Năm 2000, nhằm tập hợp đông đảo hơn đội ngũ các nhà khoa học ngành Địa hóa, PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh[1] cùng một số cộng sự làm hồ sơ đề nghị Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội Địa hóa Việt Nam trên cơ sở phân hội Địa hóa do ông tổ chức từ những năm 80. Ngày 20-1-2005, theo quyết định số 18/2005/QĐ-BNV của Bộ Nội Vụ, Hội Địa hóa Việt Nam cùng 13 hội trực thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam được thành lập. Trụ sở của Hội đặt tại Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản ở số 67 đường Chiến Thắng, phường Văn Quán, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.
Năm 2010, GS Đặng Trung Thuận được đông đảo các hội viên tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam. Ông đảm nhiệm chức vụ này trong hai nhiệm kỳ với 10 năm (2010-2020). Thời gian này, nhiều quyết sách của ông đã để lại những dấu ấn đậm nét trong hoạt động của Hội Địa hóa Việt Nam.
Tự chủ kinh tế bằng hoạt động khoa học
Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, GS Đặng Trung Thuận luôn băn khoăn về nguồn kinh phí hoạt động của Hội. Ông nhận thấy rằng: Đa số thành viên của Hội đều là những người có học thức tương đối cao. Vì vậy, kiếm tiền bằng chuyên môn của mình là phù hợp nhất![2]. Ông khuyến khích các hội viên tham gia đấu thầu đề tài khoa học do nhà nước tổ chức. Theo ông, đây vừa là cơ hội để các hội viên nâng cao năng lực chuyên môn vừa tạo thêm thu nhập cho bản thân và Hội. Trong khi nhiều đơn vị chủ quản thu lệ phí quản lý rất cao (15-30%) thì Hội Địa hóa chỉ thu phí 5%. Tuy nhiên, nó cũng đủ duy trì những hoạt động cơ bản của Hội mà không phải thu lệ phí từ các hội viên[3], GS Đặng Trung Thuận chia sẻ. Theo PGS Nguyễn Văn Phổ[4]: Hình thức đấu thầu góp phần tích cực trong việc khích lệ các thành viên của Hội tham gia nghiên cứu khoa học[5].
Ban chấp hành Hội Địa hóa Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.
GS.TSKH Đặng Trung Thuận (thứ 7, từ trái sang)
Tuy nhiên, việc cạnh tranh với nhiều cơ quan nhà nước như Viện Khoa học Địa chất – Khoáng sản, Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam)… để đấu thầu là vô cùng khó khăn. GS Đặng Trung Thuận tâm sự: Mình thuộc đơn vị xã hội nghề nghiệp nên cố gắng đấu thầu trong mức cho phép[6]. Năm 2016, Hội đấu thầu thành công hai đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước. Đó là các đề tài “Nghiên cứu, áp dụng công nghệ tích hợp địa môi trường – địa sinh thái nhằm ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường nước tại một số điểm ở các lưu vực sông vùng Tây Bắc” do TS Nguyễn Thị Hoàng Hà[7] làm chủ nhiệm và “Cơ sở khoa học và định hướng quy hoạch không gian vùng bờ Việt Nam” do TS Nguyễn Văn Quý làm chủ nhiệm. GS Đặng Trung Thuận tuy không tham gia trực tiếp từng đề tài nhưng với vai trò Chủ tich Hội, ông phụ trách chung. Ông đại diện Hội ký hợp đồng với Bộ Khoa học và Công nghệ, quản lý việc triển khai đề tài, đồng thời duyệt sản phẩm cuối cùng của đề tài trước khi nghiệm thu.
Cụ thể như với đề tài về lưu vực sông vùng Tây Bắc, ông luôn đồng hành cùng TS Hoàng Hà trong quá trình thực hiện đề tài. Hội tổ chức nhiều cuộc hội thảo khác nhau: tham vấn ý kiến của các chuyên gia trước khi triển khai đề tài; đánh giá kết quả đã thực hiện, ưu nhược điểm và xác định kế hoạch thực hiện; đánh giá toàn bộ kết quả thu được, tham vấn ý kiến chuyên gia trước khi nghiệm thu.
