhưng theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chính lối tư duy logic, chặt chẽ, ngắn gọn ở môn Toán giúp ông thể hiện được nhiều hơn trong môn Văn, tránh lối viết dài dòng, không mạch lạc, không có nội dung…

Tốt nghiệp cấp 3, ông thi đại học và đỗ vào khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Vinh. Cuộc sống của chàng sinh viên tỉnh lẻ học tập và sinh sống ở thành Vinh cũng không hề dễ dàng, bị chi phối bởi những mối lo toan về cơm áo gạo tiền. Đã thế vào cuối năm học thứ nhất lớp ông suýt bị giải tán vì phong trào học tập yếu. Và một cuộc “cải cách” đã mở ra ông được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng từ năm hai và hết năm thứ tư. Cuối năm thứ ba lớp ông trở thành tập thể tiên tiến, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục (Nguyễn Thị Bình) tặng Bằng khen và trao cờ Tập thể học sinh Xã hội Chủ nghĩa (1978). Cùng với thành tích của tập thể, ba năm cuối ông đều là sinh viên ưu tú được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy khoa văn.

“Thuyền trưởng” đổi mới SGK

Năm 1979, cuộc Chiến tranh biên giới bùng nổ, theo lệnh Tổng động viên, ông vào bộ đội. Sau khi hoàn thành vụ quân sự, ông trở về địa phương làm giáo viên dạy văn tại Trường THPT Hà Trung (Thanh hóa). Sau 2 năm (1983-1984) giảng dạy, ông được Sở Giáo dục chuyển về dạy lớp chuyên Văn của Trường chuyên Lam Sơn (1984 – 1989). Không ngừng học hỏi, tiếp thu kiến thức mới, năm 1990 ông thi và trở thành nghiên cứu sinh tại ĐHSP Hà Nội 1 (1990-1994). Đây là bước ngoặt lớn thứ hai trong cuộc đời ông và mang lại cho ông những nhận thức mới về khoa học trong bối cảnh đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, đặc biệt đối với khoa học xã hội. Với văn học – nghệ thuật đúng thời điểm này, xuất hiện nhiều tư tưởng mới, nhiều tín điều cũ tưởng vững chắc nay đổ nhào tất cả; hàng loạt vụ văn nghệ, những oan sai, cấm kỵ nay được dần tháo gỡ; hàng loạt tác phẩm, nhà văn mới ra đời gây chấn động xã hội và tạo được dấu mốc quan trọng: Nguyễn Huy Thiệp; Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài…

Mặc dù chọn “Phương pháp dạy học” là chuyên ngành bảo vệ Luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) nhưng ông lại đam mê viết phê bình văn học. Hơn nữa lại được làm việc, cộng tác với toàn những GS, nhà phê bình nổi tiếng như Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Hữu Châu, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Hoành Khung, Nguyễn Đình Chú; Đỗ Bình Trị; Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Phùng Văn Tửu…nhiều nhà văn như Văn Tâm, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Dương Thuấn, Hữu Thỉnh, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Quang Thiều, Trần Anh Thái…, những nhà phê bình trẻ như Huỳnh Như Phương, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Văn Giá, Nguyễn Đăng Điệp… đã mang lại cho ông nguồn cảm hứng say mê, sáng tạo.

Ông cần mẫn viết bài phê bình, tranh luận, bảo vệ cho tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh; bênh vực kiểu kết thúc của Ngô Tất Tố trong tiểu thuyết Tắt đèn; bào chữa cho Nam Cao qua nhân vật Thị Nở; giới thiệu tiểu thuyết Miền đời quên lãng hoặc gần đây là Tản mạn về Dặm ngàn hương cốm mẹ, tập tùy bút của Nguyễn Tham Thiện Kế; giới thiệu thơ Dương Thuấn; Đọc Đọc giã biệt bóng tối của Tạ Duy Anh; Nghĩ về Tản văn của Đỗ Phấn; viết về các công trình nghiên cứu của Văn Tâm như Đọc Góp lời thiên cổ sự; Văn Tâm và những công trình cuối đời; phân tích những đóng góp của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh qua tiểu luận Nguyễn Đăng Mạnh – Chân dung và phong cách. Những bài viết của ông vừa khắc họa chân dung, vừa chỉ ra những cống hiến của các nhà nghiên cứu như Trần Đình Sử và quan niệm đọc hiểu văn bản; tương tự như thế là chân dung và phong cách nhà phê bình nghiên cứu Lã Nguyên với Lã Nguyên và niềm vui được nói… Gần đây bạn đọc thi thoảng lại thấy ông viết tản văn. Những bài tản văn của ông ngắn gọn, nhẹ nhàng mà đầy suy tư như Tự trọng Nhật Bản; Đi bộ muôn năm, Sư tử về già, Tiếng trống trường, Nước Úc xa xôi, Nỗi buồn của thầy Mạnh, Chị tôi

