Chiếc radio-casset và chuyện tình của một nhà khoa học

Đúng 60 năm về trước, duyên số đã tạo nên cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa cô gái trẻ Tạ Kim Mai với chàng trai Nguyễn Văn Lộc khi đó là công nhân nấu gang ở chiến khu Việt Bắc. Lần ấy, Kim Mai đến chơi nhà chị gái Tạ Kim Khanh và anh rể Võ Quý Huân[1], còn Nguyễn Văn Lộc đến vì có việc cần gặp anh Huân. Kim Mai sẵn có cảm tình với bộ đội nên hai người dễ làm quen rồi trở thành bạn bè với nhau.

Ngay từ thời kỳ đầu quen biết chàng thanh niên này, Tạ Kim Mai đã linh cảm đây là một người có ý chí. Một thời gian sau, Nguyễn Văn Lộc dự định thi vào liên khoa Mỏ – Luyện kim của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Biết vậy, Kim Mai liền nhờ người em họ tên là Chính đã từng học ở trường Albert Sarraut dạy thêm cho bạn mình môn toán. Với Kim Mai, sự giúp đỡ đó hoàn toàn vô tư, chỉ đơn thuần là giúp đỡ một người bạn. Năm 1956, Nguyễn Văn Lộc thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa và trở thành sinh viên Bách khoa khóa I. Từ đó hai người không liên lạc với nhau, bởi Kim Mai đi học trường Trung cấp Bưu điện ở Hà Đông, còn Nguyễn Văn Lộc tập trung vào niềm đam mê học ngành luyện kim ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Khoảng tháng 8-1959, khi chuẩn bị đi thực tập hai năm ở Trung Quốc, Nguyễn Văn Lộc đến chào tạm biệt gia đình anh Võ Quý Huân và nhờ chị Tạ Kim Khanh nhắn giúp với Kim Mai rằng mình muốn gặp cô ấy, kẻo hai năm sau mới có cơ hội gặp lại. Rồi không lâu sau đó, Kim Mai tới nhà chị gái chơi và đã kịp nhận được lời nhắn. Kể lại chuyện ấy, bà Mai chia sẻ: “Không hiểu lúc đó thế nào tôi lại đồng ý gặp ông ấy và cũng từ buổi gặp mặt đó cảm tình vốn có giữa hai chúng tôi càng được phát triển”[2].

Tháng 12-1959, Nguyễn Văn Lộc đi thực tập ở Sơn Tây, Trung Quốc. Trong hai năm 1960-1961, hai người giữ liên lạc với nhau qua những lá thư. Chính tình yêu dành cho Kim Mai đã trở thành chất liệu để Nguyễn Văn Lộc viết nên bài thơ “Mùa xuân” ghi trong cuốn nhật ký khi ông học ở Trung Quốc, trong đó có đoạn[3]:

… Anh yêu em như yêu viên ngọc quý

Dù nơi đâu vẫn theo dấu hình em

Nếu lấy máu đỏ viết những dòng chữ thắm

Sẽ chẳng ngại ngần anh sẽ viết ra ngay

Anh đã đi nửa vòng trái đất

Sống nửa cuộc đời mới kiếm được em…

Tình yêu trong xa cách thường không tránh khỏi hờn ghen, giận dỗi xen vào, vì vậy có những lúc cũng xảy ra trục trặc, như bà Mai tâm sự: “Có thời gian 3 tháng tôi không viết thư cho ông ấy, bởi tôi thấy tính ông ấy trẻ con, nhiều lúc những lời trong thư ông viết làm cho tôi giận và cảm thấy khó hiểu về ông ấy”[4]. Về phía chàng trai Nguyễn Văn Lộc, 3 tháng liền không nhận được thư của bạn gái là điều làm cho anh canh cánh lo lắng về chuyện tình cảm, cộng với việc học hành vất vả nên dẫn tới bị đau dạ dày. Kim Mai không hề biết điều đó cho đến khi nhận được thư của anh Dương Hoàng là trưởng đoàn thực tập sinh. Trong thư, anh Hoàng cho biết: vì không nhận được thư của Mai nên Lộc lo lắng và đau dạ dày, Lộc yêu Mai nhưng tính tình không chín chắn, và Lộc suốt ngày học hành chứ không yêu ai khác. Nhận được những thông tin này, Kim Mai lại thương và tiếp tục viết thư cho người yêu.