Đầu tháng 1-2020, Hội Địa hóa đã triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá đặc điểm địa hóa môi trường vùng cửa sông đồng bằng sông Hồng”, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam là cơ quan chủ quản. Chủ nhiệm đề tài là CN Nguyễn Thị Loan. Dự kiến đề tài hoàn thành vào cuối năm 2021. Mặc dù kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch vào cuối năm 2020, nhưng GS Đặng Trung Thuận vẫn tiếp tục hỗ trợ CN Loan về chuyên môn cho đến khi hoàn thành đề tài.
Khuyến học địa hóa
Tâm huyết với ngành Địa chất, GS Đặng Trung Thuận từng tâm sự: Hiện nay, bất luận là trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Mỏ – Địa chất hay Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thì việc tuyển sinh ngành Địa chất đều rất khó. Số lượng học sinh đăng ký học ngành này càng ngày càng ít hơn[8]. Chuyên ngành Địa hóa cũng không tránh khỏi tình trạng chung của lĩnh vực Địa chất. Bởi vậy, ngay khi làm Chủ tịch Hội, GS Đặng Trung Thuận đã đề xuất sáng kiến trích một phần tài chính của Hội để thành lập quỹ khuyến học nhằm động viên các bạn trẻ đã lựa chọn gắn bó với ngành Địa hóa. Bất kỳ nghiên cứu sinh, học viên cao học nào bảo vệ thành công luận án, luận văn thì đều được nhận “phần thưởng khuyến học” của Hội Địa hóa. Mỗi buổi bảo vệ, Hội cử người tham dự và trao phần thưởng ngay sau khi Hội đồng chấm luận văn, luận án công bố kết quả bảo vệ, với định mức 5 triệu đồng cho tân tiến sĩ và 3 triệu đồng cho tân thạc sĩ. Trong 10 năm, Hội đã trao phần thưởng cho 4 nghiên cứu sinh và 3 học viên cao học của các cơ sở đào tạo khác nhau. Chẳng hạn, TS Nguyễn Văn Niệm, ThS Dương Thị Thanh Tâm (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng Sản), TS Trần Thị Hồng Minh, TS Đặng Thị Vinh (trường ĐH Mỏ – Địa chất)…
Bên cạnh đó, GS Đặng Trung Thuận luôn khuyến khích các hội viên tích cực học tập, tham gia nghiên cứu khoa học. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học gắn với Địa hóa. Trong đó phải kể tới hội thảo “Địa hóa và Đời sống” tổ chức ngày 10-12-2020 tại Bảo tàng khoa Địa chất, trường Đại học Khoa học tự nhiên. Đối tượng được mời trình bày tham luận là những cán bộ làm việc trong ngành Địa hóa dưới 50 tuổi, yêu thích nghiên cứu khoa học. Ngoài 32 nhà khoa học trẻ có bài tham luận, GS Đặng Trung Thuận mời thêm một số thành viên kỳ cựu của Hội tham gia góp ý cho các bài tham luận. Theo ông, đây là cơ hội để các cán bộ trẻ phát huy tinh thần sáng tạo, chia sẻ, trao đổi và trau dồi kiến thức chuyên môn.
Tích cực tham gia phản biện xã hội
Là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, Hội Địa hóa Việt Nam có nhiệm vụ tư vấn, phản biện về chiến lược phát triển địa chất, tài nguyên khoáng sản; về các chính sách, chế độ và các biện pháp cụ thể của các cấp Trung ương, Địa phương, Bộ Ngành nhằm thúc đẩy ngành địa chất phát triển. Vì vậy, GS Đặng Trung Thuận luôn khích lệ các thành viên tích cực tham gia công tác này. Ngày 21-12-2018, Hội Địa hóa kết hợp cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức hội thảo “Đánh giá và cân nhắc những vấn đề trước khi thực hiện hoạt động khai thác mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh”. Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều thành viên tham gia gồm cả nhà khoa học như GS.TS Mai Trọng Nhuận[9], PGS.TS Nguyễn Văn Phổ… đại diện lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh: ThS Đỗ Khoa Văn[10], ông Lê Công Lương[11].