Đọc những bài ông viết về những người thân, thấy thật nặng nghĩa vẹn tình. Chẳng hạn ông viết về người thầy mà ông kính trọng nhất bằng tất cả sự thấu hiểu và cảm thông chia sẻ, cả những nỗi buồn và niềm vui: “Khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp”, cũng là lẽ thường tình. Nhưng đầu óc ông vẫn tỉnh táo, suy nghĩ vẫn mạch lạc rõ ràng, vẫn còn trẻ trung, mạnh bạo trong cách nghĩ, cách nói… chính thế mới làm ông buồn. Nỗi buồn tựa hồ như “lực bất tòng tâm”. Có điều, ở đời thường vẫn có sự bù trừ giữa các giác quan; cái này yếu thì cái khác mạnh dần lên. Cái đang mạnh lên ở thầy Mạnh phải chăng là cuộc sống nội tâm, những suy tư, chiêm nghiệm hay dở của cả đời người đang dồn tụ thành biển cả trong ông. Càng tách bạch với ngoại giới, cái biển cả tâm hồn trong ông lại càng nhiều dịp nổi sóng tung bờ…những lớp sóng buồn trước sự nhố nhăng, đen bạc của cuộc đời”.

Hoặc khi ông viết về người chị gái đầu bị bệnh hiểm nghèo, sắp ra đi, bằng những dòng thật xúc động:“Đã 40 năm trôi qua, nhưng vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ tôi hình ảnh chị dúi vào tay thằng em trai mấy đồng bạc lẻ, nói mấy câu bâng quơ, vội vã:“em cầm lấy đi tàu”… Rồi chị tiễn tôi đi ra đầu cánh đồng xanh lúa, chia tay trong bóng chiều nhạt nhòa nắng, nhạt nhòa nước mắt thương em… Tôi cứ lặng người nhớ lại những đồng bạc lẻ của chị năm xưa – những đồng tiền nhỏ nhoi thôi nhưng đã góp phần nuôi tôi ăn học, để đi xuyên qua những tháng ngày gian khó; những đồng bạc thấm đẫm mồ hôi mặn nồng của chị… Cứ nghĩ chị không chết mà chỉ hóa mây trời; hình bóng chị in hằn vào nhà cửa, vào cây cau, giếng nước, vào ngọn cỏ quanh nhà… Đâu đâu cũng thấy hình bóng chị tôi…

Khác hẳn với văn phong khoa học, hoặc những phát biểu trong sinh hoạt hàng ngày; là người khá thẳng thắn, nóng tính, dám nói, dám phản biện nên các phát biểu của ông rất được chú ý và cũng không ít người khó chịu. Tính cách ấy đã định hình ngay từ hồi còn học phổ thông và cho đến khi trưởng thành, đi làm luận án cũng như ngồi trong bất kỳ Hội đồng khoa học nào cũng thế, rất nhiều người tán thành ủng hộ nhưng cũng không ít người tỏ ra khó chịu với ông. Chẳng thế mà, ông nhớ lại lần bảo vệ luận án của mình: “Một kỷ niệm khó quên là khi tôi bảo vệ Luận án Phó tiến sĩ, trong Hội đồng khoa học có 01 phiếu phản đối. Đối với nước ngoài trong Hội đồng bảo vệ Luận án có phiếu không tán thành là chuyện bình thường, nhưng ở ta, khi đó là một sự kiện, một việc không hề bình thường chút nào!”.

