Khi Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào đầu năm 1974, Nguyễn Nhã khi đó đang là chủ biên Tập san Sử Địa thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn (một tập san chuyên ngành khá uy tín thời bấy giờ) đã quyết định ra số chuyên khảo về quần đảo Hoàng Sa với quyết tâm tìm ra sự thật về chủ quyền biển, đảo của đất nước. Một năm sau đó, ông đã tổ chức triển lãm, kỷ niệm một năm ngày biến cố Hoàng Sa, trưng bày tất cả tài liệu, hình ảnh có được, thể hiện chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người có hơn 40 năm nghiên cứu về biển, đảo Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Tiến sĩ Nguyễn Nhã bên các tài liệu, hiện vật và các bài báo liên quan đến công tác nghiên cứu chủ quyền của hai quần đảo Trường Sa – Hoàng Sa được ông lưu giữ tại nhà riêng. Ảnh: Thông Hải
Tiến sĩ Nguyễn Nhã tại một buổi nói chuyện với sinh viên ở Thư viên công cộng San Jose, Mỹ năm 2011. Ảnh: Tư liệu
TS. Nguyễn Nhã tại một buổi nói chuyện về chủ quyền biển, đảo Việt Nam tại Đại học Temple, Philadelphia (Mỹ) năm 2010. Ảnh: Tư liệu
TS. Nguyễn Nhã tham gia Hội thảo quốc tế tại Đà Nẵng về chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa: sự thật lịch sử” năm 2014. Ảnh: Tư liệu
Tấm bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” do giám mục Taberd (Pháp) lập và xuất bản năm 1838 đã vẽ rất chính xác về tọa độ quần đảo Paracel (Hoàng Sa) là của Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
TS. Nguyễn Nhã giới thiệu với công chúng tấm bản đồ “An Nam Đại quốc họa đồ” do giám mục Taberd (Pháp) lập và xuất bản năm 1838 đã vẽ rất chính xác về tọa độ quần đảo Paracel (Hoàng Sa) là của Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Kể từ ngày đó, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Nhã không ngừng tìm tòi nghiên cứu về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ông đã lặn lội đến nhiều địa phương, từ đất liền đến hải đảo, để tìm kiếm của những bằng chứng liên quan đến hai quần đảo này. Đặc biệt, ông đã tìm đến tận đảo Lý Sơn, nghiên cứu dấu vết, tư liệu và bằng chứng khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Sự kiên trì của ông đã được nhiều nhà nghiên cứu về lĩnh vực này đánh giá cao.
Năm 2003, từ những nghiên cứu của mình, Nguyễn Nhã đã đúc kết thành luận án tiến sĩ với đề tài ”Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” và được Hội đồng khoa học đánh giá rất cao. Đây là công trình khoa học vừa mang tính thời sự lại vừa mang giá trị của những chứng cứ lịch sử, góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền tổ quốc. Từ luận án tiến sĩ này, Nguyễn Nhã đã phát triển thành cuốn sách “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” (Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản tháng 7/2013). Cuốn sách là công trình nghiên cứu khoa học trong suốt 40 năm của tác giả dựa trên nguồn tư liệu phong phú được thu thập cả trong và ngoài nước. Nội dung cuốn sách mô tả về quá trình phát hiện, thực thi chủ quyền ngay từ thế kỷ XVII của Nhà nước phong kiến Việt Nam, thông qua công tác quản lý, điều hành, tổ chức các đội thuyền đi khảo sát, đo đạc, vẽ bản đồ, khai thác tài nguyên, dựng bia, chùa, miếu, trồng cây, xây cơ sở hạ tầng,… Qua đó thể hiện chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mong muốn của Tiến sĩ Nguyễn Nhã là tìm cách phổ biến rộng rãi những nghiên cứu của mình đến nhiều người, nhất là cho giới trẻ để mọi người ý thức hơn về trách nhiệm với đất nước mình.
Những năm gần đây, nhiều tác phẩm của Tiến sĩ Nguyễn Nhã đã được dịch sang tiếng Anh và được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến. Ông đã mang các tác phẩm, tài liệu của mình sang các nước phương Tây, Mỹ, Úc, Singapore, gặp gỡ và nói chuyện với nhiều trường học, tổ chức. Qua đó, ông mong muốn giới thiệu, công bố những tài liệu có được về sự thật và chủ quyền biển đảo Việt Nam, mong nhận được sự ủng hộ của quốc tế.
Tác phẩm “Trường ca biển đông và Giữ hồn dân tộc”, đồng tác giả của TS. Nguyễn Nhã. Ảnh: Tư liệu
Trên cương vị thầy giáo, Tiến sĩ Nguyễn Nhã là người được nhiều thế hệ sinh viên yêu quý và noi gương. Ngoài ra, ông còn chủ trì Đề án “Bếp Việt – bếp của thế giới”, chuyên giới thiệu các món ăn thuần Việt ra nước ngoài từ năm 2007.
Giờ đây, dù tuổi đã cao nhưng Tiến sĩ Nguyễn Nhã vẫn miệt mài với những đam mê nghiên cứu của mình. Ngoài lịch sử, ông còn yêu thích văn hóa ẩm thực và thi ca của dân tộc. Đó là lý do hiện Tiến sĩ Nguyễn Nhã đang cùng với một người bạn thực hiện Dự án thi hóa lịch sử, văn hóa của từng tỉnh, thành trong nước thành những bài thơ dễ đọc, dễ tiếp thu – cũng là một cách tìm hiểu và giữ gìn giữ lịch sử của dân tộc./.
Bài: Sơn Nghĩa – Ảnh: Thông Hải & Tư liệu
Nguồn: vietnam.vnanet.vn/vietnamese/nguoi-hon-40-nam-nghien-cuu-bien-dao-viet-nam/272422.html