Năm 1961, khi vừa kết thúc hai năm thực tập ở Trung quốc và trở về Việt Nam, Nguyễn Văn Lộc đã nôn nóng muốn lấy Kim Mai làm vợ. Chỉ một vài tháng sau, anh đến gặp gia đình người yêu ở phố Bảo Khánh, Hà Nội để thưa chuyện. Bà Mai vẫn nhớ như in: “Ông Lộc đến nhà thưa chuyện với gia đình tôi, ông nói rằng lò cao số 1 ở Khu gang thép Thái Nguyên sắp đi vào hoạt động, nếu không cưới nhanh thì đến khi đó ông Đinh Đức Thiện (Giám đốc Khu gang thép Thái Nguyên) sẽ ít cho về chơi, nên tốt nhất là hai bác cho chúng con cưới luôn để con yên tâm công tác”[5]. Thời gian này, Kim Mai mới tốt nghiệp Trung cấp Bưu điện và về công tác ở Tổng cục Bưu điện, phục vụ mảng công việc chống bão lụt của 4 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình. Bởi vậy, cô thường xuyên phải đi công tác ở bốn tỉnh, còn Nguyễn Văn Lộc từ Thái Nguyên hay phải đến các tỉnh đó thăm người yêu. Tuy vất vả là vậy, nhưng như bà Mai kể lại: “Ông ấy là Đảng viên nên muốn tôi cũng vào Đảng, bởi vậy ông rất ủng hộ công việc của tôi nên thường đi đến những nơi tôi công tác để thăm tôi”[6]. Trước ý nguyện đã bày tỏ của Nguyễn Văn Lộc, gia đình Kim Mai mặc dù không phản đối nhưng cũng khuyên con gái nên suy nghĩ kỹ về chuyện kết hôn, vì thấy chàng trai này có vẻ ốm yếu và lại chưa vững vàng về điều kiện kinh tế, còn con gái mình thì từ bé không phải vất vả bao giờ, e rằng sẽ khổ nếu hai người lấy nhau. Song, tình yêu của hai người dành cho nhau lớn hơn tất cả và họ quyết định tiến tới hôn nhân.

Ngày 13-3-1961, lễ cưới của hai người được tổ chức tại phòng cưới Trăm hoa ở phố Bà Triệu, Hà Nội, có đông họ hàng và bạn bè hai bên đến dự. Đó là kết quả của một mối tình đẹp, nhưng cũng mở đầu cho cuộc sống có nhiều khó khăn sau này của một gia đình nhỏ. Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ đến ở nhờ nhà một người chú của chàng rể. Không chỉ vậy, họ phải chịu cảnh chồng công tác ở Thái Nguyên, mỗi tháng về được 1-2 lần, còn vợ thì được phân công công tác tại Bưu điện Nam Định, cho nên phải sống xa nhau phần lớn thời gian. Bà Mai vẫn nhớ, có lần lên Thái Nguyên thăm chồng, bà phải ngồi chờ đến chiều tối mới gặp được. Năm 1962, bà được chuyển công tác về Hà Nội và được Tổng cục Bưu điện cấp cho căn hộ 15m2 tại khu tập thể Kim Liên. Nhưng ông thi thoảng mới về, chỉ khi nghỉ phép mới ở nhà được ít ngày, còn bà vừa bận rộn công tác, vừa gánh vác công việc gia đình, kể cả việc phải chăm sóc mẹ chồng khó tính và đứa cháu (con của anh chồng) ở cùng. Cũng trong năm ấy, đứa con gái đầu lòng là Nguyễn Mai Hồng ra đời, rồi sau đó một năm thì sinh tiếp cậu con trai Nguyễn Xuân Khoa. Vậy là nhà có tới 6 người, vẫn ở căn hộ 15m2 nên khá chật chội. Khó khăn nhất là từ năm 1966 đến 1969, ông Lộc sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh, ở nhà chỉ còn bà là chỗ dựa cho cả gia đình. Đây cũng là giai đoạn không quân Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, nên cuộc sống càng gian khổ hơn. Để cho chồng yên tâm học tập và làm luận án phó tiến sĩ, bà phải lo toan chu đáo mọi công việc gia đình. Cũng may, năm 1969, sau khi bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ, ông Lộc về trường Đại học Bách khoa công tác và được phân một căn hộ ở khu tập thể của trường, từ đó có chỗ ở rộng rãi hơn trước.

Năm 1972, để đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại dữ dội miền Bắc của không quân Mỹ, bà Mai mang theo con gái út Nguyễn Thị Hồng Hạnh mới 2 tuổi đi sơ tán lên Sơn Tây, còn ông Lộc đưa hai con lớn theo trường Đại học Bách khoa sơ tán lên Hiệp Hòa, Bắc Giang. Thỉnh thoảng bà lại đạp xe mang dầu, gạo đến Hiệp Hòa tiếp tế cho chồng và con. Rồi hiệp định Pari ký kết đầu năm 1973 và tất cả được trở về Hà Nội. Đến năm 1978, ông Lộc trở lại Liên Xô làm luận án tiến sĩ, 4 năm liền bà lại một mình gánh vác gia đình, đặc biệt là phải vừa xoay xở về kinh tế, vừa chỉ bảo con cái học hành. Nói về thời kỳ gian nan ấy, bà cho biết: “Vất vả lắm, vất vả đến cực độ! vì giai đoạn đó tôi bị bệnh; cũng may con cái đều học giỏi, con gái lớn được cử sang Liên Xô học, con trai thì sang Hungari học”[7]. Ông cũng hiểu được những khó khăn mà bà phải đối mặt, bởi vậy ông đã viết những dòng tự sự khi ở Liên Xô, như bà Mai chia sẻ lại: “Anh càng ngày càng thương yêu em hơn… cuộc sống khó khăn anh không chăm sóc em được bao nhiêu. Giờ đây xa nhau anh càng thấy thương yêu em hơn. Anh thật có lỗi với em!”[8].