Duyên nghiệp với Khoa học giáo dục

Nhận mình là “hơi bị ép” khi chọn chuyên ngành Phương pháp dạy học mà hẹp hơn nữa là khoa học phát triển chương trình và sách giáo khoa phổ thông (do chỉ tiêu NCS chuyên ngành Lý luận Văn học năm đó ít nên một bậc đàn anh tự động chuyển ông sang chuyên ngành Phương pháp dạy học (PPDH) cho thuận lợi hơn). Nhưng có lẽ sự “hơi bị ép” đấy chính là cái cơ duyên đưa ông đến với Khoa học giáo dục và trở thành chuyên gia trong cái nghề này cho đến nay. Việc đam mê viết phê bình văn học, những kiến thức về vốn văn học (lý luận và phê bình) tích lũy được đều thực sự giúp ích rất lớn trong việc nghiên cứu, ứng dụng ở lĩnh vực PPDH của ông. Sau khi hoàn thành Luận án Phó Tiến sĩ, ông được điều về công tác tại Viện khoa học giáo dục Việt Nam và gắn bó với hướng nghiên cứu phát triển chương trình và sách giáo khoa cũng đã ngót 20 năm nay.

Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, trước những yêu cầu mới của xã hội, việc nghiên cứu về phát triển chương trình SGK rất cần thiết và phải thực hiện. Bởi theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đây là một lĩnh vực rất quan trọng chi phối toàn bộ hệ thống và chất lượng giáo dục phổ thông của một Quốc gia; ảnh hưởng tới hàng triệu con người và không chỉ một thế hệ mà nhiều thế hệ trẻ Việt Nam. Trong khi lực lượng chuyên gia của nước ta ở lĩnh vực này còn hết sức mỏng, chưa được đầu tư, chú trọng đúng mức. Tính đến nay, cũng đã hơn 20 năm ông vừa trực tiếp tham gia giảng dạy (chủ yếu là dạy cho đối tượng HSG quốc gia của nhiều tỉnh trong cả nước; học viên cao học và nghiên cứu sinh) vừa tham gia nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nói chung, chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn nói riêng, nhất là lần đổi mới (năm 2000) theo Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa X. Việc ông được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT điều về Bộ phận Thường trực, chuyên trách về đổi mới chương trình và SGK sau 2015 cũng bởi ông là một trong số ít nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu tích lũy kinh nghiệm về phát triển chương trình và SGK Phổ thông.

Dự một giờ học của học sinh Úc tại thư viện

Theo hướng nghiên cứu chủ yếu tập trung vào lĩnh vực Khoa học Giáo dục, tính đến nay, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã chủ nhiệm và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó ông làm chủ nhiệm các đề tài cấp Bộ như: “Mục tiêu giáo dục phổ thông Việt Nam sau năm 2015” (2008); “Nghiên cứu đánh giá Quốc gia kết quả học tập của HS phổ thông” (2011); “So sánh quốc tế về chương trình môn học” ( 2012)…

Cùng với đó là 83 bài báo khoa học công bố trên tạp chí Khoa học Giáo dục, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Tạp chí Văn học… và xuất bản trên 130 cuốn sách giáo khoa, giáo trình, sách tham khảo; chuyên khảo phục vụ cho đối tượng học sinh phổ thông, học sinh giỏi, giáo viên, học viên cao học, NCS tham khảo, phần lớn sách là do ông làm chủ biên. Nhiều công trình, bài viết về khoa học giáo dục được công bố trên các tạp chí khoa học, được nhiều người trích dẫn, tham khảo. Có chuyên khảo mang tính tổng kết và đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Lịch sử phát triển chương trình môn học. Những năm gần đây, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống còn đi sâu nghiên cứu chương trình môn Tiếng Việt – Ngữ văn về các khía cạnh: lịch sử phát triển, đánh giá xu thế quốc tế và định hướng đổi mới của Việt Nam. Ông đã và đang hướng dẫn 11 người làm Luận án Tiến sĩ (trong đó 8 người đã bảo vệ thành công); 12 học viên bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ.

