Vời vợi ngọn lửa múa nghệ thuật

Xuất thân từ một gia đình vốn chẳng ai theo nghệ thuật, vậy mà khi 15 tuổi ông đã trúng tuyển vào lớp diễn viên múa khóa I, trường Nghệ thuật Quân đội. Đến với con đường nghệ thuật, nỗ lực và rèn luyện để trở thành nghệ sĩ đối với cậu bé Ứng Duy Thịnh chính là niềm đam mê nghệ thuật. Sau 3 năm học tập và rèn luyện, ông được phân công về nhận công tác tại Đoàn văn công Tổng cục Chính trị.

Trong quãng thời gian đất nước gồng mình với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông đã có 5 năm tham gia phục vụ biểu diễn nghệ thuật trên khắp các chiến trường. Thời gian đó chính là những trải nghiệm đầy xúc cảm của ông, vừa có cả đau thương, mất mát, hi sinh, vừa có niềm hạnh phúc. Chính những xúc cảm đó đã trở thành chất liệu để ông sáng tạo ra nhiều tác phẩm múa ghi đậm dấu ấn của Nghệ sĩ Duy Thịnh. Nhắc đến Đoàn Ca múa Quân đội, không thể không kể những tác phẩm múa để đời của người nghệ sĩ tài hoa ứng Duy Thịnh. Những tác phẩm, màn trình diễn ấn tượng: “Thư nhà, Pho tượng cổ, Bầu trời và lời ru”… kịch múa “Bông lan trắng, Đất nước”… của ông đã tạo được ấn tượng tốt trong giới chuyên môn.

Ai đó từng được thưởng thức kịch múa “Đất nước” do NSND ứng Duy Thịnh biên đạo đều dành cho tác phẩm những lời bình phẩm đẹp. Tác phẩm múa Đất nước của NSND ứng Duy Thịnh không chỉ mang tính sử thi mà còn giàu chất thơ, mang dáng dấp huyền thoại về con người Việt Nam trong suốt mấy cuộc chiến tranh gian khổ hi sinh. Tác phẩm Đất nước đã nhận được giải A của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam và Huy chương vàng Hội diễn nghệ thuật Ca Múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2008.

NSND ứng Duy Thịnh còn tham gia nhiều chương trình nghệ thuật lớn cấp Quốc gia. Năm 2008, với tư cách là Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật về Hạ Long – kỳ quan thiên nhiên thế giới với mấy ngàn diễn viên. Ông cũng viết kịch bản, Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật về đảo Cát Bà; các tác phẩm chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội… để lại dư âm sâu sắc trong lòng đồng nghiệp và công chúng. Những thành công trong sự nghiệp múa mà NSND Ứng Duy Thịnh tích lũy được còn kể đến những năm tháng ông được tu nghiệp chuyên ngành Biên đạo múa tại Học viện Leningrat thuộc Cộng hòa Liên bang Nga. Đây chính là khoảng thời gian để ông được chạm đến những đỉnh cao của nghệ thuật qua nhiều môn học tại một trung tâm nghệ thuật lớn của thế giới.

Sau 18 năm trong cương vị Trưởng đoàn Ca múa Quân đội, tháng 7-2007, Đại tá, NSND Ứng Duy Thịnh, được cấp trên điều sang giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học VHNT Quân đội. Đào tạo diễn viên, biên đạo múa không phải là việc mới nhưng công việc ở Trường Đại học VHNT Quân đội lại mới mẻ đối với ông. Được giao chuyên trách công tác nghiên cứu khoa học và phụ trách một số nội dung trong công tác đào tạo, ông đã cùng các đồng chí trong Ban giám hiệu, cố gắng góp sức để xây dựng nội dung chương trình đào tạo phù hợp với cấp học từ con người, nội dung, cơ sở vật chất. Cố gắng tìm ra những cái đặc thù của nghệ thuật để phát hiện ra những tài năng nghệ thuật cho quân đội, cho đất nước.

Trong nhiều năm cống hiến, ông đã có được nhiều thế hệ học trò xuất sắc và nhiều công trình khoa học ấn tượng. Năm 2015, ông đã vinh dự được Hội đồng Chức danh Nhà nước trao học hàm Phó giáo sư. Ông là thầy giáo đầu tiên của trường Đại học VHNT Quân đội được nhận vinh dự cao quý này. Quan điểm giảng dạy của ông khá rõ ràng, yêu cầu cao đối với học trò. Trên cương vị quản lý, ông luôn nhiệt tình dành thời gian cho giảng dạy. Bên cạnh đó, PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh còn dành thời gian hoàn thành các công trình nghiên cứu khoa học. Năm 2002, ông là chủ nhiệm đề tài cấp Tổng cục Chính trị “Nâng cao chất lượng hoạt động Ca múa nhạc chuyên nghiệp trong Quân đội hiện nay” và công trình sách “Những hiểu biết cơ bản về văn học nghệ thuật và giáo dục thẩm mỹ”. Năm 2010, ông xuất bản cuốn sách “Con đường của múa dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp” và nhiều bài viết, tham luận tạo các cuộc hội thảo khoa học được đánh giá cao.

Phải thừa nhận rằng ở người nghệ sĩ khoác áo lính luôn cháy bỏng một điềm đam mê rất “trung thành” với nghệ thuật. NSND Duy Thịnh cũng là một người như thế. Ông đã sống và “cháy” hết mình với những khát vọng nghệ thuật và biến thành những tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc đưa đến cho công chúng. Không dừng lại đó, ông còn dùng chính những kinh nghiệm, cảm xúc, năng khiếu để truyền đạt sự thăng hoa trong nghệ thuật đến với những học trò của mình. PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh thực sự đã sống và cống hiến hết tâm sức cho ngành nghệ thuật, cho những bài biên đạo múa đầy thăng hoa.


Trần Miêu

Nguồn: http://www.trithucvaphattrien.vn