Trong bài tham luận “Những vấn đề cần được đánh giá, cân nhắc khi khai thác mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh”, GS Đặng Trung Thuận đánh giá: Khai thác mỏ sắt Thạch Khê là một dự án kinh tế quy mô lớn, ảnh hưởng của nó không chỉ bó hẹp trên vùng đất Thạch Hà, mà còn vượt ra ngoài ranh giới của tỉnh Hà Tĩnh, gây ra tác động nhiều mặt, nhất là đối với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên và lợi ích của các bên liên quan[12]. Hầu hết các nhà khoa học đều tán thành với quan điểm này và ký vào bản kiến nghị gửi các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước nên dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
GS.TSKH Đặng Trung Thuận trình bày tham luận tại Hội thảo về mỏ sắt Thạch Khê, 21-12-2018
Ngoài hoạt động chuyên môn, GS Đặng Trung Thuận cũng luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của các hội viên. Trong hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch, ông đã quyết định hàng năm sẽ trích một phần tiền quỹ của Hội để tổ chức cho các thành viên trong Ban chấp hành Trung ương Hội và hội viên đi du lịch. Tùy từng chuyến du lịch mà Hội sẽ hỗ trợ 30-50% kinh phí cho mỗi thành viên[13], GS Đặng Trung Thuận chia sẻ. Ngoài các danh lam thắng cảnh ở trong nước, Hội đã tổ chức cả những chuyến du lịch nước ngoài: Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Điều này giúp các hội viện có cơ hội thưởng ngoạn nhiều cảnh quan thiên nhiên, tìm hiểu cách bảo vệ cảnh quan, nâng cao hiểu biết về văn hóa, xã hội, trình độ phát triển, quản lý môi trường của các nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.
Cuối năm 2020, kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam, GS Đặng Trung Thuận quyết định “lui lại hậu trường”. Theo ông, để người trẻ hơn kế nhiệm ông tham gia lãnh đạo Hội có thể sẽ đem lại luồng gió mới, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động mà Hội đã xây dựng lên. Ông hy vọng các hội viên sẽ tiếp tục phát huy sự nhiệt tình, sáng tạo của mình trong việc nghiên cứu, điều tra cơ bản về Địa hóa nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Lê Lợi
* GS.TSKH Đặng Trung Thuận, nhà khoa học ngành Khoa học Trái đất, nguyên Chủ nhiệm khoa Địa lý – Địa chất, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
[1] PGS.TS Nguyễn Khắc Vinh nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản.
[2] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Đặng Trung Thuận, ngày 27-7-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[3] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Đặng Trung Thuận, ngày 27-7-2021, đã dẫn.
[4] PGS.TS Nguyễn Văn Phổ, từng làm nghiên cứu viên phòng Địa hóa, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt
[5] Tài liệu ghi âm PGS.TS Nguyễn Văn Phổ, ngày 30-8-2021, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[6] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Đặng Trung Thuận, ngày 27-7-2021, đã dẫn.
[7] Bà Nguyễn Thị Hoàng Hà nay là Phó giáo sư – tiến sĩ, Phó Chủ nhiệm bộ môn Địa chất môi trường, khoa Địa chất, trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
[8] TL ghi âm GS.TSKH Đặng Trung Thuận, ngày 19-3-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt
[9] GS.TS Mai Trọng Nhuận nguyên là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
[10] ThS Đỗ Việt Khoa lúc đó là Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh.
[11] Ông Lê Công Lương lúc đó là Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh.
[12] Tài liệu ghi âm hội thảo “Đánh giá và cân nhắc những vấn đề trước khi thực hiện hoạt động khai thác mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh”, ngày 21-12-2018, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
[13] Tài liệu ghi âm GS.TSKH Đặng Trung Thuận, ngày 27-7-2021, đã dẫn.