Trong số đề tài nghiên cứu, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống tâm đắc nhất công trình nghiên cứu “Chương trình môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam”. Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về lịch sử phát triển chương trình của một môn học. Công trình đã được in thành sách dày hơn 700 trang (NXB Giáo dục – 2011) nhân dịp 50 năm thành lập Viện KHGD Việt Nam. Những luận điểm trong công trình nghiên cứu giúp cho bạn đọc mà đặc biệt là giáo viên Ngữ văn, các học viên cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành Ngữ văn và phương pháp dạy học những thông tin chính xác và khá đầy đủ về lịch sử môn học, xu thế quốc tế và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới…

Cùng với những đề tài khác, đề tài “Phát triển chương trình môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam” thực sự đã góp phần chuẩn bị cho Đề án Đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015 mà Chính Phủ và Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị triển khai trong thời gian tới. Không phải ngẫu nhiên mà vừa qua (2014), PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì đã có nhiều đóng góp cho Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Chiếc máy chữ

Nếu nghiên cứu khoa học là một con đường, thì chắc chắn con đường ấy không hề dễ dàng, không hề được trải thảm hay hoa hồng và để tới đích của con đường ấy, mỗi nhà khoa học đều phải đánh đổi bằng tuổi trẻ, sức lực và nhiệt tâm cống hiến. Nhưng khi đã vượt qua những thử thách khó khăn ấy mới thấy quý biết bao những gì đã dành được và để lại trong mỗi người những bài học sâu sắc, những kỷ niệm khó quên. Với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, hơn 20 năm tham gia nghiên cứu khoa học, có hai kỷ niệm đáng nhớ. Ông kể:

“Một là, bán nhẫn để mua máy chữ. Đó là vào năm thứ 2 khi đang làm Nghiên cứu sinh tại ĐHSP Hà Nội, bản thảo của tôi thường gạch xóa nhiều lần, nhìn mù mịt, nhiều khi chính mình không luận ra mình viết gì, rất mệt khi nộp bản thảo. Vì thế tôi quyết định mua chiếc máy chữ. Tôi nhờ anh bạn cùng phòng xuống phố Hàng Bài tìm mua một chiếc máy chữ cũ. Chúng tôi tìm được chiếc Olimpia còn khá mới, họ bán tương đương với 2 chỉ vàng. Tôi quyết định bán 2 chỉ vàng dự phòng để mua chiếc máy chữ ấy. Ngày đó 2 chỉ vàng là lớn lắm, cả một gia tài! nhưng vẫn nghiến răng mà mua. (ông cười)!  Mặc dù sau đó tôi chỉ sử dụng vài ba năm, nhưng cho đến nay, tôi vẫn thấy quyết định đó là đúng.

Vì nó không những giải quyết được khâu bản thảo sạch sẽ mà quan trọng hơn nó giúp tôi tiếp cận với máy tính nhanh hơn chỉ sau đó một vài năm. Được sử dụng vi tính sớm nên công việc nghiên cứu và bảo quản dữ liệu khá tốt và thuận tiện hơn rất nhiều. Năm 1994 tôi đã sử dụng máy vi tính và khi có máy vi tính rồi, tôi tặng lại chiếc Olimpia cho nhà ngôn ngữ học, người thầy của tôi là GS.Đỗ Hữu Châu, vì chiếc máy của thầy còn cũ và tệ hơn nhiều so chiếc máy của tôi. Thú thực, nếu không có máy vi tính, không có mạng internet có lẽ tôi đành phải chịu bó tay từ lâu, từ những năm 90 của thế kỷ trước, chứ không phải trong bối cảnh ngày nay. Nhờ công nghệ thông tin mà tôi đã hoàn thành nhiều công việc với một tốc độ rất cao; năng xuất và hiệu quả hơn nhiều…