Sau này, từ khi nghỉ hưu (1990), bà trở thành “thư ký đặc biệt” giúp ông đánh máy và ghi chép tư liệu nghiên cứu, đồng thời chăm sóc ông, nhất là trong những năm tháng ông bị bệnh. Mấy chục năm chung sống, chỉ có bà luôn thấu hiểu người bạn đời của mình cần gì và muốn gì. Bà tâm sự: “Ông ấy lúc nào cũng chỉ thích làm việc và nghiên cứu nên tôi luôn tạo điều kiện cho ông ấy được làm điều đó”[9]. Chính vì thế mà lúc sinh thời, GS Nguyễn Văn Lộc tự nhận mình là người may mắn khi có vợ làm điểm tựa.

 

Chiếc radio-casset và băng nhạc “Giọt mưa thu”

Tình yêu của hai ông bà dành cho nhau dài theo năm tháng. Năm 2005, nhân kỷ niệm ngày cưới, bà Mai mua tặng chồng chiếc radio-casset mang nhãn hiệu Sony cùng với băng nhạc “Giọt mưa thu”. Bà chia sẻ về việc lựa chọn món quà này: “Vì ông Lộc lao động trí óc căng thẳng, nên muốn tâm hồn và trí não được thư giãn thì ông thường nghe nhạc. Tôi biết sở thích nghe nhạc của ông ấy là nhạc Văn Cao và những bản nhạc tiền chiến như Du kích sông Thao, Trường ca sông Lô, Cô láng giềng…, nên tôi mua những băng nhạc thể loại này cho ông nghe. Bên cạnh đó, ông ấy rất hay nghe tin tức khoa học, các hoạt động của nhà máy gang thép, tin về Hoàng Sa, Trường Sa. Khi nhận món quà này, ông rất tâm đắc và nói rằng: Tôi không phải là người ham vật chất, cuộc đời tôi đã được nghiên cứu những gì mình thích, tôi có một người vợ tốt và hiểu mình như vậy là đủ rồi!”[10].

Từ ngày có chiếc radio-casset, GS Lộc có thói quen đặt nó trên đầu giường để nghe, nhất là từ khi bệnh tình của ông ngày càng nặng, bà Mai không cho ông xem tivi nữa thì đây là kênh duy nhất cho ông nghe tin tức và giải trí hàng ngày. Cứ như vậy, chiếc radio-casset đã như một người bạnluôn ở cạnh ông cho đến cuối đời.

Chiếc radio-casset có kích thước 50cm x 14cm x 12cm, mặt trước có chữ CFS-B5S, được bà Mai thường xuyên lau chùi và bảo dưỡng cẩn thận, cả khi ông còn sống cũng như sau khi ông qua đời. Vì vậy, dù trải qua thời gian, chiếc đài đã cũ và bong một ít sơn ở mặt trước, nhưng vẫn còn sử dụng được.

Khi trao tặng kỷ vật này cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, bà Tạ Kim Mai xúc động chia sẻ rằng: mỗi lần nhìn thấy chiếc radio-casset và băng nhạc mà sinh thời GS.TSKH Nguyễn Văn Lộc đã từng nghe, bà lại cảm thấy như ông vẫn ngồi nghe, vẫn còn bên bà như ngày xưa!

 

Lê Thị Hoài Thu

__________________

* GS.TSKH Nguyễn Văn Lộc (1932-2010), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Vật liệu, thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam).

[1] Ông Võ Quý Huân là kỹ sư Đúc – Luyện kim ở Pháp. Năm 1946 ông theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước và tham gia kháng chiến.

[2] Ghi âm hỏi thông tin bà Tạ Kim Mai – vợ GS.TSKH Nguyễn Văn Lộc, ngày 28-4-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[3] Ghi âm hỏi thông tin bà Tạ Kim Mai ngày 23-6-2015, tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

[4] Ghi âm hỏi thông tin bà Tạ Kim Mai ngày 28-4-2015, tài liệu đã dẫn.

[5] Ghi âm hỏi thông tin bà Tạ Kim Mai ngày 28-4-2015, tài liệu đã dẫn.

[6] Ghi âm hỏi thông tin bà Tạ Kim Mai ngày 28-4-2015, tài liệu đã dẫn.

[7] Ghi âm hỏi thông tin bà Tạ Kim Mai ngày 28-4-2015, tài liệu đã dẫn.

[8] Ghi âm hỏi thông tin bà Tạ Kim Mai ngày 23-6-2015, tài liệu đã dẫn.

[9] Ghi âm hỏi thông tin bà Tạ Kim Mai ngày 28-4-2015, tài liệu đã dẫn.

[10] Ghi âm hỏi thông tin bà Tạ Kim Mai ngày 28-4-2015, tài liệu đã dẫn.