Hai là, bài học sau sự kiện “nói thẳng quá trong các Hội đồng khoa học”. Tính tôi vốn thẳng và nóng. Nghĩ sao nói vậy. Nói xong làm ngay. Trong các Hội đồng khoa học hoặc sinh hoạt khoa học chuyên ngành các Nghiên cứu sinh thường rất “ngại” khi tôi nhận xét luận án, luận văn của họ. Không hiểu sao tôi không nói nhỏ nhẹ được mà cứ phải nói to, nói nặng, nói tận gốc rễ và dùng nhiều từ ngữ mà người ngoài nghe thường cho là “ác khẩu”… Sở dĩ như thế vì nhiều năm gần đây chất lượng của các luận văn, luận án xuống quá thấp. Bảo vệ Luận văn Thạc sĩ điểm 9 đã được coi là không có kết quả tốt. Có Hội đồng tôi tham gia, 10 học viên thì đã có tới 8 người đạt điểm 10 còn lại là 9,8; 9,9 cả.

Luận án Tiến sĩ cũng không khả quan hơn, nhiều luận án chất lượng rất kém nhưng rồi do nhiều nguyên nhân Hội đồng lại cho qua… Trong bối cảnh đó tôi thường phải lựa chọn một cách ứng xử mà tôi cho là phù hợp: nói thẳng tất cả những hạn chế của luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp trường… nói một cách quyết liệt để người viết luận án và Hội đồng nhìn nhận, đánh giá cho vừa phải… còn việc bỏ phiếu thì đành ủng hộ, tránh mang tiếng nghiệt ngã, truy bức, “tiêu diệt” học trò…

Và vì thế tôi thường chỉ tham gia các Hội đồng bảo vệ cơ sở hoặc seminar (hội thảo) trong tổ bộ môn. Có lần con gái một người bạn bảo vệ luận án chính thức, em đến nhà tôi và nhờ tôi phát biểu nhẹ nhàng một chút (chắc vì em biết và nghe mọi người nói tôi hay phát biểu thẳng thắn và quyết liệt) vì ngày mai có rất nhiều người thân của em đến dự. Tôi nhận lời nhưng không hiểu sao khi đến lượt mình sau khi nghe một vài thành viên phát biểu, tôi không chịu được, “máu khoa học” lại nổi lên thế là tôi đã không giữ được lời hứa. Tôi chắc em ấy giận tôi lắm… cả mẹ em ấy nữa… nhưng biết làm sao, tính tôi vốn đã như vậy rồi. (ông cười)!

Những kỷ niệm trên con đường nghiên cứu khoa học của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống thật thú vị. Nhưng qua đó tôi (tác giả bài viết) đã hiểu hơn về ông – một nhà khoa học thật sự nghiêm túc, thẳng thắn trong công việc nhưng lại niềm nở, cởi mở, thân thiện trong cuộc sống đời thường. Với quan điểm, “Tôn trọng những quan điểm và ý kiến người khác, nhưng có cách nhìn và suy nghĩ riêng của cá nhân mình” nên có rất nhiều luận án ông phản biện độc lập và quyết định yêu cầu làm lại; nhiều đề tài của NCS ông không đồng ý nên phê phán rất nặng… nhưng họ vẫn giữ được tình cảm và mối thân tình với người thầy giáo tận tâm với khoa học ấy. Nhiều học trò hàng năm cứ vào ngày lễ tết vẫn gọi điện chúc mừng hoặc đến tận nhà thăm hỏi… Và cho đến lúc này, tôi (tác giả bài viết) vẫn không thể xác định được mình nên định danh cho PGS.TS Đỗ Ngọc Thống là nhà khoa học, nhà hoạch định chương trình giáo dục, nhà giáo hay nhà văn, nhà phê bình văn học…

Nhưng có lẽ chúng ta nên để những cống hiến, đóng góp của ông trả lời, bởi những việc ông đã và đang làm, những công trình ông đã và đang nghiên cứu không chỉ có tác động ngày một ngày hai mà có tác động đến hàng triệu học sinh phổ thông trong cả nước, tác động đến nhiều thế hệ học sinh và tác động đến cả sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam trong tương lai…


Nguyễn Lâm – Kim Nguyên

Nguồn: www.ngaynay.vn